Văn hóa Huế | Homepage
Một lần nữa, Huế lại “thoát bão”!

Một lần nữa, Huế lại “thoát bão”!

🕔14.Nov 2013

Không phải chỉ trong “siêu bão” 14 vừa qua, mà đã mấy năm rồi, nhìn bản đồ báo bão, ai cũng lo cho Huế vì thấy nó cứ nhằm Huế mà xốc tới. Vậy nhưng khi vào gần bờ, nó bỗng “uốn mình”, khi hướng ra Bắc, khi quặp vô Nam…

Siêu bão 14 nhìn hướng nó đi ngày 9/11, bà con, bạn bè ở Hà Nội, Sài Gòn gọi điện, email thăm hỏi và chia sẻ trước với người ở Huế. Còn nhà tôi nghe có người mách, vội đi mua một cuộn băng dán to đùng, để dán các ô kính như thời Hà Nội chống bom Mỹ; rồi chặt cây, lấy dây thép cột thêm cửa…; chiều chạy vội ra cửa hàng bánh mỳ, chen mua cho được một lúc… 10 cái, mặc cho một cô bạn đứng cạnh cười bảo: “Chị mua nhiều rứa, lỡ bão không vô thì ăn răng cho hết!”.

Xong việc, ngủ sớm, trù tính sáng dậy nấu cơm trước khi mất điện vì bão đổ bộ, nhưng đêm trở mình, tỉnh giấc, chờ nghe tiếng gió rú rít, lại chỉ thấy tiếng mưa rả rích kiểu “giọt mưa thu thánh thót rơi”! Đã thấy lạ và thoáng nghĩ “chả lẽ Huế lại thoát”? Và ngủ tiếp ngon lành đến gần 6 giờ sáng, mở ti vi, quả nhiên giữa đêm bão đổi hướng, không vào bờ mà “Bắc tiến”!

Đã đành, bão vào vùng đất nào cũng gây đau đớn cho đồng bào ta, nhưng câu hỏi “vì sao suốt mấy năm qua, hầu như bão “né” Huế?” đã thành chuyện nhỏ to ở khắp nơi. Cách trả lời dễ chấp nhận nhất là “chuyện khó lường của thiên nhiên, tạo hóa chỉ có Trời mới biết!”.

Bão, lụt vào vùng nào cũng đều gây thiệt hại cho người dân. Ảnh: VĐN
Các nhà khí tượng học thì hẳn đang tìm cách lý giải ở sự chênh lệch nhiệt độ các vùng khí hậu và địa hình khu vực… Nếu chuyện chỉ có vậy thì chẳng có chi để bàn. Xin được “nói to” lên (vì đã mấy năm nay, không ít dân Huế thường chỉ thì thầm với nhau!) một điều, mong được các bậc thức giả chỉ bảo – rằng mấy năm nay, bão gần như né Huế vì nhờ Trời Phật, thần linh phù trợ!
Đó là cách nói “tóm tắt”; còn “cụ thể” hơn, có người cho là nhờ sau khi Đàn Nam Giao được “hoàn nguyên”, một lễ cầu “quốc thái dân an” đã được tổ chức tại đây – có thể gọi là “đại lễ” với rất nhiều nhân sĩ, trí thức tên tuổi; có người lại nói do Huế là vùng đất nhiều chùa chiền nhất nước, và sự cầu nguyện những điều tốt lành của phật tử cho đồng bào, cho đất nước đã “tác động” đến thiên nhiên…
Nghe những điều này, hẳn là những nhà “duy lý” cười khẩy chỉ vì lịch sự, chứ ngay sau đó, họ sẽ bảo nhau: “Vớ vẩn! Phi khoa học! Toàn là mê tín dị đoan!”
Tôi xin được là kẻ “trung dung”; vả lại, hơn 70 tuổi rồi, dại chi công khai “tuyên ngôn” ủng hộ phe này, phái kia để rồi bị “đấu đá” (không bên này thì cũng bên kia!).
Kể ra, “thật thà” hơn thì phải thú nhận rằng, lớp “cán bộ” tuổi tôi, do thấm nhuần chủ thuyết trong các giáo trình, đều là những kẻ “duy lý”, thậm chí là cực đoan. Nhưng rồi nhờ sách vở, báo chí và những chuyện đời có thật xung quanh dần “mở mắt” để có thể nhìn thế giới một cách rộng rãi hơn.
Trước hết xin dẫn một “luận cứ” khá phổ biến, được các nhà khoa học có uy tín (chẳng hạn như tiến sĩ vật lý Nguyễn Tường Bách) diễn giải tại nhiều nơi, rằng“vật lý hiện đại cho thấy một số quan niệm của Phật giáo cần phải được xem xét đến… Người ta thấy không thể rạch ròi tách rời ý thức con người ra khỏi thực tại vật lý được…”. Và chính Albert Einstein (1879-1955), nhà khoa học được coi là vĩ đại nhất thế kỷ 20, với thuyết “Tương đối” và thuyết “Cơ học lượng tử” đã cho thấy sự gần gũi (nếu không muốn nói là trùng hợp) giữa nhiều điều được diễn giải trong kinh Phật với vật lý hiện đại…
Tôi là người dốt các thuyết lý, chỉ nói qua vậy, kẻo lại bị chê cười là “múa rìu qua mắt thợ”. Tuy vậy, tôi đã được xem bằng hình ảnh rõ ràng một thí nghiệm khoa học (hình như ở Nhật Bản): Trước mắt bạn là một cốc nước trong veo; nếu bạn nói những lời êm dịu, hướng thiện – thậm chí chỉ nghĩ như vậy trong đầu như thế – về , bạn sẽ thấy (tất nhiên qua công cụ đặc biệt của nhà khoa học) mặt nước hiện thành hình hoa văn rất đẹp; nhưng nếu bạn “chửi rủa” , thì hoa văn trên mặt nước sẽ biến hình xấu xí!… Đại thể như vậy.
Lại có một “chương trình” khác do một nhà khoa học uy tín người Mỹ Gregg Braden (chuyên gia nghiên cứu về khoa học và tâm linh) có đưa ra kết luận đại ý: “Tâm niệm của con người ảnh hưởng trực tiếp đến cấu trúc vật lý và sự cầu nguyện tập thể có sức mạnh tác động làm thay đổi môi trường”…
Đã nhận là kẻ “trung dung”, lại không thấy tận mắt, thú thật, tôi cũng không tin 100 %!
Lại còn chuyện những giấc mộng như điềm báo trước đã được chứng nghiệm, rồi chuyện các “nhà ngoại cảm” đi tìm mộ liệt sĩ đang hết sức “rôm rả” trong dư luận nữa! Cái vụ “cậu Thủy” lừa đảo bị bắt thì coi như đã rõ như ban ngày. Nhưng còn một số nhà ngoại cảm lâu nay được “tín nhiệm”, thậm chí đã được phép thử ADN xác thực thì chúng ta sẽ nói như thế nào?
Riêng tôi, thiển nghĩ, giả như mọi điều kể trên là “không thực tế” thì việc thêm nhiều người – bất kể là theo tôn giáo nào hay “vô đạo” – biết nghĩ tới những điều lành, không làm việc ác, trái đạo lý (có lẽ, chắp tay cầu nguyện cũng là một cách để tập trung ý nghĩ và là cách tìm nơi “bảo chứng” cho ý nghĩ của mình?) thì chắc chắn xã hội sẽ tốt đẹp hơn; và thiên nhiên cũng sẽ đỡ hung bạo hơn.

Bão tàn phá khu chung cư Phú Hậu. Ảnh: VĐN
Và các nhà khoa học đã chứng minh, chính vì ý thức ngược ngạo và cả sự u tối của con người, coi thường sự cân bằng mà tạo hóa đã thiết lập tự ngàn xưa, gây nên “hiệu ứng nhà kính” khiến trái đất nóng lên là một trong các nguyên nhân dẫn đến những thảm họa ở nhiều nơi khắp địa cầu trong những thập kỷ vừa qua. Nhân đây, tưởng cũng nên nhắc lại, chính các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác-Lê nin và cả Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Tư tưởng có thể biến thành sức mạnh vật chất”.
À, có lẽ cũng nên nói tiếp chi tiết “ngoài lề”, không ngờ, câu nói vui bên cửa hàng bánh mì lại thành sự thật. Tuy nhiên, nhờ thế mà cả bữa trưa và chiều, bà xã tôi khỏi phải nấu cơm, đỡ tốn điện, được ăn “xúp” với bánh mì sướng như… Tây!
Như thế, câu khẩu hiệu “Phòng bão hơn chống bão” vẫn rất là chí lí!
Nguyễn Khắc Phê

Similar Articles

Buồn vui chuyện… rác

Buồn vui chuyện… rác

“Xanh, sạch, sáng” không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành nhu cầu, nguyện

Sinh hoạt văn hóa dân gian ở đình làng Tết Huế

Sinh hoạt văn hóa dân gian ở đình làng Tết Huế

Vui chơi giải trí sinh hoạt văn hóa dân gian, vào dịp tết đến xuân

Màu tết ở Đông Ba

Màu tết ở Đông Ba

Tết Nguyên đán đã đến gần. Những ngày này, cùng với tiết trời hửng nắng

Tín ngưỡng thờ thủy thần ở Huế

Tín ngưỡng thờ thủy thần ở Huế

Ngay từ những ngày đầu tìm đất lập làng, người Việt nói chung, người Việt

Ai còn lồng nhãn nữa không?

Ai còn lồng nhãn nữa không?

Trả lời cho câu hỏi này của tôi, nhiều chủ vườn có nhãn ở Kim

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose