Văn hóa Huế | Homepage
Đến Huế để nhớ

Đến Huế để nhớ

🕔09.Aug 2014

AT – Lần đầu tiên đến Huế tôi hai mươi ba tuổi, không biết Huế là xứ mô. Tới nơi mới thấy Huế buồn và con gái Huế xinh đẹp.

Minh họa: Văn Xuân Lộc

Ở Huế có chè hẻm, sinh viên Huế rất ghiền. Tôi tưởng đó là loại chè đặc biệt, chỉ ở Huế mới có và dùng để tiến vua. Sau mới biết chè hẻm là chè đậu đen, đậu xanh, đậu đỏ được bán trong một con hẻm.

Nhớ Huế là nhớ nhiều thứ…

Nhớ anh sư thầy bằng tuổi chúng tôi, gốc Phan Rang, học Phật pháp ở Huế. Có một đêm ngẫu hứng anh dẫn ba cô gái đi ăn kem. Kem gần cầu Trường Tiền ngon nên một cô bé ăn liền hai cốc. Đi trên đường phố người ta cứ ngoái nhìn khi thấy một sư thầy mặc áo nâu đi cùng ba cô gái.

Nhớ Trường đại học Nghệ thuật lúc còn nằm sau lưng Đại Nội. Sau buổi giao lưu một anh sinh viên lớp mỹ thuật bỗng nhớ nhớ một cô bé Phan Rang. Anh mượn ở đâu một chiếc xe máy cà tàng chạy ào tới khách sạn, rủ người ta đi dạo đường phố Huế. Nhờ đó tôi biết bánh canh cá lóc khó ăn ra sao. Những cọng bánh canh làm bằng bột lọc, vị lạ tôi không nuốt được. Anh bạn cứ cười cười và chén sạch. Nhớ quán ốc đối diện bên đường, chúng tôi hào hứng chạy qua chỉ thấy con nít ngồi lể ốc. Bọn nhóc nhìn hai người lớn, cười khúc khích.

“Conmaxala” là nickname anh bạn tạo giùm tôi khi ở Huế. Thấy tôi chưa có nick anh bạn tạo giùm. Về sau tôi có viết truyện Conmaxala. Truyện viết cho vui nhưng bạn đọc cứ tưởng thật. Khi truyện được đăng, tôi lên mạng với nick này. Các bạn có đọc truyện luôn hỏi thăm tôi, tưởng tôi là “conmaxala” yêu qua mạng và bị thất tình.

“Conmaxala” chỉ là một sự tình cờ. Vào quán net bạn hỏi tôi thích nick gì? Tôi bảo “Conma”. Bạn gõ thêm “xala”.

“Conmaxala” là như thế đó.

Năm năm sau, tuổi hai mươi tám tôi mới trở lại Huế. Lần đi này do Công ty Sơn Ca tổ chức để giới thiệu một cuốn truyện nên tôi gặp nhiều nhà văn: Nguyễn Đông Thức, Đoàn Thạch Biền, Huỳnh Thạch Thảo, Mỹ Nữ, Lê Hoài Lương, Bội Nhiên, Đinh Lê Vũ… Rất nhiều nhà văn, nhà thơ tụ tập về Huế.

Tới Huế lần thứ hai tôi lại nhớ Huế lần thứ nhất. Sư thầy, anh bạn họa sĩ của tôi đều đã mỗi người một phương. Bạn bè cùng chuyến đi lần đầu của tôi cũng vậy. Huế ồn ào nhưng lại thấy buồn. Thấy cái gì đó không thuộc về mình, thứ gì đó đã trôi đi.

Sau đêm tiệc, tôi theo Đinh Lê Vũ lên ga Huế. Ga Huế thật lạ. Hình như ở đất nước mình, khắp các ga chẳng có ga nào như ga Huế? Ga thường ồn ào, chụp giật nhưng ga Huế lại trầm và buồn man mác. Các quán có những chiếc bàn con con. Trên mỗi bàn bày những thanh kẹo lạc, một ngọn đèn hột vịt thắp dầu, ai muốn hút thuốc lào đều có ống điếu chờ sẵn… Nếu không có ánh điện từ phòng chờ hắt ra sân thì ga Huế giống như ga âm phủ, tĩnh lặng và chờ đợi những chuyến tàu về xứ khác. Tĩnh lặng đến bất ngờ.

Giới trẻ ở Huế thích lên ga tâm tình. Họ ngồi bên chiếc bàn con, uống rượu, chuyện trò và có thể ngồi nhìn bâng quơ chứ cũng chả cần nói. Ga Huế đã nói hết những gì người ta muốn nói. Nói bằng sự im lặng.

Tới Huế lần thứ ba, tôi gặp lại Đinh Lê Vũ. Anh viết văn, nhà ở Hội An nhưng thường đi công tác ở Huế. Lại lên ga Huế. Sự tĩnh lặng không mua được, nhưng ở ga Huế thì có nhiều.

Ngồi ở ga nhắc lại lần gặp trước. Nhớ chị Bội Nhiên tóc ngắn, người Quảng Trị, yêu văn thơ, nồng nàn như là định mệnh. Chị Nguyễn Mỹ Nữ ở Quy Nhơn, hiền từ, mắt long lanh những biến cố không nói thành lời mà chỉ nói bằng trang viết. Lúc uống say bên sông, chị cười mà buồn chi lạ. Bao nhiêu người viết hôm đó đều cười hồn nhiên bên tiệc rượu.

Họ ở đâu rồi? Một cuộc gặp không bao giờ trở lại có đủ mọi người, dù Huế và ga Huế vẫn tĩnh lặng.

Nhớ Huế nhớ cả khu vườn đầy nắng, khu vườn nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã viết với bao nhiêu nhớ nhung, yêu mến. Có một ngôi nhà, một khu vườn, một hồ sen trong sân, một chị gái không ai hỏi tên ngày nào cũng dậy bốn giờ sáng để quét lá. Chủ nhân khu vườn đã bình yên ở xứ khác. Chỉ còn tấm ảnh, cây vườn và những kỷ niệm. Một chiếc lá rụng, một xác ve đều làm cho Huế buồn buồn. Buồn buồn chứ không buồn hơn. Vì Huế đã quá trầm rồi.

Đến Huế lần nào cũng nhớ. Đến lần sau, nhớ lần trước. Đến lần trước lại nhớ một người ở xa. Sao cứ nhớ? Hay đến Huế là phải nhớ? Nhớ linh ta linh tinh. Biết chúng đã xảy ra mà cũng tự hỏi phải chăng những điều đó chỉ là ảo ảnh? Một cái gì đó thoáng qua, rồi tan nhanh, chỉ có thể nắm bắt bằng nhớ nhung và sương khói.

Tôi đến Huế ba lần. Lần nào cũng mong gặp một người không ở Huế. Tôi đến, người không có. Tôi đi, người lại đến. Huế giữ chúng tôi, riêng rẽ từng người. Đường phố đó tôi đã đi, trở về, người vô tình bước tới. Không ai biết chúng tôi đi trên những con đường như nhau, trừ Huế.

Thôi thì gởi Huế cho người. Để ai nhắc tới xứ buồn buồn đó, tôi còn có một người quen.

Khánh Liên
(Theo Tuổi trẻ)

Similar Articles

Ủ Tết (Thì thầm lá hoa)

Vườn bà tôi ngày trước đầy hoa trái, bốn mùa xanh rợp lá cây, hầu

Nhớ những chuyến xe lam

Nhớ những chuyến xe lam

Hôm qua chú em họ đăng Facebook về những chiếc xe lam - một thời

Trong bóng dáng mệ quê

Trong bóng dáng mệ quê

Những ngày này Huế mưa, nhớ mạ thiệt nhiều, mà đi chợ càng nhớ hơn,

Lụt Huế

Lụt Huế

Khái niệm bốn mùa xuân, hạ, thu, đông với ông trời xứ Huế cho đến

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Tôi từng là đứa con nít mê chuyện cổ tích và trò chơi bán đồ

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose