Văn hóa Huế | Homepage
Nỗi lo về số phận cổ vật ở các điểm di tích

Nỗi lo về số phận cổ vật ở các điểm di tích

🕔05.Dec 2013

Trong vòng 3 năm, từ 2010 đến nay, các điểm di tích, đặc biệt tại các lăng vua thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã hai lần để xảy ra mất trộm nhiều cổ vật quý, hiếm, có giá trị lớn.

Theo TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, năm 2010, kẻ trộm đã cạy cửa lấy đi mất 10 cổ vật bằng bạc và một thùng công đức ở lăng Khải Định. Mới đây, tại lăng Tự Đức, 6 cổ vật, gồm: 2 lư xông trầm hình con nghê (nặng 40,7kg và 47,2kg), chất liệu bằng đồng và 4 chiếc ché rượu, làm bằng sứ, tráng men cao 60cm, niên đại thế kỷ XIX đã không cánh mà bay! Trước đó tại lăng Minh Mạng, kẻ trộm cũng đã lấy đi thùng đựng tiền công đức.

Công tác bảo vệ cổ vật ở các di tích đang thực sự báo động.

Cửa đóng then cài vẫn bị trộm

Khi tên trộm Nguyễn Tiến Khanh, sinh năm 1975, ngụ tại xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế đột nhập vào lăng Thiệu Trị tiến hành phi vụ trộm cắp, bị bắt giữ thì mới khai rằng: đã 9 lần đột nhập các di tích để trộm cắp tài sản, trong đó có vụ trộm lăng Khải Định.

 Khách tham quan Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Ảnh: T.Ninh

Lăng Tự Đức luôn có 5 bảo vệ túc trực, canh chốt tại các điểm quan trọng của di tích này. Tuy nhiên, đến 3 giờ sáng thì các bảo vệ của lăng phát hiện các cổ vật ở Khu vực Điện Hòa Khiêm đã không còn. Trong khi cửa sau của điện không chốt khóa.

Hẳn nhiên, kẻ trộm phải là nhiều người, phối hợp ăn ý. Bởi khối lượng cổ vật khá nặng (gần 100 kg), có nhiều hiện vật dễ bị vỡ nên một người khó có thể lấy đi một lúc với số lượng nặng, cồng kềnh như vậy. Trong lúc, tại các điểm di tích đều có bảo vệ túc trực 24/24 giờ.

Trở lại vụ trộm lăng Khải Định. Khoảng 2h sáng 1-12- 2010, trộm cạy cửa đột nhập vào khu vực chính điện có nhiều đồ thờ tự, cũng là khu trưng bày cổ vật hoàng cung thời Khải Định (phục vụ du khách tham quan từ tháng 32006), lấy đi hòm công đức cùng một số cổ vật quý trưng bày tại đây. Ngay lập tức, khu vực được khoanh vùng điều tra trọng điểm, công an phát hiện có dấu vết cạy cửa ở khu vực này. Lăng Khải Định có nuôi 2 con chó, trong đó có một lai becgiê. Các cổng ra vào đều có khóa chắc chắn. Dư luận không khỏi nghi ngại.

Chưa có lộ trình

Vì sao các lăng vua đều có người bảo vệ mà vẫn xảy ra mất cắp cổ vật? Trao đổi vấn đề này với TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, ông Hải cho biết: Vấn đề mất trộm cổ vật là câu chuyện nhức nhối của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, do kẻ trộm cắp ngày càng táo tợn, manh động, do nhiều đối tượng buôn bán sẵn sàng trả giá cao, đặt hàng. Bên cạnh đó, công tác an ninh không đủ điều kiện để đảm bảo , chẳng hạn như thiết bị phòng trộm cắp, thiết bị hỗ trợ…

TS Phan Thanh Hải cho biết, nhiều điểm tham quan, trưng bày cổ vật ở các di tích Huế hiện nay đều chưa có thiết bị giám sát, báo động chống trộm, công tác bảo vệ chủ yếu chỉ do con người đảm nhiệm nên vấn đề quản lý cổ vật gặp không ít khó khăn.

“Để bảo vệ các cổ vật không bị mất, Trung tâm sẽ tăng cường công tác bố trí canh trực, bảo vệ trên toàn hệ thống, nghiên cứu để bố trí lại lực lượng bảo vệ trực tại các di tích, nhất là di tích có trưng bày cổ vật, đồng thời tổ chức khảo sát và sẽ sớm lắp đặt các hệ thống hỗ trợ bảo vệ cổ vật (hệ thống báo phòng trộm, hệ thống camera..). Tuy nhiên, đây là công việc đòi hỏi đầu tư lớn nên phải có lộ trình để từng bước thực hiện”, TS Hải nói.

Đúng là công việc bảo vệ cổ vật đòi hỏi đầu tư lớn nên cần phải có lộ trình, tuy nhiên lộ trình ấy đến khi nào mới có? Đó là điều đáng lo ngại khi hàng ngàn cổ vật do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý chưa có thiết bị bảo vệ.

Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, tập trung hơn 8.000 cổ vật, phần lớn được sưu tập từ các cung điện, lăng tẩm của triều Nguyễn. Đó là những vật dụng từng gắn bó mật thiết với cuộc sống của các bậc đế vương, những đồ dùng cho các nhu cầu sinh hoạt, lễ nghi, tín ngưỡng và quốc phòng của hoàng gia và triều đình nhà Nguyễn; những tặng phẩm, thương phẩm phản ánh các quan hệ ngoại giao, thương mại giữa Việt Nam với nước ngoài. Riêng bảo tàng này được đầu tư thiết bị camera chống trộm, song yếu tố quan trọng vẫn là con người.

Thực tế, dù TAND tỉnh đã tuyên phạt 16 năm tù giam đối với Nguyễn Tiến Khanh (9 lần thực hiện trộm cắp cổ vật ở lăng Thiệu Trị , Khải Định và nhiều lăng khác), về tội trộm cắp tài sản; nhưng vẫn chưa đủ sức răn đe.

Xuân Hồng

Similar Articles

“Cụ” xà cừ 100 năm ở Huế được giữ “sinh mạng’ nay đã lên mầm xanh

“Cụ” xà cừ 100 năm ở Huế được giữ “sinh mạng’ nay đã lên mầm xanh

Mầm xanh đã hồi sinh trên cổ thụ được trồng lại sau khi bị bão

Xây dựng Huế là điểm đến hạnh phúc

Xây dựng Huế là điểm đến hạnh phúc

Huế đang được cộng đồng du lịch đánh giá là điểm đến để tìm kiếm

Chân dung bếp trưởng mang ẩm thực Huế ra thế giới

Chân dung bếp trưởng mang ẩm thực Huế ra thế giới

Là một trong số những đầu bếp sẽ tham dự Ngày ẩm thực Việt Nam

Du lịch trên những tuyến sông vẫn còn để ngỏ

Du lịch trên những tuyến sông vẫn còn để ngỏ

Chiều đó, khi nhìn những chiếc tàu ngược xuôi với mật độ khá dày đặc

Huế vận động tháo dỡ hàng rào trên đường Lê Lợi dọc sông Hương

Huế vận động tháo dỡ hàng rào trên đường Lê Lợi dọc sông Hương

Đường Lê Lợi dọc sông Hương được mệnh danh là "Phố bảo tàng" và  chính

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose