Văn hóa Huế | Homepage
Chuyện về bà Bùi Mộng Điệp, “thứ phi” của Cựu hoàng Bảo Đại

Chuyện về bà Bùi Mộng Điệp, “thứ phi” của Cựu hoàng Bảo Đại

🕔28.Oct 2013

- Lúc 12h ngày 26/6/2011 “thứ phi” Bùi Mộng Điệp trút hơi thở cuối cùng tại Paris, thọ 87 tuổi. May mắn là bà còn để lại nhiều tài liệu giúp làm rõ thêm quãng đời còn trong bóng tối của ông vua cuối cùng triều Nguyễn…

Tháng 8/1945, trước cao trào cách mạng của nhân dân, vua Bảo Đại xin thoái vị và tuyên bố: “Thà làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ”. Cựu hoàng Bảo Đại được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ra Hà Nội làm cố vấn cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Người miền Bắc vốn không có mấy cảm tình với nhà Nguyễn, nhưng qua hành động thoái vị của vua Bảo Đại đã góp phần đưa đến sự thành công của Cách mạng tháng Tám/1945, nên người miền Bắc – trong đó có bà Mộng Điệp – đã đem lòng cảm mến ông. Cựu hoàng Bảo Đại ra Hà Nội làm Cố vấn được mấy ngày thì ông Nguyễn Đình Liên – một trí thức Hà Nội, được sự sắp đặt của tổ chức, mời bà Mộng Điệp đến giới thiệu với Bảo Đại. Cô gái Hà Nội với ông vua vừa từ giã ngai vàng gặp nhau lần đầu ở sân Tennis và họ đã phải lòng nhau. Cựu hoàng Bảo Đại thương yêu bà và xem bà là một “thứ phi” Phương Bắc. Bà Mộng Điệp đến sống với Cựu hoàng tại số 51 Trần Hưng Đạo và có mang hoàng nữ Phương Thảo.

 

Tháng 3/1946, Cựu hoàng Bảo Đại được Bác Hồ cử sang Trung Quốc trong một sứ mệnh ngoại giao. Bà Mộng Điệp sinh hoàng nữ Phương Thảo xong, được Chính phủ cho bà đi cùng một chuyến tàu với bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đem tiền sang Hồng Kông cho Cựu hoàng. Ngày bà về lại Hà Nội thì chiến tranh Việt – Pháp đã bùng nổ, bà Mộng Điệp bị Pháp bắt. Ở nước ngoài CH Bảo Đại gởi thư phản đối, nhờ thế bà mới được thả ra.

 Đến năm 1948, vì không chịu được sự thử thách của hoàn cảnh, Bảo Đại trở lại cộng tác với Pháp, lãnh chức vụ Quốc trưởng Chính phủ Quốc gia, bà Mộng Điệp được đón lên Đà Lạt. Bảo Đại mua của ông Basier tặng cho bà ngôi biệt thự khá lộng lẫy ở đường Graffeuille, gần Trại Hầm (nay là nhà tập thể 14 Hùng Vương). Năm 1950, người Pháp “trả” Tây Nguyên cho Chính phủ quốc gia, Cựu hoàng Bảo Đại lập riêng cho vùng đất nầy một thể chế hành chính đặc biệt gọi là Hoàng triều cương thổ, bà Mộng Điệp được cử lên Buôn Mê Thuột giúp Cựu hoàng giữ đất Tây Nguyên.

 

Ở Buôn Mê Thuột, ngoài biệt điện được sửa sang lại từ dinh Công sứ cũ của ông Didelot1 ở trung tâm thành phố, để có nơi nghỉ ngơi và tiện việc săn bắn, bà Mộng Điệp gọi một nhà thầu người hoàng tộc là ông Tôn Thất Hối2 xây ở hồ Lak một ngôi biệt điện, cách Đông nam thành phố Buôn Mê Thuột trên 50km3. Bà cũng đã thừa lệnh bà Từ Cung xây dựng chùa Khải Đoan4- ngôi chùa Sắc tứ cuối cùng của triều Nguyễn và lớn nhất ở Dak Lak hiện nay.

 Trong chùa Khải Đoan còn giữ một quả đại hồng chung do Hoàng Thái hậu Từ Cung, Hoàng Thái tử Bảo Long và Hoàng tử Bảo Thăng tặng. Để việc di chuyển giữa Buôn Mê Thuột – Hà Nội – Huế – Đà Lạt – Nha Trang – Sài Gòn được dễ dàng, bà Mộng Điệp cho mở sân bay Buôn Mê Thuột. Chính tại sân bay này, bà Từ Cung và bà Mộng Điệp đã thay mặt Bảo Đại đón nhận lại cặp ấn kiếm của triều Nguyễn đã trao cho Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà và do chiến tranh làm thất lạc đã lọt vào tay thực dân Pháp ở Hà Nội. Pháp không dám dùng buộc phải trả lại cho Cựu hoàng. Cặp ấn kiếm được thờ ở Buôn Mê Thuột – nơi Bảo Đại đã từng xem như một “ tân sở” của triều Nguyễn.

 

Hoàng nữ Phương Thảo (thứ hai bên phải) chờ nhận bằng khen và huy hiệu
do lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế trao tặng (2008). Ảnh của P.Th.

 Bà Mộng Điệp khéo ăn ở, tháo vác, biết lái xe, cưỡi voi, chăm lo việc thờ cúng tổ tiên nên bà được Hoàng tộc và bà Từ Cung quý mến. Bà được ban cho áo mũ để thay mặt Hoàng hậu Nam Phương trong các cuộc tế lễ. Bà Mộng Điệp theo đạo Phật, xuất thân trong gia đình bình dân rất giống với hoàn cảnh của Hoàng Thái hậu Từ Cung. Những khi Bảo Đại đi săn lạc trong rừng, bà Mộng Điệp phải cưỡi voi đi tìm chồng. Nhiều lần bà tìm thấy Bảo Đại đang treo mình trên cành cây cao để tránh thú dữ. Bà đã qui tụ được một đàn voi bốn mươi con tập trung về chung quanh biệt điện “rừng xanh” của Bảo Đại.

 Năm 1953, chiến tranh ác liệt, bà Mộng Điệp được Bảo Đại giao nhiệm vụ mang cặp ấn kiếm và một số vật báu của triều Nguyễn qua Pháp giao cho Hoàng hậu Nam Phương. Vì hoàn cảnh, bà đã ở lại luôn bên Pháp. Lúc đầu, bà mướn nhà ở gần lâu đài Thorenc của Hoàng hậu Nam Phương ở Cannes5. Sau bà lên Paris và định cư cho đến ngày nay.

 Bà có với ông Bảo Đại một hoàng nữ (Phương Thảo, 1946), và hai hoàng nam (Bảo Hoàng, 1954 – 1955 và Bảo Sơn,1955 -1987). Bà sống tự lập, không hề nhờ chính phủ Pháp giúp đỡ một đồng xu bạc cắc nào. Bà kinh doanh nhà và đã có một thời khá giả. Năm 1980, Bà Từ Cung (hoàng mẫu của Bảo Đại) qua đời ở Huế, đích thân bà Mộng Điệp đến Toà đại sứ Việt Nam tại Pháp xin chuyển tiền về lo tổ chức tang lễ cho Đức Từ. Trong lúc đó, Cựu hoàng Bảo Đại và các Hoàng tử, Công chúa con hoàng hậu Nam Phương mất liên lạc với quê nhà.

 Tuy học hành không được bao nhiêu, vào làm dâu triều Nguyễn vào thời kỳ đã suy tàn, nhưng bà Mộng Điệp trước sau như một vẫn giữ vững được cung cách của một “bà phi” chân chính. Bà có mối quan hệ mật thiết với học giả Hoàng Xuân Hãn, gia đình nhà sử học Trần Trọng Kim, các đại sứ Việt Nam tại Pháp. Trong lời đề tặng bà Mộng Điệp cuốn Việt Nam Sử Lược, ngày 1/11/1950 ở Đà Lạt, nhà sử học Trần Trọng Kim đã viết: “Kính tặng bà Bùi Mộng Điệp, là một người biết đường khinh trọng, biết lời phải chăng”.

Năm nay (2011) bà đã 87 tuổi, vẫn sống chung thủy với dòng họ Nguyễn Phước tộc và Cựu hoàng Bảo Đại mặc dù “Ông ngài” rất “ham chơi” đã ở trong tay cô đầm Monique Baudot cho đến ngày từ biệt cõi đời (31/7/1997). Bà rất tự hào có được hoàng nam Bảo Sơn – người tốt nghiệp các trường mũi nhọn kỹ thuật của Pháp. Năm 1987, Bảo Sơn lái máy bay đi tắm biển, không may ông bị sóng đánh va vào bờ đá chết. Thương con, bà Mộng Điệp đau khổ đến tột cùng. Hơn mười năm sau bà ẩn mình trong một căn hộ ở 24 Bd Rueilly quận 12 thành phố Paris. Trong phòng, bà vẫn còn treo bức tranh lớn của một hoạ sĩ Pháp vẽ Bảo Đại lúc ông mới lên ngôi. Cuối năm 1996, bà cùng hoàng nữ Phương Thảo về thăm Huế, thăm lăng tẩm nhà Nguyễn và bái lạy trước bàn thờ tổ tiên. Bà dự định sẽ tặng tất cả những tài liệu hình ảnh liên quan đến nhà Nguyễn và Cựu hoàng Bảo Đại mà bà đang giữ cho một Bảo tàng nào đó ở quê hương của bà.

 Hoàng nữ Phương Thảo thành lập gia đình với ông Cassan de Valery – một quý tộc Pháp, chủ hãng thuốc ho lâu đời của Pháp. Hoàng nữ đã tích cực vận động tài chính của các tổ chức quốc tế giúp Huế trùng tu Văn Thánh và nhà Minh Lâu trong lăng Minh Mạng. Bà cũng đã vận động các tổ chức tài chính của Tây Ban Nha sẽ giúp trùng tu một số di tích liên quan đến Tây Ban Nha ở Phố cổ Hội An. Vì thế, bà đã được chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế khen thưởng.

 Vừa rồi bà bị ngã chấn thương ở cổ, người nhà đưa bà vào bệnh viện Saint Antoine. Được giải phẫu cổ, nhưng không ngờ bà bị bệnh tim từ trước nên không chịu nổi cuộc giải phẫu, và đã qua đời vào lúc 12g ngày Chủ nhật 26/6/2011 tại bệnh viện. Vào lúc 10g sáng Thứ sáu 1/7/2011, bà được an táng tại nghĩa trang Thiais – nơi đã có hai ngôi mộ của hai người con trai của bà là Bảo Hoàng và Bảo Sơn. Cũng vào 10g sáng – thứ sáu 1/7/2011, tại Phòng Kiên Thái Vương (179 Phan Đình Phùng, Huế) – nơi thờ các vua Kiến Phước, Hàm Nghi, Đồng Khánh, Khải Định và Bảo Đại, diễn ra lễ cầu siêu cho bà.

 Bà vợ Cựu hoàng Bảo Đại cuối cùng đã ra đi, nhưng may mắn bà còn để lại nhiều tài liệu thông tin để cho các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn về những quãng đời còn trong bóng tối của ông vua cuối cùng thời quân chủ Việt Nam.

 Nguyễn Đắc Xuân

  —————————————————————————-

1. Cũng là anh em cột chèo với cựu hoàng Bảo Đại
2. Con trai thứ chín của Phụ chánh thân thần Tôn Thất Hân, anh ruột của ông Tôn Thất Cẩn – người giới thiệu ông Ngô Đình Diệm với Hoàng hậu Nam Phương. Ông Tôn Thất Hối làm Quản đạo Dak Lak
3. Năm 1955, người của ông Ngô Đình Diệm đã phá biệt thự nầy, nay đã được trùng tu khang trang phục vụ du lịch nổi tiếng ở Cao nguyên.
4. Khải Đoan là từ ghép của hai tên riêng Khải Định và Đoan Huy Hoàng Thái hậu Từ Cung – thân sinh và thân mẫu của Cựu hoàng Bảo Đại.
5. Thị trấn thuộc quận Grasse ở miền nam nước Pháp, có trên 50 ngàn dân. Một địa điểm tắm biển và nghỉ đông lý tưởng. Có công nghệ luyện kim, ngành hàng không, công nghệ dệt.

 Những năm cuối đời bà có nguyện vọng được về sống ở quê nhà, khi trăm tuổi mong được táng gần lăng mộ Đức Từ Cung. Nhưng không may bà đã gặp nhiều chuyện mất mát quá lớn trong gia đình như mất người con trai của đời chồng trước (Jean Bùi), mất người rể (ông Cassan Valery – chồng của Phương Thảo), hoàng nữ Phương Thảo bị bệnh tim không tiện đi đâu xa các bệnh viện của Pháp, cô dâu và người cháu nội về Việt Nam dò dẫm làm ăn cũng chưa có kết quả gì nên nguyện vọng của bà chưa thực hiện được.

 

Hoàng nữ Phương Thảo (phải), cháu ngoại và cháu nội bên thi hài bà. Ảnh của P.T.

 Đức Từ Cung cùng bà Mộng Điệp đến thăm việc xây dựng chùa Khải Đoan (BMT, 1951) Ảnh TL của bà BMĐ do NĐX st

Bà “thứ phi” Bùi Mộng Điệp trong Cung Diên Thọ khoảng năm 1950.

Similar Articles

Giai thoại kỳ bí về “cửu vị thần công” ở cố đô Huế: Người dân đi qua đều cúi đầu chào

Giai thoại kỳ bí về “cửu vị thần công” ở cố đô Huế: Người dân đi qua đều cúi đầu chào

Cố đô Huế nổi tiếng với những bảo vật cung đình, là minh chứng cho

Toa thuốc bổ “Nhất dạ ngũ giao” của vua Minh Mạng

Toa thuốc bổ “Nhất dạ ngũ giao” của vua Minh Mạng

Cũng như các triều đại quân chủ khác trong lịch sử Việt Nam, triều đại

Chuyện bà Công Tôn Nữ cuối cùng từng may gối cho Thái hậu triều Nguyễn

Chuyện bà Công Tôn Nữ cuối cùng từng may gối cho Thái hậu triều Nguyễn

Vị Công Tôn Nữ cuối cùng Bà Công Tôn Nữ Trí Huệ, người từng may gối cho

Hoàng đế ngày xưa làm gì vào dịp Tết?

Hoàng đế ngày xưa làm gì vào dịp Tết?

Ngay từ khi đất nước vừa mới giành được độc lập, các triều đại phong

Chuyện ít biết về bữa ăn của vua triều Nguyễn

Chuyện ít biết về bữa ăn của vua triều Nguyễn

Theo sách Lễ Tết ăn chơi trong cung Nguyễn, vua và gia đình, các buổi

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose