Văn hóa Huế | Homepage

ĐIỀM PHÙNG THỊ, NGƯỜI TẠC TƯỢNG GIỮA ĐÔNG VÀ TÂY

🕔05.Dec 2014

“Khi sáng tác, tôi đã hạnh phúc, đã đau khổ. Tác phẩm điêu khắc đó bây giờ không còn thuộc về tôi nữa. Tôi trao nó cho các bạn, hoặc đúng hơn tôi, trao tôi cho các bạn”. (Điềm Phùng Thị – 1967).

Tôi biết tên Điềm Phùng Thị lần đầu tiên khi đọc bài viết Điềm Phùng Thị điêu khắc, một cái nhìn nội tâm của Raymond Cogniat, do họa sĩ Bửu Chỉ chuyển ngữ, in trên tạp chí Sông Hương (Số 30/1988). Một cái tên rất lạ, giống như những tác phẩm của bà được giới thiệu trong bài viết ấy. Từ đó, tôi bắt đầu quan tâm tìm hiểu thân thế và thiên hướng nghệ thuật của người phụ nữ danh tiếng này. Nhưng mãi đến năm 1994, khi thành phố Huế mở Nhà trưng bày nghệ thuật Điềm Phùng Thị để đón nhận những “tác phẩm đời người” do bà trao tặng cho Huế, thì tôi mới có dịp tiếp xúc với bà.

Bà tên là Phùng Thị Cúc (1920 – 2002) quê ở xã Bùi Xá, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, nhưng sinh ra và lớn lên ở Huế. Cha của bà là Phùng Duy Cần, một quan chức của triều Nguyễn, từng làm tham công trong công trình xây dựng lăng mộ của vua Khải Định ở cố đô Huế. Tuổi thơ của bà gắn liền với miền đất sông Hương, núi Ngự, với trường Đồng Khánh, nơi bà được tôn vinh là hoa khôi của ngôi trường nữ sinh danh tiếng này.

Sau khi tốt nghiệp nha khoa tại trường Đại học Y khoa Hà Nội vào năm 1946, Phùng Thị Cúc sang Pháp chữa bệnh, đồng thời, tiếp tục theo học nghề nha và tốt nghiệp tiến sĩ nha khoa tại Pháp. Sau khi tốt nghiệp, bà chỉ hành nghề nha sĩ một thời gian thì chuyển sang hoạt động nghệ thuật. Năm 1963, Điềm Phùng Thị mở cuộc triển lãm đầu tiên ở Paris và được công chúng Pháp nồng nhiệt đón nhận. Đánh giá về cuộc triển lãm này, GS. Madi Menier của Đại học Paris 1 – Sorbonne viết: Lần đầu tiên không cầu kỳ chuộng lạ hương xa, một nhà tạc tượng – trong số biết bao nhà tạc tượng từ Viễn Đông đến Paris – giành được chỗ đứng cho châu Á ngay trong lòng ngành điêu khắc rất hiện đại của Paris. Tác phẩm của một nghệ sĩ bậc thầy và tác phẩm tiên tri. Sự đơn giản hóa cao độ và tinh tế các hình thể, hiếm có, tinh khiết, đan xen nhau, đã trực tiếp dự báo rõ rệt đặc điểm sau này của nghệ thuật Điềm Phùng Thị, một phong cách sáng tạo độc đáo, hoàn toàn mới mẻ, chỉ có ở bà” (Madi Menier, Diem Phung Thi “Lettré(s) de science et de talent” - 1997). Kể từ đây, cái tên Điềm Phùng Thị, sự kết hợp giữa tên người chồng hoàng phái – Bửu Điềm – với tên của bà – Phùng Thị Cúc, bắt đầu được giới văn nghệ châu Âu biết đến. Từ sau cuộc triển lãm ra mắt vào năm 1963 cho đến năm 1990, Điềm Phùng Thị đã tổ chức 22 cuộc triển lãm ở châu Âu và trên thế giới. Bà được mời dựng tượng đài ở 36 địa điểm trên nước Pháp. Năm 1991, tên Điềm Phùng Thị được đưa vào từ điển Larousse Art du XX siècle. Năm 1992, bà được bầu vào Viện hàn lâm Khoa học – Văn nghệ châu Âu. Ở Việt Nam, trước khi Nhà trưng bày nghệ thuật Điềm Phùng Thị khánh thành ở Huế, trở thành nơi gìn giữ gần như toàn bộ sáng tác của bà, Điềm Phùng Thị đã 2 lần giới thiệu nghệ thuật độc đáo của mình ở Sài Gòn (1962) và Hà Nội (1978).

Trong khi người Việt Nam dường như vẫn còn lạ lẫm với phong cách sáng tác của bà thì công chúng châu Âu lại coi bà là một nghệ sĩ tiên phong trong việc kết hợp giữa những tư tưởng triết học phương Đông với tinh thần duy mỹ của nghệ thuật phương Tây trong nghệ thuật tạo hình. Tác phẩm của bà “đã tạo nên sức lan tỏa huyền bí và giá trị hào hùng của những nền văn minh cổ xưa của phương Đông, đồng thời tạo nên một sức hấp dẫn có tính nhân văn và một sức thể hiện mang tính tiêu biểu kỳ diệu bởi sự nhạy cảm rất hiện đại” như đánh giá của Enzo Carli, Giám đốc Galerie de Sienna ở Italia.

Trong hành trình sáng tạo nghệ thuật của mình, Điềm Phùng Thị dành sự ưu ái đặc biệt cho ba chủ đề: phụ nữ, phản đối chiến tranh và sự nhớ thương nước Việt. Hình tượng phụ nữ trong nghệ thuật của Điềm Phùng Thị được thể hiện bởi nhiều loại chất liệu và màu sắc khác nhau, với đủ mọi cung bậc cảm xúc: hạnh phúc, khổ đau, tràn đầy tính dục… với những tác phẩm lừng danh như: Chân dung người bạn Nam Hàn, Trái đất, Người đàn bà ngồi xổm, Đợi chờ… Với đề tài phản chiến, tác phẩm của bà cũng là những tiếng thét “câm lặng” nhưng có sức vang dội, đánh động lương tri của nhân loại. Còn với đề tài quê hương, mỗi tác phẩm của bà đều là những nỗi nhớ thương sâu kín, đau đáu nhưng không bi lụy. Trẻ em cũng là đối tượng mà Điềm Phùng Thị để tâm rất nhiều. Những sáng tác về trẻ em của bà luôn chứa đựng nét hồn nhiên, tươi tắn và khát vọng được yêu thương, che chở.

Sau khoảng mươi năm theo đuổi nghệ thuật tượng tròn, Điềm Phùng Thị đã chuyển hướng sáng tác của mình theo một cách thức bất ngờ nhất: tạo ra những module đặc hữu và dùng sự biến hóa của trí tuệ và đôi tay để lắp ghép những module ấy thành những tác phẩm nghệ thuật để đời. Từ những khối vật thể hình vuông, hình thang, hình chữ nhật, hình tròn… ngẫu nhiên, Điềm Phùng Thị đã tinh lọc, sáng tạo và nhất thể hóa thành 7 module mà nhà phê bình nghệ thuật Raymond Cogniat gọi là “7 chữ cái Điềm Phùng Thị”, còn GS. Trần Văn Khê thì gọi là “7 nốt nhạc Điềm Phùng Thị”. Từ 7 “chữ cái/nốt nhạc” ấy, Điềm Phùng Thị đã để lại cho nhân loại một thế giới nghệ thuật muôn hình vạn trạng, biến ảo và thấm đẫm triết lý Đông phương.

Có lẽ vì thế mà khi chiêm ngưỡng tác phẩm của bà, nhà thơ Tố Hữu đã cảm thán: “Tôi thật lòng bàng hoàng mà nhận những cảm xúc vừa trừu tượng, vừa cụ thể về cuộc sống và những con người, với muôn vàn vẻ đẹp kỳ diệu của một nghệ thuật, vừa bác học, vừa dân gian, vừa có tính nhân loại, cả Đông và Tây. Điềm Phùng Thị có thể được xem là một ‘tạo hóa’ trong lĩnh vực điêu khắc, mở ra những chân trời mới không những cho nghệ thuật, mà cho cả lĩnh vực tư duy”. (Tố Hữu – 1997). Dẫu rằng lúc sinh thời, bà từng nói với tôi: “Tôi không phải là một nhà điêu khắc, không phải là người làm nghệ thuật tiên phong. Tôi chỉ là một nha sĩ làm nghề tạc tượng”. (Điềm Phùng Thị – 25.2.1994).

Nghệ sĩ Điềm Phùng Thị. Ảnh tư liệu Nhà trưng bày Nghệ thuật Điềm Phùng Thị - Artist Diem Phung Thi. Photo courtesy of Diem Phung Thi Art Exhibition House .

Tượng đài Ngôi đền ở Indre & Loire (Pháp). 1973. Ảnh tư liệu của Nhà trưng bày Nghệ thuật Điềm Phùng Thị - The Temple. Polyester (in Indre & Loires - France. 1973). Photo courtesy of Diem Phung Thi Art Exhibition House

Tượng đài Cây ở Saint Martin - d’Hère, Isère (Pháp). 1976. Ảnh tư liệu của Nhà trưng bày Nghệ thuật Điềm Phùng Thị / Trees. Stone (in Saint Martin - d’Hère, Isère - France. 1976). Photo courtesy of Diem Phung Thi Art Exhibition House.

Chiến binh ra trận vác vợ theo. Đồng. 1963. Ảnh: Trần Đức Anh Sơn / Warriors in combat belting their spouses. Bronze. 1963. Photo: Tran Duc Anh Son

Hồ hân hoan. Bê tông. 1993. Ảnh: Trần Đức Anh Sơn / Welcome-Fontain. Concrete. 1993. Photo: Tran Duc Anh Son

Những người nhào lộn. Đất nung. 1967. Ảnh: Trần Đức Anh Sơn / Acrobats. Terracotta. 1967. Photo: Tran Duc Anh Son

Trái đất. Đồng. 1965. Ảnh: Trần Đức Anh Sơn / The Earth. Bronze. 1965. Photo: Tran Duc Anh Son

Ngôn ngữ Điềm Phùng Thị. Nhôm và gỗ. 1965. Ảnh: Trần Đức Anh Sơn / Language of Diem Phung Thi. Aluminum and wood. 1965. Photo: Tran Duc Anh Son

Tháp thần. Nhôm. 1965. Ảnh: Trần Đức Anh Sơn / Magic Tower. Aluminum. 1965. Photo: Tran Duc Anh Son

Hồ tưởng niệm. Chì. 1980. Ảnh: Trần Đức Anh Sơn / Memorial lake. Lead. 1980. Photo: Tran Duc Anh Son

Lẵng hoa. Vải. 1994. Ảnh: Trần Đức Anh Sơn / A Flower Basket. Fabric. 1994. Photo: Tran Duc Anh Son

Trần Đức Anh Sơn

Similar Articles

Buồn vui chuyện… rác

Buồn vui chuyện… rác

“Xanh, sạch, sáng” không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành nhu cầu, nguyện

Bay bổng với nghệ thuật calligraphy

Bay bổng với nghệ thuật calligraphy

Nhẹ nhàng và tỉ mỉ, Trần Thị Thanh Tuyền, cô gái đam mê Calligraphy (thư

Sinh hoạt văn hóa dân gian ở đình làng Tết Huế

Sinh hoạt văn hóa dân gian ở đình làng Tết Huế

Vui chơi giải trí sinh hoạt văn hóa dân gian, vào dịp tết đến xuân

Màu tết ở Đông Ba

Màu tết ở Đông Ba

Tết Nguyên đán đã đến gần. Những ngày này, cùng với tiết trời hửng nắng

Tín ngưỡng thờ thủy thần ở Huế

Tín ngưỡng thờ thủy thần ở Huế

Ngay từ những ngày đầu tìm đất lập làng, người Việt nói chung, người Việt

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose