Văn hóa Huế | Homepage
Giữ hồn tranh giấy làng Sình

Giữ hồn tranh giấy làng Sình

🕔13.Mar 2014
Tranh làng Sình xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, Thừa Thiên- Huế vốn là dòng tranh dân gian nức tiếng. Nhưng cũng có lúc tranh làng Sình mai một. Tuy nhiên, nhờ những  nghệ nhân tâm huyết mà nay dòng tranh này đã trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách.
 Tranh dân gian làng Sình
Gìn giữ màu xưa, giấy cũ
Làng Sình còn có tên gọi khác là làng Lại Ân, nằm ở hạ nguồn sông Hương, phía bên kia là bến Thanh Hà- một cảng sông nổi tiếng thời các Chúa Nguyễn ở Đàng Trong.
Trước đây, làng Sình có hàng chục hộ làm tranh, chủ yếu phục vụ việc thờ cúng của dân làng và dâng lên triều đình trong các dịp Quốc lễ. Đến những năm 75-80 của thế kỷ trước, nghề làm tranh bước vào ngõ cụt khi bị quy là sản phẩm tuyên truyền cho mê tín dị đoan, gây lãng phí.
Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước nhớ lại: “Hồi đó cán bộ làm căng lắm vì mới giải phóng, điều kiện kinh tế còn khó khăn, giấy không đủ cho học sinh học chứ lấy đâu ra mà cúng rồi mang đi đốt. Thế là có lệnh cấm gắt gao. Họ vào tận nhà, mang mộc bản đi chẻ, đốt cả. Nhìn từng tấm mộc bản trong phút chốc chỉ còn đống gỗ vụn, tro tàn lòng tui như xát muối!”.
Cả mấy chục hộ trong làng đều bỏ nghề. Ông Phước với tâm nguyện muốn giữ lại nghề truyền thống của cha ông, cũng vì kế mưu sinh mà đã tìm mọi cách vượt qua khó khăn. Ông đem những tấm mộc bản bị hỏng, hoặc đã mục “chưng” lên trên sạp để cán bộ tới kiểm tra mang đi chẻ, đốt hết. Những tấm lành lặn ông mang bọc nilon, chôn sau hồi nhà. Đợi đến ngày tết, ông mang khuôn lên làm tranh phục vụ thờ cúng trong nhà rồi mang bán quanh bà con lối xóm. Ông tâm sự: “Hồi đó khổ lắm, chỉ làm trong nhà dùng khi có việc thôi, vì đa phần mộc bản đem lên đều mục ruỗng, hư hỏng cả. Tui bàn với vợ con, muốn giữ được nghề, có thu nhập thì phải vẽ tranh dưới…hầm.” Nói là làm, ban ngày ông đào cái hố trước sân nhà. Cứ mỗi ngày vài thúng đất, “tích tiểu thành đại”, đến khi đường hầm thông ra bên ngoài đã xong, đêm đến, ông cho bắc ván lên trên rồi phủ đất, cán bộ đi kiểm tra không hề hay biết. Ông Phước cùng vợ và 5 người con “tránh trú” dưới hầm để tiếp tục vẽ tranh, sáng mai quấn tranh trong người mang đi đến từng nhà bán. Từ dưới lòng đất, với đôi bàn tay tài hoa của nghệ nhân Phước, dòng tranh dân gian làng Sình đã được “níu lại” trước sự quên lãng của thời gian.
Không dừng lại ở việc giữ nghề, ông Phước còn cố gắng mở rộng, phát triển làm cho nghề vẽ tranh làng Sinh hồi sinh. Từ những năm 96-97 đến nay, ông Phước không ngừng chế tạo mộc bản khắc in tranh từ gỗ mức, gỗ mít, mang đến từng nhà vận động người dân trở lại với nghề. Bên cạnh đó, ông Phước cũng còn dạy nghề cho nhiều con em trong làng trở lại với nghề làm tranh. Đặc biệt, 5 đứa con của ông đều theo với nghề chế tác tranh của cha ông. Nhờ sự cố gắng của ông, từ một vài hộ lẻ tẻ, đến nay đã có 40 hộ trở lại làm tranh. Tranh làng Sình đã hồi sinh.
 Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước
Tranh làng Sình thành sản phẩm du lịch 
Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước cho biết: Đến nay đã có 8 công ty mở các tour du lịch cho khách nước ngoài về với làng Sình để thưởng lãm, mua tranh. Bên cạnh dòng tranh thờ cúng mình vẫn duy trì, chúng tôi còn kết hợp làm thêm tranh trang trí, các bộ lịch bán cho khách phương Tây. Đây là mặt hàng du khách rất ưa chuộng bởi tính dân dã, mộc mạc của nó. Phương án kết hợp với các tour du lịch tại địa phương đã mang lại hiệu quả cao. Mới bước vào nửa vụ tết nhưng cơ sở vẽ tranh của nghệ nhân Phước đã bán “cháy” hàng.
Thời cao điểm như hiện nay, ngoài lao động trong nhà, ông Phước còn phải thuê thêm 20 lao động là những người thợ trong thôn mới làm kịp việc. Nghệ nhân Phước tâm sự: “Dù đến nay đa phần các tranh vẽ đều dùng màu công nghiệp nên làm nhanh hơn, nhưng điều đó không có nghĩa là người nghệ nhân đánh mất nét truyền thống của tranh làng Sình. Các bộ tranh bài chòi, kéo co nam nữ, bịt mắt nam nữ, 4 thế vật…, vẫn tuân thủ các “bút pháp” truyền thống xưa nay của cha ông, đó là đặc trưng của tranh làng Sình. Ngoài ra, chúng tôi còn sáng tạo thêm những bức tranh phản ánh đời sống thường nhật như bộ “xuống vụ”, “trò chơi”, “bát âm”…
Ông Trần Hiếu Cơ, Chủ tịch UBND xã Phú Mậu cho hay, để phục hồi tranh làng Sình, trong những năm qua, địa phương đã lập nhiều đề án giúp làng nghề mở rộng thị trường, thay đổi mẫu mã hướng đến du lịch. Bên cạnh đó, địa phương cũng tranh thủ nguồn vốn khuyến công của huyện, tạo điều kiện cho bà con vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi. Bằng sự phát huy hiệu quả yếu tố văn hóa bản địa, tranh làng Sình đã thực sự hồi sinh.
Trang Hạ
(Theo Đại Đoàn Kết)

Similar Articles

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Tra Am là ngôi chùa mà tôi biết sớm nhất ở Huế. Đó là khi

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Nhiều thế hệ Việt Nam, đã từng quen thuộc với hình ảnh "chú bé loắt

Bắp miệt Cồn

Bắp miệt Cồn

Cồn Hến, nhìn lên cầu Trường Tiền - Ảnh: wikipedia Mỗi lần qua về Cồn Hến,

Bay bổng với nghệ thuật calligraphy

Bay bổng với nghệ thuật calligraphy

Nhẹ nhàng và tỉ mỉ, Trần Thị Thanh Tuyền, cô gái đam mê Calligraphy (thư

Tản mạn hành trình bún Việt

Tản mạn hành trình bún Việt

Trong ẩm thực Việt Nam, bún là loại món ăn được ưa thích, có mặt

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose