Văn hóa Huế | Homepage
Xuân từ trong ấy

Xuân từ trong ấy

🕔25.Aug 2014

Xuân từ trong ấy mới ban ra
Xuân chẳng riêng ai, khắp mọi nhà

Đó là hai câu mở đầu một bài thơ Xuân của Tú Xương hồi đầu thế kỷ XX, khi vua đang còn ngự ở Huế. Tín hiệu mùa Xuân không phải đến từ thiên nhiên, từ đâu đó nơi lộc non trong vườn, từ nụ mai hay cành đào trước ngõ, mà phải từ “trong ấy”, chốn kinh đô. Bánh xe thời gian vẫn quay nhưng vua chưa ban lịch thì Xuân chưa tới. Vua đã vắng bóng từ hơn nửa thế kỷ nay, không biết cái “hồi xưa” ấy, cái “lộ đồ” ăn Tết của vua có khác chi dân không? Xem nào…

Lễ Ban Sóc

Đó là lễ ban hành lịch năm mới (âm lịch) do Khâm Thiên Giám của triều đình biên sọan và ấn hành. “Sóc” là ngày mồng Một âm lịch (ngày rằm gọi là “vọng”). Hằng năm, cứ đúng ngày mồng Một tháng Chạp thì lịch năm mới được ban hành, nên mới gọi là Ban Sóc.

Sáng hôm đó, các quan và các hoàng thân, trong phẩm phục đại triều, phải tề tựu đông đủ và sắp hàng nghiêm chỉnh trước cửa Ngọ Môn, quan Văn bên trái (từ trong nhìn ra), quan Võ bên phải, các hoàng thân sắp hàng cùng một phía với quan Võ, theo thứ tự cấp lớn đứng trước, cấp nhỏ đứng sau, y như lễ thiết đại triều nghi tại điện Thái Hòa vậy. Đúng giờ đã định, xa giá của vua từ điện Cần Chánh ra đến cửa Ngọ Môn, chuông trống trên lầu Ngũ Phụng (lầu trên cửa Ngọ Môn) đổ hồi, vua bước lên lầu và an vị trên ngự tọa thì chuông trống cũng vừa chấm dứt. Chín phát ống lệnh nổ vang trước Kỳ Đài.

Ở dưới sân, một quan đại thần thừa mệnh vua, công bố việc ban lịch mới. Tất cả các quan hướng về lầu Ngũ Phụng lạy năm lạy, và cuộc lễ Ban Sóc chấm dứt, đơn giản chỉ có thế. Vua về nội điện, các quan giải tán. Việc phân phối lịch đến các Bộ, Viện và các tỉnh do Bộ Hộ (Bộ Tài chánh và Kinh tế) phụ trách. Cũng có năm vua không có mặt, chẳng hạn vào dịp lễ Ban Sóc cho năm Ất Mão, 1915, đời Duy Tân, tuy nhiên các quan vẫn phải hướng về cái ngự tọa trống không đó, lạy năm lạy như thường.

Thời xưa, lễ Ban Sóc là tín hiệu mùa Xuân. Lộ đồ ăn Tết của trìều đình và trăm họ bắt đầu từ đây.

Lễ Phất Thức

Sau lễ Ban Sóc thì mọi người có thể chuẩn bị ăn Tết theo hoàn cảnh và khả năng của mình. Với triều đình, bước thứ hai là lễ Phất Thức.

“Phất“ là phủi (bụi); “thức“ là lau chùi. Mỗi năm một lần, triều đình đem ấn tín và các bảo vật khác của Nhà Nguyễn ra lau chùi sạch sẽ để chuẩn bị đón năm mới.

Lễ này thường diễn ra vào hạ tuần tháng Chạp ta. Nội Các – văn phòng của vua – chọn ngày và lập danh sách những người tham dự để trình lên vua quyết định. Chỉ có các hoàng thân, các quan Văn, Võ vào hàng Nhất, Nhị phẩm, nhân viên Viện Cơ Mật và Nội Các là trong số những người được đề nghị. Vào đúng ngày đã định, tất cả các thành viên được chọn phải tề tựu đông đủ tại điện Cần Chánh để làm lễ Phất Thức. Bộ Lễ lo bày sẵn mấy cái bàn để làm việc. Trong điện Cần Chánh có sáu tủ lớn đựng các bảo vật [1] như các lọai ấn bằng vàng, ngọc — gọi là bửu tỷ — của các đời vua, các bà hoàng hậu, các thái tử; và các lọai kim sách; kim bài; phù tín; ngọc diệp, bảo kiếm của vua Gia Long; sắc phong của nhà Thanh v.v. Sáu tủ này vốn được niêm phong, sẽ được mở ra trước sự hiện diện của vua và hội đồng Phất Thức. Người ta dùng khăn đỏ nhúng nước thơm (hương thủy) nấu bằng các lọai hoa, để lau chùi các bảo vật. Trong khi làm việc, các quan đều đội khăn đóng và mặc áo thụng xanh. Sau khi tất cả bảo vật đều đã được lau chùi sạch sẽ, lại được cho vào tủ như cũ và niêm lại bằng những con niêm làm bằng một mảnh lụa nhỏ có đóng dấu Hoàng Phong. Lễ Phất Thức đầu tiên diễn ra vào đời Minh Mạng, năm 1837, và từ đó trở thành một nghi lễ bắt buộc của triều đình. Lễ Phất thức cuối cùng diễn ra vào mùa Xuân năm 1945.

Lễ Tấn Xuân

Là lễ mừng Xuân trở về, do quan Thừa Thiên Phủ Doãn (tỉnh trưởng) phụ trách. Lễ này do vua Minh Mạng quy định vào năm 1828, căn cứ vào sách Thanh Điển của Trung Quốc.

Lễ thường diễn ra vào hạ tuần tháng Chạp ta, vào ngày Lập Xuân. Vào sáng sớm ngày lễ, Phủ Thừa Thiên (tức tỉnh Thừa Thiên sau này) cử người đến Bộ Lễ nhận ba cái bàn đã được bài trí đặc biệt: một bàn có tượng con trâu bằng đất, một bàn có tượng Mang Thần, là thần chủ mùa Xuân, và một bàn để một hòn núi giả gọi là Xuân sơn bửu tọa. Người ta mang cả ba bàn đến đàn Tấn Xuân thuộc ấp Tân An, phường Đệ Lục, ở phía đông Kinh thành. Bàn Xuân Sơn Bửu Tọa bày ở giữa, hai bàn kia để hai bên. Lễ vật dâng cúng là hương, đèn, trầm, trà, cau, trầu, rượu, giấy tiền, giấy vàng bạc, xôi, thịt. Quan Thừa Thiên Phủ Doãn đứng chánh bái tại bàn giữa, Tri huyện Hương Trà và Tri huyện Hương Thủy phụ bái hai bàn bên.

Sau lễ cúng, Phủ Doãn và một quan Bộ Lễ (vào hàng Tham Tri, Thị Lang hay Tá Lý) sẽ rước bàn Mang Thần và bàn Xuân sơn Bửu Tọa vào Duyệt Thị Đường trong Đại Nội. Đám rước khá long trọng, có lọng che, có lính hầu cầm vũ khí (côn) và ban nhạc tấu nhạc suốt lộ trình. Thượng thư Bộ Lễ sau đó phải tâu lên cho vua biết là mùa Xuân đã chính thức trở về.

Tượng con trâu đất, sau lễ cúng, được một viên Thông phán hay Kinh lịch mang về Phủ Thừa Thiên. Nó sẽ được cùng tượng Mang Thần và Xuân Sơn trưng bày một năm tại công đường Phủ Thừa Thiên, còn tượng cũ thì đem chôn.

Nước ta vốn theo âm lịch nên có năm, theo tính tóan, tiết Lập Xuân đến muộn, rơi ra ngòai tháng Giêng. Thế là cả triều đình và dân chúng ăn tết đã đời rồi mới làm lễ Tấn Xuân. Đó là trường hợp của lễ Tấn Xuân năm Đinh Tỵ (1917), diễn ra vào ngày 13 tháng Giêng, năm Khải Định thứ 2, khi hương vị Tết hầu như không còn nữa. 

xtta1
Hình Mang thần, trâu đất và Xuân sơn bửu tọa (hình vẽ của Tôn Thất Sa trong B.A.V.H.)

Lễ Thượng tiêu

Là lễ trồng cây nêu. Cũng như ngoài dân gian, ngày 30 là ngày vua cúng rước tổ tiên về ăn Tết, ngày dựng nêu, chính thức đón mừng năm mới. Bộ Lễ có nhiệm vụ lo lễ vật cúng bái sớm, tối, tại các miếu trong Đại Nội (Thái Miếu, Thế Miếu, Hưng Miếu, Triệu Miếu, điện Phụng Tiên) suốt thời gian Tết. Đứng chánh bái tại các miếu là những người trong Hoàng tộc (các Hoàng tử, các Tôn tước) đã được vua ra sắc chỉ cắt cử từ trước. Đúng 8 giờ sáng ngày 30, ống lệnh trên Kỳ đài trước Ngọ Môn bắt đầu nổ phát đầu tiên báo hiệu lễ Thượng tiêu bắt đầu. Từ đó cho đến 5 giờ chiều, bộ phận Hỏa lệnh phải bắn đủ 100 phát quy định. Nêu là hai cây tre đực lớn, được dựng lên trước sân của các miếu, các cung, điện trong Đại Nội và trước các công sảnh của triều đình. Tất cả mười cửa của Kinh thành và Kỳ đài đều phải treo cờ.

Lễ Thiết Đại Triều Nghi mừng Nguyên Đán

Đây là lễ quan trọng nhất trong năm: triều đình làm lễ chúc mừng vua năm mới.

Từ tờ mờ sáng mồng một Tết, các bộ phận có trách nhiệm đã dàn sẵn nghi trượng lỗ bộ từ sân điện Thái Hòa, hai bên cầu Trung Lập, ra cho đến bên trong cửa Ngọ Môn : nào ngựa với yên cương rực rỡ, voi với bành vàng, tán vàng; nào quân hầu với long trượng (côn sơn đỏ) và giáo, cùng lọng, cờ và các lọai võ khí xưa; nào ban đại nhạc với các nhạc công trong lễ phục. Dưới thời Pháp thuộc (từ đời Đồng Khánh trở đi) còn có hai toán quân nhạc, một của Pháp và một của triều đình, để thổi kèn chào khi đại diện của Pháp (Khâm sứ Trung Kỳ, Tòan Quyền Đông Dương) đến dự lễ hoặc ra về.

Trên sân điện Thái Hòa, các quan, trong phẩm phục đại triều, theo phẩm sơn (bia đá nhỏ, khắc phẩm trật) sắp xếp hàng ngũ, theo thứ tự, cấp lớn đứng trước, cấp nhỏ đứng sau, mặt hướng vào điện. Từ nhất phẩm đến tam phẩm sắp hàng ở sân trên; từ tứ phẩm xuống đến cửu phẩm sắp hàng ở sân dưới, quan Văn bên trái, quan Võ bên phải (Văn tả, Võ hữu – trong điện nhìn ra). Các Hoàng thân và Tôn Tước, các Phò mã và các công tử, sắp hàng chung với quan Võ. Riêng các ông Hoàng thuộc hàng chú bác của vua thì được đứng bên trong điện Thái Hòa. Trong điện, ngay căn giữa, trước ngai vàng, Bộ lễ đặt một cái bàn sơn vàng, và kế đó, nơi căn tả-nhất (căn số 1 bên trái căn giữa, nhìn từ trong ra) đặt một cái bàn màu đỏ, trên đó có hai cái tráp đựng hạ biểu (lời chúc mừng dâng lên vua), một cái là của tất cả quan lại tại triều đình, và cái kia là của quan lại các tỉnh khắp nước. Tất cả mọi sự sắp xếp được đặt dưới sự hướng dẫn của Bộ Lễ và sự giám sát của Viện Đô Sát.

xtta2

Khi mọi việc đã sẵn sàng, nghiêm chỉnh, hai viên quan một Văn một Võ sẽ hô lớn, “Tấu, trung nghiêm!”, “Tấu, ngọai chỉnh” và lời tâu này được truyền vào điện Cần Chánh. Trong điện, vua đã ngồi sẵn trên sập, trong phẩm phục đại triều, với mũ cửu long, hoàng bào thêu rồng năm móng, đai ngọc và hốt ngọc trấn quê. Bấy giờ bộ phận hộ giá mời vua lên liễn và rước vua qua cửa Đại Cung Môn, ra điện Thái Hòa. Trong khi di chuyển, tiểu nhạc tấu suốt lộ trình, đồng thời chuông và trống trên lầu Ngũ Phụng cũng đổ hồi, báo cho biết vua đang thăng điện. Khi vua xuống liễn, bước lên thềm điện Thái Hòa (phía bắc) thì tiểu nhạc chấm dứt, chuông trống trên trên lầu Ngọ Môn cũng im tiếng. Vua bước lên bệ và an tọa trên ngai vàng. Trên Kỳ Đài phát ra 9 tiếng ống lệnh. Buổi lễ đại triều bắt đầu, dưới sự điều hợp của một quan Bộ Lễ.

Dưới thời Pháp thuộc, nếu có đại diện Pháp tham dự thì khi vua vào điện Thái Hòa cũng là lúc đại diện Pháp vừa đến cửa Ngọ Môn. Hai quan lớn, vào hàng Thượng Thư, của triều đình đã chực sẵn để đón tiếp và hướng dẫn phái đoàn Pháp vào điện Thái Hòa. Đó là lúc ống lệnh nổ và ban nhạc thổi kèn chào. Vào điện, đại diện Pháp chào vua và đọc chúc từ, vua đáp lời qua thông dịch viên, sau đó phái đoàn Pháp đứng lui về căn cuối bên trái của điện Thái Hòa, và lễ đại triều mừng Nguyên Đán theo nghi thức cổ truyền bắt đầu.

Ban nhạc cử nhạc mừng.

Theo lời xướng của quan Bộ Lễ, các quan lạy năm lạy. Xong các quan quỳ xuống và làm lễ dâng hạ biểu. Sau lời xướng, một viên quan Nội Các (văn phòng của vua) tiến đến bàn đỏ, lần lượt mang các tráp đựng hạ biểu trên bàn đỏ đem để trên bàn vàng giữa điện. Ban nhạc cử nhạc mừng. Nhạc dứt, một quan Bộ Lễ, vào hàng Tham Tri hoặc Thị Lang, bước ra giữa sân, quỳ xuống, hô lớn, “Tấu, khánh hạ lễ thành!” (Tâu, lễ mừng đã xong). Vua bước xuống khỏi ngai và trở về cung, nghi vệ giống như lúc ra đi. Trong Đại triều nghi, vua không nói một tiếng nào. Thị vệ (quan hầu cận vua) sẽ phụ trách mang hạ biểu vào phòng ngự phê (phòng làm việc của vua).

Tháng 10 năm 1932, sau khi về nước cầm quyền được ít hôm, vua Bảo Đại ra ngay một sắc dụ bãi bỏ việc lạy, chỉ cho chấp tay xá ba xá, gọi là hành tam khấu lễ. Đó là dấu hiệu đầu tiên của sự thâm nhập tinh thần dân chủ Tây phương trong cung đình Huế.

Trong chế độ quân chủ, vua tượng trưng cho quốc gia, nên quốc gia phải lo thờ phụng các vua quá cố tại các miếu. Tại đây, đàn bà con gái không được phép tới. Vì vậy, vua Minh Mạng phải lập thêm một nhà thờ có tính cách gia đình, gọi là điện Phụng Tiên, để làm nơi cho các bà (thái hậu, hoàng hậu, phi tần, công chúa, công nữ) và Hoàng tộc tới lui làm bổn phận hiếu kính đối với tổ tiên. Sau lễ đại triều, vua cũng phải tới đây lễ lạy. Sau những lễ nghi chính thức này, những cuộc vui trong cung đình (múa, hát, hát bội) mới mở ra để trên dưới cùng vui.

Lễ Hạ Tiêu

Sáng ngày mồng 7 tháng Giêng, chín phát ống lệnh phát ra từ Kỳ Đài trước Ngọ Môn báo hiệu lễ hạ nêu. Những ngày Tết đã chính thức đi qua, nhịp sống thường trở lại.

Tuy nhiên, dưới thời Pháp thuợc, vẫn còn một lễ nữa thì việc thưởng Xuân của vua xem ra mới trọn vẹn. Ấy là lễ Du Xuân.

Lễ Du Xuân

Lễ Du Xuân là lễ vua đi dạo đầu Xuân. Dân thì mấy ngày Tết đi đây đi đó tha hồ. Riêng vua, coi vậy mà khó đi hơn, vì lễ nghi và tình thế ràng buộc.

Lễ này chỉ có bắt đầu từ đời Đồng Khánh (1885-1889). Vua Đồng Khánh lên ngôi sau khi triều đình Huế và người Pháp thất bại trong việc đưa vua Hàm Nghi trở về Huế — sau vụ thất thủ Kinh đô ngày 5-7-1885. Hầu như bị giam lỏng trong cung, vua cảm thấy tù túng, nên cái Tết năm đó, năm Bính Tuất, 1886, vua yêu cầu Tòa Khâm (chính quyền Pháp ở Trung Kỳ) và triều đình tổ chức cho vua đi dạo kinh đô vào buổi đầu Xuân để được thấy cảnh dân tình sinh họat ra sao. Được sư chấp thuận của chính quyền bảo hộ, triều đình tổ chức lễ Du Xuân, và từ đó thành lệ.

Sau Tết Nguyên Đán, Bộ Lễ chọn ngày tốt để làm lễ Du Xuân. Đạo ngự (đoàn vua đi) có tiền hô hậu ủng, có quân hầu, hộ vệ, cờ, quạt, lọng, tàn và nhã nhạc, gần giống như đạo ngự của lễ tế Nam Giao, nhưng quy mô nhỏ hơn. Theo hầu có các hoàng thân và các quan Văn, Võ. Quan Võ mặc nhung phục. Đạo ngự ra khỏi Đại Nội (Hoàng thành) bằng cửa Ngọ Môn, rồi từ đó ra khỏi Kinh thành bằng cửa Đông Nam (Thượng Tứ), qua sông Hương, vào thăm Khâm sứ Trung kỳ, rồi trở về Đông Ba, Gia Hội, theo cửa Chính Đông (Đông Ba) để vào lại Kinh thành. Cờ treo trên khắp lộ trình vua đi. Đời Khải Định (1916-1925) lễ này vẫn còn duy trì.

Những lễ hội đem thêm màu sắc cho ngày Xuân, và làm cho hương vị mùa Xuân thêm mặn mà. Có lẽ dân chúng kinh đô thời ấy cũng trông cho tới ngày được thấy cảnh rước thần đầy màu sắc của lễ Tấn Xuân hay cái nghi vệ huy hoàng của lễ Du Xuân, mong được nghe trăm phát ống lệnh tống cựu nghinh tân đầy náo nức lòng người. Chả thế mà ngày nay tuy không còn vua nữa, nghe nói trong Festival 2004, người ta vẫn cố dựng lại cái cảnh đạo ngự của vua trở về Hoàng cung sau lễ tế Nam Giao, để hấp dẫn du khách; thời buổi kinh tế thị trường có khác!

Võ Hương-An
(Theo Art2All.net)

 

[1] Đời vua Bảo Đại (1926-1945) người ta cất các bảo vật này dưới hầm điện Càn Thành, nên lễ Phất Thức diễn ra ở điện này.

 

Similar Articles

Phủ Tuy An Quận công, nơi lưu giữ ký ức đô thị di sản Huế

Phủ Tuy An Quận công, nơi lưu giữ ký ức đô thị di sản Huế

Toàn cảnh phủ Tuy An Quận công Bộ đồ trà sứ ký kiểu thời Nguyễn vẽ

Huế: Thế tiến thoái lưỡng nan của một kinh thành

Huế: Thế tiến thoái lưỡng nan của một kinh thành

Nếu bạn là chúa Nguyễn Phúc Ánh, người vừa thống nhất Việt Nam năm 1802,

Biểu tượng mùa xuân trên cổ vật của triều Nguyễn

Mùa xuân luôn là một đề tài quen thuộc của các loại hình nghệ thuật

Chuyện thêm về ông hoàng Bảo Đại

Chuyện thêm về ông hoàng Bảo Đại

Cựu hoàng Bảo Đại. Ảnh tư liệu Bái vọng Gia Miêu Sử cùng nhiều tài liệu còn

Du thuyền triều Nguyễn qua vài tư liệu xưa

Du thuyền triều Nguyễn qua vài tư liệu xưa

Vua Thiệu Trị từng có bài thơ “Sông Hương”, tả cảnh một buổi sáng dạo

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose