Văn hóa Huế | Homepage
Thưởng trà, ngắm hoa ngày Tết ở Huế

Thưởng trà, ngắm hoa ngày Tết ở Huế

🕔04.Feb 2014

“Ngày tết, uống trà là một cách để giao hòa với trời đất thiên nhiên vào ngày xuân mớí…”.

Tết là ngày hội đầu Xuân, người người hân hoan vui mừng chào đón bao điều tốt đẹp của năm mới sẽ đến, là dịp để gia đình quây quần sum họp mừng thọ ông bà, cha mẹ; anh em, con cái làm ăn phương xa trở về đoàn tụ trong mái ấm thương yêu, là cơ hội tuyệt vời cho bạn bè thân ái gặp mặt tâm tình, chúc nhau vạn sự như ý… Trong không khí thiêng liêng của đất trời…, sự ấm cúng của mọi nhà… không thể nào thiếu mùi trầm hương thơm ngát, sự tươi thắm sắc màu của hoa xuân và hương vị tao nhã của tách trà nghi ngút …


Trà cung đình. (Nguồn: Cinet)

Ngày tết ở Huế nhà nhà đều tràn ngập hoa tươi rực rỡ, người Huế dâng hoa với ý nguyện cầu mong an bình hạnh phúc cho con cháu trong năm mới. Trên bàn thờ, hoa huệ trắng tinh khiết ngát hương, cắm một nhành hoàng mai vào chiếc lọ gốm để ở gian giữa nhà, với người Huế, như thế là mùa Xuân ấm áp đã đến! và niềm vui càng được nhân lên khi trong cành mai vàng quý phái đó có đóa 6 cánh, ấy là điềm may mắn của chủ nhân… Thêm nữa, đâu đó trên bàn tiếp khách, góc học tập, tủ sách, bên thềm cửa sổ và cả bàn ăn nữa… nào hoa cúc, hoa lan, hoa hồng nhung, hoa cẩm chướng… đang khoe sắc, với tâm hồn tinh tế và đầy thẩm mỹ của các cô gái Huế – Xuân về – hoa nở rộ khắp nhà, nhờ thế căn nhà đẹp hẳn lên, sang trọng thêm bội phần – dường như mọi sự vật đều được hóa thân thánh thiện bên hoa lá xanh tươi mơn mởn… Người Huế vốn thích gởi gắm niềm riêng trong ý nghĩa mỗi loài hoa, vì thế qua các loài hoa và sắc màu của hoa được chưng bày – khách sẽ đón đọc được tâm ý của chủ nhân, có nhà hồn nhiên trăm hoa khoe sắc, có nhà ý tứ chỉ duy một loài hoa, màu hoa…

Ngày nay, thời buổi hiện đại hóa, công nghiệp hóa… hoa cũng đi vào quy luật tự nhiên ấy, một số người Huế đã có sở thích chơi hoa khô, hoa nilông, hoa vải… vào dịp Tết, tiện lợi mọi bề, dùng được lâu mà vẫn giữ nguyên sắc màu – loại hoa bất chấp thời gian! Với bàn tay tài hoa và sự sáng tạo tuyệt mỹ, con người đã hứng thú góp mặt với đời với những bình hoa nilông, hoa vải mà màu sắc và hình dáng làm cho người ta lầm tưởng là hoa thật, có khi còn đẹp hơn! chỉ tiếc là không tỏa hương để làm đắm say lòng người, dẫu vậy vẫn có khả năng để cho bao người “hồn xiêu phách lạc”. Gần đây, hoa khô lại xuất hiện chiếm lĩnh thị trường và được giới trẻ đón chào nồng nhiệt, điều dễ hiểu là ngoài vẻ đẹp độc đáo của hoa khô thì tâm lý chuộng sự lạ hóa, thị hiếu thẩm mỹ đổi mới của người tiêu dùng, dù vô hương nhưng lại hữu tình, nên vẫn vô cùng hấp dẫn bởi ta có thể sử dụng có hiệu quả vào những dịp liên hoan, tiệc tùng… sau tết.

Góp phần làm phong phú thêm cho hoa Xuân của Huế, những năm trở lại đây hễ dịp Tết đến xuân sang, hoa đào hồng tươi của xứ Bắc được đưa vào Huế khá nhiều, bên cạnh cành hoàng mai sang trọng, hoa hồng đào tươi tắn xứng đôi, nhiều người thích đổi mode, đã chọn hòa đào chơi Tết, hòa Hà Nội trong căn nhà Huế xinh đẹp duyên dáng!

Theo kinh nghiệm của người sành điệu, để có hoa tuyệt đẹp chưng tết bạn nên chịu khó cất công tìm mua hoa ở thời điểm hoa chưa họp mặt ở chợ hoa, nghĩa là đến các vùng Kim Long, Nguyệt Biều, Vỹ Dạ – nơi người nông dân đang chăm chút ươm trồng, nâng niu từng nụ… tha hồ sẽ được chọn lựa. Một niềm vui nho nhỏ rất rộn ràng của chiều tối cuối năm: nam thanh nữ tú hẹn hò nhau tận hưởng chút thời gian còn lại ngày cuối cùng của một năm là gần đến phút giao thừa đi mua hoa, lúc ấy thoải mái, giá rẻ như biếu không, khéo chọn cũng cành đẹp, dù rằng cái đẹp ở đời luôn vô giá.

Ngoài ra, chơi cây kiểng còn là một thú vui tao nhã của người Huế đón Xuân có lại cây kiểng có hoa, và loại cây kiểng không hoa, loại nào cũng có những vẻ đẹp riêng cho người thưởng ngoạn, người chơi cây kiểng phải là những tâm hồn nhạy cảm và rất tinh tế theo mỗi phong cách quyến rũ đặc biệt của nó.


Lối vào của nhà vườn An Hiên. (Ảnh minh họa: DNSG)

Nhà vườn Huế, mùa xuân vạn vật sinh sôi, cây lá đâm chồi nẩy lộc, trăm hoa đua nở, góc vườn là hoa mộc lan, nguyệt quế tỏa hương dịu dàng, trước sân hoa thược dược, hồng nhung, cẩm chướng… màu sắc kỳ ảo, hoa vạn thọ vàng rực, hoa trang đài các… Tết ở Huế, bạn sẽ được lạc giữa vườn hoa… lâng lâng cảm giác phiêu bồng chốn thiên thai.

Tết là vui chơi ăn uống mà trong văn hóa ẩm thực thì người ta thường nhắc đến văn hóa hưởng trà… ở Huế, uống trà là nét đẹp văn hóa truyền thống trong ngày Tết cổ truyền. Đầu năm mới, chén trà chúc nhau vạn sự như ý, mọi điều tốt lành. Ngày xưa ông cha ta thích uống trà tàu, trà sen, trà hoa sói, dưới triều đại phong kiến ngày xưa, vua quan uống trà là phổ biến nhưng cách thức pha trà rất cầu kỳ, ví như pha trà bằng nước mưa hay ủ trà trong búp sen, ly trà thì bé xíu, cung cách uống trà thung dung thưởng thức.

Ngày nay, trà phong phú chủng loại: trà Nam, trà Bắc, trà Lipton, trà chanh, trà Thái, trà sâm … sở thích uống trà cũng theo tác phong hiện đại hóa, ít cầu kỳ hơn xưa, trái lại rất nhanh gọn tiện lợi, ví như khách đến chơi nhà ngày tết, chủ nhà chỉ cần bỏ một bì trà vào tách, pha nước sôi, bạn tha hồ thưởng thức đủ hương vị riêng, chung… và vui vẻ trò chuyện thân ái. Ở nông thôn, người lao động thích uống chè tươi, ngon và bổ dưỡng, giải khát, giải nhiệt, giải độc – nếu như ngày Tết ăn uống quá nhiều chất mặn, ngọt, chua, cay.

Ngày tết, uống trà là một cách để giao hòa với trời đất thiên nhiên vào ngày xuân mới nên người Huế thường ưu ái chọn loại trà ngon nhất – hợp tình hợp cảnh nhất – để mời khác mừng xuân mới và nhâm nhi trà mà suy ngẫm sự đời, mà tiễn cựu nghinh tân.

Tết – ngắm nghía muôn hoa khoe sắc và thưởng thức tách trà thơm ngon – vô cùng thi vị.

(Theo NetCodo)

Similar Articles

Buồn vui chuyện… rác

Buồn vui chuyện… rác

“Xanh, sạch, sáng” không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành nhu cầu, nguyện

“Bùng nổ vị giác” với bánh canh cá lóc

“Bùng nổ vị giác” với bánh canh cá lóc

Từ bé, tôi đã ngưỡng mộ kỹ thuật xắt bột điêu nghệ của các o,

Sinh hoạt văn hóa dân gian ở đình làng Tết Huế

Sinh hoạt văn hóa dân gian ở đình làng Tết Huế

Vui chơi giải trí sinh hoạt văn hóa dân gian, vào dịp tết đến xuân

Tản mạn hành trình bún Việt

Tản mạn hành trình bún Việt

Trong ẩm thực Việt Nam, bún là loại món ăn được ưa thích, có mặt

Bánh ướt dẻo trắng mượt mà…

Bánh ướt dẻo trắng mượt mà…

Chiều chiều, chay xe lên Kim Long ngắm dòng Hương xinh đẹp, tạt vào quán

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose