Văn hóa Huế | Homepage
Dã Lê hay Dạ Lê

Dã Lê hay Dạ Lê

🕔01.Mar 2014

Lâu nay, nhiều người ở thị xã Hương Thủy, và có những người ở địa phương khác thường gọi hai ngôi làng một ở xã Thủy Vân, một ở phường Thủy Phương hiện nay, là Dạ Lê (bao gồm làng Chánh ở xã Thủy Vân và làng Thượng ở phường Thủy Phương).

Dã Lê hay Dạ Lê

 Điều này lâu dần trở thành quen miệng và hầu hết đều gọi như vậy. Cũng không phải lạ, đến nỗi, con đường nối từ đường Nguyễn Tất Thành vào đến tận tiểu khu công nghiệp Thủy Phương, tức tỉnh lộ 7 cũ (đường Gia Long) cũng được đặt tên là Dạ Lê. Có nơi, ngay trên cái cổng hậu của làng cũng được gắn 5 chữ rằng: đình làng Giạ Lê Thượng. Nhiều người con của 2 làng (Chánh và Thượng) đều nhầm lẫn như vậy.

Tuy nhiên, sự thật tên gốc lại không phải Dạ Lê hay Giạ Lê mà là Dã Lê!

Cuốn sách đầu tiên đề cập đến làng Dã Lê là cuốn “Ô Châu Cận Lục” của Dương Văn An (1514 – 1591), trong đó, ông đã nói như sau: “Mưa Dã Lê tưới cho vườn quả thêm mượt mà, gió Hoa Thử đưa hương mùi lúa chín”. Chữ “Dã” được ông dùng chứ không dùng chữ “Dạ” hay “Giạ”. Rồi hơn 200 năm sau, học giả Lê Quý Đôn (1726 – 1784) cũng ghi rằng “Dã Lê” chứ không một từ nào khác với miêu tả về cái nghề đan ghe tre và làm mui thuyền của người Dã Lê. Tại sao hai tác giả thời kỳ trung đại khi viết đều dùng chung hai chữ là “Dã Lê” mà không một chữ nào khác ?
Về sau, ngay đầu thế kỷ thứ 19, năm 1811, khi trình xin chia tách bộ điền (chia đất đai) giữa Dã Lê Chánh xã và Dã Lê Thượng thôn, đơn trình của đại diện Dã Lê Thượng thôn cũng ghi “dã lê”, trong các vấn đề cần trình bày của mình. Hiện nay, bản gốc tờ đơn trình này đang được họ Nguyễn Đình (từ đường ở tổ 2 – phường Thủy Phương) cất giữ. Điều đó chứng tỏ rằng, hơn 200 năm trước, những cụ già ở hai làng Dã Lê Chánh và Dã Lê Thượng đã gọi làng mình là “dã” chứ không phải “dạ” hay “giạ”.
Hơn nữa, các sắc phong của triều đình nhà Nguyễn cho các vị khai canh, khai khẩn của hai làng đều ghi về hai làng là “dã”. Ví dụ, sắc phong vào năm Khải Định thứ 2 (1917) phong cho vị khai canh làng Dã Lê Thượng (phường Thủy Phương) với nguyên văn chữ Hán như sau: “ Sắc Thừa Thiên phủ Hương Thủy huyện Dã Lê Thượng xã phụng sự Bổn thổ Tiền khai canh Nguyễn Đình Thủy đại lang chi thần, nhẫm trước linh ứng tứ kim phi thừa, cảnh mệnh miễn niệm thần hưu trước phong vị Dực bảo Trung hưng Linh phò chi thần, chuẩn kỳ phụng sự thứ cơ thần kỳ tướng hưu bảo ngã lê dân, Khâm tai!”
Trên sắc phong về cụ Nguyễn Đình Thủy, 3 chữ “Dã Lê Thượng” là các chữ thứ 8, 9 và 10, đọc từ phải sang theo kiểu đọc văn bản chữ Hán xưa. Chữ thì như thế nhưng cũng có người sẽ đặt câu hỏi rằng: “Chẳng lẽ các văn bản lại đọc chệch, đọc trại đi so với cách phát âm thông thường của nhiều người ?”.
Tương tự là ở sắc phong thứ 2 này, dòng thứ nhất (bên phải sang) cũng là: “Sắc: Thừa Thiên phủ Hương Thủy huyện Dã Lê Thượng Xã …”
Chữ “dã” ở các sắc phong trên đều có bộ “điền” và bộ “thổ”, có nghĩa là “đất đai, đồng ruộng”.
Điều đáng lưu ý rằng khi sử dụng chữ Hán, một ngôn ngữ đòi hỏi sự am hiểu tường tận về ngữ nghĩa, thậm chí là sử dụng chữ đôi khi còn dựa trên điển tích hay chương cú, những người uyên thâm Hán học ở triều đình phong kiến như Dương Văn An, Lê Quý Đôn và các văn quan bộ Lễ triều Nguyễn không thể hồ đồ mà lại có cách sử dụng nhất quán như vậy được.
Nhưng tại sao người ta lại đọc chệch, đọc trại mà ngay người hai làng Dã Lê hiện nay ở thị xã Hương Thủy cũng phát âm như thế ? Có điều đặc biệt ở đây chính là yếu tố biến âm trong các từ gốc. Người Dã Lê xưa nói riêng và nhiều làng ở Thừa Thiên nói chung không phát âm “s” được mà thay bằng “th”, cho nên, phát âm là “khẩu thúng” mà không phải “khẩu súng”. Và không đọc được dấu “ngã” mà chỉ đọc được dấu “nặng”,  vì thế, người làng chỉ có “đôi đụa” mà không có “đôi đũa”. Người làng không phát âm được từ “sữa” mà chỉ phát âm được từ “thựa” !
Chính vì thế, người làng mình ngày xưa đã gọi trại đi tên gốc “Dã Lê” thành “Dạ Lê”! Sau này, chúng ta cứ quen miệng nói “dạ” mà quên rằng do cha ông mình phát âm và cứ nghĩ rằng “Dạ Lê” chứ không nghĩ đến “Dã Lê”. Đó là dấu vết của một ngôn ngữ cổ mà người “khu 4” – từ Nghệ An vô tới Thừa Thiên này./.
Theo huongthuy.thuathienhue.gov.vn

Similar Articles

Bắp miệt Cồn

Bắp miệt Cồn

Cồn Hến, nhìn lên cầu Trường Tiền - Ảnh: wikipedia Mỗi lần qua về Cồn Hến,

Sinh hoạt văn hóa dân gian ở đình làng Tết Huế

Sinh hoạt văn hóa dân gian ở đình làng Tết Huế

Vui chơi giải trí sinh hoạt văn hóa dân gian, vào dịp tết đến xuân

Tản mạn hành trình bún Việt

Tản mạn hành trình bún Việt

Trong ẩm thực Việt Nam, bún là loại món ăn được ưa thích, có mặt

Bánh ướt dẻo trắng mượt mà…

Bánh ướt dẻo trắng mượt mà…

Chiều chiều, chay xe lên Kim Long ngắm dòng Hương xinh đẹp, tạt vào quán

Đường đến lăng mộ vua Gia Long hơn 100 năm trước khác gì?

Đường đến lăng mộ vua Gia Long hơn 100 năm trước khác gì?

Theo ghi chép cửa Leopold Cadiere, đường đến lăng mộ Gia Long buộc phải đi

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose