Văn hóa Huế | Homepage

Quan niệm về biển cả của Trung Hoa dưới hai triều Minh và Thanh

🕔16.Dec 2014

LỜI NÓI ÐẦU

Quan niệm về lãnh thổ, lãnh hải trong thời gian gần đây đã được nhà đương cục Trung Hoa giải thích một cách chủ quan để phục vụ cho mục tiêu chính trị, lắm khi hoàn toàn ngược lại với sử sách cũ. Một điều khá rõ rệt, trong vị trí thiên triều, các triều đại Trung Hoa chỉ chú trọng đến những quốc gia tiếp cận với họ trên đất liền có thể giao thông bằng đường bộ. Biển cả không phải là một khu vực cần chinh phục mà là một chiến luỹ thiên nhiên. Việc khai thác đại dương – kể cả đánh bắt cá ven bờ biển –ít được quan tâm nên triều đình chỉ chú trọng đến việc hải phòng [phòng ngự bờ biển] và hải cấm [cấm đoán những qua lại trên biển] chủ yếu là để chống ngoại xâm hay ngăn ngừa những nhóm chống đối âm mưu bạo loạn.

Cho đến thế kỷ XIX, những ai dùng thuyền ra khơi nếu không có sứ mạng hay phép của triều đình Trung Hoa đều bị coi là giặc. Một khi đã rời quê hương, người dân không còn có thể trở về và nếu bị bắt lại, bản án tử hình là một điều khó tránh khỏi.

Trong khi đó, từ nghìn xưa dân tộc Việt vẫn coi biển cả như một phần không thể tách rời. Tích vẽ mình, truyện Sơn Tinh, Thuỷ Tinh, thần Kim Quy, quả dưa đỏ… là những minh chứng. Tuy biển cả không phải lúc nào cũng hiền hoà nhưng người Việt vẫn nương tựa và hoà hợp với thiên nhiên để sinh tồn. Tín sử nước ta có khá nhiều tài liệu đề cập đến việc khai thác thuỷ sản và hải sản tại các đảo ngoài khơi từ đời Trần, đời Lê. Chính các học giả Trung Hoa cũng tự thú rằng vấn đề hải cương của họ chỉ được quan tâm từ cuối đời Minh, khi người Hà Lan chiếm đảo Ðài Loan nhưng không phải để xác định chủ quyền vùng biển mà là để đề phòng những xâm nhập theo hải dương tiến vào.

Khi Trịnh Thành Công chiếm đảo này làm căn cứ địa, tạo nên một mối đe doạ cho Thanh triều thì việc chinh phục Ðài Loan mới được nêu ra nhưng cũng không phải vì xác định lãnh thổ mà chỉ là tấn công phòng ngự dưới danh nghĩa tiễu phỉ. Chiếm được hòn đảo rồi, việc có nên đóng quân và cải thổ qui lưu thành một phần của Trung Hoa cũng đã gây nhiều tranh cãi mà kết quả được chấp thuận là do sự vận động ráo riết của một số quan lại cũ của họ Trịnh chứ cũng không phải chủ ý của Thanh triều. Tuy thế vùng đất này cũng chưa bao giờ được nâng lên tầm vóc “nội địa” mà chỉ là một khu vực của dân thiểu số [các đầu mục Ðài Loan về chầu gọi là sinh phiên], một món hàng rẻ rúng sẵn sàng từ bỏ khi cần phải trao đổi với bên ngoài. Trong nhiều năm, việc trấn đóng Ðài Loan luôn luôn bị đặt thành vấn đề vì chi phí của triều đình cao hơn những gì thu hoạch được từ hòn đảo. Ðó cũng là một trọng điểm cần nhắc đến vì việc giữ hay buông thường không phải vì quan niệm chủ quyền mà là vì mối lợi cụ thể.[1]

Cho đến gần đây, khi phát sinh một số tranh chấp về chủ quyền khu vực, các nhà nghiên cứu Trung Hoa đã đưa ra nhiều tài liệu để chứng minh về lãnh hải của họ từ thời thượng và trung cổ. Tuy nhiên, phần lớn những tài liệu được nhắc đến đều thuộc loại du ký và giả tưởng, không chân xác đã đành mà cũng không có giá trị lịch sử.

Trong nghiên cứu này, chúng tôi chủ yếu dựa vào những tài liệu chính thức của các triều đại Minh – Thanh, bao gồm sử ký, hội điển, bản đồ để đánh giá lại quan điểm về cương thổ của Trung Hoa trong những thế kỷ trước. Quan niệm đó không giới hạn trong các tài liệu hành chánh mà còn bao gồm cả quan niệm về thiên triều – phiên thuộc và nhất là ý niệm nội địa – hải ngoại đã là nền tảng cho mọi chính sách.

chinese_pirates

CHÍNH SÁCH PHIÊN THUỘC CỦA TRUNG HOA

Từ thượng cổ, người Trung Hoa vẫn coi mình là trung tâm điểm của thiên hạ, những quốc gia khác là cánh hoa vây quanh nhị hoa, phải thần phục và triều cống họ. Quan niệm về thế giới không phải như tương quan quốc gia với quốc gia chúng ta thấy ngày nay mà là tương quan giữa thiên tử với chư hầu trong đó hoàng đế Trung Hoa là đại diện của trời, nắm giữ thiên mệnh, là cao điểm của văn minh khiến các nơi phải chầu về chẳng khác gì muôn vàn tinh tú hướng về sao Bắc Thần. Theo John K. Fairbank, có ba nhóm phiên thuộc chính:

-     những quốc gia đồng văn cận kề với nước Tàu trong quá khứ đã từng bị họ cai trị, chịu ảnh hưởng sâu đậm của Hán tộc như Triều Tiên, Ðại Việt, Lưu Cầu…

-     những quốc gia ở vùng Trung Á có liên quan mật thiết trong lịch sử với họ tuy cũng kế cận nhưng chủng tộc và tiếng nói khác với người Trung Hoa,

-     những quốc gia ở xa được mệnh danh là “ngoại di” (外夷) ở xa xôi chưa thấm nhuần vương hóa nhưng thần phục thiên triều qua đường thương mại.[2]

Hai triều đại Minh (1368-1644) và Thanh (1644-1911) cũng đi theo con đường cũ từ xưa để lại, coi nước ngoài như ngựa bất kham phải chăn dắt nên tuỳ theo từng khu vực mà đưa ra những chính sách khác nhau. Ðối với các nước hung dữ ở miền bắc họ phải mềm dẻo, đôi khi nín nhịn. Trái lại, đối với các dân tộc thiểu số ở tây và tây nam, họ tiến hành chính sách lấn lướt, tầm ăn dâu, lũng đoạn bằng chia cắt, mua chuộc, dùng dân tộc nọ trị dân tộc kia, phong quan tước để dần dần đồng hoá. Nhiều quốc gia có địa bàn khá lớn nay đã thành một phần lãnh thổ Trung Hoa. Chính nước ta cũng nhiều lần bị xâm lăng và chỉ giành lại được quyền tự chủ sau những cuộc chiến dai dẳng đầy gian khổ.

