Văn hóa Huế | Homepage
Thăm ngôi từ đường của ngành Hát Bội

Thăm ngôi từ đường của ngành Hát Bội

🕔21.Feb 2014

Di tích Thanh Bình Từ Đường nằm sâu 50m trong kiệt 281, đường Chi Lăng (TP Huế). Sức hấp dẫn của ngôi từ đường được xếp vị trí loại 1 di tích văn hóa cấp quốc gia.

Đường vào di tích

Khuôn viên ngôi từ đường rộng 339,9 m2 (theo bản đồ địa chính của UBND Phường Phú Hiệp, TP Huế) với bức tường bằng gạch và vữa bao quanh. Nhưng theo người dân địa phương thì ngày xưa Thanh Bình Thự rất rộng, bao trọn cả kiệt 281 Chi Lăng. Xóm Thanh Bình cũng được gọi là “xóm Hát Bội”.

Ông Trần Ngọc Lợi (84 tuổi), người giữ hương khói ngôi từ đường đã 60 năm nay hổ hởi kể cho tôi biết nhiều điều kỳ thú về ngôi từ đường Thanh Bình. Theo ông, ngôi từ đường lúc trước gọi là Thanh Bình Thự được xây dựng vào năm Minh Mạng nhị niên để dùng làm nơi luyện tập cho những nghệ nhân thuộc đội hát Bội Việt Tường trong cung cấm. Một trong hai tấm bia đá trước sân từ đường đã nói về sự việc này. Trải qua hơn 180 năm, màu rêu phong và sự ẩm mốc càng làm tăng thêm vẻ cổ kính và uy nghi cho ngôi từ đường.


Biển báo hướng dẫn vào di tích.

Nhìn xa xa trên mái ngói hình đôi rồng uốn lượn (một theo kiểu Việt, một theo kiểu Tàu) như đang cưỡi mây đạp gió khiến tôi cảm giác như đang lâng lâng và thăng hoa trong dòng hoài cổ.

Thự Thanh Bình, kiến trúc văn hóa được triều đình Huế ngày xưa coi trọng chắc hẳn đã được các nghệ nhân thời đó xây dựng rất chi li và tính toán cẩn thận. Cách bài trí của ngôi từ đường cũng thật sự rất mẫu mực cho thuật phong thủy của người Huế xưa.

Cổng từ đường được tạo dựng theo lối hai trụ cao, có trang trí họa tiết xưa trên đỉnh trụ. Vừa bước vào cổng từ đường, tôi bỗng cảm thấy mình trở nên nhỏ bé lại, hay nói chính xác hơn là bị cánh cổng tâm linh đè nén cả người xuống. Và bức bình phong chắn ngang lối vào với điêu khắc con long mã (ngựa hóa rồng) đặc trưng của tâm linh xứ Huế lại càng khiến tôi trở nên khép nép và nhún nhường hơn. Mặc dù tôi biết kiến trúc phương Đông đặc trưng là phải như thế, nghĩa là luôn khiến con người phải khuất phục và sợ hãi.

Cách bài trí cổng và bình phong của ngôi từ đường khiến du khách như từ thế giới thực lạc sang thế giới tâm linh với những bước đi nhẹ nhàng và kính cẩn. Những cây cảnh tranh trí trong sân ngôi từ đường cũng được bài trí theo lối Âm Dương, Ngũ Hành của người xưa. Cách kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên và con người trong khuôn viên ngôi từ đường đã tạo cho tôi một cảm giác “Thiền” để chiêm nghiệm và suy ngẫm.

Ông Lợi, người giữ ngôi từ đường cho biết để vào ngôi từ đường không phải là dễ dàng. Bởi xóm Thanh Bình ngày xưa toàn là con cháu của những nghệ nhân hát Bội Huế xưa và ngôi từ đường chỉ có những người trong ngành mới được bước chân đến vào những ngày giỗ tổ. Hiện tại, mặc dù ngôi từ đường đã được công nhận là di tích văn cấp quốc gia được 22 năm (1992 – 2014) nhưng du khách đến đây vẫn thưa vắng và ít ỏi.


Thanh Bình Từ Đường.

Thế giới tâm linh huyền ảo

Khó có ngôi từ đường nào ở Việt Nam có một hệ thống thờ cúng tâm linh phong phú và đa dạng như ở ngôi từ đường này. Đầu tiên, ở gian chính giữa vách tường sau từ đường là bàn thờ Tam vị thánh tổ có công khai hóa nền văn hóa dân tộc và các vị đại vương tiền khai canh, hậu khai canh. Bên trái của các vị thần này lần lượt là bàn thờ Cửu thiên huyền nữ, Ngũ vị sơn thần và bên trái lần lượt là bàn thờ Ngũ Thánh, Tổ ngành Tuồng.

Hai bên tả hữu trong ngôi từ đường là nơi thờ 12 vị tổ nghề (mỗi bên 6 vị). Đó là các tổ thợ rèn, thợ may, thợ nông nghiệp (2 vị), thợ nề, thợ mộc, thợ kinh doanh, buôn bán, làm ăn (2 vị), thợ máy (2 vị), thợ vàng, thợ bạc (Cao Đình Độ, Cao Đình Hưu). Chính giữa từ đường là bàn thờ vị Tổ anh hùng có công với dân tộc và các vị tổ ngành xướng ca của cả nước (chèo, cải lương, hát Bội…).

Ông Lợi kể giai thoại về vị tổ anh hùng dân tộc ở bàn thờ chính từ đường với cách biểu đạt rất hùng hồn lẫn bi tráng. Ông kể vị Tổ anh hùng dân tộc được thờ ở gian chính giữa đầu tiên là một vị tướng Việt Nam đã qua thi võ bên Tàu.

Vua Tàu đã hống hách ra một điều kiện: Nếu đánh thắng võ sĩ của ông ta thì sẽ được là phò mã, hưởng vinh hoa phú quý. Ngược lại nếu thua thì sẽ bị chém đầu trước sân rồng nhằm hạ nhục người nước Nam. Vị tổ anh hùng nhận lời và đã nhấc tên võ sĩ Tàu lên qua vài thế võ, quay nó như quay dế và xé tên võ sĩ ra làm hai mảnh. Sau đó, vì không về được quê hương ông đành phải đã tự tử ở sông Hàn Giang. Lăng của ông hiện vẫn ở núi Ngự Bình (TP Huế).

Bên ngoài ngôi từ đường còn có 2 án thờ ở hai bên tả hữu. Án bên trái thờ các nghệ nhân quá cố như Đào Duy Từ. Án bên phải thờ các anh hùng quá cố, nghĩa sĩ trận vong. Theo ông Lợi, hai án thờ này tuy được thờ ở ngoài nhưng rất quan trọng trong hệ thống tâm linh của ngôi từ đường.

Mỗi vị thần thánh, vị tổ và anh hùng, nghệ nhân ở đây đều có những điển tích kỳ lạ và thú vị. Du khách sẽ có một cách nhìn tổng quát và rất bổ ích về hệ thống bài trí thờ cúng tâm linh của tổ tiên người Huế xưa nếu tham quan được di tích này. Ông Lợi, người “hướng dẫn viên” 84 tuổi sẽ kể về từng vị trong từ đường theo sự tò mò và phát hiện của từng cá nhân du khách.


Ông Trần Ngọc Lợi – người đang hương khói và giữ gìn Từ đường Thanh Bình (Ảnh tư liệu)

Bao giờ có tour du lịch?

Ngoài thế giới tâm linh huyền ảo của ngôi từ đường và kiến trúc cổ của nó, du khách đến đây còn được dịp chiêm ngưỡng về những văn bia thời vua Minh Mạng, bức hoành phi của vua Tự Đức và các sắc phong của vua Khải Định.

Đặc biệt, nếu du khách về thăm đúng dịp Lễ tế tổ hát Bội (14 rằm tháng 3, 16 rằm tháng 7) còn có thể chứng kiến được những nét văn hóa đặc thù của ngành Hát Bội xứ Huế xưa. Bởi, gần 50 nghệ nhân của nhà Hát Duyệt Thị Đường và những gánh Hát Bội khắp cả nước đã tề tựu về đây để giỗ tổ, ôn lại lịch sử ngành và thăm hỏi lẫn nhau.

Theo o Hoàng Thiên Thu, người dân sống tại kiệt 281 Chi Lăng thì cách đây mấy năm Tỉnh đã cho phép tái diễn đúng quy trình Lễ giỗ tổ Hát Bội ở Thanh Bình Từ Đường như những năm 80 của thế kỷ XX (khi đó Lễ giỗ tổ Hát Bội lại được tổ chức ở sân chùa Triều Châu).

Ông Lợi, người giữ ngôi từ đường thì hy vọng Lễ giỗ tổ Hát Bội sẽ lại được tổ chức vào các kỳ Festival. Rồi con đường rộng vào di tích để du khách có thể nhìn thấy ngay khi đi trên đường và các tour du lịch sẽ chọn nơi đây làm điểm đến sẽ được thực hiện… Nhưng mọi việc đều còn phải chờ kinh phí đầu tư của tỉnh và sự quảng bá thông tin di tích đến với du khách và các nhà đầu tư tour du lịch.

Di tích quan trọng nhất của khu phố cổ Gia Hội nếu được đưa vào khai thác du lịch sẽ khiến cho đời sống người địa phương nơi đây thay đổi khác hẳn. Rất mong điều này sớm trở thành sự thật để phố cổ Gia Hội ở Huế sớm hồi sinh và trở thành một “Hội An của Huế”, đóng góp vào ngành kinh tế “không khói” của tỉnh nhà.

Nguyễn Toàn
(Theo Đời sống & Pháp luật)

Similar Articles

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Tra Am là ngôi chùa mà tôi biết sớm nhất ở Huế. Đó là khi

Gánh bún tinh mơ

Gánh bún tinh mơ

5g sáng, nhiều người vừa tạt xe vào lề đường với niềm háo hức sẽ

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Nhiều thế hệ Việt Nam, đã từng quen thuộc với hình ảnh "chú bé loắt

Buồn vui chuyện… rác

Buồn vui chuyện… rác

“Xanh, sạch, sáng” không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành nhu cầu, nguyện

Bắp miệt Cồn

Bắp miệt Cồn

Cồn Hến, nhìn lên cầu Trường Tiền - Ảnh: wikipedia Mỗi lần qua về Cồn Hến,

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose