Văn hóa Huế | Homepage
Những “bà mụ” nổi tiếng

Những “bà mụ” nổi tiếng

🕔21.Feb 2014

Ở Huế, mẹ của cha mình được gọi là mệ nội, mẹ sinh ra mẹ mình được gọi là mệ ngoại. Em hay chị gái của mệ mình được gọi là mụ. Trong Hoàng tộc, con trai hay con gái thuộc dòng vua đều gọi là Mệ như Mệ Vững là tên của vua Bảo Đại, Mệ Mến là tên của vua Hiệp Hòa. Sở dĩ đàn ông con trai mà gọi là mệ là do truyền thống mê tín, cho rằng ma quỷ thường bắt hồn con trai mà tha cho con gái nên mới thay đổi giới tính dù chỉ là bằng cách xưng hô. Con cái của các Mệ được gọi là Mụ.

Lần hồi, cách xưng hô này không còn nữa. Trong đời sống dân dã, từ Mụ dùng để chỉ những bà già cao tuổi hoặc giới bình dân như mụ bán rau, mụ bán cá, mụ ăn xin…

Lắm mụ đã nổi tiếng một thời ở Huế, không do tài hoa hay đức độ, chỉ cần nấu bún bò ngon cũng đủ cho cả Huế nhắc nhở như “Bún bò mụ Rớt”, bán thuốc Cẩm Lệ ngon cũng đủ lưu danh hậu thế như “Thuốc lá mụ Cửu Ới”, hoặc chỉ cần to béo, đẫy đà khác người như Mụ Liếc cũng được nhiều người biết đến.


Tô bún bò Huế. (Nguồn: Internet)

Mụ Cửu Ới

Chắc tên là Ái nhưng người ta đọc trại là Ới – là chủ một của tiệm bán thuốc lá Cẩm Lệ ngon nổi tiếng trước năm 1960. Hầu hết dân Thừa Thiên đều hút thuốc của mụ pha chế, ngay dân các tỉnh lân cận như Quảng Trị, Quảng Nam cũng gởi mua cho được thuốc này.

Có điều buồn cười: thuốc lá Cẩm Lệ lại do làng Cẩm Lệ thuộc tỉnh Quảng Nam sản xuất, đưa ra Huế. Không hiểu mụ Cửu Ới phù phép làm sao mà thuốc của mụ đã khiến người ta ghiền như ghiền ma túy.Các o gái Huế thuộc “đợt sống mới” rất sợ mùi gắt của thuốc này nhưng o nào cũng biết mặt mụ Cửu Ới vì họ thường bị mẹ sai đi mua thuốc Cẩm Lệ, o nào tắc trách mua thuốc ở hàng khác thế nào cũng bị “mạ rầy”.

Thuốc Cẩm Lệ được tước cọng, phơi khô; cọng lá thuốc được sắc lên như sắc thuốc Bắc xong tưới lên lá thuốc. Lá thuốc trở thành màu đen, được cuộn lại thành những cuộn tròn như xúc xích. Có thợ chuyên môn dùng dao bầu thái lá thuốc thành từng lát mỏng, đựng trong lá chuối tươi và giữ trong những bao thuốc làm bằng bẹ chuối cho thuốc khỏi khô. Người Huế không vấn thuốc Cẩm Lệ như các bà con trong Nam quấn thuốc Rê Gò Vấp. Họ vấn theo kiểu sâu kèn, đầu to đầu nhỏ trông có vẻ mảnh mai, thanh cảnh.

Nhất là vấn thuốc để cúng ông bà, đặt lên cơi đồng cùng với cau trầu thì điếu thuốc lại càng được chăm chút hơn. Thuốc vấn bằng giấy quyến (giấy quyến được rọc và bán từng dung). Đuôi điếu thuốc có chỗ gập lại, khi hút thì dùng răng cắn chỗ gập này phun đi rồi mới hút. Hút xong, còn cái tàn thì dán ngay lên cột nhà hay vách tường, khi nào thiếu thuốc, chưa mua kịp thì gỡ tàn ra hút lại.

Mụ Cửu Ới không còn nữa nhưng tiếng tăm thuốc lá của mụ Cửu Ới vẫn còn vì có một thời, dễ đến nửa thế kỷ, thuốc Cẩm Lệ đã gắn bó với rất nhiều gia đình người Huế.


Chế biến thuốc lá Cẩm Lệ. (Nguồn: Internet)

Mụ Liếc

Mụ chi vóc dáng đẫy đà
Khuôn trăng đầy đặn thịt thà nở nang
Ăn làm răng, nói làm răng
Xích lô sợ chạy, đò ngang sợ chìm

Đó là câu đố của những người Huế tha hương, khi nhớ về quê xưa, nhắc nhở đến những nhân vật nổi tiếng của quê mình. Câu này xuất hiện năm 1998, trong Đặc san Quốc Học – Đồng Khánh xuất bản ở Nam California (Mỹ), và đã được Bảo Thái giải đáp như sau:

Mụ Liếc vóc dáng đẫy đà
Nặng gần hai tạ ngó mà sướng ghê
Phần trên, phần dưới đề huề
Ngồi xe, xe xẹp; ngồi ghe, ghe chìm.

Mụ Liếc nổi tiếng vào các thập niên 50-60 với dáng người to béo, phì nộn quá khổ.Có lẽ mụ là người đàn bà nặng nhất Huế, không có người thứ hai. Nếu có người thứ hai thì mọi người đã biết. Mụ làm nghề thầu bến đò Thừa Phủ, chuyên ngồi trên bến để thâu tiền, không dám xuống đò vì sợ đò… chìm. Mỗi lần về nhà bằng xích lô, mụ phải trả thêm tiền vì anh phu xích lô phải vất vả lắm mới dịch chuyển được tấm thân hai tạ của mụ.

Bún bò mụ Rớc

Có người viết là Rớt, viết cách này đọc lên theo giọng Bắc thì không diễn đúng tên của mụ, phải phát âm theo giọng Huế, gọi cho đúng tên của người bán bún bò nổi tiếng ở Ngự Viên – Gia Hội. Hầu như người Huế ai cũng đã hơn một lần ăn bún bò mụ Rớc, nếu không ghiền mà ăn hoài thì cũng ăn một hai lần cho biết. Tô bún bò đúng tiêu chuẩn Huế: nước ngọt, cay vừa, có mùi ruốc, thịt bò chín mềm, giò heo giòn rụm, không thêm rau ráng, giá sống, chỉ rắc một nhúm hành hoa. Đi xa Huế, khi thèm bún bò, lại nhớ đến bún bò mụ Rớc, cho nên lại có thơ:

Mụ chi nổi tiếng ầm ầm
Chưa đi đã té, chưa cầm đã rơi
Ngày nay mụ đã qua đời
Mà trong thiên hạ lắm người mượn tên
Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh
Mấy ai bắt chước nấu nêm cho bằng.

Đó là câu đố của ông Cai Trường. Bảo Thái đã giải đáp:

Mụ Rớt nổi tiếng ầm ầm
Ngự Viên – Gia Hội ai lầm được tên
Tiếc thay phần số không bền
Chu du tiên cảnh sống miền Thiên Thai
Thế gian thương mụ nhiều tài
Bún bò tên mụ ăn hoài chẳng no.

Sau 1975, mụ Rớc vào Sài Gòn, mở quán bún bò ở chợ Tân Định, treo bảng là Bún bò O Rớt. Từ mụ đã đổi thành o nên bún bò dường như cũng bớt phần ngon. Cứ giữ nguyên từ mụ có xấu xa gì đâu! Nghe càng thêm thân mật. Khi anh em, bà con rủ nhau đi ăn “bún bò mụ Rớc” là rủ nhau tìm về với kỷ niệm, phong vị, màu sắc của quê hương. Bây giờ hậu duệ của mụ Rớc vẫn hành nghề ở khu Lê Văn Sỹ – Trần Quang Diệu. Nhiều tiệm bún bò cũng mượn danh “O Rớt” nhưng xem ra phải ăn đúng tô bún bò do chính tay mụ Rớt múc, một buổi chiều lành lạnh, trong quán Gia Hội thì mới cảm thấy trọn vẹn cái ngon.

(Sưu tầm)

Similar Articles

Gánh bún tinh mơ

Gánh bún tinh mơ

5g sáng, nhiều người vừa tạt xe vào lề đường với niềm háo hức sẽ

Huế và hoàng mai

Huế và hoàng mai

Ký ức một thời lại về trong mỗi người, mỗi gia đình khi sắc màu

Đặc sản của Huế

Đặc sản của Huế

Nếu nói đến đặc sản Huế chắc nhiều người nghĩ ngay đến ẩm thực, tức

Tín ngưỡng thờ thủy thần ở Huế

Tín ngưỡng thờ thủy thần ở Huế

Ngay từ những ngày đầu tìm đất lập làng, người Việt nói chung, người Việt

Ai còn lồng nhãn nữa không?

Ai còn lồng nhãn nữa không?

Trả lời cho câu hỏi này của tôi, nhiều chủ vườn có nhãn ở Kim

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose