Văn hóa Huế | Homepage
Mạ đi chợ về chưa?

Mạ đi chợ về chưa?

🕔31.May 2014

Người ta bảo tôi là đứa trẻ bướng bỉnh, khó nuôi. Chính vì thế mà lúc năm tuổi, tôi được ông nội đưa lên chùa Sắc Tứ để sống và cải nghiệp. Hơn nữa, nhà nghèo đói suốt nên ông nội quyết định cho tôi đi tu. Vào chùa ăn cơm Phật! Ở chùa có con chim dòng biết nói tiếng người, nhưng chỉ duy nhất một câu: “Mạ đi chợ về chưa?”

Tôi được cạo trọc đầu, chỉ chừa lại một chòm tóc hệt cái vá xúc cơm. Sư thầy nói: “Từ nay con là người nhà chùa, tên phàm tục không dùng nữa, thầy đặt cho con tên mới là Sanh”. Từ đó mọi người gọi tôi là điệu Sanh.

Tôi được sư thầy giao nhiệm vụ chăm sóc con chim dòng. Nhiệm vụ cũng nhẹ nhàng thôi. Sáng dậy trộn cơm với ớt, bỏ vào cái chén sứ đặt sẵn ở trong lồng tre. Chim dòng là loài thèm ăn ớt và phải có ớt nó mới sống được. Thi thoảng xem nếu cái cốc nước sắp hết thì rót thêm vào.

Hôm đầu tiên đem thức ăn ra vườn, vừa đưa tay sớt cơm vào chén thì tôi nghe có tiếng người nói: “Mạ đi chợ về chưa?” Hóa ra đó là tiếng của con chim dòng. Sư thầy bước tới và hỏi tôi: “Con nhớ mạ không?” Tôi ngúc ngắc đầu: “Không!” Thầy mỉm cười độ lượng: “Con đúng là đứa trẻ bướng bỉnh. Khi mô con nhớ mạ thì thầy cho con về nhà, nghe”.

Tôi không nhớ mạ, không nhớ ai cả; tôi không thích về nhà. Ở chùa thế này thích hơn. Ở chùa có vườn rộng, nhiều cây cối cho tôi leo trèo. Có tiếng gõ mõ, tiếng chuông và tiếng tụng kinh hằng ngày chứ không buồn tẻ như ở nhà. Ở chùa có cơm ăn no chứ không đói hoải đói hoài như ở nhà. Và hơn hết, ở chùa có con chim dòng biết nói tiếng người khiến tôi thích thú.

Một tháng ở chùa, tôi trở nên thân thiết với con chim dòng và nó cũng rất mến tôi. Dường như tôi không còn nhớ gì về những người thân ruột thịt ở làng.

Hai tháng sau, ông nội lên thăm. Tôi dửng dưng như gặp người xa lạ.

Ba tháng sau, mạ tôi đùm lên một túi mãng cầu xiêm – thứ quả này hồi còn ở nhà tôi rất thích. Thế nhưng khi mạ đưa túi quà thì tôi không thèm lấy, tôi chạy ra vườn chơi với con chim dòng. Lát sau mạ cũng ra vườn. Mạ ôm tôi và khóc rất nhiều. Tôi đẩy mạ ra rồi vùng chạy. Tôi ghét nước mắt, không thích nhìn người ta khóc. Tôi lẻn vào một bụi cây và trốn ở đó. Cho đến khi mạ rời chùa tôi mới chạy ra.

Sau đó có vài lần mạ lên chùa, khi thì mang theo mấy trái ổi, lúc lại vài trái chuối. Mạ nói: “Ở nhà không có chi cả, chỉ có mấy trái ni mạ hái đem lên cho con”. Những thứ hoa quả này ở chùa không thiếu, người ta mang đến dâng Phật hằng ngày. Vì thế mà tôi chẳng thèm nhận quà của mạ.

Con chim dòng vẫn chỉ nói được một câu duy nhất: “Mạ đi chợ về chưa?” Mỗi lần nghe tiếng của nó, tôi thấy ngồ ngộ và vui hơn. Năm tuổi, sự thú vị lấn át những cảm xúc thiêng liêng.

Ở chùa một năm. Có bữa sư thầy hỏi tôi: “Con nghe chim dòng nói hoài mà vẫn không nhớ mạ à?” Tôi trả lời: “Không”.

Một hôm, ông nội lên chùa và nói điều gì đó với sư thầy, tôi đứng ngoài cửa lén nhìn vào và thấy hai người có vẻ trầm ngâm. Lát sau, sư thầy đem cái túi vải màu lam đựng áo quần của tôi, một túi trái cây và một bó nhang.

“Điệu Sanh mô. Ra đây với thầy, nhanh con!”

Tôi chạy ra đứng trước mặt sư thầy và ông nội. Sư thầy xoa đầu tôi rồi nhỏ nhẹ: “Điệu Sanh, nghe thầy nói đây. Mạ con chết rồi! Con về nhà với ông nội nghe”.

Tôi trố mắt ra nhìn. Chết là gì? Là nhắm mắt như ngủ chứ gì. Tôi ngúc ngắc không chịu nghe lời thầy. Tôi chạy đi trốn, lần này tôi băng ra khỏi chùa và dốc sức ra mà chạy. Tôi sợ bị bắt về nhà lắm! Hết sức, tôi nằm lịm đi giữa một bãi trồng bắp ven sông Thạch Hãn.

Tỉnh dậy, tôi thấy mình đã nằm trong chùa. Sư thầy vẻ mặt lo lắng và một chút buồn. Sau khi ăn ba bát cơm, tôi cảm thấy khỏe trở lại. Tôi chạy ra vườn. Con chim dòng gặp tôi, mừng rỡ, nó chào tôi bằng một câu nói quen thuộc: “Mạ đi chợ về chưa?” Tôi cũng mỉm cười chào nó. Mới có một hôm mà tôi nhớ con chim dòng kinh khủng. Các sư huynh ở chùa đi qua nhìn tôi với ánh mắt hơi khang khác (sau này tôi biết, đó là những ánh mắt tràn đầy thương cảm và chia sẻ).

***

Tôi ở chùa thêm ba năm nữa, lúc đó tôi tám tuổi. Sau trận bão, cái lồng chim đã bị đánh văng xuống đất và tuột một vài nan tre. Con chim dòng đã bay đi rồi. Tôi không khóc nhưng buồn lắm. Lần đầu tiên trong đời tôi biết đến cảm giác buồn bã của sự mất mát. Ôi, con chim dòng thân thuộc của tôi đã bay mất rồi.

Tôi thành hụt hẫng, không có gì ở chùa vui nữa. Vườn tược, tiếng chuông mõ đã không còn gây cho tôi hứng thú. Một hôm, ông nội lên chùa. Sư thầy hỏi tôi: “Điệu Sanh, con về với ông nội nghe”. “Dạ”. Tôi đồng ý về nhà. Không phải vì nhớ nhà mà vì con chim dòng đã bay đi, ở chùa không còn trò vui.

Về nhà, quang cảnh vẫn thế. Nhưng hình như hơi thiêu thiếu một điều gì đó mà tôi không biết rõ. Tôi được đi học ở trường làng. Tôi có những đứa bạn ở bên hàng xóm cùng chơi trò. Bà con lối xóm thương tôi, có gì ngon cũng đem sang cho. Tôi nhận ra cái mình khác so với bạn bè, đó là tôi không còn có mạ trên đời nữa.

Tôi thui thủi đi học một mình, rồi lại thui thủi về nhà một mình. Tôi không buồn, chỉ thấy thiêu thiếu một điều gì đó mà thôi.

Hôm đó, khi lũ trẻ chúng tôi đang chơi thì thấy mạ của mấy đứa bạn gánh triêng đi chợ về. Mấy đứa chạy ùa ra níu lấy tao gióng lục quà. Tôi lẳng lặng quay về nhà. Tôi vẫn không buồn, chỉ thấy thiêu thiếu một điều gì đó mà thôi.

Vừa vào tới ngõ thì thật bất ngờ, tôi gặp lại con chim dòng đang đậu trên cây vú sữa. Tôi chưa kịp mừng thì nó nhanh nhảu cất câu nói quen thuộc để chào tôi: “Mạ đi chợ về chưa?”

Và lần đầu tiên trong đời, tôi khóc.

Hoàng Công Danh

Similar Articles

Kim Long có gái mỹ miều

Kim Long có gái mỹ miều

Đất Huế một thời đế đô, giai nhân dập dìu tụ hội đã đành. Mãi

Những khoảng Huế xanh

Những khoảng Huế xanh

Rong ruổi trên những con đường xứ Huế thật chậm mới nhận ra màu xanh

Phước Tích – Những vết dấu thời gian

Phước Tích – Những vết dấu thời gian

Thiên nhiên ưu đãi cho xứ Huế nhiều thắng cảnh nên thơ và những con

Xin đi từ thơ ấu

Xin đi từ thơ ấu

Ấn tượng sâu đậm nhất của tôi thời thơ ấu đọng lại bây giờ là

Ngao bung – “bung là ăn”

Ngao bung – “bung là ăn”

Lâu lắm mới gặp bạn ở quê lên thành phố chơi. Bạn nằng nặc đòi

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose