Văn hóa Huế | Homepage
Cứu lấy phố cổ

Cứu lấy phố cổ

🕔20.Jun 2014

Công tác phục hồi hai khu phố cổ Bao Vinh và Gia Hội đã được tỉnh Thừa Thiên – Huế đặt ra từ rất lâu. Nhiều giải pháp được đề xuất và áp dụng vào thực tiễn. Nhưng cho đến nay, hai khu phố cổ vẫn lụi tàn nhanh chóng đến mức người dân Huế lẫn khách du lịch cũng phải… giật mình!

Lịch sử vàng son

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, khu phố cổ Gia Hội được hình thành từ sau ngày các chúa Nguyễn di dời thủ phủ xứ Đàng Trong từ thành Hóa Châu vào Kim Long (1636) và Phú Xuân (1687). Khi nhà Nguyễn thành lập (1802), khu phố Gia Hội đã phát triển nhanh chóng, trở thành một phố thị đông đúc.

Trong ấy có một loạt dinh phủ của các ông hoàng, bà chúa triều Nguyễn và các quan chức trong triều đình Huế như phủ thờ Thượng thư Nguyễn Đình Hòe, phủ thờ Quận chúa Như Sắc, phủ Gia Hưng Vương, phủ bà Chúa Nhất, phủ Vĩnh Tường Quận Vương, phủ từ Cẩm Giang Quận Vương, phủ Hoài Quốc Công, phủ Mỹ Quận Công, phủ Hoằng Hóa Quận Vương…

Bên cạnh đó là một hệ thống đền chùa, miếu mạo người Việt, người Hoa được xây cất rất kỳ công. Ở đây có chùa Diệu Đế, ngôi Quốc tự thứ ba ở Huế và được vua Thiệu Trị liệt hạng là một trong “hai mươi thắng cảnh của đất thần kinh”; chùa Trường Xuân được xây dựng dưới thời các chúa Nguyễn; nhà thờ tổ Thanh Bình của ngành hát bội được công nhận di tích văn hóa cấp quốc gia (loại 1)… Đặc biệt, khu phố cổ còn có kiến trúc nhà ở của người Ấn Độ duy nhất sót lại ở Huế.

Đối với phố cổ Bao Vinh, đây từng là thương cảng nhộn nhịp nhất của xứ Huế với hàng hóa hết sức đa dạng, ngoài lụa là gấm vóc còn các sản vật như ngà voi, đường, quế, thuốc nhuộm, vải vóc, đồ sành sứ, mỹ nghệ bằng ngà… với rất nhiều ngôi nhà cổ tương tự như Hội An (Quảng Nam).

Do đó, đúng như nhà văn xứ Huế Nguyễn Khắc Phê từng thừa nhận: “Đến Huế, mà chưa thảnh thơi dạo bước vào chơi dăm ba ngôi nhà vườn đẹp nhất, hay chưa ghé thăm một vài vương phủ ở chốn cựu kinh, thì coi như… chưa đến”. Còn Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường cho rằng: “Nhà vườn Huế là nơi cư ngụ của tâm hồn, là chút di sản tinh thần để lại cho con cháu mai sau…”.

Hai ngôi nhà cổ nằm sát nhau ở đường Chi Lăng thuộc phố cổ Gia Hội. Ngôi nhà bên phải đã xuống cấp nghiêm trọng. Ngôi nhà bên trái đã xây lầu theo kiểu châu Âu ở phía sau khuôn viên.

Phố cổ dần thành… phố mới!

Trước năm 2002, trước khi tỉnh “vào cuộc” để phục hồi khu phố cổ Gia Hội thì hơn 60% địa điểm của phố cổ này đã bị hiện đại hóa, tháo dỡ hay bán đi và chỉ còn khoảng hơn 40% điểm di tích còn “khả dĩ có thể khôi phục được”.

Trên thực tế, trước kỳ Festival Huế 2002, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã chi số tiền lớn để nâng cấp và bảo tồn khu phố cổ Gia Hội, với tham vọng tạo nên “một Hội An của Huế”, và là khuôn mẫu cho mô hình “bảo tồn phố cổ trong lòng đô thị hiện đại”.

Tuy nhiên, thực tế kết quả đã… ngược lại với những tính toán ban đầu của tỉnh. Như đường Chi Lăng (thuộc phố cổ Gia Hội) đã trở thành một con phố được phủ thảm nhựa dài hơn 2km; vỉa hè hai bên được bó vỉa bằng đá thanh cao và trải gạch cao ngất ngưởng, cùng với hai hàng cột đèn cao áp kiểu Tây. Không một ngôi nhà cổ nào ở đoạn đường này được đưa vào danh sách bảo tồn. Trái lại, nhà cao tầng được xây mới hàng loạt bên cạnh một vài ngôi nhà xưa sót lại.

Đối với thị trấn Bao Vinh, tình trạng cũng chẳng khả quan hơn. Theo thống kê của tỉnh, tại thời điểm năm 1991, khu phố này vẫn còn 39 ngôi nhà cổ. Rút “kinh nghiệm” của phố cổ Gia Hội, ngày 28-10-2003, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế ra hẳn một quyết định về quy hoạch xây dựng và bảo tồn khu phố cổ Bao Vinh.

Tuy nhiên tình hình bảo tồn phố cổ đến nay cũng không có chuyển biến tích cực. Do đó, đến thời điểm hiện tại, dù Bao Vinh đã được tỉnh đưa vào cụm di tích xếp hàng thứ hai về sự ưu tiên bảo tồn trong quần thể di tích Cố đô Huế (chỉ sau Kinh thành Huế và các lăng tẩm) thì số nhà cổ chỉ còn vỏn vẹn… 15.

Ông Lê Xương Thần, 72 tuổi, chủ nhân ngôi nhà cổ số 157 Chi Lăng, buồn bã cho biết: “Hồi tôi còn trẻ, không chỉ Gia Hội, Bao Vinh là phố cổ mà hầu như Huế toàn là nhà cổ, kể cả khu Trần Hưng Đạo, Phan Đăng Lưu, Huỳnh Thúc Kháng. Tôi ở đây lâu nhưng chỉ có sinh viên kiến trúc Đại học Huế, Đại học TPHCM đến xin vẽ kiến trúc chứ chính quyền thì chưa lần nào. Tôi nhớ đã có đề xuất đưa ra ý tưởng phục hồi phố cổ Gia Hội để du lịch Huế theo kịp Hội An nhưng cũng không thành công”.

Có ý kiến cho rằng tỉnh Thừa Thiên – Huế cần hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa về vốn, chuyên gia kỹ thuật trong và ngoài nước để bảo tồn những di tích còn lại tại hai khu phố cổ Bao Vinh và Gia Hội.

Theo số liệu khảo sát năm 2002, toàn TP Huế có 4.228 nhà vườn, trong đó có 705 nhà rường và 150 nhà cổ tiêu biểu được đưa vào danh sách bảo tồn đặc biệt. Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết hiện chỉ còn 1.778 ngôi nhà vườn, 85 vương phủ trong TP Huế. Nguyên nhân là trong khoảng thời gian đó có đến hàng trăm ngôi nhà cổ buộc phải “nhường chỗ” cho những ngôi nhà cao tầng.

Nguyễn Văn Toàn
(Theo Sài Gòn giải phóng)

Similar Articles

Vẽ, viết bậy trên Kỳ Đài: Cần giải pháp mạnh tay hơn

Vẽ, viết bậy trên Kỳ Đài: Cần giải pháp mạnh tay hơn

Nạn vẽ bậy lên di tích Kỳ Đài trước Kinh thành Huế đã kéo dài

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Tra Am là ngôi chùa mà tôi biết sớm nhất ở Huế. Đó là khi

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Nhiều thế hệ Việt Nam, đã từng quen thuộc với hình ảnh "chú bé loắt

Đường đến lăng mộ vua Gia Long hơn 100 năm trước khác gì?

Đường đến lăng mộ vua Gia Long hơn 100 năm trước khác gì?

Theo ghi chép cửa Leopold Cadiere, đường đến lăng mộ Gia Long buộc phải đi

Ngôi chùa thanh tịnh rộng 10.000m2 ‘hướng sông Hương, tựa núi Ngự’, được khách du lịch ví như ‘bồng lai tiên cảnh nơi trần thế’

Ngôi chùa thanh tịnh rộng 10.000m2 ‘hướng sông Hương, tựa núi Ngự’, được khách du lịch ví như ‘bồng lai tiên cảnh nơi trần thế’

Huế được xem là vùng đất của những ngôi chùa cổ kính vừa linh thiêng

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose