Văn hóa Huế | Homepage
Bảo tồn di tích, đâu chỉ là tiền

Bảo tồn di tích, đâu chỉ là tiền

🕔19.Sep 2014
Quần thể di tích Cố đô Huế với nhiều loại hình kiến trúc phong phú, đa dạng đã tồn tại hàng trăm năm. Để bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị của di sản này trước sự tàn phá của thời gian là một công việc vô cùng phức tạp. Có lẽ vậy, nên trong thời gian qua nhiều nhà nghiên cứu Huế cho rằng, đối xử với di tích cố đô Huế cần phải  có những tấm lòng.
Đại Nội Huế
Giữ bóng thời gian
Huế có nhiều văn hóa vật thể và Phi vật thể. Sau hơn 20 năm quân thể di tích Huế và 10 năm Nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO công nhận là di sản thế giới, nhiều công trình di tích Huế đã được tiến hành bảo tồn tu bổ đảm bảo các tiêu chuẩn về bảo tồn và tính chân xác của các công trình. Các công trình này đã làm tăng thêm sự bền vững và trả lại dáng vẻ nguyên xưa, góp phần khép lại không gian hoang phế, đổ nát ở Kinh Thành, Hoàng thành, các đàn miếu và một số lăng vua triều Nguyễn.
Nhiều nhà nghiên cứu Huế khi tiếp xúc với những giá trị di sản văn hóa của Huế đã tâm sự, việc trùng di tích là một vấn đề khoa học, nhưng trước hết, người làm công việc này phải có lòng đam mê, bởi họ chính là “người giữ bóng thời gian” cho vốn quý tiền nhân đã để lại cho thế hệ hôm nay.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, trong những năm qua, Trung tâm đã phối hợp với nhiều tổ chức quốc tế, cũng như các nhà nghiên cứu, khảo cổ học tiến hành nghiên cứu và trùng tu một số công trình kiến trúc quy mô, có tính chất phức tạp cao như: Thế Tổ Miếu, Hiển Lâm các, cung Diên Thọ, cung Trường Sanh, Ngọ môn, Kỳ đài và chuẩn bị tiến hành trùng tu phục hồi điện Cần Chánh, điện Kiến Trung, vườn Cơ Hạ…
Trên thực tế, để phục dựng, tôn tạo một di tích thì vấn đề  không đơn thuần là tiền. Trước những ý kiến cho rằng, có những ngôi miếu cổ hoặc những di tích nhỏ mà đề xuất đầu tư sao quá lớn? ông Hải cho hay, muốn một di tích được trùng tu, phục hồi luôn luôn phải đảm bảo cơ sở pháp lý và cơ sở khoa học. Đối với cơ sở khoa học, trước hết phải nghiên cứu hiện trạng trên cơ sở đối sánh với tư liệu ngôn ngữ, tư liệu hình ảnh v.v. trên cơ sở đó tiến hành lập dự án trùng tu, thông qua hội đồng khoa học cấp cơ sở thẩm định, thông qua hội đồng khoa học cấp quốc gia thẩm định, thông qua các ngành văn hóa, đầu tư, xây dựng  thẩm định rồi phải có sự phê duyệt của cấp phê duyệt phù hợp.v.v. Đối với công trình phục hồi thì vấn đề khảo cổ học là mấu chốt quan trọng. Sau khi có kết quả khảo cổ học, trên cơ sở đối chiếu với tư liệu ngôn ngữ cùng hình ảnh (nếu có) thì phương án, giải pháp đều do các thành viên hội đồng khoa học xem xét, trao đổi và thống nhất quyết định. Quy trình của cả hai vấn đề trùng tu hoặc phục hồi đều tạo ra cơ sở để trùng tu hoặc phục hồi di tích. Tất cả các di tích cố đô Huế khi được trùng tu, hoặc phục hồi đều đi theo quy trình này.
Di sản trong lòng dân
Văn hóa Huế và người Huế từ lâu đã luôn có nếp nghĩ thành quách, cung điện, đền đài là tài sản của tiền nhân. Di sản này đã được thế giới công nhận, do đó khi du khách đặt chân đến mảnh đất di sản này, người Huế là điểm nhấn ấn tượng đầu tiên, vì cái thẹn thùng e ấp, thêm nữa là không gian sống động trong quần thể di tích Cố đô Huế đã thu hút khách du lịch.
Theo ông Phan Thanh Hải, trong chuỗi di sản của khu vực miền Trung và cả nước, các điểm di tích gắn liền với các giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào hoạt động có hiệu quả như: Nhà hát Duyệt Thị Đường và sau đó là nhà hát Minh Khiêm Đường, tại đây các chương trình biểu diễn Nhã nhạc, múa Cung đình, tuồng cung đình đã được trình diễn phục vụ du khách trong và ngoài nước; tái tạo lại không gian sống trong các lễ hội của chốn cung đình xưa, trưng bày, triển lãm cổ vật cung đình. Do đó, việc nghiên cứu và trải nghiệm của du khách đối với giá trị di sản Huế được tăng lên rất nhiều.
Được biết, tới thời điểm hiện nay, hàng loạt công trình như hệ thống 10 cổng Kinh thành, di tích Quan Tượng Đài, đàn Xã Tắc, đàn Nam Giao, Quảng trường Ngọ môn – Kỳ đài, tổng thể chùa Thiên Mụ, cung An Định… đã được tu bổ thành công, phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà và nhu cầu thưởng thức văn hóa của nhân dân. Đặc biệt những công trình này đều không bán vé tham quan.
Trọng Bình
(Theo Đại đoàn kết)

Similar Articles

“Cụ” xà cừ 100 năm ở Huế được giữ “sinh mạng’ nay đã lên mầm xanh

“Cụ” xà cừ 100 năm ở Huế được giữ “sinh mạng’ nay đã lên mầm xanh

Mầm xanh đã hồi sinh trên cổ thụ được trồng lại sau khi bị bão

Xây dựng Huế là điểm đến hạnh phúc

Xây dựng Huế là điểm đến hạnh phúc

Huế đang được cộng đồng du lịch đánh giá là điểm đến để tìm kiếm

Chân dung bếp trưởng mang ẩm thực Huế ra thế giới

Chân dung bếp trưởng mang ẩm thực Huế ra thế giới

Là một trong số những đầu bếp sẽ tham dự Ngày ẩm thực Việt Nam

Du lịch trên những tuyến sông vẫn còn để ngỏ

Du lịch trên những tuyến sông vẫn còn để ngỏ

Chiều đó, khi nhìn những chiếc tàu ngược xuôi với mật độ khá dày đặc

Huế vận động tháo dỡ hàng rào trên đường Lê Lợi dọc sông Hương

Huế vận động tháo dỡ hàng rào trên đường Lê Lợi dọc sông Hương

Đường Lê Lợi dọc sông Hương được mệnh danh là "Phố bảo tàng" và  chính

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose