Văn hóa Huế | Homepage
Chùa Kim Tiên – Nơi lưu dấu cuộc đời Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân

Chùa Kim Tiên – Nơi lưu dấu cuộc đời Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân

🕔08.Nov 2014

“Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân đã sống ở Kim Tiên, sinh 2 người con cho vua Quang Trung ở Kim Tiên, viết điếu văn khóc Hoàng đế Quang Trung ở Kim Tiên, sáng tác Ai tư vãn ở Kim Tiên và qua đời cũng tại chùa Kim Tiên. Trên toàn cõi Việt Nam này, không có một nơi nào liên quan đến cuộc đời Bà, ghi dấu đậm nét, mang tính lịch sử, có ý nghĩa sâu sắc bằng chùa Kim Tiên ở Huế…”

Từ Tp Hồ Chí Minh vừa trở về Huế, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân (NĐX) đến thăm Báo Thừa Thiên Huế và ký tặng tôi cuốn sách đang còn thơm mùi mực có nhan đề “Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân thời ở Huế”. Tập sách xinh xắn, trình bày trang nhã, tập hợp và hệ thống những bài nghiên cứu của NĐX cùng một số sao lục, hình ảnh liên quan cuộc đời và cuộc nhân duyên của công chúa triều Hậu Lê – Bắc cung Hoàng hậu triều Tây Sơn – Lê Ngọc Hân, người vợ yêu của Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ.

Lối vào Chùa Kim Tiên hiện nay

Công trình đã nghiên cứu và xác định địa danh tại Huế, nơi Lê Ngọc Hân đã sống, sáng tác và qua đời kể từ khi rời Thăng Long vào kinh thành Phú Xuân làm Bắc cung Hoàng hậu. Nơi đó nay là chùa Kim Tiên, tọa lạc tại phường Trường An, TP Huế. Xung quanh Kim Tiên là cả quần thể các danh lam cổ tự của đất Cố đô: Từ Đàm, Vạn Phước, Thiền Lâm, Từ Quang, Tường Vân, Diệu Đức… Nhiều nơi trong số đó từng được trưng dụng làm dinh thự, vương phủ, kho lẫm… dưới triều Tây Sơn.

Giếng Tiên- di tích được cho là của chùa Kim Tiên xưa hiện còn ngay phía trong cổng dẫn vào chùa

Chùa Kim Tiên- một trong những ngôi chùa đẹp của Phú Xuân thuở ấy với “phong cảnh u nhã, lầu gác tráng lệ huy hoàng” cũng vậy. Theo NĐX, thời Tây Sơn ngôi chùa này được sửa chữa, thay đổi cho phù hợp để làm phủ của Công chúa Ngọc Hân. Đây là nơi nàng công chúa đất Thăng Long sống khá dài, kể từ lúc vào Phú Xuân làm Hoàng hậu cho đến tận cuối đời. Có lẽ vì ở tại Kim Tiên nên Bà có biệt hiệu là Bà Chúa Tiên; còn chùa Kim Tiên lúc ấy cũng được gọi là phủ Bà Chúa Tiên. Chính nơi đây, Bắc phương Hoàng hậu Ngọc Hân đã sống những ngày hạnh phúc, được sủng ái bên cạnh Hoàng đế Quang Trung; hạ sinh cho Quang Trung 2 người con, một hoàng tử, một công chúa. Cũng chính tại đây, Ngọc Hân đã trải qua nỗi đau tột cùng khi Quang Trung Hoàng đế đột ngột băng hà. Và từ trong nỗi đau ấy, nàng đã để lại cho đời áng thơ Nôm Ai tư vãn nổi tiếng, chứa chan kỷ niệm và lòng thương nhớ khôn nguôi với đấng quân vương:

Gió hiu hắt phòng tiêu lạnh lẽo

Trước thềm lan hoa héo ron ron

Cầu Tiên khói tỏa đỉnh non

Xe rồng thăm thẳm bóng loan dàu dàu….

“Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân thời ở Huế” : Nguyễn Đắc Xuân biên soạn, NXB Thuận Hoá cấp phép, in tại Cty TNHH MTV Nhà in Báo Nhân dân Tp Hồ Chí Minh, Cty CP sách Alpha phát hành. Sách khổ 13cm x 20,5 cm, dày 220 trang (không kể bìa); dự kiến sẽ tổ chức giới thiệu và ra mắt tại Trung tâm Văn hoá Phật giaó Liễu Quán- Huế vào Chủ nhật, ngày 9-11-2014.

Bảy năm sau ngày vua Quang Trung băng, Bắc phương Hoàng hậu Ngọc Hân cũng trút hơi thở cuối cùng tại Kim Tiên để về với người chồng yêu dấu. Hôm ấy là mồng 8 tháng 11 năm Kỷ Mùi (4-12-1799), hưởng dương 29 tuổi. Di hài của Bà thoạt đầu được táng gần lăng Đan Dương của vua Quang Trung, sau đó được bí mật dời về quê ngoại ở làng Nành, xã Phù Ninh (xã Ninh Hiệp, thuộc Gia Lâm-Hà Nội ngày nay) để tránh sự trả thù của Gia Long Nguyễn Ánh về sau.

Do có liên quan đến Tây Sơn, chùa Kim Tiên/phủ Bà Chúa Tiên đã bị san bằng sau khi Nguyễn Ánh trở lại Phú Xuân. Rồi suốt cả trăm năm trong thế kỷ XIX, Kim Tiên chỉ tồn tại với cái nền cũ. Mãi đến sau này “dân ấp” mới được phép trùng tu. Di cốt của Bắc phương Hoàng hậu Ngọc Hân đến thời Thiệu Trị cũng bị phát hiện và bị khai quật, “ném xuống sông”. Tuy nhiên, người dân vẫn thương nhớ Bà và bí mật đắp mộ giả, lập đền để hương khói, thờ phụng.

Cuộc đời của Ngọc Hân Công chúa với Nguyễn Huệ Quang Trung là cả một thiên tình sử đẹp. Vậy nhưng sau này, nàng công chúa trung trinh, tài sắc vẹn toàn của đất Thăng Long đã phải gánh nhiều “nghi án”, chịu nhiều hàm oan của miệng lưỡi thế gian. “Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân thời ở Huế” của NĐX với những nghiên cứu công phu, những tư liệu tin cậy, những luận giải logic đã góp phần làm sáng tỏ các nghi án và giải tỏa những hàm oan cho Bà.

Năm 2014 này chuẩn bị kỷ niệm tròn 215 năm ngày Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân qua đời. “Tôi viết cuốn sách để đặt vấn đề chùa Kim Tiên nên có một bát hương phụng thờ Bà. Đến mồng 8 tháng 11 âm lịch hàng năm có một mâm cơm cúng giỗ Bà để đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước về thắp hương tưởng nhớ. Bởi lẽ, Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân đã sống ở Kim Tiên, sinh 2 người con cho vua Quang Trung ở Kim Tiên, viết điếu văn khóc Hoàng đế Quang Trung ở Kim Tiên, sáng tác Ai tư vãn ở Kim Tiên và qua đời cũng tại chùa Kim Tiên. Trên toàn cõi Việt Nam này, không có một nơi nào liên quan đến cuộc đời Bà, ghi dấu đậm nét, mang tính lịch sử, có ý nghĩa sâu sắc bằng chùa Kim Tiên ở Huế”, Nhà nghiên cứu NĐX khẳng định.

Chùa Kim Tiên bây giờ đã được đại trùng tu, trở thành một cảnh chùa quang rạng, trang nghiêm của Cố đô Huế, được nhiều phật tử, du khách nghe danh tới lui tham quan, chiêm bái. Nay, nếu biết thêm về “một nhát cắt lịch sử” đặc biệt như thế liên quan đến chùa thì còn gì thú vị và hấp dẫn bằng. Chính vì vậy mà nhà nghiên cứu NĐX đang hy vọng, ngày giỗ của Công chúa Ngọc Hân tại chùa Kim Tiên dần dà sẽ trở thành một lễ hội tâm linh hàng năm, thu hút người dân từ khắp nơi tìm về tưởng niệm. Đó cũng là cách để làm đậm thêm hàm lượng văn hoá, hàm lượng nhân văn mà Thừa Thiên Huế đang hướng đến trên tiến trình dựng xây và phát triển đô thị.

Diên Thống
(Theo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Tra Am là ngôi chùa mà tôi biết sớm nhất ở Huế. Đó là khi

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Nhiều thế hệ Việt Nam, đã từng quen thuộc với hình ảnh "chú bé loắt

Bắp miệt Cồn

Bắp miệt Cồn

Cồn Hến, nhìn lên cầu Trường Tiền - Ảnh: wikipedia Mỗi lần qua về Cồn Hến,

Tản mạn hành trình bún Việt

Tản mạn hành trình bún Việt

Trong ẩm thực Việt Nam, bún là loại món ăn được ưa thích, có mặt

Bánh ướt dẻo trắng mượt mà…

Bánh ướt dẻo trắng mượt mà…

Chiều chiều, chay xe lên Kim Long ngắm dòng Hương xinh đẹp, tạt vào quán

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose