Văn hóa Huế | Homepage
Cồn Dã Viên – “Bạch Hổ” của kinh thành Huế

Cồn Dã Viên – “Bạch Hổ” của kinh thành Huế

🕔30.Nov 2013

Cồn Dã Viên là một hòn đảo nhỏ, nằm trên sông Hương, phía trước – bên phải Kinh thành Huế (theo hướng nhìn từ trong thành ra). Khi xây dựng Kinh thành Phú Xuân vào đầu thế kỷ 19, vua Gia Long và các nhà quy hoạch, phong thuỷ thời Nguyễn đã chọn cồn Dã Viên là yếu tố “Bạch Hổ” cho Kinh thành (cùng với cồn Hến là yếu tố “Thanh Long” – nằm bên trái) – theo thuật phong thuỷ.

Cồn Dã Viên có hình thoi dài hướng đông – tây theo hướng dòng chảy sông Hương tại khu vực này, nằm lệch về phía bờ nam sông Hương, gần phường Đúc. Cũng như cồn Hến, cồn Dã Viên được hình thành từ sự bồi lắng phù sa của sông Hương; cồn có chiều dài 890m, rộng 185m, với diện tích khoảng 107.970m2.

Cồn Dã Viên   “Bạch Hổ” của kinh thành Huế

Cồn Dã Viên nhìn từ phía Kim Long, bờ bắc sông Hương

Cũng không ai rõ cồn Dã Viên xuất hiện trên sông Hương từ bao giờ, song, sử sách nhà Nguyễn đã đề cập tới cồn Dã Viên từ thời các chúa Nguyễn. Dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765), chúa đã từng tổ chức một trận đấu giữa voi và cọp (hổ) ở cồn này. Trận đấu đó diễn ra vào năm 1750, và 40 con voi đã quật chết 18 con cọp dưới sự chứng kiến của chúa, các quan trong triều và cả những nhân chứng phương Tây.

Tuy nhiên, tên chính thức của cồn Dã Viên thì phải đến đời vua thứ tư nhà Nguyễn – vua Tự Đức mới có. Tự Đức là một nhà vua có tâm hồn thi sỹ, lãng mạn; là người nhận ra vẻ đẹp quyến rũ của hòn đảo nhỏ trên sông Hương thơ mộng; đã cho xây dựng một khu vườn ngự ở đó.

Nhà vua đặt tên cho khu vườn này là “Dữ Dã Viên” (vườn Dữ Dã). Chữ “Dữ Dã” được rút gọn từ bốn chữ “Ngô dữ Điểm dã” – được lấy từ một điển tích về Đức Khổng Tử và các học trò của mình, cách thời vua Tự Đức khoảng 2.350 năm; được chép trong sách Luận ngữ; mà vua rất tâm đắc. Tên vua đặt là “Dữ Dã Viên”, nhưng người dân Huế lại gọi rút gọn thành “Dã Viên”, và cuối cùng “Dã Viên” thành tên chính thức gắn với những địa danh, công trình ở đây như Cồn Dã Viên, cầu Dã Viên, nhà máy nước Dã Viên.

Sau khi khu vườn ngự xây xong, vua Tự Đức đã viết bài “Dữ Dã Viên ký”, vào khoảng những năm đầu thập niên 1870. Trong bài ký dài 1.413 chữ, nhà vua đã mô tả diện mạo “Dữ Dã Viên” rất đẹp và hoa lệ với lầu ngắm cảnh, đường dạo, bến thuyền, bãi tắm, trường bắn và luyện tập võ nghệ…, trong một không gian xanh với nhiều loài cây – hoa quý hiếm…

Sau cái chết của vua Tự Đức – chủ nhân khu vườn – vào năm 1883; triều đình nhà Nguyễn đã khủng hoảng và sa sút và không thể coi sóc khu vườn; “Dữ Dã Viên” dần hoang phế. Trong trận bão năm Thìn (1904), khu vườn ngự đã bị phá huỷ nặng. Sau này người dân ở phường Đúc đã lên canh tác và định cư trên cồn.

Năm 1908, tuyến đường sắt Huế – Quảng Trị được thiết lập và hai cây cầu Bạch Hổ – Dã Viên được xây dựng bắc qua cồn. Đây là hai cây cầu độc lập của tuyến đường sắt, nhưng do quan niệm cồn Dã Viên là “Bạch Hổ” của Kinh thành, nên người dân Huế vẫn gọi chung tuyến giao thông qua sông Hương ở vị trí này là cầu Bạch Hổ, lối Bạch Hổ. Sau này, vào năm 1957, tháp nước và nhà máy nước Dã Viên được xây dựng. Tất cả những sự đổi lớn lao ấy đã xoá nhoà hình ảnh về một khu vườn ngự trong quá khứ, chỉ để lại một cái tên…

Khác với cồn Hến – “Thanh Long” của Kinh thành – là một quần cư sầm uất thì cồn Dã Viên – “Bạch Hổ” của Kinh thành – lại là một chốn vắng vẻ hoang sơ, lặng lẽ. Nhưng ở góc khác, lại giống như cồn Hến, cồn Dã Viên cũng là một điểm mời gọi đầu tư du lịch hấp dẫn.

Tháng 3/2006, đã có một dự án mang tên “Khu du lịch Dã Viên” được đưa ra, song đến giờ vẫn còn nằm trên giấy, bởi nhiều lý do, trong đó có sự phản đối của những người làm công tác bảo tồn di sản./.

Cồn Dã Viên   “Bạch Hổ” của kinh thành Huế

Cầu Bạch Hổ nối bờ bắc sông Hương tới cồn Dã Viên. Đây là một cây cầu kết cấu thép dành cho đường sắt. Cầu Bạch Hổ có chiều dài 302,1m. Cầu đường sắt Bạch Hổ (cùng cầu đường sắt Dã Viên) được xây dựng năm 1908 khi thiết lập tuyến đường sắt Huế – Quảng Trị.  

Cồn Dã Viên   “Bạch Hổ” của kinh thành Huế

Cầu Dã Viên nối cồn với bờ nam sông Hương thuộc phường Đúc, và tuyến đường sắt qua cầu Dã Viên là vào ga Huế. Cầu Dã Viên có cấu trúc giống như cầu Bạch Hổ nhưng ngắn hơn, dài 102,7m. Cả hai cây cầu này đều có lối đi rất nhỏ hai chiều xuôi – ngược biệt lập dành cho xe 2 bánh, nằm ở một bên cầu, và không dành cho người đi bộ. Hai cây cầu đường sắt nguyên bản đã bị hư hại trong chiến tranh và đã được trùng tu.

Cồn Dã Viên   “Bạch Hổ” của kinh thành Huế

Khu vực “trung tâm” của cồn Dã Viên là cổng Nhà máy nước Dã Viên. Đây cũng là khoảng đoạn đường sắt nối từ cầu đường sắt Bạch Hổ và Dã Viên đi trên mặt nền của cồn. Cầu đường bộ Dã Viên song song với tuyến đường sắt và hai cây cầu này. Đây là cây cầu hiện đại nối trục quốc lộ 1A với bờ nam sông Hương. Cầu được khởi công xây dựng tháng 12/2009 với tên gọi là cầu đường bộ Bạch Hổ; và khánh thành ngày 31/8/2012. Tháng 12/2012, HĐND TP Huế đã biểu quyết và chính thức đặt tên là cầu Dã Viên

Cồn Dã Viên   “Bạch Hổ” của kinh thành Huế

Công trình lớn nhất trên Cồn Dã Viên là Nhà máy nước sạch Dã Viên của TP Huế với tháp nước đồ sộ lấn át không gian của hòn đảo nhỏ. Nhà máy có cổng nằm ngay giữa chân cầu Bạch Hổ và cầu Dã Viên trên cồn.

Cồn Dã Viên   “Bạch Hổ” của kinh thành Huế

Khuôn viên Nhà máy nước sạch Dã Viên rất đẹp và bình yên.

Cồn Dã Viên   “Bạch Hổ” của kinh thành Huế

Những cây cầu và tuyến giao thông trên cồn chia Dã Viên làm hai phần: Phần phía tây là nhà máy nước với xóm dân cư, phần phía đông hướng về trung tâm thành phố là một khu vực hoang sơ…  

Cồn Dã Viên   “Bạch Hổ” của kinh thành Huế

Nơi đây cây mọc tự nhiên như một khu rừng – góc nhìn từ cầu đường bộ Dã Viên.

Cồn Dã Viên   “Bạch Hổ” của kinh thành Huế

Mé bên trái nhà máy nước Dã Viên (nhìn từ phía ngoài) có lối vào một xóm nhỏ. Con đường bê tông ngắn này là trục giao thông chính của xóm. Hiện tại ở đây có 15 hộ dân với hơn chục nóc nhà. Về hành chính, cồn Dã Viên và các hộ dân nơi đây thuộc phường Đúc, TP Huế.

Cồn Dã Viên   “Bạch Hổ” của kinh thành Huế

Đầu xóm có một ngôi miếu nhỏ. Theo nội dung câu đối còn đọc được trên miếu, thì đây là miếu thờ thổ thần của khu vườn ngự xưa.

Cồn Dã Viên   “Bạch Hổ” của kinh thành Huế

Khu nhà tập thể của cán bộ nhân viên Nhà máy nước cũng nằm ngay đầu xóm.

Cồn Dã Viên   “Bạch Hổ” của kinh thành Huế

Một ngôi nhà của cư dân trên cồn Dã Viên – nhỏ nhắn, đơn sơ và ẩn mình trong màu xanh cây cối.

Cồn Dã Viên   “Bạch Hổ” của kinh thành Huế

Một ngôi nhà khác kiểu nhà sàn, không cần tường, cũng không có cửa. Cuộc sống nơi đây vắng vẻ, tĩnh lặng đến hoang vu

Cồn Dã Viên   “Bạch Hổ” của kinh thành Huế

Di tích quan trọng nhất còn lại trên cồn Dã Viên, là tấm bia làm bằng đá Thanh, hiện nằm trong khuôn viên khu nhà tập thể cán bộ nhân viên Nhà máy nước. Trên bia có khắc đại tự “Dữ Dã Viên” (vườn Dữ Dã). Lạc khoản trên bia cho biết bia được dựng vào tháng 5 năm Tự Đức thứ 21; tức tháng 7/1868.

Cồn Dã Viên   “Bạch Hổ” của kinh thành Huế

Hết con đường bê tông qua những ngôi nhà là con đường đất nhỏ, đi sâu về phía tây cồn, với um tùm cây cối. Khu vực này người dân canh tác hoa màu. Một loại cây được trồng nhiều nhất là chuối.

Cồn Dã Viên   “Bạch Hổ” của kinh thành Huế

Từ Cồn Dã Viên nhìn về bờ nam sông Hương; phía bên kia là phường Đúc.

Cồn Dã Viên   “Bạch Hổ” của kinh thành Huế

Hàng ngày có hàng chục chuyến tàu bắc nam xuôi ngược chạy qua cồn Dã Viên, trên những cây cầu sắt; hàng ngàn lượt người qua lại tấp nập trên cầu đường bộ Dã Viên bắc qua cồn; còn Dã Viên vẫn lặng lẽ, hoang sơ và bí ẩn.

Theo VOV

Similar Articles

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Nhiều thế hệ Việt Nam, đã từng quen thuộc với hình ảnh "chú bé loắt

Bắp miệt Cồn

Bắp miệt Cồn

Cồn Hến, nhìn lên cầu Trường Tiền - Ảnh: wikipedia Mỗi lần qua về Cồn Hến,

Tản mạn hành trình bún Việt

Tản mạn hành trình bún Việt

Trong ẩm thực Việt Nam, bún là loại món ăn được ưa thích, có mặt

Bánh ướt dẻo trắng mượt mà…

Bánh ướt dẻo trắng mượt mà…

Chiều chiều, chay xe lên Kim Long ngắm dòng Hương xinh đẹp, tạt vào quán

Đường đến lăng mộ vua Gia Long hơn 100 năm trước khác gì?

Đường đến lăng mộ vua Gia Long hơn 100 năm trước khác gì?

Theo ghi chép cửa Leopold Cadiere, đường đến lăng mộ Gia Long buộc phải đi

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose