Văn hóa Huế | Homepage
60 năm giữ nhà rường

60 năm giữ nhà rường

🕔03.Mar 2014

Về làng Dương Nỗ Tây (Phú Dương – Phú Vang) hỏi ông Nguyễn Màn thì ai cũng biết. Ông chính là lão nghệ nhân hơn 60 năm phục dựng những ngôi nhà rường đứng trước nguy cơ mai một.

Niềm vui phục dựng nhà rường

Chúng tôi về thăm ông trong một ngày đầu năm 2014. Bắt gặp ông đang ngồi đục đẽo khúc gỗ người ta mới bán lại, bàn tay thoăn thoắt nhanh nhẹn tạo ra những nét hoa văn in đậm dấu ấn xưa. Quanh căn nhà, từ cái tủ cái giường đến bộ bàn ghế và cả ngôi nhà ông đã dựng xong chờ người đến hỏi mua đều là những nét kiến trúc sắc sảo do đôi bàn tay khéo léo ông tạo nên.

Dù đã lớn tuổi, ông Màn vẫn đam mê phục chế nhà rường

Gia đình nghèo không đủ điều kiện đến trường đàng hoàng, 15 tuổi, ông quyết định học nghề, chọn cái nghề mà thời ấy chẳng mấy ai để ý tới. Ngoài những người thầy ở quê, ông còn khăn gói lên đường tìm thầy ở nhiều địa phương trong tỉnh nhờ. Năm 20 tuổi, ông Nguyễn Màn trở nên thành thạo trong những công đoạn làm mới và phục dựng nhà rường, vừa làm thợ cho thầy vừa nghe ngóng khắp nơi có ông thầy nào giỏi để học thêm bởi theo ông mỗi người thầy đều có những cái hay, có những mẹo làm với nhiều mẫu mã riêng. Không chỉ nghệ nhân ở Kim Long mà còn những vị thầy ở các làng mộc phố cổ Hội An, Đà Nẵng, Quảng Nam,… từ Bắc đến Nam khắp nơi đều có bóng dáng của người học trò Nguyễn Màn thời ấy.

Năm 30 tuổi, ông Màn đã là một nghệ nhân có tiếng ở đất Huế, uy tín của ông được khách hàng khắp nơi trong nước biết và tìm đến nhờ ông phục dựng nhà rường. Đến nay, ông không còn nhớ rõ là mình đã “cứu sống” bao nhiêu ngôi nhà rường, chỉ biết rằng năm nào ông cũng làm thêm một căn nhà mới dựng sẵn để bán hoặc cho thuê và vẫn miệt mài phục chế những căn nhà rường nếu ai cần đến.

Nhà rường do ông Màn làm để bán

Theo ông Màn, kì festival nào ở Huế ông cũng tham gia dựng và làm các ngôi nhà rường ở các điểm du lịch cho khách tham quan. Không những thế, ông còn là tác giả của những công trình phục chế có giá trị như Điện Thái Hòa, Ngọ Môn, đình làng Dương Nổ (Phú Vang), làng cổ Phước Tích (Phong Điền), đình làng An Gia (Quảng Điền), chùa Ba La Mật (TP Huế),… cùng rất nhiều quán cà phê, nhà vườn du lịch khắp nơi trên địa bàn tỉnh. “Ngày xưa, thấy nhà rường Huế có tiếng thì mình học. Khi vào nghề tui đi nhiều và thấy rằng ở nước mình có nhiều ngôi nhà cổ bị xuống cấp, hư hỏng mà chủ nhân chỉ biết tháo kèo cột ra làm củi đun, từ đó tui mới dần yêu nghề. Bây giờ được đi phục dựng các ngôi nhà rường chính là niềm vui lớn của tui, bởi đó là những giá trị rất quý mà thời xưa để lại”.

Vẫn đam mê

Gần 62 năm làm người thợ phục dựng nhà rường, đến nay, lão nghệ nhân vẫn quyết sống chết với nghề. “Tui mê lắm, chú thấy ai hơn tám chục tuổi như tui còn trèo lên mái nhà đục đẽo không”.

Theo ông Màn, người theo nghề này ngày càng ít, vì nó đòi hỏi người học phải kiên nhẫn và tỉ mỉ. Để làm mới hoặc phục dựng một căn nhà, cần phải nghiên cứu và làm rất công phu, mất cả hàng tháng, thậm chí đến vài năm khiến cho giới trẻ không đủ can đảm để theo đuổi. Số người già hơn 70 tuổi cũng nghỉ làm vì sức khỏe hoặc gia đình ngăn cản khiến cho nhà rường đứng trước nguy cơ tàn lụi. “Mình còn sức thì mình còn làm chú ơi, làm vừa có tiền mà vừa giữ được nét đẹp truyền thống, giữ được cái nhà rường Huế không bị mai một”.

Đến nay, người nghệ nhân ấy vẫn vừa làm vừa học, cứ nghe thấy ở đâu có ông thầy hay dù trẻ tuổi, ông vẫn tới tìm hiểu trao đổi để tìm ra những nét mới, cái hay trong kiến trúc nhà rường rồi về nhà nghiên cứu và ghi chép thành một cuốn cẩm nang phục chế hiếm ai có được. Nghe ai bán lại nhà cổ, hoặc chỉ là những khúc gỗ ông liền tìm đến mua với mục đích làm cho nó trở thành những kiến trúc có giá trị. Chính vì vậy trong xưởng mộc nhà ông luôn có những loại gỗ quý như mít, gõ, chua khét và kiềng kiềng. Không muốn nghề mai một, ông còn hướng cho ba người con trai của mình theo nghề phục dựng nhà rường, và đến nay họ đều trở thành những người thợ khéo tay được nhiều người biết đến.

Chia tay với chúng tôi, người nghệ nhân 82 tuổi bày tỏ mong muốn: “Cái tài trộn lẫn vào cái tâm mới làm ra ngôi nhà rường đẹp, tui vẫn mong được học thêm nghề và những người con sẽ học được cách phục chế giỏi hơn để nhà rường Huế luôn tồn tại”.

Lê Hữu Phúc

Similar Articles

Đệ Ngọc Lâm công chúa và những câu chuyện lịch sử

Đệ Ngọc Lâm công chúa và những câu chuyện lịch sử

Cổng và bình phong đệ Ngọc Lâm công chúa 1. Mở đầu Hệ thống phủ đệ xưa

Tìm thấy lời giải cho bức tranh thứ sáu trên tường cung An Định

Tìm thấy lời giải cho bức tranh thứ sáu trên tường cung An Định

âu chuyện bí ẩn của bộ tranh tường trong cung An Định vẫn bỏ ngỏ

Người “giữ hồn” bánh đúc mật xứ Huế

Bánh đúc mật là thức quà quê hương bình dị gắn liền với tuổi của

Tình chợ

Ngay lối vào cổng chợ, hàng dừa của chị nằm khiêm tốn giữa những gian

Thương lắm gánh hàng rong xứ Huế

Thương lắm gánh hàng rong xứ Huế

Đến Huế, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh các o, các mệ với

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose