Văn hóa Huế | Homepage
Thuốc lá Cẩm Lệ bà Cửu Ới

Thuốc lá Cẩm Lệ bà Cửu Ới

🕔21.Feb 2014

Trong đặc san Quốc Học – Đồng Khánh xuất bản ở Nam California (Mỹ) năm 1998 có một câu đối rất thú vị, tác giả của câu đối độc đáo này có bút danh là Ông Cai trường:

Bà chi tên tuổi thường kêu
Văn giai cửu phẩm, bạn nhiều mụ tra
Bảng đề trước chợ Đông Ba
Phì phèo, bập bập, ai qua cũng dòm
Bảo Thắng đối lại đầy ấn tượng:
Tên bà Cửu Ới khó quên
Thuốc lá Cẩm Lệ Huế mềm lạ chi
Đông Ba dừng lại một khi
Mua vài ba gói Mệ Dì hút chơi

Thuốc lá Cẩm Lệ gốc ở Quảng Nam, du nhập ra Huế vào thời kỳ 1940 -1960, được hầu hết người dân – đặc biệt là phụ nữ ưa chuộng nên rất đắt khách và nổi tiếng. Dạo ấy, ngay trước mặt chợ Đông Ba – nơi phồn hoa đô hội của thành phố Huế có tiệm bán thuốc lá Cẩm Lệ, chủ nhân là bà Cửu Ới, vì thế người ta thường gọi một cách thân thiết và đơn giản là thuốc lá Cẩm Lệ Bà Cửu Ới.

Máy xắt thuốc Cẩm Lệ. (Ảnh minh họa: Trương Điện Thắng – Báo Quảng Nam)

Loại thuốc này có màu đen đen, mùi thơm thơm, rờ vào sẽ thấy rít rít, thường được cuộn chặt thành những khoanh tròn như con rắn vậy, dùng một con dao thật bén xắt ra thành từng lát thật mỏng, càng mỏng càng đẹp và có giá trị về mặt chất lượng, nghĩa là khi vấn để hút, từng sợi thuốc mỏng manh ấy quyện dính vào nhau sẽ góp phần tăng thêm hương thơm đậm đà đặc sắc của vị thuốc Cẩm Lệ.

Thuốc lá Cẩm Lệ bán – mua theo cân lạng, khi mua ta sẽ được bà Cửu Ới gói thuốc trong lá chuối tươi cốt để giữ cho thuốc có độ ẩm khỏi bị khô, bởi thuốc khô lúc hút sẽ có mùi khét rất dở, cộng thêm một xấp giấy quyến mỏng dùng để vấn thuốc, số lượng giấy quyến kèm theo này thường tương đương với cân lạng thuốc mình mua, chẳng hạn 1 lạng thuốc thì 10 xấp giấy quyến, hai lạng thuốc thì 20 xấp giấy quyến… Tất cả thuốc và giấy quyến gói trong lá chuối lá chuối, để thêm phần lịch sự và sạch sẽ bên ngoài lá chuối được bao bọc bằng giấy báo. Do vậy – cứ hễ nhìn thấy ai đó cầm một gói giấy hình vuông dẹp mong mỏng, nhẹ tênh, đó chính là gói thuốc Cẩm Lệ của bà Cửu Ới.

Thuốc được vấn thành điếu bởi giấy quyến, giấy quyến là loại giấy mỏng, mỏng hơn giấy pơluya, mềm dịu, màu trắng, khi mua giấy quyến đã được rọc sẵn, chiều dài tuỳ thuộc vào khổ giấy đã quy định của nhà sản xuất, thông thường có thể vấn được khoảng 5- 6 điếu một dung giấy, chiều ngang bằng lóng tay áp út, người hút tự tay vấn lấy thuốc mới có giá trị, một điếu thuốc hoàn chỉnh sẽ có một đầu to, đầu nhỏ, khi hút ta ngậm đầu nhỏ ở miệng, châm lửa ở đầu to.

Vấn thuốc cũng là một nghệ thuật tinh tế, một điếu thuốc đẹp là phải láng lẩy, gọn gàng, đầu to đầu nhỏ cân xứng hài hoà, như thế mới là sành điệu.

Về phương thức vấn thuốc, tùy tạng người, người thì lúc nào cần hút thì vấn, có người sáng mai ngủ dậy, bên tách trà thơm thong thả vấn từng điếu một, bỏ vào hộp – hộp đựng thuốc thường rất đẹp được mạ vàng hoặc mạ bạc khá sang trọng – để hút trong một ngày, chỉ một ngày thôi, nếu vấn nhiều hút không hết sang ngày sẽ bị mất mùi, hết ngon! Trông phong thái vấn thuốc ta ngầm hiểu tâm tư, tư chất của người hút, kẻ thì cung cách kiêu sa, vấn thuốc mà mơ màng suy tư trầm tưởng, người thì vội vàng như để sớm được tận hưởng nhanh chóng nhất trọn vẹn nhất miếng ngon ở đời.

Điếu thuốc to, nhỏ thường tùy vào hoàn cảnh sống, hạng người sang hèn, giàu nghèo khác nhau, người giàu sang quyền quý vấn điếu thuốc nho nhỏ xinh xinh, bởi nhàn hạ thảnh thơi, lại chuộng cái thanh nhã, vấn thuốc – hút thuốc cũng là một thú vui bất kể thời gian. Nông dân, đầu tắt mặt tối suốt ngày, ăn chắt mặt bền, vấn một điếu thật to để hút cho lâu hết, khỏi mất công và cũng để tự tìm kiếm cảm giác đã thèm! Hút xong điếu thuốc, sẽ còn dư một chút tàn, tiện tay dán tàn thuốc vào chân giường, cột nhà – một cách để dành khi hết thuốc chưa kịp mua hay không có tiền thì sẽ lấy tàn ấy vấn lại mà hút cho đỡ ghiền, đỡ tốn!

Ngày trước, phụ nữ Huế, nhất là các bậc lớn tuổi, từ mợ ấm cô chiêu trong nhà quan quyền đến phụ nữ nông thôn bình dân lao động,quanh năm vất vả – đều hút thuốc Cẩm Lệ. Dẫu rằng mỗi người mỗi kiểu, mỗi phong cách, trong nhà quyền quý, các vị phu nhân, các tiểu thư hút thuốc để hưởng thụ thú thanh nhàn, tìm thêm hượng vị cuộc sống riêng tây. Trái lại, người lao động bình dân hút thuốc để tìm hơi ấm cuộc đời qua hương vị thuốc, và cũng như là tự thưởng một niềm vui tinh thần cuối ngày. Cứ thế, càng hút, càng say và thuốc lá đã trở thành một nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, và nhờ đó bà Cửu Ới kinh doanh mặt hàng này phát đạt.

Dạo ấy, cứ vào ngày 01 dương lịch của mỗi tháng, bà nội đi lãnh lương hưu ở kho bạc về, nơi đến đầu tiên bà tiêu tiền là tiệm thuốc Cẩm Lệ bà Cửu Ới, khi xe xích lô vừa xịch đỗ, khách – chủ đã vui vẻ chào hỏi nhau – mối ruột mà! thân tình tâm sự, bàn luận, góp ý cho lứa thuốc ngon, chưa ngon trong tháng. Trong nhà, lũ trẻ chúng tôi cứ luôn ngong ngóng đợi bà nội sai đi mua thuốc, ai được ưu tiên chọn thì lấy làm sung sướng, thứ nhất được đi dạo phố có lý do chính đáng, thích thú hơn là được bà cho thêm tiền ăn quà.

Thuốc lá Cẩm Lệ bà Cửu Ới của một thời đã tạo cơ duyên cho bạn bè thăm nhau mời nhau điếu thuốc chuyện trò thêm rôm rả, một mình trầm ngâm với khói thuốc có thêm những ý tưởng hay, sáng tạo bao điều kỳ diệu.

Ngày nay, thuốc lá Cẩm Lệ không còn huy hoàng trên cửa tiệm chợ Đông Ba, còn chăng chỉ có bán lẻ trong các quán nhỏ ở các chợ và thi thoảng xuất hiện trong dịp lễ cúng bái tổ tiên theo nếp cũ mà thôi, trong tâm tưởng của những người Huế, thuốc Cẩm Lệ vẫn còn vấn vương một chút buồn vui thương nhớ dĩ vãng.

Theo Tiểu Kiều (voque.org)

Similar Articles

Sinh hoạt văn hóa dân gian ở đình làng Tết Huế

Sinh hoạt văn hóa dân gian ở đình làng Tết Huế

Vui chơi giải trí sinh hoạt văn hóa dân gian, vào dịp tết đến xuân

Màu tết ở Đông Ba

Màu tết ở Đông Ba

Tết Nguyên đán đã đến gần. Những ngày này, cùng với tiết trời hửng nắng

Tín ngưỡng thờ thủy thần ở Huế

Tín ngưỡng thờ thủy thần ở Huế

Ngay từ những ngày đầu tìm đất lập làng, người Việt nói chung, người Việt

Ai còn lồng nhãn nữa không?

Ai còn lồng nhãn nữa không?

Trả lời cho câu hỏi này của tôi, nhiều chủ vườn có nhãn ở Kim

Dấu ấn di sản cung đình nhà Nguyễn trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ ở Huế

Dấu ấn di sản cung đình nhà Nguyễn trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ ở Huế

Trong quá trình hình thành và phát triển của tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose