Văn hóa Huế | Homepage
Vợ vua cũng lên chức

Vợ vua cũng lên chức

🕔01.Sep 2014

Khi chế độ đa thê còn được chấp nhận trong xã hội ta, việc một ông có nhiều bà là chuyện thường thấy. Bà Cả, bà Hai, bà Ba, bà Tư, v.v.. Tôi có ông chú, em ruột ông nội, có đủ bốn bà như thế, và trong đại gia đình, bà con, con cháu đều gọi các bà theo thứ tự đó. Dân mà còn được phép như thế, huống hồ là vua. Nhưng vợ vua không phải gọi theo kiểu đó, và điều đặc biệt là vợ vua cũng có cấp bậc, có lên chức y như hệ thống Cửu phẩm bên quan lại triều đình. Mặc dầu vua Gia Long (1802-1820) là người khai sáng ra cơ nghiệp Nhà Nguyễn, tồn tại trong 143 năm (1802-1945), nhưng người tổ chức và định đặt pháp chế cho triều đại này lại là vua Minh Mạng (1820-1841).

Vua Minh Mạng là người đặt ra lệ Ngũ bất, tức năm không: không lập hoàng hậu, không lập thái tử, không cử trạng nguyên, không phong tể tướng, không phong quốc trượng (cha vợ vua). Kinh nghiệm qua lịch sử Trung Quốc và Việt Nam cho vua thấy rằng đấy là năm đầu mối quyền lực, có thể tạo ra rối loạn triều đình, làm hại cho sự trường tồn của triều đại. Nếu không lập hoàng hậu thì vợ chính của vua gọi là gì? Đã có lệ Cửu giai quy định. Theo đó, các bà thuộc hậu cung được chia làm 9 bậc:

Nhất giai Phi, Nhị giai Phi, Tam giai Tân, Tứ giai Tân, Ngũ giai Tiếp dư, Lục giai Tiếp dư, Thất giai Quý nhân, Bát giai Mỹ nhân, và Cửu giai Tài nhân.

Trong mỗi cấp như vậy, lại có những thứ bậc, tên gọi khác nhau. Chẳng hạn, cũng là Nhất giai Phi, nhưng lại có Hoàng Quý Phi, Ân Phi, Huệ Phi. Hoàng Quý Phi chính là Chính cung Hoàng Hậu của các triều khác.

Chỉ có bà vợ chính, được cưới hỏi đúng nghi lễ của triều đình, là được phong ngay bậc Nhất giai Phi, còn các bà vợ thứ khác đều được lên chức lần lần, như trường hợp các quan vậy.

Sau khi Kinh đô Huế thất thủ ngày 7/5/1885 (23 tháng 5 Ất Dậu), vua Hàm Nghi (1884-1885) chạy ra vùng rừng núi Quảng Bình-Hà Tĩnh, cầm đầu cuộc kháng chiến Cần vương. Không chiêu dụ được nhà vua trở về, triều đình Huế và người Pháp đã lập người anh ruột của vua, con nuôi thứ hai của vua Tự Đức, là Hoàng tử Chánh Mông, lên làm vua, tức Đồng Khánh (1885-1889). Vua cưới bà Nguyễn Thị Nhàn, con gái thứ hai của Vĩnh Lại Quận Công Nguyễn Hữu Độ, Kinh lươc sứ Bắc kỳ, vào tháng 2 năm 1886 và phong ngay làm Hoàng Quý Phi, tổng quản Lục Viện trong nội cung, tức Chính cung Hoàng Hậu, cấp cao nhất; một phần, đây là môt cuộc hôn nhân đúng nghi thức theo điển lệ quy định, do triều đình chủ trương, lại thêm uy thế to lớn của nhà gái làm vua phải trọng vọng để nương tựa.

Không phải vua là trai tân chưa vợ. Thực ra, khi đang còn là ông Hoàng với tước Kiên Giang Quận Công, vua đã có con trai (tức vua Khải Định sau này) với bà Dương Thị Thục từ năm 1885. Trong khi bà Nhàn một bước lên ngay tột đỉnh vinh quang thì bà Thục chỉ được lên chức từ từ, và không thể nào lên được tột đỉnh. Năm 1886, mặc dầu sinh được con trai trưởng cho vua nhưng xuất thân hầu thiếp nên bà mới chỉ được phong làm Ngũ giai Tiếp dư, qua năm 1889 lên Tứ giai Hòa tân. Năm đó, vua Đồng Khánh mất, con trai mới 3 tuổi, ngai vàng lọt vào tay một dòng khác. Năm 1914, bà được vua Duy Tân (1907-1916) phong làm Tam giai Nghi Tân trong một buổi lễ long trọng tại phủ Phụng Hóa. Kể về thế thứ trong dòng họ thì vua Duy Tân gọi bà bằng thím dâu.

Đầu tháng 5 năm 1916, vua Duy Tân xuất cung để cùng hai ông Trần Cao Vân và Thái Phiên mưu cuộc binh biến lật đổ người Pháp tại Trung Kỳ, nhưng thất bại. Vua bị bắt, bị truất phế, rồi đày đi Phi châu cùng với phụ hoàng Thành Thái. Người được chọn thay thế là Phụng Hóa Công Bửu Đảo, con trai trưởng của vua Đồng Khánh năm xưa, giờ đây là một ông Hoàng 32 tuổi. Đó là vua Khải Định. Cuộc đời của hai bà mẹ bắt đầu lên hương từ đó. Bà Hoàng Quý Phi Nguyễn Thị Nhàn là mẹ đích, bà Tam giai Nghi tân Dương Thị Thục là mẹ ruột. Lúc này, giới cung đình gọi bà đích là Đức Thánh Cung, và bà thứ là Đức Tiên Cung.

Đầu năm 1917, vua Khải Định tấn tôn cả hai bà mẹ lên làm Hoàng Thái Phi. Qua năm 1924, vua tấn tôn bà Thánh Cung làm Khôn Nguyên Hoàng Thái Hậu, và bà Tiên Cung làm Khôn Nghi Hoàng Thái Hậu.

Năm 1933, cháu nội của hai bà, vua Bảo Đại, (1926-1945) làm lễ tấn gia tôn hai bà lên làm Khôn Nguyên Xương Đức Thái Hoàng Thái Hậu và Khôn Nghi Xương Minh Thái Hoàng Thái Hậu.

 
Bà Ân Phi Hồ Thị Chỉ

Việc có con trai làm vua quả là một lợi thế vô song trong sự thăng quan tiến chức của các bà. Như đã nói, vua Khải Định lên ngôi năm 1916. Cuối năm 1917, triều đình đi cưới bà Hồ Thị Chỉ, con gái của quan Thượng Thư Hồ Đắc Trung, cho vua làm chánh cung. Vua phong bà làm Nhất giai Ân Phi.

Cũng như vua cha, ngay từ khi còn là ông Hoàng, vua đã có con trai từ năm 1913, với một người thiếp là bà Hoàng Thị Cúc. Đó là Hoàng tử Vĩnh Thụy. Khi làm vua, ông phong cho bà Cúc làm Tam giai Huệ Tân năm 1917. Qua năm 1922, khi phong cho con trai Vĩnh Thụy làm Đông cung Thái tử, thì mẹ của Thái tử được thăng lên làm Nhị giai Hữu Phi, và năm sau lên Nhất giai Huệ Phi. Sau khi con trai trở thành vua Bảo Đại vào năm 1926, bà Huệ Phi được giới cung đình gọi là đức Từ Cung; đó là cách gọi bà mẹ của một ông vua tại vị chứ chẳng phải là một tước vị chính thức như nhiều người lầm tưởng. Trong khi đó, bà Ân Phi Hồ Thị Chỉ tuy được tiếng chánh cung nhưng không có con, vai trò ngày càng mờ nhạt, trước sau cũng chỉ được gọi là Bà Ân. Năm 1933, vua Bảo Đại làm lễ tấn tôn mẹ ruột lên làm Đoan Huy Hoàng Thái Hậu. Đó là thái hậu cuối cùng của triều Nguyễn.


Đoan Huy Hoàng Thái Hậu

Đến đây, sẽ có bạn đọc cắc cớ hỏi rằng: vậy triều Nguyễn không có hoàng hậu sao? Thưa có chứ. Luật nào mà chẳng có ngoại lệ và ngoại lệ này lại xảy ra ở triều đại đầu tiên và cuối cùng.

Vua Gia Long và vua Bảo Đại là hai vua đã lập hoàng hậu, trong đó, vua Bảo Đại đã phong ngay cho người vợ mới cưới, bà Jeanne Marie-Thérèse Nguyễn Hữu Hào Thị Lan, làm Nam Phương Hoàng Hậu, nhưng vua Gia Long thì không, chỉ cho vợ lên chức từ từ, vì chính vua cũng lên chức từ từ!

Năm 1778 – sau khi chú là Định Vương Nguyễn Phúc Thuần và anh là Tân Chính Vương Nguyễn Phúc Dương đều bị Tây Sơn sát hại — Nguyễn Phúc Ánh, mới 17 tuổi, được các tướng tôn lên làm Đại Nguyên Soái Nhiếp Quốc Chính, cầm đầu lực lượng của họ Nguyễn chống lại Tây Sơn. Qua năm 18 tuổi, đại nguyên soái cưới con gái nhà họ Tống làm vợ.

Năm 1780, Nguyễn Phúc Ánh xưng Vương, tục gọi là Nguyễn Vương và phong cho bà họ Tống làm Nguyên Phi. Sau 24 năm kiên trì chiến đấu gian khổ, thoát hiểm nhiều lần, có khi phải chạy sang Xiêm tá túc, Nguyễn Vương đã diệt được Nhà Tây Sơn và thống nhất Đại Việt từ Nam chí Bắc năm 1802.

Ngày 31/5/1802, tuy chưa chính thức lên ngôi hoàng đế, nhưng Nguyễn Vương đã long trọng làm lễ tại Huế, đặt niên hiệu là Gia Long, khai sáng một triều đại mới, lấy Phú Xuân làm Kinh đô. Qua năm 1803, vua phong bà Nguyên Phi làm Chánh Vương Hậu. Mãi đến năm 1806 vua Gia Long mới chính thức lên ngôi hoàng đế tại điện Thái Hòa, và hai tháng sau phong cho Vương hậu họ Tống làm Hoàng Hậu. Đó chính là Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu, thân mẫu của Hoàng tử Cảnh.

Khi nói về con đường danh vọng của nam giới ngày xưa, người ta thuờng dùng hai chữ hoạn lộ. Đã dấn thân vào con đường danh vọng thì ai cũng mong cho hoạn lộ hanh thông, mau được thăng quan tiến chức. Xem ra các bà vợ vua có khác chi, không tòng phu thì cũng tòng tử.

Võ Hương An
(Theo Art2All)

Similar Articles

Phủ Tuy An Quận công, nơi lưu giữ ký ức đô thị di sản Huế

Phủ Tuy An Quận công, nơi lưu giữ ký ức đô thị di sản Huế

Toàn cảnh phủ Tuy An Quận công Bộ đồ trà sứ ký kiểu thời Nguyễn vẽ

Huế: Thế tiến thoái lưỡng nan của một kinh thành

Huế: Thế tiến thoái lưỡng nan của một kinh thành

Nếu bạn là chúa Nguyễn Phúc Ánh, người vừa thống nhất Việt Nam năm 1802,

Biểu tượng mùa xuân trên cổ vật của triều Nguyễn

Mùa xuân luôn là một đề tài quen thuộc của các loại hình nghệ thuật

Chuyện thêm về ông hoàng Bảo Đại

Chuyện thêm về ông hoàng Bảo Đại

Cựu hoàng Bảo Đại. Ảnh tư liệu Bái vọng Gia Miêu Sử cùng nhiều tài liệu còn

Du thuyền triều Nguyễn qua vài tư liệu xưa

Du thuyền triều Nguyễn qua vài tư liệu xưa

Vua Thiệu Trị từng có bài thơ “Sông Hương”, tả cảnh một buổi sáng dạo

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose