Văn hóa Huế | Homepage
Đại ngàn Bạch Mã

Đại ngàn Bạch Mã

🕔16.May 2014

Bạch Mã là vườn quốc gia trên dãy núi cùng tên thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế. Truyền thuyết kể rằng ngày xửa ngày xưa, các vị tiên thường cưỡi ngựa trắng xuống núi đánh cờ, bởi cảnh trần đẹp chẳng kém tiên.

Khi các tiên ông ngồi tỉ thí, ngựa mải mê tìm cỏ non tơ. Đợi ngựa không được, các tiên ông phải bay về trời. Đàn ngựa ngơ ngác, lang thang khắp núi, hóa thành những đám mây hệt như ngựa trắng, quanh năm chờ chủ. Tên gọi Bạch Mã bắt nguồn từ đó.

Có địa thế cực kỳ thuận lợi, Bạch Mã ở độ cao trung bình 1.450 m, sát dãy Trường Sơn và cách biển chỉ 10 km nên khí hậu dễ chịu nhất so với các vùng cùng độ cao trên khắp Đông Dương. Với diện tích 37.487 ha, Bạch Mã còn giữ được khá tốt rừng nguyên sinh bạt ngàn với những thảm thực vật đa dạng (2.147 loài) và hệ động vật phong phú (hơn 1.500 loài). 93 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Từ 1932, Girard, kỹ sư trưởng ngành cầu đường, người Pháp, khi đặt chân đến Bạch Mã đã kinh ngạc đến sững sờ trước thiên nhiên kỳ thú.

Năm 1936, Bạch Mã trở thành khu nghỉ dưỡng tuyệt vời với 139 biệt thự cổ kính, sang trọng, tĩnh lặng, có cả hồ bơi, cửa hàng Chaffanjon, 2 khách sạn Morin và Bany. Ban đầu chỉ có đường đi kiệu, sau thêm đường ô tô. Hệ thống đường đất thô sơ uốn lượn, luôn rợp mát bóng cây nối các biêt thự với công viên Rừng, vườn Ca Hát. Cũng năm này, vua Bảo Đại và quốc vương Monivong (Campuchia) đã hỗ trợ tài chính để thành lập Trại Trường Bạch Mã, huấn luyện huynh trưởng hướng đạo cho Đông Dương. Bằng Rừng (Wood Badge) Bạch Mã là đẳng cấp chất lượng của các trưởng hướng đạo châu Á, niềm tự hào của các huynh trưởng Việt Nam. Đến năm 1945, Trại Trường Bạch Mã ngưng hoạt động. Nhiều cán bộ cách mạng cao cấp từng tốt nghiệp Bằng Rừng Bạch Mã giai đoạn 1938-1944. Trong xu thế hội nhập, hướng đạo Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng là Hội trưởng danh dự năm 1946, rất cần được công nhận và phục hồi hoạt động của Trại Trường Bạch Mã.

 
Ảnh: Lưu Quang Phổ

Thiên hạ nói “Xem cây vào Cúc Phương, ngắm thú đến Cát Tiên, tắm thác lên Bạch Mã”. Bạch Mã có nhiều thác đẹp như thác Hoàng Yến, Trĩ Sao, thác Bạc, Ngũ Hồ… Nổi tiếng hơn cả là thác Đỗ Quyên cao 300 m, được xem là thác cao nhất ASEAN, như cố níu trời xuống gần hơn với đất bởi những con rồng trắng oai phong, mềm mại bay lượn giữa rừng xanh. Thác như một đài nước khổng lồ nên có tên gọi là Chateau D’ Eau, người Việt gọi là “Xa Tôi Đô”. Còn dân gian gọi là thác Đỗ Quyên bởi quanh thác là những thảm đỗ quyên quanh năm rực rỡ. Đỗ quyên là loài hoa đặc trưng của Bạch Mã, quốc hoa của Nepal, xứ sở sinh ra thái tử Tất Đạt Đa (Đức Phật) tại vùng Lumbini. Đỗ quyên là một trong 338 cây thuốc nam đa dụng ở Bạch Mã, có nhiều tên gọi khác nhau như: sơn thạch lựu, ánh sơn hồng, mãn sơn hồng, báo xuân, thanh minh, sơn trà… Tùy theo màu hoa mà gọi là tử quyên – đỏ tía, hồng quyên – đỏ nhạt, bạch quyên – trắng, hoàng quyên – vàng. Hoa đỗ quyên dịu dàng, nữ tính; được nhiều người thích trồng. Tặng hoa đỗ quyên thay lời nhắn nhủ “Nhớ chăm sóc và giữ gìn sức khỏe” (Take care of yourself for me).

Lên Bạch Mã, khoái nhất là đi bộ dọc theo những đường mòn mang dấu ấn đặc thù như Trĩ Sao, Đỗ Quyên, Ngũ Hồ, Vọng Hải Đài, Chò Đen… Thử sức dẻo dai thì trèo 689 bậc thang lên đỉnh thác, ngắm dòng sông Yến thơ mộng, dịu hiền với những thảm xanh rực rỡ đỗ quyên đủ màu khoe sắc; nghe dàn nhạc nước khổng lồ hòa tấu réo rắt, hoành tráng. Thích nhất là lên Vọng hải đài, điểm cao lý tưởng để thưởng ngoạn toàn cảnh Bạch Mã. Xa xa là hồ Truồi rộng 400 ha, mơ màng xanh và Thiền viện Trúc Lâm sừng sững, ẩn hiện. Đầm Cầu Hai như mặt gương biếc vô tận. Đầm rộng hơn 11.200 ha. Nhiều người cứ tưởng đầm Cầu Hai (phía nam Huế, dưới chân núi Bạch Mã) là phá Tam Giang (phía bắc Huế). Tôi cũng thích ngụp lặn trong dòng nước ngọc bích, mát rượi của Ngũ Hồ vào mùa hè. Có thể tắm hồ nào cũng được, không sợ ướt quần áo. Chỉ cách nhau đèo Hải Vân, cùng độ cao mà Bạch Mã và Bà Nà quá nhiều khác biệt. Bà Nà chỉ có hoa địa lan và rất ít nước. Còn Bạch Mã, nước tràn trề, hoa đủ loại, chỉ riêng đỗ quyên cũng đã hơn chục loài khoe sắc. Đến Bạch Mã, tôi thường rủ vài bạn tri âm, tản bộ dưới rừng rồi sà vào các thác nhỏ ven đường tắm tiên. Dòng thác mát rượi, massage khắp cơ thể, hiệu quả hơn bất cứ tiệm massage nào, lại không tốn tiền vé, tiền bo. Chỉ tội hồi hộp, vừa tắm vừa canh chừng, sợ bọn khỉ ra lấy trộm quần áo thì hết đường về.

Động vật ở Bạch Mã có nhiều loài cực hiếm như gà lôi lam màu trắng, trĩ sao (có con dài tới 2 m cả đuôi, cao gần 0,5 m), sao la… Riêng chim có 333 loài, là điểm hẹn thú vị của dân mê chim. Đặc biệt có “quái kiệt”  Trương Cảm, được xem là nhà chim học. Gọi là quái kiệt bởi anh có thể nói được mấy chục “ngoại ngữ” chim và thú. Được anh làm hướng dẫn viên rừng là nhất. Anh có thể giả tiếng chim, thú để  “gọi bạn, gọi tình, lạc đường, lẻ loi, thách đấu, tranh chấp lãnh thổ, hốt hoảng, báo tin dữ, lúc da diết, lúc tuyệt vọng, lúc hừng hực…”. Nếu hóa trang kỹ bằng cây xanh, nghe anh “nói”, nhiều loài chim và thú cứ tưởng đồng đội, sà xuống hoặc nhào đến làm quen. Anh thuộc Bạch Mã như lòng bàn tay mình, kể vanh vách từng loại cây, loại con với những tập tính hoặc tác dụng cụ thể. Nhiều loại mới nghe lần đầu như: nam trường sơn, thổ phục linh, thạch xương bồ, bướm bạch, bạch hoa thiết xà… Có cả loài dương xỉ 2 loại lá khác nhau trên cùng một cây gọi là lá sinh trưởng và lá tăng trưởng. Đến Bạch Mã, tôi mới biết chim Chrao của bà con Tây nguyên là chim chèo bẻo. Loài chim được mệnh danh là  “dũng sĩ”, nhỏ nhưng đoàn kết và dũng mãnh, sẵn sàng đánh bại cả những loài to hơn gấp mấy lần. Tôi cũng biết thêm cây K’ nia là cây cày, cây X’nu họ thông, cây khộp họ dầu, cây P’lang là mộc miên hay hồng miên thuộc họ gạo…

Quái kiệt, hiền như đất, dễ thương như cây cỏ. Thuở bé, cậu bé Cảm từng là tay săn thiện chiến chuyên trộm chim và thú của rừng. Bị kiểm lâm giả dạng người mua bắt quả tang, bé Cảm sợ xanh mặt. Thấy cậu bé thật thà chứ không ma lanh, anh em muốn cảm hóa. Có người đùa dọa: “Mày còn bé, nhưng bắt trộm chim quý là trọng tội. Ít nhất cũng vài năm tù treo”. Cảm òa khóc tức tưởi rồi mếu máo: “Mấy chú phạt tù mấy năm con cũng chịu nhưng xin đừng treo con lên. Treo một ngày cũng chết. Làm sao chịu nổi mấy năm?”. Anh em kiểm lâm xoa đầu Cảm và cười. Bé Cảm “giã từ dĩ vãng”, trở thành kiểm lâm nhí từ đó. Chịu khó học hỏi, chí thú làm việc, cộng với nhiều tài vặt thuở giang hồ và năng khiếu bẩm sinh, Cảm là “sao” của kiểm lâm Bạch Mã. Đang học năm thứ 2 Đại học Nông lâm Huế, Cảm được học bổng du học tại Pháp, nghiên cứu về chim. Các giáo sư và sinh viên các nước kinh ngạc trước khả năng nói tiếng chim của Cảm. Tại đây, Cảm càng có dịp học thêm “ngoại ngữ” các loài chim lạ. Đến Bạch Mã, nhất định phải làm quen với nhà chim học, nhờ anh dạy vài chiêu dụ chim và theo anh vào rừng để có thêm bồ kiến thức. Tôi nghĩ anh xứng đáng được trao kỷ lục Guinness “người biết nói nhiều tiếng chim nhất” của ASEAN.

Biệt thự ở Bạch Mã kiến trúc kiểu châu Âu, mỗi căn có 2 tầng với từng nét riêng độc đáo, được đặt tên theo các loài động thực vật đặc hữu của rừng. Cả khu nghỉ dưỡng tuyệt đẹp bị hoang hóa do chiến tranh và thời gian tàn phá. Nhưng sự hủy hoại của “sự dốt nát chân thật” (nhà thơ Trần Việt Phương) mới đáng sợ. Các biệt thự, cảnh quan nhân tạo và Trại Trường Hướng Đạo bị xâm hại trầm trọng. Sau năm 1994, Bạch Mã bắt đầu khôi phục, sửa sang lại đón khách du lịch. Do có nhiều khó khăn, bất cập về đường sá, kinh phí nên dù hết sức cố gắng, Bạch Mã vẫn chưa thể hồi phục hoàn toàn, chưa kể có những biến tướng đáng quan ngại. Khuynh hướng bê tông và thương mại hóa đang lấn át nên khó lòng giữ được môi trường thiên nhiên ban đầu. Chạy theo trào lưu du lịch tâm linh, Vọng hải đài biến tướng thành chùa với những tranh ảnh mê tín, xa lạ với phật pháp. Việc đóng cửa từ tháng 12.2009 – 3.2013 để đại tu và làm mới Bạch Mã đang dấy lên nhiều lo lắng.

Bạch Mã là mỏ vàng du lịch, nếu cải tạo vẫn cần phải giữ nguyên vẹn những nét đẹp hoang sơ thưở ban đầu. Bằng không, chỉ còn là điểm du lịch thuần túy xô bồ, tạp nham. Một khi hệ sinh thái thay đổi, chim và thú bỏ đi, liệu Bạch Mã có còn là đại ngàn Ngựa Trắng hay chỉ là hoài niệm buồn. Hy vọng những linh cảm của tôi không chính xác. Bạch Mã sẽ lột xác, đáng yêu và dễ thương hơn, tiện nghi hiện đại nhưng vẫn giữ được hồn Bạch Mã đại ngàn.

Nguyễn Văn Mỹ
(Theo Thanh niên)

Similar Articles

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Tra Am là ngôi chùa mà tôi biết sớm nhất ở Huế. Đó là khi

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Nhiều thế hệ Việt Nam, đã từng quen thuộc với hình ảnh "chú bé loắt

Bắp miệt Cồn

Bắp miệt Cồn

Cồn Hến, nhìn lên cầu Trường Tiền - Ảnh: wikipedia Mỗi lần qua về Cồn Hến,

Tản mạn hành trình bún Việt

Tản mạn hành trình bún Việt

Trong ẩm thực Việt Nam, bún là loại món ăn được ưa thích, có mặt

Bánh ướt dẻo trắng mượt mà…

Bánh ướt dẻo trắng mượt mà…

Chiều chiều, chay xe lên Kim Long ngắm dòng Hương xinh đẹp, tạt vào quán

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose