Văn hóa Huế | Homepage
Giới thiệu các đoàn nghệ thuật tại Festival Huế 2014 – Phần 3 – Lễ hội đường phố đầy màu sắc

Giới thiệu các đoàn nghệ thuật tại Festival Huế 2014 – Phần 3 – Lễ hội đường phố đầy màu sắc

🕔23.Mar 2014

Đoàn cà kheo “De Steltenlopers van Merchtem”

Với mong muốn tiếp tục biểu diễn tại Festival Huế sau những thành công tại các kỳ Festival trước, đoàn cà kheo “De Steltenlopers van Merchtem” Vương quốc Bỉ sẽ đến Huế vào ngày 11/4/2014 để tham gia biểu diễn tại Festival Huế 2014 với 40 thành viên.

     Truyền thống đi cà kheo ở Bỉ xuất hiện từ đầu thế kỷ XIV, tại vùng Merchtem, khi tại đây thường xảy ra lũ lụt, người dân chỉ có thể đi lại trên những cây gậy cao để khỏi bị ướt. Lâu dần, việc đi cà kheo trở thành một trong những nét văn hóa dân tộc đặc sắc của người dân vùng Merchtem nói riêng và nước Bỉ nói chung.
     Sau thế chiến lần thứ hai, nghệ nhân Langevelde đã nảy ra ý tưởng để người dân mặc trang phục bằng giấy có in hình cờ tam tài Bỉ và đi bộ trên những cà kheo với độ dài ngắn khác nhau nhằm chào mừng ngày đất nước giải phóng. Với lần biểu diễn thành công đó, Đoàn Nghệ thuật dân gian cà kheo “De Steltenlopers van Merchtem” Vương quốc Bỉ được thành lập vào năm 1945.
     Kể từ thời điểm đó, những “nghệ nhân đi cà kheo” đã tham gia biểu diễn trên khắp nước Bỉ và phần lớn các nước thuộc châu Âu như: Hà Lan, Lúc-xăm-bua, Đức, Anh, Ý, Ai-Len, Pháp, Thụy Sĩ, Đan Mạch, Ba Lan và Rumani, ngoài ra họ còn tham gia biểu diễn tại nhiều nước trên thế giới: Nga, Nhật, Trung Quốc, Mỹ… “Đi cà kheo” đã trở thành một biểu tượng văn hóa đặc trưng của nước Bỉ được bạn bè khắp nơi biết đến.

 

Nhịp điệu sôi động của múa trống Eisa Okinawa

Sau một thời gian làm việc với Ban tổ chức Festival Huế 2014, Hội Hữu nghị Okinawa – Việt Nam và Hội Hữu nghị Việt – Nhật thông báo đoàn nghệ thuật múa trống Eisa Okinawa đến từ cực nam Nhật Bản sẽ tham dự và gửi đến người xem những điệu trống sôi động, hùng hồn bắt nguồn từ văn hóa truyền thống của Okinawa.

     Đặc trưng của múa trống Eisa Okinawa là sự trình diễn mạnh mẽ, tiếng trống dồn dập từ những nhạc công gọi là Paranku. Các tiết mục múa trống Eisa Okinawa được diễn ra trong một không gian rộng, họ chiếm lĩnh sân sấu với tay mang trống Sanshin (1 trong 3 chuỗi nhạc cụ truyền thống của Nhật Bản) kết hợp với những điệu múa xuất phát từ những thế võ truyền thống của Nhật Bản, càng làm tăng sức mạnh mẽ, tính hùng hồn cho những tiếng trống khi phát ra. Những bộ trang phục biểu diễn như những chiến binh có màu sắc rực rỡ, tươi sáng và bắt mắt càng làm tăng sức quấn hút cho người xem.
     Múa trống Eisa Okinawa là điểm nhấn chính trong lễ hội EISA truyền thống tại quần đảo Okinawa. Okinawa hay còn gọi là Kinh đô Ryukyu (1429-1879) từng là một vùng đất phồn vinh. Người dân nơi đây luôn tưởng nhớ tổ tiên và cầu nguyện thần linh, đấng tối cao che chở và bảo vệ cho những người con Okinawa, những lời cầu nguyện thành tâm đó dần trở thành những lời ca, điệu múa và sau đó phát triển thành các loại hình văn hóa dân gian.
     Đến với Huế Festival 2014, Đoàn Nghệ thuật Truyền thống Okinawa từ xứ sở hoa Anh Đào sẽ mang đến cho khán giả những trải nghiệm sôi động, hứng khởi như được tận mắt chứng kiến lễ hội EISA, một trong những lễ hội mùa hè lớn nhất tại Nhật Bản, tạo thêm không khí đặc biệt cho lễ hội Festival lần này.

 

Sururu Na Roda và giai điệu Samba đến từ Braxin

Với 6 thành viên, ban nhạc Sururu Na Roda – Braxin dự kiến có mặt tại Huế vào ngày 15/4/2014 và hứa hẹn sẽ có những tiết mục ấn tượng đáp ứng nhu cầu thưởng thức đa dạng của khán giả trong 4 đêm diễn (16,17,18 và 19/4) tại Festival Huế 2014.

     Ban nhạc Sururu Na Roda được thành lập vào năm 2001 với các thành viên Nilze Carvalho, Fabiano Salek, Silvio Carvalho và Juliana Zanardi. Ban nhạc đã nhanh chóng khẳng định tên tuổi sau các show diễn và phát hành thành công CD đầu tay mang tên “Arco da Velha”. CD đã mang đến cho người nghe những giai điệu chân thực và đầy cảm xúc về dòng nhạc Samba truyền thống của đất nước mình.
     Mất hơn 3 năm cho công tác chuẩn bị, năm 2004, CD thứ hai mới được phát hành, với album mới này ban nhạc đã thu về hàng loạt thành công, xây dựng vị thế quan trọng trong làng giải trí của Braxin. Trong CD, Sururu Na Roda đã kết hợp biểu diễn cùng nhạc sĩ gạo cội Chico Buarque, đồng thời, thể hiện xuất sắc các ca khúc của những nhạc sĩ nổi tiếng như: Assis Valente, Dorival Caymmi, Campos, Ze Keti, Noel Rosa… Danh tiếng vang xa không chỉ trong nước mà còn khắp khu vực châu Mỹ, năm 2005, Sururu Na Roda đã được mời sang giao lưu, trình diễn tại Đại học Notre Dame, Indiana và Đại học Bang Michigan, Hoa Kỳ.
     Vẫn kiên trì chọn Samba và Choro làm dòng nhạc chính để biểu diễn, Sururu Na Roda đã thôi thúc cảm hứng thưởng thức âm nhạc cổ điển tại Braxin bằng CD thứ ba mang tên “Que Samba bom” vào năm 2008. Thời gian sau đó, ban nhạc tham gia dự án âm nhạc với rất nhiều nghệ sĩ tài năng, như: Beth Carvalho, Zeca Pagodinho, Gilberto Gil, Caetano Veloso, Arlindo Cruz … để thu âm những ca khúc thuộc dòng nhạc Samba cổ điển, trong đó ban nhạc đã kết hợp thể hiện hai ca khúc Da melhor qualidade và Tô Voltando nằm trong phần 1 và 3 của album DVD ”Samba Social Clube”.
     Hơn mười năm hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, Sururu Na Roda đã khẳng định tên tuổi trong làng nhạc Braxin, là cầu nối văn hóa, lưu giữ lại những nét đặc sắc của dòng nhạc Samba trong nền âm nhạc đương đại.

 

Dàn nhạc Nadarzyn – Ba Lan và những âm thanh sôi động đường phố

Dàn nhạc Nadarzyn được thành lập vào năm 1998, bởi giám đốc âm nhạc Miroslaw Chilmanowicz, được xem là một trong những dàn nhạc nổi bật nhất, thể hiện đậm nét văn hóa âm nhạc đặc sắc của đất nước Ba Lan. Từ khi được thành lập đến nay, dàn nhạc đã đóng vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển của nền âm nhạc vùng Nadarzyn nói riêng và đất nước Ba Lan nói chung.

      Mặc dù đa phần các nhạc công đều là những nghệ sĩ không chuyên, nhưng dàn nhạc biểu diễn được nhiều thể loại âm nhạc khác nhau, từ những giai điệu dân gian đặc trưng về tôn giáo, lòng yêu nước, cho đến những dòng nhạc chuyên nghiệp như pop, jazz và cổ điển. Một điều khác biệt của dàn nhạc là họ biểu diễn diễu hành trên đường phố, nhạc công mặc trang phục như những chú lính chì, tay cầm và chơi nhạc cụ gồm kèn đồng, trống… kết hợp với những bước đi đồng bộ và vô cùng uyển chuyển càng làm tăng sức thu hút cho người xem.
      Dàn nhạc Nadarzyn đã từng biểu diễn chung với các ca sĩ nổi tiếng tại Ba Lan như: Krystyna Prońko, Justyna Steczkowska, Zbigniew Wodecki và Agnieszka Fatyga Nadarzyn. Đặc biệt, dàn nhạc có nhiều chuyến lưu diễn tại các quốc gia trên thế giới: Italia, Cộng hòa Czech, Ukraina, Bulgaria, Đức, Trung Quốc, Malaysia, Singapore và Mỹ.
      Với phong cách biểu diễn đa dạng, Nadarzyn đã gặt hái được thành công khi đoạt huy chương bạc tại cuộc thi diễu hành quốc tế Rastede năm 2008 ở Đức và rất nhiều giải thưởng tại các lễ hội, cuộc thi ở trong nước: Giải nhất tại Festival Siedlce Regional dành cho các ban nhạc (năm 2006); Giải nhất tại Festival Józefów (năm 2007); Giải nhất tại Festival Ursus (năm 2008); Giải nhất tại Festival National Fire Brigade (năm 2009); Giải nhì tại Festival Siemiatycze dành cho các ban nhạc liên tỉnh (năm 2007). Riêng trong năm 2008, Nadarzyn được vinh dự được Bộ trưởng Văn hóa và Di sản quốc gia trao tặng huy chương “Vì nền văn hóa Ba Lan”.

 

TT Festival Huế

Similar Articles

Huế tưng bừng ngày hội chợ quê

Huế tưng bừng ngày hội chợ quê

Ngày 28/4, chương trình “Chợ quê ngày hội” tổ chức tại di tích cấp quốc

Ăn chay mùa lễ hội

Ăn chay mùa lễ hội

Dịp Festival Huế 2018 này, những món chay từ bàn tay của các sư nữ

Người Huế và Festival

Người Huế và Festival

Tôi nhớ mãi buổi trưa hôm ấy tại một ngôi nhà vườn ở Phú Mộng

Tháng Tư về xứ Huế mở hội

Tháng Tư về xứ Huế mở hội

Nghe nhiều người rủ nhau đi Festival, bỗng nhớ Huế cồn cào, những thương hiệu

Thương nhớ Cố đô Huế “cái nôi của nền văn hóa Phú-Xuân”

"Gió đưa cành trúc la đà Tiếng chuông Thiên-Mụ, canh gà Thọ-Xương" Từ lâu, hai câu thơ

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose