Vườn thượng uyển ở cố đô
Trong 143 năm (1802-1945) trị vì, triều Nguyễn đã xây dựng ở kinh đô Huế rất nhiều vườn thượng uyển. Cho đến nay, một số vườn chỉ còn lại dấu tích và một vườn vẫn còn nguyên vẹn tuy hoang phế, đó là Tịnh Tâm. Vẻ đẹp của những khu vườn ấy vẫn lưu lại mãi mãi trong những bài thơ của các vị vua triều Nguyễn.’
Thượng uyển (ngự uyển) là những khu vườn kiến trúc tuyệt đẹp là nơi vua, quan triều đình dạo chơi, buông câu, đọc sách, ngâm thơ… sau những giờ làm việc. Du khách đến Huế thường băn khoăn không biết vườn thượng uyển ở đâu! Sử sách cho hay, dưới triều Nguyễn kéo dài 143 năm (1802-1945) đã xây dựng rất nhiều vườn thượng uyển, và cho đến nay một số vườn còn dấu tích và một trong những vườn ấy vẫn còn nguyên vẹn trên thực địa!
Theo sách “Thần kinh nhị thập cảnh – Tập thơ của Vua Thiệu Trị”, trong 20 bài thơ nhà vua vịnh 20 thắng cảnh nổi tiếng của Kinh thành Huế xưa, có tới bảy bài vịnh các vườn thượng uyển. Các bài thơ này được thể hiện trên tranh gương đóng khung thếp vàng treo trong cung điện. Hiện nay một trong những bức tranh gương đó vẫn còn. Đọc thơ cách đây hơn 150 năm ta có thể hình dung về các vườn thượng uyển đẹp nhất kinh đô đã được miêu tả.
Vườn Thiệu Phương, một vườn thượng uyển xây dựng năm 1828 (Minh Mạng) ở trong Tử Cấm Thành. Bài thơ thất ngôn bát cú vịnh vườn này được khắc tranh gương thơ còn may mắn sót lại, hiện vẫn còn lưu giữ trong Bảo tàng Cổ vật Huế”.
Vườn rộng mênh mông thắm sắc hoa
Bao năm hương ngát gió đưa xa.
Lan vươn dáng khỏe sen tròn trịa
Cúc nép thân thon mai mặn mà…
Theo sử sách, khu vườn này có tường gạch bao quanh. Chính giữa là những hồi lang có mái lợp ngói hoàng lưu ly rất độc đáo dẫn ra bốn phía, nối tiếp mãi với nhau theo hình chữ vạn. Trong vườn có hai ngôi đình và hai hiên lãm ở bốn góc, có hai lạch nước tên là Ngự Câu, có hòn giả sơn Trích Thúy Sơn. Năm 1841, dưới thời vua Thiệu Trị, vườn Thiệu Phương được đầu tư sửa sang. Phía tây có thêm điện Hoàng Phúc thêm nhiều đình tạ để vua câu cá và hóng mát. Đến nay, dấu tích còn lại duy nhất của khu vườn thượng uyển này là chiếc cổng ở trong Đại Nội, trên cổng vẫn còn dòng chữ lớn: “Ngự chế – Thiệu Phương viên môn, Minh Mạng cửu niên cát nhật tạo”.
Vườn Thư Quang được mô tả trong bài thơ Thư Uyển Xuân Quang (Nắng xuân vườn Thư Quang) là một trong những vườn ngự uyển, tráng lệ, nổi tiếng được xây dựng vào năm 1836 (Minh Mạng) phía bắc Hoàng Thành (thuộc phường Thuận Thành bây giờ). Vườn có chu vi nửa cây số, có sáu cửa ra vào, có nhiều điện lầu gác, đình tạ, nhiều cầu có mái, vườn hoa, hồ nước, chim cây… Thơ vua Thiệu Trị viết thật đẹp, thật lung linh về vườn này:
Rực mầu phong cảnh như châu ngọc
Lộng ảnh ao hồ tựa gấm sa
Vườn Ngự Viên là cảnh đẹp thứ năm được vua Thiệu Trị ca ngợi qua bài thơ Ngự Viên đắc nguyệt (Ngự Viên ngắm trăng):
Thâm nghiêm cung cấm giữa canh khuya
Trong vắt ao thu trăng nước hòa
Liền dải lâu đài in lóng lánh
Sáng ngời hoa thụ rực nguy nga.
Vườn Ngự Viên được xây dựng năm 1821, ở góc đông bắc Tử Cấm Thành. Dấu vết hiện vẫn còn là Hồ Ngọc Dịch, Tiểu Ngự Hà và một số hòn giả sơn ở khu nhà lầu Ngự Tiền Văn phòng (thời Bảo Đại) Trong Hoàng Thành thời Minh Mạng ở đông bắc có hồ Nội Kim Thủy. Giữa hồ có đảo Doanh Châu được xây dựng thành một vườn thượng uyển với kiến trúc cầu kỳ gồm hệ thống gác, đình, lầu, thủy tạ, hiên lãm… với các hòn giả sơn, tre, sen, mai, trúc, cúc. Đây là nơi các vua Nguyễn thường ra dạo chơi, hóng mát, đề thơ vịnh cảnh. Trên đảo Doanh Châu này, đẹp nhất là gác Hải – Tịnh Niên Phong (sóng lặng mùa no). Vua Thiệu Trị xếp gác này vào Thần Kinh nhị thập cảnh và có bài thơ Cao Các Sinh Lương vịnh gác này. Bây giờ hồ Nội Kim Thủy vẫn còn các đảo mọc đầy cây cối cỏ dại. Cũng vào thời Minh Mạng, Thiệu Trị, một hoa viên nữa được ca ngợi hết lời là Cung Trường Ninh với hệ thống lầu điện nguy nga, hồ nước, vườn cây hoa thâm u, có núi Bảo Sơn, Kình Ngự, có lạch Đào Nguyên như bồng lai tiên cảnh. Cung Trường Ninh cũng được vua Thiệu Trị đề thơ:
… Đình bên hồ lắng cả trời cao?
Sông nước cuộn mây hợp sắc mầu
Tơ liễu theo cần vương sợi gió
Hương sen luồn cửa cuốn trường bào
(Bài Buông câu ở hồ Trường Ninh).
Vào năm 1840, vua Nguyễn còn cho làm một vườn thượng uyển nổi tiếng ở gần khu ruộng vua cày khi làm lễ Tịch Điền (phường Tây Lộc bây giờ) gọi là vườn Thượng Mậu. Kiến trúc cũng tương tự như các vườn ngự uyển khác, nhưng hoành tráng và hoa hệ hơn. Đây chính là nơi Hoàng tử Miên Tông (vua Thiệu Trị sau này) sống và nghiên cứu kinh sử. Vua làm tới hàng chục bài thơ ca ngợi các cảnh đẹp trong vườn này, trong đó có bài Thường Mậu Quan Canh (xem cày ở vườn Thường Mậu) nổi tiếng.
Một vườn thượng uyển nổi tiếng đẹp từ thời Minh Mạng đến nay tuy đã hoang phế vẫn còn nguyên diện tích và hình hài kiến trúc là Hồ Tịnh Tâm. Hồ thuộc phường Thuận Thành, từ cửa Thượng Tứ đi thẳng vào. Hồ do ngăn sông Kim Long mà thành từ thời Gia Long. Trên hồ có hai hòn đảo có nhà kho chứa thuốc súng của triều đình. Năm 1839, vua Minh Mạng cho sửa sang, xây dựng thành vườn ngự uyển lớn và đẹp nhất Hoàng gia. 8.000 binh lính tham gia xây dựng công trình. Xây xong, vua đặt tên là Tịnh Tâm Hồ. Chu vi hồ 1.450 m. Trên hồ có ba đảo. Hai đảo lớn phía nam gọi là Bồng Lai, bắc là Phương Trượng. Đảo nhỏ phía tây đảo Phương Trượng gọi là Doanh Châu. Giữa đảo Bồng Lai có Điện Bồng Doanh nguy nga, có cầu Bồng Doanh nối vào bờ, có nhà Thủy Tạ Thanh Tâm, có lầu Trùng Luyện. Trên đảo Phương Trượng có gác Nam Huân hai tầng, có cầu Bích Tảo, có lầu Tịnh Tâm, rồi hiên, đình, hòn giả sơn, cây cổ thụ, hành lang mái lợp… Chung quanh hai đảo lớn và quanh hồ trồng nhiều tre trúc, liễu và các loại hoa. Khắp mặt hồ thả sen hồng, sen trắng… Vua Thiệu Trị xếp Tịnh Tâm Hồ là thắng cảnh thứ ba trong 20 thắng cảnh đất Thần Kinh, với bài thơ đề Tịnh Tâm Hạ Hứng (cảm hứng ở Hồ Tịnh Tâm vào mùa hè). Bức tranh thơ này có vẽ lại cảnh hồ xưa. Hồ Tịnh Tâm nếu đầu tư phục chế lại nguyên trạng chắc chắn sẽ trở thành điểm du lịch kỳ thú. Bởi ngoài việc tham quan để hiểu thêm cảnh vườn thượng uyển xưa du khách còn được những phút thưởng ngoạn quý giá. Tiếc thay, cho đến nay, Tịnh Tâm Hồ vẫn còn hoang phế, chỉ những bông sen là vẫn nở đúng mùa.
Similar Articles
Phiên chợ lâu đời nhất xứ Huế, tồn tại hơn 170 năm dù đã có lúc thất truyền
Phiên chợ Gia Lạc mang một màu sắc hoàn toàn khác biệt, gợi nhớ về