Văn hóa Huế | Homepage

Cách đặt tên trong Nguyễn Phước Tộc

🕔01.Dec 2014

Trong một thơi gian khá dài, cách đặt họ tên, chử lót trong bà con Nguyễn Phước Tộc có nhiều biến đổi khá phức tạp.

1- Họ tên :

         Nguyễn Kim là con ông Nguyễn Hoằng Dụ. Nguyễn Kim sinh 2 con Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng. Nhưng các con của Nguyễn Hoàng lại cải họ thành Nguyễn Phúc (trong Nam gọi Nguyễn Phước) ( 阮福 ) 1. Từ đó về sau, các chúa Nguyễn kế nghiệp và con cháu chúa đều lấy họ Nguyễn Phước. Thời kỳ các chúa Nguyễn có 9 hệ Nguyễn Phước. Đến năm 1802, khi vua Gia Long lên ngôi, Ngài đặt hiệu Tôn Thất họ Nguyễn Phước cho tất cả các hệ – Riêng các chi phái trước lưu cư ở Thanh Nghệ trở ra Bắc thì mang họ Nguyễn Hựu.

         Đến triều Vua Minh Mạng lại chia trong Hoàng Tộc làm Tiền Biên và Chánh Biên, vì vậy, 9 hệ Nguyễn Phước thời kỳ các chúa Nguyễn được gọi 9 hệ Tôn Thất Tiền Biên. Các con cháu đều mang họ Tôn Thất.

         Các hệ từ Vua Gia Long trở về sau được gọi là các hệ Tôn Thất Chánh Biên, các con cháu đều mang họ Tôn Thất kèm theo chữ lót tên như Tôn Thất Chiêm Đông, Tôn Thất Viễn Nam (Phòng Đinh Viễn) hay Tôn Thất Thể Bắc, Tôn Thất Dương Tây (Phòng Từ Sơn). Có lúc dùng cả 4 chữ Tôn Thất Nguyễn Phước như Tôn Thất Nguyễn Phước Miên Đông, Tôn Thất Nguyễn Phước Hường Nam… Qua đến triều Vua Thành Thái bỏ thi cử rồi nên các hệ Chánh Biên bỏ 2 chử Tôn Thất, mà mang họ Nguyễn Phước kèm theo chữ lót.

2- Chữ lót tên :

          Thời kỳ các Vua Nguyễn, 2 hệ đầu giữ nguyên họ Nguyễn Phúc như Nguyễn Phúc Ánh Vua Gia Long, Nguyễn Phúc Đảm Vua Minh Mạng.

         Năm 1823, Vua Minh Mạng đã làm bài Đế hệ thi và 10 bài Phiên hệ thi để quy định các chữ lót đặt tên cho con cháu các thế hệ sau. Bài Đế Hệ Thi gồm 20 chữ, dùng làm chữ lót tên cho mỗi thế hệ từ Vua Minh Mạng trở về sau.

         Các nhánh của các Hoàng Tử con Đức Minh Mạng đặt chữ lót theo bài Đế Hệ Thi và đặt tên theo mỗi nhánh mỗi bộ hoặc Mộc (木), Thủy (水), Mịch (糸) v.v..

MIÊN    HƯỜNG    ƯNG    BỬU    VĨNH

BẢO    QUÝ    ĐỊNH    LONG    TRƯỜNG

HIỀN    NĂNG    KHAM    KẾ    THUẬT

THẾ    THOẠI  QUỐC    GIA    XƯƠNG

         Tạm dịch như sau:

Huấn nghiệp lớn do Tổ Tiên gầy dựng

Gắng giữ gìn cho xứng ân sâu

Phồn vinh thịnh đạt dài lâu

Anh tài hiền đức cùng nhau bảo toàn

Đời đời nối nghiệp tiền nhân

Nước nhà hưng thịnh muôn phần phát huy.

    Thích nghĩa của từng tôn hiệu chữ như sau:

  •        MIÊN: Trường cửu phước duyên trên hết
  •        HỒNG: Oai hùng đúc kết thế gia
  •        ƯNG: Nên danh xây dựng sơn hà
  •        BỬU: Bối báu lợi tha quần chúng
  •        VĨNH: Bền chí hùng anh ca tụng
  •        BẢO: Ôm lòng khí dũng bình sanh
  •        QUÝ: Cao sanh vinh hạnh công thành
  •        ĐỊNH: Tiên quyết thi hành oanh liệt
  •        LONG: Vương tướng rồng tiên nối nghiệp
  •        TRƯỜNG: Vĩnh cửu nối tiếp giống nòi
  •        HIỀN: Tài đức phúc ấm sáng soi
  •        NĂNG: Gương nơi khuôn phép bờ cõi
  •        KHAM: Đảm đương mọi cơ cấu giỏi
  •        KẾ: Hoạch sách mây khói cân phân
  •        THUẬT: Biên chép lời đúng ý dân
  •        THẾ: Mãi thọ cận thân gia tộc
  •        TH ỌAI: Ngọc quý tha hồ phước lộc
  •        QUỐC: Dân phục nằm gốc giang san
  •        GIA: Muôn nhà Nguyễn vẫn huy hoàng
  •        XƯƠNG: Phồn thịnh bình an thiên hạ

            Bài Đế  hệ  thi  được khắc trong một cuốn sách bằng vàng ( kim sách )[40], cất trong hòm vàng (kim quỹ) để lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, các bài Phiên hệ  thi  cũng được khắc trong các cuốn sách bằng bạc. Có tư liệu cho rằng tới thời Vua Tự Ðức, chúng đã bị  nấu ra để trả nợ chiến phí bốn  triệu đồng cho Pháp  và  Tây Ban Nha theo Hiệp ước  Nhâm Tuất (1962). Không ai biết sự thật ra sao vì đến ngày Ngài Bảo Ðại, vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn thoái vị, các sách kim loại này đã biến mất.

           Đối với nữ, viêc đặt chữ lót khác hẳn. Con gái Vua (thế hệ 1) gọi là Công Chúa đi đôi với tên thường là tên đôi như Công Chúa An Đông, Công Chúa Ngọc Tây … Cháu gái Vua (thế hệ 2) lấy chữ lót Công Nữ, chắt gái (thế hệ 3), chữ lót Công Tằng Tôn Nữ; chắt gái (thế hệ 4) chữ lót Công Huyền Tôn Nữ – Các thế hệ gái kế tiếp lấy chữ lót Công Huyền Tôn Nữ.

            Tóm lại, con cháu các hệ Chánh từ Vua Minh Mang trở về sau, kể cả các Phòng thuộc hệ Chánh, đều đặt họ tên chữ lót theo cách nói trên.

 3- Chữ lót tên ở các nhánh anh em Vua Minh Mạng :
Vua Gia Long có 13 Hoàng Tử. Vua Minh Mạng là Hoàng Tử thứ 4, có 2 Hoàng Tử chết sớm, còn lại 10 Hoàng Tử là anh và em Vua Minh Mạng. Vua Minh Mạng cũng làm cho các anh em mỗi người một bài thơ gồm 4 câu 5 chữ, gọi là Phiên Hệ Thi. Có 10 bài Phiên Hệ Thi. Con cháu vị nào lấy các chữ trong bài thơ của vị ấy. Chữ đầu của các bài Phiên Hệ Thi như Mỹ, Lương, Tịnh, Diên … đối ngang với chữ đầu của bài Đế Hệ Thi là Miên, dùng làm chữ lót tên cho thế hệ 1. Chữ thứ 2 của các bài Phiên Hệ Thi  như Duệ, Kiến, Hoài, Hội … đối ngang với chữ thứ 2 bài Đế Hệ Thi là Hường, dùng làm chữ lót tên cho thế hệ 2 v.v. … Cách đặt họ tên chữ lót cũng làm như trên.

            Dùng chữ lót giúp bà con để phân biêt. ngôi thứ trong các nhánh, chi, phái của các hệ Chánh Biên. Vĩnh Tây gặp Bửu Đông, biết ngay cùng thuộc hệ Chánh Biên và biết Bửu Đông không thuộc hàng anh hay con, mà thuộc hàng chú hay bác của mình. Muốn biết chú hay bác, còn phải biết thuộc Phòng nào, nhánh nào.

             Con cháu của 10 Hoàng Tử anh em Vua Minh Mạng hiểu biết ngôi thứ của nhau củng như vậy.

4- Các bộ tên :

         Tuy nhiên, chưa dừng lại đó , đi kèm với mỗi chữ trong bài Đế  hệ thi  là một bộ Ngự Chế Mạng Danh Thi :

Miên (miên), Hồng (nhân), Ưng (thị), Bửu (sơn), Vĩnh (ngọc),

Bảo (phụ), Quý (nhân), Định (ngôn), Long (thủ), Trường (hòa),

Hiền (bối), Năng (lực), Kham (thủ), Kế (ngôn), Thuật (tâm),

Thế (ngọc), Thoại (thạch), Quốc (đại), Gia (hòa), Xương (tiểu),

              Tên đặt cho các Hoàng Tử lúc chưa làm vua bắt buộc phải dùng một chữ có bộ đó, ví dụ:

  • Vua Thiệu Trị, có chữ lót là Miên, và tên là Tông (thuộc bộ miên : 宀), và tất cả các anh em của Vua Thiệu Trị cũng đều phải có tên có chữ bộ Miên cả (tuy nhiên con  của các  vị Hoàng Tử này  phải đặt tên không được có bộ nhân (亻), trừ con Vua Thiệu Trị).
  • Vua Tự Đức có chữ lót là Hồng, và tên là Nhậm (thuộc bộ nhân :亻).
  • Vua  Tự  Đức  không  có  con , nên  lấy cháu  lên làm vua, người cháu này tên là Nguyễn Phúc Ưng Ái, chữ lót thì đúng, nhưng tên  không có bộ thị, không phải dòng họ chính của Vua, nên để được làm Thái Tử, ông được đổi  tên thành Ưng Chân, chữ Chân này có bộ thị.

             Vua Minh Mạng mong muốn dòng họ NguyễnPhước sẽ truyền nối 20 đời , nhưng  cuối cùng  chỉ dừng lại ở chữVĩnh – đời thứ 5 . Từ Phước Đảm tới  Hồng  Nhậm , sau  đó  các  vua  nối  tiếp lại thuộc chi khác, thế hệ trước, nên 13 vua nhà Nguyễn vẫn chỉ

thuộc 5 đời. Hai vua thuộc thế hệ thứ 5 là vua thứ 11 Vĩnh San (Duy Tân) và vua thứ 13 Vĩnh Thụy ( Bảo Đại ).

           Như vậy, bên cạnh họ và chữ lót, tên các Chúa thuộc 8 hệ đầu đều dùng bộ Thủy (水) đến hệ 9 (hệ cuối) lại dùng cả bộ Nhật (日) và bộ Thủy (水). Từ Vua Gia Long trở về sau đều dùng chuyên một bộ Nhật (日). Năm 1823, Vua Minh Mạng làm một bài thơ gọi là Ngự Chế Mạng Danh Thi (như trên đã giới thiệu) gồm 20 bộ, các triều Vua kế tiếp sau cứ noi theo thế thứ mà đặt bộ tên cho các con.

          Tên các con Vua Minh Mạng đều dùng bộ Miên (宀), con Vua Thiệu Trị dùng bộ Nhân (亻), con Vua Bảo Đại là Bảo Long dùng bộ Phụ (阜) bộ thứ 6 bài thơ trên. Còn các Phòng con Vua Minh Mạng đặt chữ lót theo Đế hệ thi và đặt tên mỗi Phòng theo một bộ hoặc Mộc (木), Thủy (水), Mịch (糸) v.v…
Ngày nay ít dùng chữ Hán, họ tên viết theo chữ Việt, nên bà con không mấy để ý đến các bộ nầy nữa.

5- Họ tên ngày nay :

          Từ khi không còn triều đình nhà Nguyễn, nhiều bà con trong hệ Tien Biên thôi dùng 2 chữ Tôn Thất, mà lại dùng họ cũ ngày trước là Nguyễn Phúc hay Nguyễn Phước ( 阮福 ).

             Mặt khác, nhiều bà con trong hệ Chánh Biên thôi dùng 2 chữ Nguyễn Phước, lại lấy chữ lót làm họ, cho nên trong khai sinh, giấy tờ … xảy ra tình trạng cha con không cùng họ, việc khai báo lắm khi bị trở ngại. Ví dụ: Cha tên Bửu Đông đẻ con trai mang tên Vĩnh Tây, đẻ con gái mang tên Công Huyền Tôn Nữ Phương Nam. Hoặc cha tên Chiêm Đông, đẻ con trai tên Viễn Tây (Nhánh Định Viễn Quận Vương). Nhiều cơ quan chính quyền trong nước cũng như ngoài nước không hiễu, không công nhận cha con. Về phía nữ các bà các cô mang họ Công Tằng Tôn Nữ hay Công Huyền Tôn Nữ … thấy dài , nên thường hay rút ngắn lại là Tôn Nữ.
Ngày nay trong Hoàng Tộc, về các Hệ Chánh đã đặt tên đến chữ thứ 6 hoặc thứ 7.

Theo Nguyễn Phước Tộc

Similar Articles

Đọc lại chương Ái dân trong Minh Mệnh chính yếu

Đọc lại chương Ái dân trong Minh Mệnh chính yếu

Đọc lại chương Ái dân trong "Minh Mệnh chính yếu" chúng ta có thể rút

Chuyện thêm về ông hoàng Bảo Đại

Chuyện thêm về ông hoàng Bảo Đại

Cựu hoàng Bảo Đại. Ảnh tư liệu Bái vọng Gia Miêu Sử cùng nhiều tài liệu còn

Giai thoại kỳ bí về “cửu vị thần công” ở cố đô Huế: Người dân đi qua đều cúi đầu chào

Giai thoại kỳ bí về “cửu vị thần công” ở cố đô Huế: Người dân đi qua đều cúi đầu chào

Cố đô Huế nổi tiếng với những bảo vật cung đình, là minh chứng cho

Tình báo trong chiến dịch đánh Phú Xuân của Chúa Trịnh Sâm

Tình báo trong chiến dịch đánh Phú Xuân của Chúa Trịnh Sâm

Trong chiến dịch tiến đánh Phú Xuân năm Giáp Ngọ 1774, Chúa Trịnh Sâm và

Tết xưa chốn Hoàng cung

Tết xưa chốn Hoàng cung

Dưới thời Nguyễn, vào mùa xuân, có khá nhiều đại lễ được tổ chức như

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose