Văn hóa Huế | Homepage
Mục sở thị ngôi miếu khiến cánh lái xe không dám hé lời khi qua

Mục sở thị ngôi miếu khiến cánh lái xe không dám hé lời khi qua

🕔04.Oct 2014

Nằm ngay sát quốc lộ 1A đoạn đi qua khu vực Đá Bạc có một ngôi miếu cổ luôn nghi ngút khói hương. Miếu thiêng nằm đó tự bao giờ không ai hay biết, chỉ biết rằng ai có dịp đi qua khu vực này đều dừng lại nghỉ chân, thắp nén nhang cầu an. Đặc biệt, nhắc đến ngôi miếu này, cánh lái xe đều chỉ biết lắc đầu, chẳng dám hé lời…

Bất cứ ai là “khách quen” của quốc lộ 1A đoạn đi qua khu vực Đá Bạc (thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế) sẽ không thể không chú ý đến một ngôi miếu kỳ bí nằm lọt thỏm giữa ba gốc đại thụ. Kỳ lạ ở chỗ, hai trong số ba cây đại thụ là hai gốc đa “mọc” trên hai hòn đá tảng. Mặc dù, hai tảng đá rất lớn, nhưng rễ cây dường như ôm trọn đến tận chân tảng đá, không bỏ sót bất cứ chỗ nào.

Tán đa sum suê, tỏa bóng rợp cả một khúc đường lớn. Độc đáo hơn, từng chiếc rễ đa to bè, uốn lượn quanh đá tảng trông chẳng khác nào chân của một con rít (rết – PV) khổng lồ án ngữ trên đỉnh tảng đá.

Ông Võ Duy Thanh, Trưởng khu vực Đá Bạc bên cạnh ngôi cổ miếu của làng.

Cụ Lê Sơn (73 tuổi, trú làng Đá Bạc) cho biết: “Ngôi miếu xưa đến nỗi chẳng còn ai nhớ tên ban đầu của nó là gì. Thời ông tóc còn để chỏm đã thấy ngôi miếu nằm ở đó rồi. Thuở đó chỉ là một ngôi miếu lợp tranh chứ chưa được xây dựng khang trang như bây giờ. Các bậc tiền nhân tường tận về ngôi cổ miếu cũng chưa đếm được trên đầu ngón tay. Nhưng chiến tranh loạn lạc khiến mỗi người lưu lạc một phương, từ đó chẳng ai còn biết gốc tích của ngôi miếu này”.

Trầm ngâm một lát, ông kể tiếp: “Sau khi hòa bình lập lại, người dân lần lượt trở về làng cũ sinh sống. Lúc này, mưa bom bão đạn của quân thù đã xới tung cả vùng quê nghèo, thế nhưng điều kỳ lạ là ngôi miếu cổ vẫn “hiên ngang” nằm nép dưới tán cây đa cổ thụ. Cho là miếu thần, đa thần nên người dân góp tiền, góp sức tu bổ lại cổ miếu để tiền bề nhang khói thờ tự. Và vì không còn bất cứ một ai nhớ tên nguyên thủy của cổ miếu, nên dân làng Đá Bạc lấy tên luôn hai cây đại thụ để đặt tên miếu, gọi là miếu Đa”.

Mặc dù tên miếu không ai nhớ rõ, nhưng những truyền thuyết về ngôi miếu linh thiêng này thì vẫn được dân làng Đá Bạc bảo tồn gần như nguyên vẹn. Vừa nhai trầu, mệ Nguyễn Thị Bé (79 tuổi, trú TT Phú Lộc) nhớ lại: “Hồi tui còn trẻ, hay nghe các cụ trong làng kể về chuyện ngài tít thần ngậm ngọc. Từ xa xưa, vào ban đêm người làng hay nhìn thấy những đốm sáng màu xanh di chuyển từ trên đỉnh đồi Đá Bạc xuống khu vực miếu Đa bấy giờ. Vào những đêm trăng sáng, một số người dân còn tận mắt thấy con rít to lớn khác thường, bò di chuyển rất nhanh từ đỉnh núi xuống quanh quẩn bên miếu, sau đó bò lên trên gốc đa nằm nghỉ. Đốm sáng màu xanh mà mọi người hay nhìn thấy thực chất là một viên ngọc phát quang, được rít thần ngậm trong miệng. Theo các cụ chỉ có những người đức hạnh, có cơ duyên mới được chiêm ngưỡng “dung nhan” của rít thần”.

Số người phát hiện đốm sáng xanh quanh quẩn bên gốc đa và ngôi miếu khá nhiều, nhưng những người tận mắt “gặp” rít thần thì chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, câu chuyện về ngài rít thần ngậm ngọc được người dân truyền tai nhau từ đời này sang đời khác, nên người dân làng Đá Bạc ai cũng tin vào sự linh thiêng của ngôi miếu Đa. Từ đó các thế hệ nối tiếp nhau chăm lo hương khói, thờ tự chu đáo.

Giai thoại về quân giặc lắc đầu khiếp sợ

Theo những người dân nơi đây, trong chiến tranh, khu vực đồi Đá Bạc trở thành căn cứ quân sự của thực dân Pháp. án ngữ trên đồi cao, hướng thẳng tầm nhìn xuống miếu cây đa, bọn lính Pháp cũng được chứng kiến những đốm sáng lấp lánh phát ra từ khu vực miếu. Nghi ngờ cộng thêm hiếu kỳ, chúng lập tức rủ nhau xuống gốc đa để kiểm tra, nhưng khi đến nơi thì chẳng còn thấy đốm sáng kia nữa. Sau khi tra hỏi người dân trong vùng, biết được đốm sáng kỳ lạ kia là của ngài rít thần, tụi lính Pháp quyết định bắt cho được con rít để lấy viên ngọc quý.

Trăm phương ngàn kế được lính Pháp đưa ra. Nào là mật phục ngày đêm bắt tận tay, nào là giăng lưới bẫy, nhưng chúng vẫn chẳng thấy ngài rít xuất hiện. Không chịu bỏ cuộc, đám lính Pháp bàn nhau treo thưởng cho người nào bắt được rít thần, hoặc hiến kế hay thì sẽ được trọng thưởng hậu hĩnh. Một tên mật thám chỉ điểm vốn là người làng gần đó vì ham tiền, nên đã bày cách cho đám lính Pháp cách bắt rít thần.

Canh hai hôm sau, như kế hoạch đã định, toán lính Pháp bắt của người dân trong làng một con gà trống, làm sạch sẽ rồi treo lên cành đa ngay miếu. Phía dưới, chúng đặt một chậu nước lớn. Xong xuôi tất cả nấp gọn ở ven đường, mai phục. Đêm đã về khuya, trăng sáng vằng vặc, bỗng trên những tán lá xum xuê của cây đa, đột nhiên phát ra ánh sáng nhấp nháy, ngài rít “đánh hơi” có mùi thức ăn nên bò từ ngọn đa xuống. Vừa thấy con gà trống đang treo lủng lẳng trên cây, ngài rít lập tức há mồm nuốt trọn, đánh rơi cả viên ngọc thần xuống chậu nước bên dưới. Chỉ đợi có thế, toán lính Pháp ra hiệu cho nhau bủa lưới. Tuy nhiên, ngài rít đã nhanh chân trốn thoát được.

Mệ Bé kể tiếp: “Nghe những bậc cao niên dạo ấy thuật lại, thì từ ngày rít thần bị mai phục lấy mất ngọc quý, chẳng còn ai trong vùng thấy những đốm sáng xanh lấp lánh mỗi đêm, cũng như bóng dáng của “Ngài”. Về phần mấy tên cai Pháp, khi lấy được ngọc quý thì chúng lập tức đem về nước. Nhưng nghe “đồng bọn” kể lại, thì tất cả đều chết trẻ. Kẻ hiến kế cho đám lính Pháp dạo nọ, cũng không hiểu lý do gì mà cũng chết bất đắc kỳ tử. Kể từ đó, tung tích về ngài rít và ngọc thần cũng không còn ai biết nữa”.

Cũng theo lời kể của mệ Bé, không lâu sau hai tên lính Pháp có mặt trong cuộc vây bắt rít thần đã tử nạn ngay tại vị trí miếu cây đa. Cũng kể từ đó, con đường cắt ngang trước mặt miếu trở thành một “điểm đen” khi thường xuyên xảy ra tai nạn. Có trường hợp xe chở quân lính Pháp đi ngược chiều, đâm vào nhau lật nhào, chết vô số.

Đến thời đế quốc Mỹ nhảy vào thế chân Pháp, nhận thấy ngôi miếu Đa đem lại những điều không lành, nên lính Mỹ đã cho xe bọc thép đến húc miếu và hạ gốc đa. Tuy nhiên, chỉ vừa mới đến đầu làng, xe bọc thép đã chết máy. Liên tục nhiều lần sau đó, chúng cho xe bọc thép đến với mục đích “san bằng” miếu Đa, nhưng xe hết đứt xích lại chết máy giữa đường, không tài này tiếp cận được gốc đa…

Tất nhiên những câu chuyện trên chỉ là sự ngẫu nhiên được người dân thêu dệt thêm nhằm ca ngợi thần linh hiển thích trị quân xâm lược.

Rớt dép cũng không dám… lượm

Chị Liên (37 tuổi, trú TT Phú Lộc, một người bán hàng nước gần gốc đa) cho biết: “Ngày xưa, tán cây đa to lắm, rợp cả một vùng, sà ra cả ngoài đường cái, đặc biệt rất linh thiêng, nhiều người đi ngang đây từng thấy rồi. Riêng bản thân tôi cũng tận mắt chứng kiến không ít lần. Lúc tôi còn nhỏ thường cùng lũ bạn trong làng xuống đây coi nhờ tivi, xem hết chương trình tivi là khoảng 11 – 12h đêm. Mỗi lần đi ngang đây, nhìn thấy bóng người mặc áo trắng ngồi vắt vẻo trên cành đa, tóc dài buông xuống. Những lúc như vậy, tôi cùng lũ bạn chỉ biết nhắm mắt mà chạy thật nhanh, rớt dép cũng không dám dừng lại, chờ trời sáng mới dám đến đây lượm lại”.

Nguyễn Hưng
(Theo Đời sống & Pháp luật)

Similar Articles

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Tra Am là ngôi chùa mà tôi biết sớm nhất ở Huế. Đó là khi

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Nhiều thế hệ Việt Nam, đã từng quen thuộc với hình ảnh "chú bé loắt

Bắp miệt Cồn

Bắp miệt Cồn

Cồn Hến, nhìn lên cầu Trường Tiền - Ảnh: wikipedia Mỗi lần qua về Cồn Hến,

Tản mạn hành trình bún Việt

Tản mạn hành trình bún Việt

Trong ẩm thực Việt Nam, bún là loại món ăn được ưa thích, có mặt

Bánh ướt dẻo trắng mượt mà…

Bánh ướt dẻo trắng mượt mà…

Chiều chiều, chay xe lên Kim Long ngắm dòng Hương xinh đẹp, tạt vào quán

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose