
Giai thoại về Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm
Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), huý là Văn Đạt, tự Hanh Phủ, người làng Trình Tuyền (Trung An), huyện Lĩnh Lại, tỉnh Hải Dương xưa, nay thuộc huyện Vĩnh Bảo, ngoại thành Hải Phòng.
Nguyễn Bỉnh Khiêm là học trò của Bảng Nhãn Lương Đắc Bằng. Vì tình hình đất nước lúc bấy giờ không ổn định, nên mãi đến năm Giáp Ngọ, khi đã bốn mươi ba tuổi ông mới đi thi hương và đỗ ngay giải nguyên. Sau đó đỗ hội nguyên rồi đỗ trạng nguyên năm thi Ất Mùi, niên hiệu Đại chính thứ sáu (1535), đời Mạc Thái Tông.
Ông làm quan Đông Các Hiệu Thư, Lại Bộ Tả Thị Lang, kiêm Đông Các Đại Học Sĩ, tước Trình Tuyên Hầu. Làm quan cho nhà Mạc được tám năm, thấy gian thần hoành hành, ông đã dâng sớ vạch tội và xin chém đầu mười tám tên lộng thần. Vua không nghe, ông liền trả áo mũ, xin về quê, dựng am dạy học. Học trò ông có nhiều người nổi tiếng như Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Dữ…
Trong khi ở ẩn, Vua Mạc cũng như các chúa Trịnh, Nguyễn có việc hệ trọng vẫn cho người đến hỏi ý ông. Ông thường kín đáo khuyên Vua cố gắng tránh chiến tranh để nhân dân khỏi chết chóc.
Lúc mất, ông được Vua Mạc truy phong tước Trình Quốc Công, do đó mà có tên gọi là Trạng Trình. Ông mất ngày 28 tháng 11 năm Đinh dậu, niên hiệu Diên Thành thứ 8 nhà Mạc (1585), tròn 94 tuổi.
Người đàn bà nuôi chí lớn
Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh ra từ một cuộc hôn nhân không bình thường, và phần chủ động thuộc về mẹ ông, Nhữ Thị Thục, người đất Tiên Minh, làng An Tử hạ. Ngoại của Nguyễn Bỉnh Khiêm là Nhữ Văn Lan, một người thông minh khác thường từ tấm bé, khi lớn lên đã làm rạng rỡ dòng họ và quê hương với bảng vàng tiến sĩ, khoa thi năm Quí mùi, niên hiệu Quang Thuận, đời Lê Thánh Tông, được nhà Vua tin dùng, phong chức Thượng Thư bộ Hộ.
Theo người ta kể lại thì bà Nhữ Thị Thục là bậc nữ lưu phong vận tài hoa vào bậc nhất chốn kinh kỳ thời bấy giờ. Điều khó hiểu là suốt thời kỳ con gái, theo cha, với những cuộc giao thiệp hết sức rộng rãi mà địa vị người cha cho phép, bà vẫn hoàn toàn thờ ơ với tất cả, từ ông trạng, ông nghè, ông tổng. Có lẽ trong quan niệm riêng của bà thì tất cả những tài năng của những con người ấy chỉ đủ để thi đỗ làm quan, phục tùng vua. Tuổi trẻ bà trôi qua với những cuộc giao du sơn thuỷ.
Thế rồi chỉ một lần gặp gỡ với ông đồ nhà quê tên Nguyễn Văn Định bà đã tự nguyện gá nghĩa. Bà Thục rất tinh thông thuật số, bà đến với ông Định chỉ vì nhận thấy ở ông có tướng sinh quý tử. Từ nhỏ, bà đã nuôi chí lớn : chồng bà phải là Vua, hoặc sinh con ra làm Vua. Bà cũng đoán trước, ngay từ thời nhà Lê còn cực thịnh, bước đường suy vong của triều Lê chẳng còn bao xa. Nhưng rồi thực tế dường như đã không đáp ứng được mong muốn của bà, “quý tử” của bà sau này danh vọng lắm chỉ đỗ trạng nguyên là cùng. Vì vậy, giữa hai vợ chồng thường xảy ra xích mích.
Lần nọ, bà Nhữ Thị Thục đi chợ, ông Văn Định ở nhà trông con. Ông buộc dây vào cành tre, kéo lên, kéo xuống cho con chơi và nói:
– Nguyệt treo cung, nguyệt treo cung!
Tưởng con không biết gì, chẳng ngờ Văn Đạt (tên lúc nhỏ của Bỉnh Khiêm) nói:
– Vịn tay tiên, nhè nhẹ rung.
Khi bà Thục về, Văn Định khoe chuyện ấy bảo là con trai họ thông minh. Không dè, bà Thục nói:
– Nguyệt tượng trưng cho bầy tôi! Nuôi con mong thành Vua, thành Chúa, chứ thành bầy tôi thì nói làm gì.
Lần khác, biết vợ thường soạn những câu ca để dạy con và ghi lại trong sách, khi vợ đi vắng. Văn Định lấy sách của vợ tìm một câu để dạy con, thấy câu:
“Bống bống, bang bang, ngày sau con lớn, con tựa ngai vàng”
Văn Định hoảng sợ, cho là ý kiến phản nghịch, có thể bị tội chém đầu, bèn chữa chữ “tựa” thành “vịn“. Bà Thục về đến, biết chuyện này bực lắm.
– Sinh con ra, mong con làm vua thiên hạ. Nay thầy nó dạy con làm tôi, chán quá! Rất tiếc thân này là phận gái.
Vì nhiều quan niệm bất đồng, bà Thục đã bỏ nhà ra đi, không bao giờ trở lại với chồng và con, cho cả đến khi nhắm mắt cũng vậy.
Tương truyền khi còn sống với Văn Định, có lần bà Thục ra Đồ Sơn, gặp một người dân chài, oai vệ, cao to, sắc sảo, vừa thi trúng võ cử, sắp đi làm lính túc vệ, bà giật mình than rằng : Người này mới thật là người mà ta mong ước – Tiếc thay khi đó bà đã là gái có chồng.
Người ấy, sau này cướp ngôi nhà Lê, lên làm Vua, mở đầu cho triều Mạc (1527), Mạc Đăng Dung.
Có truyền thuyết cho rằng, sau khi bỏ đi, bà Thục đã bước thêm bước nữa, ít lâu sau sinh hạ ông Phùng Khắc Khoan. Về sau Phùng Khắc Khoan theo học Nguyễn Bỉnh Khiêm, được ông coi như em ruột. Như vậy, tuy bà Thục có hai người con đều đỗ đạt và đều nổi tiếng, nhưng dù sao thì bà cũng không đạt được cái chí lớn lao của mình.
Số chỉ làm Trạng
Nguyễn Bỉnh Khiêm thông minh lạ thường. Đầy thôi nôi đã biết nói, lên bốn được mẹ dạy cho học thuộc lòng các bài chính nghĩa của kinh, truyện cùng với mười bài thơ Nôm.
Tương truyền một hôm, bà Thục đưa Nguyễn Bỉnh Khiêm về quê ngoại thăm gia đình, dọc đường gặp một thầy tướng số Trung Hoa. Thấy Bỉnh Khiêm có tướng mạo lạ thường, ông bèn nói:
– Đứa trẻ này về sau có thể làm tới ngôi vương.
Nhưng rồi sau khi xem kỹ lại, ông than:
– Da khô quá, thật là đáng tiếc! Cùng lắm chỉ là trạng nguyên mà thôi.
Tuy thất vọng, nhưng bà Thục vẫn không thôi nuôi chí lớn. Bà hi vọng “nhân định thắng thiên”, bà mong rằng với âm trạch của tiền nhân, quyết sau này con bà phải ở ngôi thiên tử, để lại tiếng thơm cho muôn thế hệ mai sau.
Nhưng rồi thực tế đã không đáp ứng được mong mỏi của bà. Đứa con mà bà xem là “quý tử” ấy đã không theo kịp mẫu người lý tưởng mà bà hằng tìm kiếm. Bà xem như cuộc đời mình đã bỏ đi. Và đường công danh của Nguyễn Bình Khiêm sau này như thầy tướng số Trung Hoa dự đoán: Số ông chỉ làm trạng nguyên.
Thái Ất Thần Kinh
Thấy con học giỏi hơn người, cha mẹ Nguyễn Bỉnh Khiêm quyết định cho con theo học quan Bảng nhãn Lương Đức Bằng, người làng Hội Trào, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hoá.
Nguyễn Bỉnh Khiêm học rất giỏi lại nổi tiếng về văn thơ.
Một hôm, cụ Lương Đức Bằng ốm, biết rằng mình không sống lâu được nữa bèn gọi Nguyễn Bỉnh Khiêm lại, chỉ cho ông một cái tráp nhỏ, đặt ở đầu giường, rồi bảo:
– Con hãy mang tráp đến đây, rồi mở ra lấy một bộ sách mà ta đã gói kỹ vào để sẵn trong ấy.
Nguyễn Bỉnh Khiêm vâng lời, làm theo ý thầy. Cụ Bằng lại bảo tiếp:
– Thầy cho con quyển sách này, vì thầy nghĩ chỉ có con mới có thể hiểu nổi, nhưng con phải hứa với thầy là phải giữ gìn sách cẩn thận. Quyển sách này liên quan đến một việc khá li kỳ, thầy sẽ kể con nghe. Lần trước, khi thầy đi sứ qua Tàu, lúc trở về nước, có một cụ khách già trao cho thầy quyển sách. Thầy tưởng cho thầy nhưng sau đó, cụ ấy lại nói: “Ta không cho ngươi, ta chỉ nhờ người đem về giao lại cho một người An Nam”. Thầy rất ngạc nhiên khi không nghe cụ già ấy nói đến tên họ người mà cụ muốn gửi gắm. Cụ già liền xua tay: “Không cần. Chừng nào trong tâm linh nhà ngươi muốn cho ai thì người ấy sẽ được phần”. Nói xong, ông cụ ấy bỏ đi mất, chừng đó, thầy mới hiểu ông ấy là một dị nhân. Nay, thầy giao quyển sách này lại cho con, ấy là con có phần.
Nghe lời thầy, Nguyễn Bỉnh Khiêm mang sách về nhà, mở ra đọc. Cảm thấy không lĩnh hội được gì mấy, ông bèn mang sách cất đi, thỉnh thoảng lại lấy ra đọc, đọc xong rồi lại cất, cứ như thế mãi. Cho tới một hôm, có một người khách đến cho Nguyễn Bỉnh Khiêm một bài thơ. Ông giở ra xem thì thấy ngụ ý của bài thơ có phần liên hệ với những câu trong bộ sách của thầy Bằng trao, mà ông đã cất công sức đọc nhiều lần nhưng không sao thông được. Bộ sách ấy chính là bộ Thái Ất Thần Kinh mà thầy Bằng để lại cho người học trò cừ khôi của mình.
Nhờ quyển sách này mà về sau Nguyễn Bỉnh Khiêm tinh thông số học, tinh thông mọi sự đời, đoán được thế cuộc, nổi tiếng văn hay.
Lấy tử vi cho cái quạt
Vào một ngày mùa hạ, bà trạng đi chợ mua về cho cụ trạng Nguyễn Bỉnh Khiêm một cây quạt giấy. Trạng tính ngày giờ, rồi lấy cho cây quạt một lá số tử vi. Trạng đoán ra cái ngày chết. Việc làm ấy, trạng bí mật không cho ai hay. Trạng lại nghĩ:
– Nếu để dùng lâu ngày nó sẽ rách hoặc thất lạc đi, như vậy “cái ngày chết” của nó ắt sẽ xảy ra và xảy ra rất bình thường. Nếu đúng như nó có số thật, không ai có thể ngăn cản được, thì sao ta chẳng mang cất nó đi, để xem tới ngày ấy, nó có chết thật hay không?
Nghĩ thế, nên trạng Trình niêm phong ngay cây quạt rồi treo nó lên chỗ kín đáo nhất. Tới ngày, cây quạt vẫn còn nguyên. Hôm đó, suốt từ sáng tới chiều, trạng Trình cứ ở nhà, quanh quẩn ở nơi để quạt, xem nó chết ra sao. Thỉnh thoảng trạng lại ngắm nghía và lấy tay phủi những hạt bụi bám xung quanh.
Vừa lúc ấy, có khách đến mời trạng sang ăn giỗ, ông từ chối không đi, cho rằng trạng giận việc gì nên đánh tiếng nhờ bà trạng. Từ sáng, thấy cử chỉ kỳ dị của chồng, bà trạng đã chướng mắt lắm rồi, nên khi được khách cậy nhờ, bà liền đốc thúc trạng:
– Ông ở nhà làm gì, người ta nghĩ tình nên sang mời, mà ông nỡ từ chối. Tôi mua quạt về cho ông dùng, chớ đâu phải để ông mang cất đi, rồi cứ ra vào mà phủi bụi cho nó như đầy tớ thế.
Vừa nói, bà trạng vừa giật lấy cây quạt xé nát tan ra từng mảnh vụn. Thấy vậy, trạng cười nói:
– Ra là thế. Cuối cùng thì ta đã biết được nó chết thế nào.
Rồi mặc cho bà trạng đứng ngẩn người ra không hiểu, trạng khăn áo chỉnh tề đi sang nhà người khách lúc sáng để ăn giỗ.
Ngựa đá qua sông
Chuyện kể rằng, khi nghe Phùng Khắc Khoan hỏi han đến sự thể, Trạng Trình không hề bảo cho Phùng Khắc Khoan là nên định hướng thế nào, dù họ đã có cả buổi ngồi đàm đạo, ăn cơm, uống rượu.
Phùng Khắc Khoan không khỏi băn khoăn, trằn trọc mãi đến gần sáng mới chợp mắt được, vừa lúc ấy Trạng Trình đến đập cửa và nói vọng vào:
- Gà đã gáy rồi, sao không dậy, còn ngủ gì nữa?
Ông Khoan giật mình thức giấc, ông ngầm hiểu ý của Trạng Trình là đã đến lúc phải vào Thanh Hoá với nhà Lê. Phùng Khắc Khoan vội vàng bật dậy, sắp đặt hành lý rồi đến chào từ biệt Trạng Trình.
Trạng vẫn không nói gì, chờ tới lúc Phùng Khắc Khoan quay gót, Trạng liền cuốn một chiếu ngắn ném theo. Nghe tiếng chiếu rơi phịch cạnh chân mình, Phùng Khắc Khoan càng thêm hiểu ý của Trạng: “Phải hành động nhanh như cuốn chiếu, chứ đừng chần chờ gì nữa”.
Quả nhiên vào Thanh Hoá, Phùng Khắc Khoan nhanh chóng được trọng dụng và được Thái sư Trịnh Kiểm tin tưởng, việc gì quan trọng cũng hỏi ý kiến.
Khi Lê Trung Tông mất, Trịnh muốn nhân dịp này để nhà Trịnh thay hẳn nhà Lê, vì thực chất nhà vua chỉ là hư vị, mọi công lao trung hưng và quyền bính đều ở trong tay họ Trịnh cả. Trịnh Kiểm hỏi ý, Phùng Khắc Khoan lúng túng không biết trả lời thế nào, liền bí mật phái sứ giả ra Hải Dương hỏi ý kiến Trạng Trình.
Người được cử đi về kể lại:
- Quan Trạng không bảo ban gì cả. Ngài cũng không có thư hồi đáp.
Phùng Khắc Khoan gặng tới:
- Thế ông được quan Trạng tiếp đãi ra sao? Và những câu quan Trạng nói ông còn nhớ kỹ không?
Người được cử đi lắc đầu:
- Dạ, ngài Trạng tiếp đãi rất chu đáo. Nhưng ngoài những câu giao tế bình thường, ngài chẳng nói gì hết. Chỉ trong lúc nhấp chén trà với tôi, quan Trạng có bảo người nhà một câu không ăn nhập gì vào câu chuyện cả!
- Là câu gì thế? Phùng Khắc Khoan thắc mắc.
Người đàn ông đáp sau một thoáng ngẫm nghĩ:
- Quan ngài bảo: “Năm nay thóc giống không tốt, chúng bay nên tìm thóc cũ mà gieo mạ”.
Phùng Khắc Khoan mừng rỡ bảo:
- Đó chính là lời Trạng nói với chúng ta đấy. Đâu, ông cố nhớ lại ngài Trạng còn nói gì thêm không?
- Dạ nếu thế thì có chuyện này. Vừa cạn tuần trà xong, ngài Trạng đứng lên, xin ra chùa thắp hương. Tôi giữ lễ, xin phép đi theo, đến cửa chùa, nhà sư ra đón. Trạng bảo nhà sư: “Giữ chùa, thờ Phật thì được ăn oản”.
Phùng Khắc Khoan gật đầu, rồi vội vàng đội khăn, mặc áo vào gặp Trịnh Kiểm, thuật lại từng lời nói, từng cử chỉ của Trạng Trình. Kiểm hiểu ngay ý Trạng Trình dặn: Phải tôn Lê thì mới hưởng phúc lâu dài. Và sau đó, Kiểm cho tìm người cháu của ông Lê Trừ, là anh ruột vua Lê Thái Tổ, tên là Lê Duy Bang ở làng Bố Vệ, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá đem về phò lên ngôi, tức là Lê Anh Tông.
Về sau, con cháu chúa Trịnh cũng đã nhiều lần muốn chiếm ngôi nhà Lê, nhưng cụ Trạng Trình đều khuyên khéo:
Lời sấm của Trạng Trình không sai, khi vua Lê Chiêu Thống để mất ngai vàng thì dòng Trịnh cũng chẳng còn ai xưng chúa nữa.
Giỏi ứng xử thoát cửa tử
Một ngày kia, Trạng Trình được Vua triệu vào để giao cho chức Hình Bộ Tả Thị Lang. Thì ra Trạng đã được Vua tin dùng trong việc thi hành đường lối khoan hậu trong hình ngục. Vua tỏ ra hết sức phẫn nộ đối với lề thói hà khắc của giới hình quan từ thời Uy Mục đến giờ.
Sự tín nhiệm của Vua đã đem lại cho Trạng Trình những nỗi vui ít buồn nhiều, bởi tất cả dường đã trở thành cái nếp khó di dời hoặc lay chuyển. Phân xử, bắt bớ, tra khảo để hạch sách tiền của, chẳng phép nước luật Vua gì cả. Điều đáng nói là chính bọn hữu ty và cả viên Thượng thư bộ hình luôn tỏ ra nghi ngại hoặc không tán thành, hoặc né tránh. Họ quan tâm đến cái ghế của họ hơn là quyền lợi của người dân, vô hình trung Trạng đã trở thành người đối đầu với họ.
Chẳng bao lâu, Trạng lại được thăng chức Lại Bộ Tả Thị Lang, kiêm Đông Các Đại Học Sĩ, được tham gia giảng sách ở toà Kinh Diên cùng dạy học cho Thái tử.
Thái tử Mạc Phúc Hải tuy còn trẻ tuổi nhưng rất thông minh và biết nghe lẽ phải, nhưng bản chất có phần mềm yếu, thiếu quyết đoán, ưa phỉnh nịnh. Lợi dụng điều ấy, bọn quan lại sâu dân mọt nước đã đưa Thái tử vào quỹ đạo của chúng và họ xem Trạng như là chướng ngại vật cần phải dọn sạch, việc đầu tiên là chúng tìm cách ly gián, gièm pha Thái tử và thầy mình.
Đúng dịp, hôm ấy Trạng phụ trách buổi giảng sách, đề giảng chỉ là một câu trong sách Luận ngữ:
(Làm Vua khó, làm tôi không dễ)
Quả nhiên, theo kế hoạch của chúng, Thái tử khơi mào:
- Thế nào là “làm tôi không dễ”?
Trạng Trình từ tốn:
- Tâu điện hạ, nếu chỉ biết nhắm mắt phục tùng để hưởng lợi về mình, dùng mưu mô xiểm nịnh để đưa Vua vào con đường lỗi đạo và muôn dân phải gánh phần tai họa thì không khó. Còn như nếu hết lòng vì nước mà hiến mưu cao, chước lạ, đem lời trung chính mà can ngăn Vua thì không những nghĩa vụ của mình sẽ được làm tròn mà còn phúc lây đến trăm họ. Được như thế dễ có mấy người. Làm tôi như vậy thật không dễ.
Những cặp mắt hằn thù đều hướng cả vào Trạng. Thái tử lại đặt tiếp vấn đề:
- Thế còn “làm Vua khó”?
Trạng chậm rãi:
- Tâu điện hạ, thật đúng như thế.
Thái tử ra chiều khó chịu:
- Hoàng tổ ta, hoàng khảo ta đã dầy công xây dựng, biến nguy thành an, đổi loạn làm trị, để lại cho ta một cơ đồ vững chãi như thế này, há phải làm Vua cũng khó ư?
Một nỗi căm phẫn trào lên trong lòng Trạng. Đây đúng là luận điệu của bọn nịnh thần vừa mới mớm lời cho Thái tử. Song Trạng đã kịp thời trấn tĩnh, bởi vì, lúc này chỉ cần một cử chỉ, một lời nói vụng về, một hành động thiếu cân nhắc thì ông sẽ rơi vào bẫy của bọn tiểu nhân nham hiểm ngay. Nghĩ thế nên Trạng nói thật ôn tồn.
- Tâu điện hạ, đúng như lời điện hạ phán. Ngày nay ân trạch của triều đình đã thấm nhuần đến mọi hang cùng xóm vắng, khiến nơi nơi yên ấm. Hiện tại chính là lúc ngồi hưởng phúc. Tuy nhiên kẻ ngu thần này vẫn thường nghĩ đến như Nghiêu, Thuấn xưa mà vẫn nơm nớp lo sợ trong nước còn một người dân đói khổ, bị oan khuất.
- Nhà ngươi có vì ta mà hiến kế không?
- Tâu điện hạ, tiếng nhân đức của điện hạ ai ai trên đất nước này mà không biết, kẻ hèn này đâu dám tâu xằng. Nhân buổi giảng sách hôm nay, thần chỉ dám mạo muội dâng lên điện hạ một câu: “Như bão xích tử, lâm thành cầu chi, tuy bất trúng, bất viễn hỹ. Vị hữu học dưỡng tử nhi hậu giá giả dã”. Hạ thần chỉ mong điện hạ yêu dân như con, như thế thì lẽ nào không hiểu được lòng dân mà đề ra liệu pháp trị nước, cần gì đến kẻ này.
Vậy là nhờ tài ứng xử, biện bác, Trạng đã thoát khỏi trong đường tơ kẽ tóc, lại còn khiến Thái tử đã chịu nghĩ lại nhiều sau buổi giảng này. Chẳng những thế, Trạng và một số giảng quan khác còn được Thái tử lưu lại ban trà.
TÍNH HÀI HƯỚC CỦA ÔNG THẦY HIỀN TRIẾT
Mặc dù là một bậc “thánh sư” cả về chính trị lẫn nhiều môn học thuật (lí số, văn học…) nhưng Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn có một tâm hồn tính hài hước thường thấy ở nhiều nhà bác học. Trong thơ văn của ông còn lưu lại một bài thơ trào phúng, chế một anh học trò vừa lười vừa có máu… mê gái.
Chẳng học ai hồ trút chữ cho?
Ngày vắng đóng lòng ngồi lặng lặng,
Đêm thanh ngửa thịt ngáy pho pho.
Làm văn rỗng quạc như mông ngựa,
Thấy gái đi qua nghếch cổ cò.
Bẽ mặt kia sao mày chẳng hổ,
Ai có con mà hồ gả cho!
Trong bài thơ ngoài ý tứ chế giễu, tác giả còn có ý dùng nhiều chữ có chung nghĩa là “ cơ thể” (thân, lòng, thịt, mông, cổ, mặt, mày) và các con vật (hồ: cáo, quạc: vịt ngựa, cò, hổ).
TRẠNG TRÌNH VỚI NHỮNG CÂU SẤM KÍ
Suốt năm thế kỉ qua, trong tiềm thức của nhân dân ta, Nguyễn Bỉnh Khiêm là một vĩ nhân mang màu sắc huyền thoại. Tương truyền ông để lại cho đời sau một bộ “sấm kí” với những dự đoán về những sự việc cụ thể sẽ xảy ra tại một thời điểm và một địa điểm xác định hằng mấy trăm năm sau. Quả thật, tất cả mọi người đều “bất khả tư nghì” về năng lực siêu phàm đó của Trạng Trình! Dường như ông là một vị thần giáng thế, là người mang trong mình vô vàn kiến thức cao siêu và kì bí của càn khôn vũ trụ!
Sứ thần nhà Thanh sang nước ta là Chu Xán đã phải công nhân: “An Nam lí học hữu Trình tuyền” (Môn lí học của An Nam có Trình Tuyền Hầu Nguyễn Bỉnh Khiêm).
La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp sống vào thời Lê – Trịnh – Tây Sơn, khi qua thăm đền thờ của Trạng Trình cũng phải cúi đầu chắp tay thán phục ông là bậc “huyền cơ tham tạo hóa” (góp cùng tạo hóa điều khiển máy huyền vi)!
Theo một truyền thuyết xưa thì thần đồng Nguyễn Bỉnh Khiêm lớn lên được thụ giáo Thượng Thư Bảng Nhãn Lương Đắc Bằng và được thầy giao cho bộ sách Thái Ất Thần Kinh mà ông mang được về trong một chuyền đi sứ Trung Quốc. Chỉ có Nguyễn Bỉnh Khiêm thông hiểu được nghĩa lí của bộ sách dó, và đó chính là nguồn gốc trí tuệ sinh ra sấm kí Trạng Trình.
Có những câu sấm viết từ thế kỉ XVI, đến thế kỉ XX đã được lịch sử chứng minh với độ xác thực kì diệu như những câu sau đây:
Đông Tây Nam Bắc khởi đao binh
Mã đề, dương cước anh hùng tận
Thân Dậu niên lai kiến thái bình
(Cuối năm Thìn (1940), đầu năm Tị (1941) nổ ra chiến tranh, Đông – Tây – Nam – Bắc (của thế giới) bắt đầu xảy ra việc binh đao.
Từ năm Ngọ ( 1942) đến cuối năm Mùi (1943) anh hùng chết nhiều.
Đến năm Thân (1944) năm Dậu (1945) lại thấy có thái bình).
Cuộc đại chiến thế giới lần thứ hai đã diễn ra đúng như lời sấm đã mô tả!
Similar Articles
Cách phân biệt Chùa, Đình, Đền, Miếu, Nghè, Điện, Phủ, Quán, Am
Không phải ai cũng hiểu được ý nghĩa của những địa điểm thờ cúng như
Lầu Minh Viễn trong thơ Minh Mạng
Nguyễn Huy Khuyến Lầu Minh Viễn là một công trình kiến trúc nổi tiếng trong
Huyền thoại về “rùa thần” nặng nghìn ký dưới sông Hương
Sông Hương đoạn trước điện Hòn Chén - nơi được cho là có “rùa thần”