Trong tài liệu lịch sử, khi nói đến nội địa, người Trung Hoa xác định đó là lãnh thổ của họ và nói đến nội hải, họ cũng minh định vùng biển này do họ kiểm soát. Việc xâm nhập nội địa hay nội hải vì thế đương nhiên phải theo luật pháp Trung Hoa, do quan lại địa phương chủ trì. Ngược lại, những biến cố xảy ra ngoài khu vực đã minh định thì không thuộc thẩm quyền [và dĩ nhiên không chịu trách nhiệm]. Ðó chính là cơ sở lý luận để Trung Hoa giải trừ trách nhiệm mỗi khi có xung đột với người Tây phương.

China 1

QUAN NIỆM VỀ BIỂN CẢ CỦA TRUNG HOA

Người Trung Hoa coi đại dương là một khu vực cấm kỵ, phần vì họ không kiểm soát được, phần nữa tình trạng cướp biển thường xuyên đe doạ trong nhiều thế kỷ, tạo thành một mối lo tâm phúc cho triều đình. Nhiều chính sách ngăn cấm rất nghiệt ngã được đề ra làm kim chỉ nam cho việc giao lưu kinh tế, thương mại, văn hoá… và các hải đảo không được họ coi bình đẳng như những quốc gia có thể giao thông trực tiếp trên đất liền.

Trên biển cả bao la, ngoài thuyền bè qua lại buôn bán còn cả dân đánh cá, nhất là những kẻ lang bạt kỳ hồ sinh nhai bằng nghề ăn cướp [hải phỉ]. Vì điều kiện sinh sống thấp kém, thiếu học hành nên thành phần “thuỷ thượng nhân” bị đối đãi gần như súc vật.[3] Ðể đối phó với cướp biển, một mặt quan lại Trung Hoa ngăn cấm dân chúng liên lạc, tiếp tế cho họ, một mặt tổ chức phòng thủ dọc theo bờ biển. Tuy nhiên, vì khả năng và kỹ thuật giới hạn, việc hải phòng của triều đình không mấy hữu hiệu và các tàu buôn thường phải trang bị súng ống để tự vệ, thuỷ thủ cũng đồng thời là chiến sĩ. Thông thường, các thuyền buôn Trung Hoa ra ngoài buôn bán phải mua chuộc chính quyền các nước lân cận để được an toàn. Ai ai cũng hiểu rằng một khi đã ra khơi, triều đình không còn quan tâm đến vấn đề sinh tử, hiểm nguy của họ nữa.

Trong khi đó, dưới danh nghĩa ngoại phiên, các quốc gia chung quanh phải đóng vai che chắn cho Trung Quốc. Phiên [藩] nghĩa gốc vốn là bờ rào để bảo vệ cho sinh hoạt mậu dịch được thông suốt nên các quốc gia thần phục Trung Hoa được ưu tiên qua lại mua bán mà không phải chịu thuế quan. Ðó cũng là một lợi thế dùng mua chuộc những tiểu quốc, dưới mỹ danh “ky mi” [羈縻, lỏng dây cương], ý là thiên triều chăn dắt ngoại phiên một cách mềm mỏng để họ trung thành. Tương quan thiên triều phiên thuộc được xác định qua một số thủ tục qua lại như sắc phong, ban ấn tín, danh hiệu, lịch chính sóc, mở cửa thông thương và ngược lại phiên thuộc cũng có bổn phận triều cống phương vật, nạp sổ đinh điền, cáo ai [khi vua tại vị chết], cầu phong [bằng lòng chấp nhận vua mới]… Chính sự đổi chác này ít nhiều đã xác định đâu là khu vực do thiên triều kiểm soát, đâu là ngoại hải do phiên thuộc chịu trách nhiệm.

Các nhà nghiên cứu chia chính sách về biển cả của Trung Hoa ra ba giai đoạn chính:

-     Từ cuối đời Minh sang đầu đời Thanh, triều đình Trung Hoa chủ trương “hải cấm” không cho dân chúng ra ngoài buôn bán. Việc rời khỏi quê hương bị coi như phản quốc nên những ai ra ngoài rồi thường không thể quay trở về nội địa. Ðã có những thời kỳ ai đặt chân xuống biển đã bị coi là đại tội, dân chúng bị bắt buộc di cư vào trong đất liền 30 dặm, dọc theo duyên hải từ nam chí bắc không một bóng người. Triều đình không công nhận hải đảo như một phần lãnh thổ nên những hòn đảo ngay gần bờ biển như Chu San [舟山], Bành Hồ [澎湖], Nam Áo [南澳], Ðài Loan [臺灣] khi chinh phục được rồi cũng chỉ là phiên địa phải cử sứ thần qua Bắc Kinh triều cống định kỳ (dưới tên Lưu Cầu, Ðài Loan)[4].

-     Sau khi thống nhất Trung Hoa và dẹp yên các nhóm chống đối, những điều lệ về hải cấm tuy được nới lỏng nhưng Thanh đình vẫn khẳng định rằng họ không cần phải ra ngoài buôn bán với ai, bất cứ một phái đoàn nào của nước ngoài, [ngay cả những cường quốc Âu châu lúc đó đang làm chủ mặt biển] cũng chỉ là man di đến tiến cống. Ðể cho người nước ngoài đem hàng đến, mua hàng đi, nhà Thanh mở một số thương điếm tại Quảng Châu làm nơi giao tiếp nhưng vì nghi ngại người ngoài dòm ngó nên sinh hoạt tại đây có những hạn chế ngặt nghèo. Mọi loại thương phẩm được trao đổi phải qua sự giám định và cho phép của triều đình, với mực thuế khoá cắt cổ. Thái độ trịch thượng đó đưa đến những mất quân bằng mậu dịch khiến người ngoại quốc tìm cách lấy lại, đem đồ quốc cấm đến bán cho dân Trung Hoa tạo thành những xung đột kịch liệt mà người ta gọi là Chiến Tranh Nha Phiến (Opium Wars).

-     Sự suy yếu của triều đình Trung Hoa đã khiến cho liệt cường tràn vào xâu xé, chiếm nhượng địa, mở tô giới và bắt Thanh đình phải ký những hiệp ước bất bình đẳng. Tương quan giữa Trung Hoa và phiên thuộc hoàn toàn biến mất vì chính họ lo mình chưa xong lấy đâu ra khả năng can thiệp vào chuyện bên ngoài. Tuy Trung Hoa cố gắng ra vẻ vẫn còn là kẻ cả đòi chia xẻ một số quyền lợi trong những hiệp ước của Tây phương với các nước chung quanh nhưng trên thực tế họ đã hoàn toàn thụ động. Một số tiểu quốc trước đây thần phục Trung Hoa nay hoàn toàn độc lập và tách rời khỏi ảnh hưởng của họ, một số khác bị thực dân chiếm đóng nên cũng không còn liên hệ gì nữa.

Khi Thanh triều bị lật đổ, các chính quyền mới của Trung Hoa lại lăm le tái lập vai trò thượng quốc và tìm cách hợp thức hoá một số nội phiên thành vùng đất chính thức của họ. Một số quan điểm lịch sử được thay đổi cho phù hợp với tình hình mới [5], những xung đột và xâm lăng biên giới do chính họ chủ động lại được mệnh danh là “vệ quốc chiến tranh” [chiến tranh bảo vệ tổ quốc]. Chính quyền Trung Hoa cũng lợi dụng thời cơ hỗn loạn sau Thế Chiến, trong vai trò tiếp thu và giải giới binh đội Nhật Bản để lấn chiếm nhiều khu vực đất liền và hải phận trước đây ở ngoài tầm kiểm soát của họ.

HẢI CƯƠNG CHÍNH SÁCH

Vị trí của Nhà Minh

Ðời Minh

Minh Thái Tổ [Chu Nguyên Chương] khi lên ngôi đã có thái độ dứt khoát và di huấn cho con cháu là “hải ngoại là những quốc gia không nên đem quân chinh phục” [6]. Sở dĩ ông có huấn lệnh này là vì thấy Nguyên triều hao binh tổn tướng rất nhiều trong những chiến dịch dùng đường biển đi đánh Nhật Bản, Ðại Việt, Chiêm Thành, Java… mà không đạt được thắng lợi nào đáng kể.

Nhà Minh khi đó nội trị còn nhiều bất ổn mà các quốc gia khác cũng không phải hèn kém gì nên chủ trương thủ nhiều hơn công, bình định trung nguyên trước khi có ý dòm ngó ra ngoài. Về mặt biển, giai đoạn này gần như phó mặc cho hải phỉ, hải đạo hoành hành, nhất là những đám ăn cướp người Nhật mà họ họi là nuỵ khấu (hay oải khấu – 倭寇). Dư đảng của những thế lực sứ quân từng tranh hùng với họ Chu nay cũng đổ ra biển làm hải tặc cả. Chính vì thế, quân Minh chỉ đành làm lơ cho họ muốn làm gì thì làm, miễn là đừng tấn công lên đất liền thôi.

Tướng lãnh của Chu Nguyên Chương đa số là người Hoa Nam, gốc nông dân, chưa từng biết đến biển cả, không như người Mông Cổ vốn quen thuộc với việc đi xa chinh phục dị vực. Chính vì thế nhà Minh không nhòm ngó đến các quốc gia hải ngoại, ra lệnh cấm các thuyền buôn nước ngoài, triệt bỏ tuần kiểm ty (巡檢司) của nhà Nguyên khi đó trú đóng tại quần đảo Bành Hồ và ra lệnh cho tất cả những ai sinh sống trên các hòn đảo phải phá huỷ các công trình, cư sở rồi di chuyển vào đại lục. Tưởng Quân Chương viết trong Ðài Loan Lịch Sử Khái Yếu:

Chính sách của Minh triều đối với hải dương trong những năm đầu lấy nguyên tắc bảo thủ là chính, vốn có liên quan đến vấn đề cướp biển phá phách… Ðối với việc đó, Minh Thái Tổ một mặt trù tính kế hoạch phòng ngự, mặt khác triệt thoái toàn bộ dân chúng sinh sống tại Bành Hồ, đồng thời di mệnh cho con cháu không được chinh phục các quốc gia hải ngoại, trong đó Tiểu Lưu Cầu (tức Ðài Loan) là một.

Việc Minh Thái Tổ triệt binh ra khỏi Bành Hồ đã khiến cho hải đạo có một cơ hội tốt, về sau bọn Lâm Ðạo Càn hoành hoành trên biển đều lấy Bành Hồ làm căn cứ, đó là một chính sách bất lợi có ảnh hưởng lớn đến lịch sử phát triển của Ðài Loan...[7]

Nhà Minh cũng thi hành những luật lệ khắt khe nghiêm cấm những ai tự ý ra biển đi đến nước khác (hạ hải thông phiên), bãi bỏ các chính sách mãi dịch của tiền triều nhưng đặt nặng việc triều cống, coi như đó là một bổn phận thiết yếu của lân bang. Hoạt động hải phòng của Minh triều chỉ hạn chế vào việc đóng thuyền dùng trong việc tuần hành, xây dựng các thành luỹ chống lại cướp biển và ngăn cấm dân chúng không được tự ý ra ngoài buôn bán ở các nước khác.

Các điều luật trong “Hải Phòng Cấm Chỉ Lệnh” rất chặt chẽ và ngặt nghèo chẳng hạn như “ai đem lương thực, quân khí ra khỏi nước đều bị treo cổ, ai tiết lộ quân tình bị chặt đầu, đóng thuyền hai cột buồm trở lên đều vi phạm vào lệnh cấm đóng đại thuyền, đem hàng hoá cấm sang các phiên quốc buôn bán, ngầm thông với hải tặc, kết tụ mưu tính với họ, dẫn đường cho chúng cướp phá lương dân, chính phạm theo luật xử tử, bêu đầu cho công chúng coi, toàn gia bị sung quân đày ra biên ải”.[8]

Thuyền bè Trung Hoa chỉ được phép mang theo nước uống đủ cho hai ngày nên đành neo ở trong sông, loanh quanh trong những vùng biển nông giống như một cái nhà nổi. Cũng nên thêm, thuyền của người Trung Hoa được thiết kế để chở hàng[9], cồng kềnh nên không thể vượt đại dương, chỉ có thể men theo gần bờ biển.

Chính sách nghiêm cấm đó khiến cho các khu vực duyên hải của miền nam Trung Hoa như Phúc Kiến, Quảng Ðông bị ảnh hưởng nặng nề. Việc ngoại thương vì thế trở thành lén lút và một số lớn tàu bè trước đây đi thẳng vào Trung Hoa nay phải chuyển sang một số địa điểm ở Ðông Nam Á trong đó có cả Bắc Việt Nam, và cũng thu hút một làn sóng di dân ra nước ngoài bao gồm cả lý do kinh tế lẫn chính trị.

Invasion_of_Limahong

Ðời Thanh

Sang đời Thanh, triều đình cũng đi theo chính sách của nhà Minh “toả quốc cấm hải” (鎖國禁海). Năm Thuận Trị 18 [1661], để đề phòng nhóm Trịnh Thành Công ở Ðài Loan, Thanh đình ra lệnh cấm hải và bắt dân chúng sống ở ven biển phải di cư vào trong đất liền. Từ Quảng Ðông, Phúc Kiến, Chiết Giang, Giang Tô lên đến Sơn Ðông dân chúng không ai được làm nghề đánh cá và thuyền bè của các tỉnh miền nam đều bị thiêu huỷ, một tấc gỗ không được thả dưới nước (thốn bản bất hứa hạ thủy – 寸板不許下水)[10] ai vi phạm sẽ bị kết tội thông đồng với giặc. Theo sách Hải Thượng Kiến Văn Lục thì:

Dân chúng các vùng duyên hải phải dời vào trong nội địa ba mươi dặm, nhà cửa ruộng đất đều phải đốt hết. Trên từ Liêu Ðông, dưới tới Quảng Ðông đều di cư vào rồi xây tường, dựng địa giới, cắt binh trấn giữ, ai ra ngoài sẽ bị xử tử. Bách tính không có công ăn việc làm, đi lang thang chết có đến hàng ức vạn người.[11]

Ðến đời Khang Hi, khi có loạn Tam Phiên, Trịnh Kinh (con Trịnh Thành Công) đem binh vượt biển đánh Phúc Kiến, Quảng Ðông. Khi Tam Phiên đã bình định, Khang Hi quyết định đem binh thu phục Ðài Loan, là chuyển biến quan trọng nhất của triều đình Trung Hoa suốt ba trăm năm từ đời Minh Thái Tổ đến đời Thanh mới từ bỏ chính sách bất chinh hải ngoại.

Sau khi chiếm được Ðài Loan, nhà Thanh định rõ cương giới cho từng tỉnh, đưa ra một chính sách hải phòng, thực chất không đặt nặng vấn đề phòng ngự mặt biển mà để gia tăng kiểm soát lãnh thổ. Trung Hoa khi đó có bảy tỉnh tiếp giáp với biển bao gồm Trực Lệ, Giang Nam, Triết Giang, Phúc Kiến, Việt Ðông [Quảng Ðông], Hải Nam [Quỳnh Châu], Ðài Loan. Cũng như trên đất liền, việc phân định ranh giới dưới biển xác định chủ quyền của họ, là cơ sở giải quyết tranh chấp, nhất là đối với những thương nhân Tây phương ra vào buôn bán.

Biên giới về biển ở phía nam được minh định trong Thiên Hạ Hải Cương Tổng Luận (天下海疆總論) viết đời Khang Hi, Ung Chính như sau:

… Nói đến góc biển phía nam thì không đâu xa bằng Nam Áo (南澳). Như vậy nếu tính từ Nam Áo đổ đi, chiếu theo tổng đồ mà liệt kê ra từ đông sang tây thì qua khỏi Triều, Huệ, Hương Sơn, Dương Giang, Ðiện Bạch, Cao Châu, Lôi Châu cho chí Ngũ Chỉ Sơn ở Quỳnh Châu, sang Liêm Châu, Long Ðông thì đến trụ đồng làm phân giới với Giao Chỉ thì hết. Từ đó phía nam biển cả là đất các nước An Nam. Sách xưa có nói rằng: “Bên ngoài Quỳnh Châu ấy là An Nam, Giao Chỉ, Giản Phố Trại, Tiêm La, Lục Côn, Ðại Niên, Nhu Phật, Ma Lục Giáp, là tận cùng của biển đông”.[12]

Thanh triều đưa ra ba chủ trương chính cho việc cai trị mặt biển:

1. Lấy người Hán trị người Hán, lấy biển trị biển

Người Mãn Châu tuy hùng cường nhưng vẫn là một dân tộc từ bên ngoài vào, so với dân chúng Trung Hoa chỉ là thiểu số nên nếu không sử dụng được dân bản xứ tiếp tay với mình thì sẽ không thể nào có đủ lực lượng hành chánh hay quân sự để cai trị trung nguyên. Do đó ngay từ khi mới vào Bắc Kinh, họ đã có những chủ trương lấy lòng người Hán để thu hút nhân tài. Năm Thuận Trị thứ hai [1645], Chinh Nam đại tướng quân là Bối Lặc Bác Lạc chiêu dụ được kinh lược Giang Nam Hồng Thừa Trù rồi cũng dùng quan tước, lợi lộc để chiêu dụ một tướng lãnh khác là Trịnh Chi Long.

Tuy Trịnh Chi Long về hàng, nhà Thanh lại không thành công với con của Chi Long là Trịnh Thành Công [một người Hoa sinh trưởng tại Nhật, mẹ của Trịnh Thành Công là người Nhật]. Trịnh Thành Công chiếm hòn đảo Ðài Loan từ tay người Hà Lan và tiếp tục chống nhà Thanh dưới chiêu bài “Phản Thanh Phục Minh”, không biết vì còn luyến tiếc Minh triều hay cũng chỉ là một khẩu hiệu để tìm kiếm sự ủng hộ của người Hán.

Nhà Thanh cũng tìm nhiều cách thương thảo [đã phong tước Hải Trừng Công (海澄公) cùng ban cho quả ấn Tĩnh Hải tướng quân], lại cấp cho ông bốn phủ làm lãnh địa, giao cho toàn quyền phòng thủ bờ biển, thu thuế và bổ dụng quan lại… nhưng họ Trịnh vẫn không thần phục triều đình.

Ðược ba năm, tướng của Trịnh Thành Công là Hoàng Ngô [黄梧] đem 86 quan lại, 1700 binh sĩ và hơn 300 đại pháo vượt biển đầu hàng, phối hợp với quân Thanh trấn đóng dọc theo bờ biển và một số hải đảo khiến cho Trịnh Thành Công phải lui vào thế phòng ngự. Từ đó, lực lượng họ Trịnh suy yếu hẳn.

Hoàng Ngô lại đưa ra 5 kế sách gọi là “bình hải ngũ sách” cho tổng đốc Mân Triết Lý Suất Thái [李率泰] thực hiện, bao gồm 1/ nghiêm cấm dân chúng liên lạc với ngoài biển, 2/ di chuyển những người ở duyên hải vào sâu trong đất liền, 3/ không cho binh lính của Trịnh Thành Công lên bờ mua bán, 4/ tăng cường chiến hạm và 5/ tập luyện thuỷ chiến.

Song song với kế hoạch phòng ngự, Hoàng Ngô cũng chiêu dụ quân họ Trịnh nên trong 12 năm đã lôi kéo được hơn hai trăm viên quan và vài vạn binh sĩ về với triều đình.

chinesepiratesyellowseatn0

2. Chiêu hàng thảo khấu và hải phỉ làm phên giậu

Nhà Thanh đã thành công trong hai mục tiêu dùng biển trị biển [dĩ hải trị hải] và dùng người Hán trị người Hán [ở các khu vực mà họ gọi là “phiên”] giao cho những hàng tướng nhà Minh hay những người cộng tác với họ cai quản. Tuy nhiên, nhà Thanh dần dần thu tóm quyền lực bằng cách bãi bỏ phiên trấn [triệt phiên] và gia tăng kiểm soát vùng duyên hải, từng bước như sau:

-   Năm Thuận Trị 13 [1656], Thanh đình nghiêm cấm dân chúng ở trong bờ ra biển, ra lệnh cho tổng đốc bốn tỉnh Giang, Triết, Mân, Quảng chiêu dụ quan binh của Trịnh Thành Công và hứa sẽ phong quan tước, bổng lộc cho những ai về hàng hay giết được thủ lãnh mang đầu về nộp. Họ Trịnh chết rồi, việc chiêu hàng càng thêm tích cực đối với con cháu, thân nhân. Một số đông hàng tướng Ðài Loan như Thi Lang, Vạn Chính Sắc… lại được giao trọng quyền, cai quản thuỷ quân chống lại họ Trịnh.

-   Khi vua Khang Hi lên ngôi, việc chiêu dụ Ðài Loan đi sang một khúc ngoặt mới. Trước đây, khi dụ hàng, điều kiện tiên quyết bao giờ cũng là “cắt tóc qui thuận”, từ bỏ hải đảo về triều làm quan nay đổi lại thành tuy “tuân theo thể chế cắt tóc nhưng được coi như một phiên thuộc tự trị, theo lệ tiến cống và cho con vào kinh làm tin, ngang hàng với các phiên vương Mông Cổ, Tây Tạng”.[13]Thế nhưng con cháu họ Trịnh không đồng ý cắt tóc, muốn được hoàn toàn độc lập như Triều Tiên, An Nam.

3. Hạn chế việc giao thương với bên ngoài

Việc đối phó với những lực lượng mà họ coi là hải phỉ như Trịnh thị tại Ðài Loan vốn đã phức tạp, nhà Thanh không muốn tạo thêm phiền nhiễu nên thời kỳ đầu họ giới hạn thương nhân bên ngoài [chủ yếu là người Hà Lan và Bồ Ðào Nha] đến buôn bán vào một số địa điểm ở Macau [Áo Môn] giống như chính sách đời Minh.

Theo Lương Ðình Nam trong Áo Hải Quan Chí, quyển 26 thì triều đình phải “ra lệnh cho cương thần [quan lại tại những vùng biên giới hay bờ biển] ước thúc cho nghiêm nhặt, bọn di ở Áo Môn [Macau] lại càng nên phòng phạm. Việc an nguy tại địa phương là do việc mua bán, mà mua bán lợi hại thế nào cũng là bởi đám di thương [thương gia người Hà Lan, Bồ Ðào Nha], đạo phòng ngừa chuyện nhỏ nhặt, không thể không am tường, không cẩn thận”.[14]

Sau khi đã bình định được những vụ nổi dậy, nhà Thanh củng cố lại các đồn biên phòng dọc theo bờ biển [mà họ gọi là sơn trại – 山寨]. Triều Minh, mỗi sơn trại đóng 500 quân, nay tăng lên 1000, dưới quyền một tham tướng, chia làm 2 doanh. Ðến đời Khang Hi, triều đình ra lệnh toàn bộ dân chúng sống dọc theo bờ biển phải di chuyển vào trong đất liền ít nhất 40 dặm. Các đồn phòng thủ cũng tăng lên mỗi nơi 2000 quân, bố trí các loại súng lớn kiểu Tây phương để đề phòng giặc biển. Chính sách này đã gây khó khăn rất nhiều cho những người ngoại quốc đang sinh sống tại các vùng thương khẩu.

Dân chúng sống dọc theo bờ biển tuy đã cách ly với đại dương nhưng vẫn bị kiểm soát chặt chẽ, lương thực phân phối theo đầu người, mỗi lần chỉ đủ ăn vài ngày, đồ dùng phải khai báo, khi sử dụng phải có phép của quan quân. Chợ búa nay chỉ được phép mở ra một tháng hai lần, dân chúng tuyệt đối không được ra biển buôn bán.

Cuối đời Càn Long, nhà Thanh tiến hành nhiều cuộc viễn chinh ở vùng biên giới tây nam và nam Trung Hoa, đáng kể nhất là kéo đại quân đánh Miến Ðiện, đem thuyền vượt biển đánh Ðài Loan và sau cùng là đem quân đánh Ðại Việt.

Những chiến dịch vượt biên giới đều bị các sử gia coi là thất bại còn việc đánh Ðài Loan chẳng qua chỉ là một công tác “tiễu phỉ”, đem một đạo quân khổng lồ để tiêu diệt Thiên Ðịa Hội, tuy mang danh nghĩa Phản Thanh Phục Minh nhưng thực chất chỉ là một băng đảng sống nửa trong nửa ngoài pháp luật.

Về mặt ngoài, nỗ lực của Thanh triều đưa đến việc Miến Ðiện và Ðại Việt thần phục, nhưng bề trong vua Càn Long đã phải mua chuộc một cách khéo léo cho ra vẻ kẻ cả. Riêng đảo Ðài Loan, các thủ lãnh Thiên Ðịa Hội bị bắt và bị xử tử nhưng dư đảng của họ còn khá nhiều, dong thuyền chạy trốn sang các nước Ðông Nam Á gia nhập các lực lượng địa phương, hoặc sống đời cướp biển gây rất nhiều bất trắc cho thương nhân qua lại nơi biển đông và nam Trung Hoa.

Ðể phủi tay với trách nhiệm, nhà Thanh bèn giao ngay việc giải quyết nạn cướp biển cho các phiên thuộc. Riêng nước ta, việc quản lý vùng biển từ vịnh Bắc Việc qua đến phía đông đảo Hải Nam dọc xuống phía nam là khu vực trách nhiệm của vua Quang Trung.

Chính sách trị hải và vấn đề thuỷ khấu

Có thể nói trong nhiều thế kỷ, nạn cướp biển là một cơn ác mộng của các triều đình Trung Hoa nên chính sách về hải dương cũng đồng nghĩa với tiễu trừ và phòng ngự hải phỉ. Những tô vẽ gần đây để chứng tỏ rằng người Trung Hoa đã quan tâm đến khai thác và quản trị bờ biển, hải phận chỉ là thậm xưng với mục tiêu chính trị nhiều hơn là sự thực lịch sử. Vì triều đình Trung Hoa giao phó cho các phiên thuộc đảm nhận việc đánh dẹp hay kiềm chế hải phỉ nên mỗi khi duyên hải bất an, việc đầu tiên là họ gửi thư yêu cầu các tiểu quốc thi hành bổn phận.[15]

Khi nhà Thanh công nhận triều đình Tây Sơn, phong cho Nguyễn Quang Bình [tức Nguyễn Huệ] làm An Nam quốc vương cũng minh định biển đông ở ngoài tầm kiểm soát của họ. Giữ gìn an ninh vùng biển của các nước “phên giậu” là nhiệm vụ che chắn cho triều đình Trung Hoa. Do đó, mỗi khi gặp rắc rối gì ở đại dương, nhà Thanh lập tức gửi thư cho triều đình nước ta để giải quyết.

Năm Mậu Thân [1788] vua Cao Tông sai Phúc Khang An đem binh thuyền sang đánh Ðài Loan để dẹp loạn Thiên Ðịa Hội. Lịch sử đảo Ðài Loan gần đây được cho rằng đã thuộc quyền kiểm soát của Trung Hoa từ thời thượng và trung cổ tuy có mất về tay người Hà Lan hay Nhật Bản một thời gian nhưng chỉ là tạm bợ. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu Ðài Loan lại khẳng định rằng hòn đảo chưa bao giờ được coi như lãnh thổ mà chỉ là phiên thuộc, nên Thanh đình đã không ngần ngại gì nhường đứt để đổi lấy một số quyền lợi khi cần thiết.[16] Chính Lý Hồng Chương [Bắc Dương đại thần, tổng đốc Trực Lệ] khi ký vào điều ước Mã Quan [để nhường đứt Ðài Loan, Bành Hồ cho Nhật Bản] đã dè bỉu hòn đảo là nơi “chim không biết hót, hoa chẳng toả hương”[17].

Sau khi nhà Thanh kiểm soát được Ðài Loan, tàn dư của Thiên Ðịa Hội liền túa ra biển sống chủ yếu bằng nghề cướp biển. Một số thuyền bè của họ dong thuyền tới tận vịnh Thái Lan, một số khác trôi dạt vào miền nam nước ta [khi đó còn đang tranh chấp giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh] và được các thế lực thu dụng để bổ xung lực lượng.

Nguyên trước đây, một số khá đông thành phần những người lưu lạc sang nước ta đã được Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ thu dụng trong thuỷ chiến ngay từ những ngày đầu tiên của anh em Tây Sơn. Lãnh tụ kiệt hiệt nhất của hải phỉ là Trần Thiêm Bảo [Ch’en T’ien-pao – 陳添保] được phong chức tổng binh từ năm 1783, có mặt trong thành phần ra bắc đánh họ Trịnh. Một bộ hạ của Trần là Lương Quí Hưng [Liang Kuei-hsing – 梁貴興] được phong làm Hiệp Ðức Hầu, ban con dấu “súc hữu đầu phát” [được quyền để tóc dài].[18] Trần Thiêm Bảo về sau được thăng lên đô đốc, chỉ huy một hạm đội lớn trong đó có cả những chiến thuyền do người Việt chỉ huy.[19]

Việc giao cho chính những đầu lãnh gốc hải phỉ cai quản biển đông đã khiến cho lực lượng hải quân của Nguyễn Huệ gia tăng nhanh chóng. Chính họ đã thu phục những toán lẻ tẻ, đoàn ngũ hoá thành binh đội với nhiệm vụ hẳn hoi. Trong số những người gia nhập chậm hơn, chúng ta thấy có Lương Văn Canh [Liang Wen-keng – 梁文庚] và Phàn Văn Tài [Fan Wen-ts’ai -樊文才]. Lương được phong thiên tổng, Phàn được phong chỉ huy.[20] Việc sử dụng chính những lực lượng trên biển để kiểm soát đại dương là một chính sách hữu hiệu, nếu không hoàn toàn sai khiến được họ thì ít nhất cũng giảm thiểu những tác hại mà họ gây ra đối với vùng duyên hải.

Trong trận chiến Việt Thanh, đô đốc Trần Thiêm Bảo được vua Quang Trung tăng viện thêm 16 thuyền lớn và ông ta đã chiêu dụ được hai nhóm cướp biển khá nổi tiếng do Mạc Quan Phù [Mo Kuan-fu -莫官扶] và Trịnh Thất [Cheng Ch’i -鄭七] chỉ huy, tập hậu quân Thanh theo đường sông khiến đại quân bị tan rã nhanh chóng, viên tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị phải bỏ chạy.

Việc mở rộng quyền kiểm soát lãnh hải không những giúp cho Nguyễn Huệ có đủ lực lượng để đối phó với tàn quân Lê – Trịnh ở miền bắc và đề phòng chúa Nguyễn ở phương nam mà còn là nguồn lợi tài chánh quan trọng đóng góp vào chi phí chiến tranh càng lúc càng dâng cao.[21]

Khi nhà Tây Sơn bị diệt, một trong những tướng lãnh của họ là Trịnh Nhất (Ching Yih – 鄭一, một người Việt gốc Hoa) đã không chịu hàng phục đem lực lượng chạy sang vùng biển nam Trung Hoa, tập hợp các nhóm lẻ thành một liên minh lớn (confederation). Theo nhiều tác giả, những nhóm lưu khấu này đã trở thành một triều đại hùng cứ mặt biển, một tập đoàn vĩ đại nhất trong lịch sử (piratical dynasty of Ching Yih, who led the largest pirate confederation in history).

Họ Trịnh cũng mưu đồ chuyện khôi phục nhà Tây Sơn nên đã phát triển và tổ chức lực lượng thành một binh đội đúng nghĩa, có kỷ luật, có chức tước đóng vai bảo tiêu cho bất cứ tàu bè buôn bán nào qua lại trong khu vực này. Năm năm sau khi vua Gia Long lên ngôi, Trịnh Nhất có dưới tay trên 600 tàu lớn (junks) và một lực lượng lên đến 15 vạn người.[22]

Mặc dù Thanh triều tìm cách xoá nhoà vai trò của hải quân Tây Sơn [cũng như cố gắng che dấu những thành tựu của Nguyễn Huệ – đồng nghĩa với che dấu những thất bại và nhượng bộ của chính họ], trong một số tường thuật, chúng ta cũng thấy được phần nào hình ảnh trên biển của đội quân đa chủng này. Chúng tôi xin lược thuật một vài đoạn trong Tĩnh Hải Phân Ký qua bản dịch của Charles Neumann:

[Trương Bảo, tức đô đốc Bảo] ra lệnh rằng tất cả mọi món hàng, từ rượu cho đến gạo thóc, đều phải trả tiền cho dân làng sòng phẳng, kẻ nào cưỡng đoạt hay quịt không đưa tiền đều bị tử hình. Thành thử, bọn phỉ không bao giờ thiếu thuốc súng, thực phẩm hay các vật dụng cần thiết khác. Chính nhờ vào kỷ luật gắt gao này mà hạm đội của ông đã được tổ chức chặt chẽ.

Người vợ của Trịnh Nhất rất cứng rắn trong mọi giao dịch: không bao giờ chuyện gì được tiến hành nếu không có giấy tờ. Mọi món xuất nhập đều phải vào sổ kho, các thuỷ thủ chỉ được cấp phát khi có nhu cầu và không ai được quyền giữ làm của riêng.

Trong một chiến dịch đánh cướp, bất cứ ai rời khỏi hàng ngũ dù là tiến lên trước hay tụt lại sau thì người đó sẽ bị đưa ra xử án trước một đại hội, nếu như bị kết tội thì sẽ nhận án chém đầu. Chính vì Trương Bảo nghiêm minh như thế nên các thuỷ thủ ai ai cũng hết sức giữ kỷ luật…[23]

Chính sách đối với Nam Dương [tức biển đông của nước ta và phía nam]

Khi vua Ung Chính lên ngôi, ông đã khẳng định rằng “việc cấm ra ngoài biển chỉ có thể nghiêm nhặt hơn chứ không thể thả lỏng, ngoài ra không có cách nào khác”.[24] Về sau, tuy triều đình có bớt đi phần nào nhưng vẫn tuyệt đối phòng ngừa việc “cấu kết với bên ngoài” để lật đổ nhà Thanh, những ai đã đi ra thì không thể nào quay trở về được nữa. Năm 1740, người Hà Lan giết hàng vạn Hoa kiều tại Batavia, tin truyền đến Trung Hoa nhưng vua Càn Long cho rằng đây là “những kẻ đã chống lại lệnh của triều đình, đáng bị chính pháp, ra ngoài có chuyện gì thì tự mà lo lấy”.[25] Cuối đời Càn Long, những ai trở về sinh sống ở trong nước tuy không bị xử tử như ngày trước nhưng lại bị đày đi xa, vào sâu trong đất liền ở núi non, sa mạc.

Ðể việc kiểm soát buôn bán thêm hữu hiệu, Thanh đình mở thêm bốn thương khẩu ở Quảng Châu nhưng vẫn tuyệt đối không cho các thuyền buôn ghé vào các cửa biển khác. Năm Càn Long thứ 24 (1759), nhà Thanh ban bố “Phòng Di Ngũ Sự” cấm thuyền buôn Tây phương không được ở lại qua mùa đông, những ai đến Quảng Ðông phải sống biệt lập tại các dương hãng [nơi qui định cho người Tây phương], cấm không cho thuê mướn, vay mượn… Người Anh nhiều lần xin xét lại những điều kiện nghiêm nhặt ấy nhưng không thành công.

 Năm 1792, Anh hoàng lại cử một phái đoàn do bá tước Macartney cầm đầu sang thương lượng để mở sứ quán, khai phóng thêm một số cửa khẩu ở Chu San, Ninh Ba, Thiên Tân… nhưng cũng không đạt được kết quả nào. Vua Càn Long lại ra lệnh bất cứ thuyền buôn nào lảng vảng đến gần các hải khẩu đều phải trục xuất ra biển, không cho lên bờ, kẻ nào chống lại sẽ dùng võ lực đối phó.[26]

Nói là thế, hải quân nhà Thanh rất kém cỏi, thiếu trang bị, tập luyện nên vấn đề hải phòng chủ yếu là ngăn chận dân chúng không cho ra biển chứ không phải ngăn ngừa ngoại xâm. Những ai theo thuyền ra ngoài buôn bán đều bị hạn chế thời gian, kiểm tra chặt chẽ, ngay cả từ vùng này sang vùng khác cũng bị ngăn cấm.

Sau chiến tranh nha phiến, triều đình Trung Hoa ý thức được sự kém cỏi trên phương diện quân sự là vì tham nhũng và kỹ thuật lạc hậu. Tuy nhiên, vì việc canh tân trên mặt biển đòi hỏi thời gian và tiền bạc, Thanh triều lui về chiến lược cố hữu là gia tăng lực lượng địa phương, nếu cần sẽ dụ địch vào đất liền để tiêu diệt theo nguyên tắc rút lui để phòng ngự (retrograde defence).[27]

Theo một sĩ quan Anh nhà Thanh thuê để huấn luyện thuỷ thủ và chỉ huy chiến hạm [có tên là Dương Vụ năm 1870] thì ông ta rất thất vọng về lối tổ chức và sinh hoạt trên tàu và quân Tàu “chỉ giản dị là một đám người ô hợp có trang bị nhưng không có kỷ luật”.[28]

Tới cuối thế kỷ XIX, Lý Hồng Chương, tổng lý Bắc dương quân thành lập thêm nhiều lữ đội phòng thủ tại các hải cảng chiến lược và dọc theo bờ biển. Ông cũng xây dựng những học hiệu quân sự để đào tạo sĩ quan nhưng nặng về canh tân vũ khí mà thiếu hẳn huấn luyện về chiến lược phòng ngự. Do đó, khi các hạm đội Trung Hoa đụng độ với hải quân Nhật Bản [1894-1895], họ đã thất bại nặng nề và hầu như toàn bộ lực lượng bị tiêu diệt.

KẾT LUẬN

Trong hơn năm trăm năm của hai triều đại Minh và Thanh, người Trung Hoa hoàn toàn không coi biển cả là một khu vực cần chinh phục và khai thác, nếu có đưa quân ra biển đều vì lý do phòng thủ hơn là bành trướng.

Ðến gần đây, để yểm trợ cho tuyên bố về chủ quyền tại một số khu vực ngoài khơi, chính quyền Trung Hoa đã thổi phồng những chuyến đi của Trịnh Hoà hồi đầu thế kỷ XV thành những chuyến thám hiểm vô tiền khoáng hậu. Sau khi chiếm đóng Ðại Lý [Yun-nan Tai polities], nhà Minh đưa một lực lượng viễn chinh khổng lồ xuống phương nam. Tuy lúc đầu họ thành công trong việc xâm lăng nước ta nhưng cuộc chiến đấu bền bỉ của người Việt [1418-1428] không những chấm dứt cuộc đô hộ lần thứ hai của người Hán mà còn làm tiêu tan chủ trương thực dân vừa manh nha đối với các nước chung quanh nên các kế hoạch viễn du của họ phải chấm dứt.[29]

Từ thế kỷ XV trở về sau, biển cả chỉ còn là một thuỷ đạo để các thương thuyền qua lại mua bán và mặc nhiên coi như các phiên thuộc có nhiệm vụ phải bảo đảm an toàn cho các thông lộ này. Không hiếm những lần Thanh triều gửi thư trách cứ triều đình Việt Nam về việc hải phỉ hoành hành hay cho cướp biển chạy vào nương náu.

Kể từ giữa thế kỷ XIX, khi đã nhường cho nước ngoài một số lãnh địa, triều đình Trung Hoa hoàn toàn phó mặc cho Tây phương bảo đảm an toàn hải vực phía nam. Khi người Pháp chiếm Ðông Dương làm thuộc địa, việc phân định trách nhiệm trên biển lại sang tay người Pháp. Khi Việt Nam được độc lập, Trung Hoa nhân cơ hội hai miền Nam Bắc có chiến tranh nên ra tay chiếm đoạt một số hải đảo ở biển Ðông. Sự thiếu liên tục về chủ quyền quốc gia đã khiến cho tranh cãi về các đảo ngoài khơi thêm gay gắt, chủ yếu cũng vì quyền lợi chiến lược và kinh tế.

Trong một trăm năm qua, khi kỹ thuật hàng hải và thăm dò tài nguyên của nhân loại đã lên cao, tranh chấp hải dương càng lúc càng trở thành một vấn đề cho những quốc gia tiếp cận với biển cả. Theo chiều hướng đó, quyền lợi kinh tế cộng với tham vọng chính trị của Trung Hoa đã đưa đến những phức tạp mới ở biển đông, ra ngoài tầm kiểm soát của một quốc gia và chỉ có thể giải quyết trên căn bản thiện chí, tương nhượng và đồng thuận trên toàn khu vực.

Nguyễn Duy Chính

CHÚ THÍCH

[1] Trước thế kỷ XIX, chủ quyền các hải đảo ngoài khơi biển Ðông không được đặt ra vì nước ta hoàn toàn có ưu thế kinh tế so với các quốc gia khác nên không hề có sự tranh chấp mặc dù việc qua lại hầu như bỏ ngỏ. Nếu có thuyền bè nào từ Trung Hoa xuống Nam Dương [tức vùng Ðông Nam Á] thì đều là thuyền buôn đi theo những thuỷ lộ nhất định. Trong khi đó, thuyền bè ở miền trung Việt Nam theo mùa lại ra các hải đảo để khai thác sản vật đem về bán kiếm lời [hoặc do triều đình sai đi để thu hoạch]. Việc khai thác hải sản ở biển đông hầu như là độc quyền của người Việt Nam.

[2] John K. Fairbank (ed.), The Chinese World Order, 2nd ed. (Mass.: Havard University Press, 1970) “A primilary framework” tr. 2

[3] ngư dân sống luẩn quẩn trên thuyền nên không có điều kiện phát triển về tiếng nói, lễ nghi … có khi anh em, cha mẹ, con cái lấy lẫn nhau nên bị khinh rẻ. Người Trung Hoa còn tưởng rằng “thuỷ thượng nhân” chân tay có màng như chân vịt nên bơi lội giỏi.

[4] Riêng đảo Hải Nam [Quỳnh Châu] vì sát với nội địa nên được sử dụng như một vùng đất để lưu đầy những người phạm tội.

[5] Nhiều cuộc chiến trước đây được coi là bảo vệ đất nước, nay chỉ còn là xung đột địa phương chẳng hạn như Nhạc Phi không còn là anh hùng dân tộc nữa mà là một quân sự gia, một trung thần của Tống triều đem quân đánh với nước Kim [Mãn Châu], cũng là một bộ phận dân tộc của Trung Quốc.

[6]海外為不征之國 – hải ngoại vi bất chinh chi quốc

[7] Diêu Gia Văn, Thập Cú Thoại Ảnh Hưởng Ðài Loan (Ðài Bắc: Chính Trung Thư Cục, 2003) tr. 25-26

[8] Hải Phòng Cấm Chỉ Lệnh Ðiều Lệ  (海防禁止令條例) Diêu Gia Văn, sđd. tr. 27

[9] thuyền của Trung Hoa giống như một cái máng lớn [cho súc vật ăn], gọi là “tào thuyền” [tào là cái máng] nên người Trung Hoa sang Việt Nam chúng ta quen gọi là người Tàu.

[10] Diêu Gia Văn, sđd tr. 33

[11] tất thiên hải biên cư dân ư nội địa, ly hải tam thập lý, thôn trang điền trạch, giai phần khí chi. Thượng tự Liêu Ðông, hạ chí Quảng Ðông giai thiên đồ, trúc viên tường, lập giới thạch, bát binh nhung thủ. Xuất giới giả tử. Bách tính thất nghiệp lưu ly, tử vong giả dĩ ức vạn kế.

悉遷海邊居民於内地,離海三十里。村莊田宅,皆焚棄之。上自遼東,下至廣東皆遷徒,築垣檣,立界石,撥兵戎守。出界者死。百姓失業流離,死亡者以億萬計。Hải Thượng Kiến Văn Lục trích từ Ðài Loan Tỉnh Thông Chí Ðại Sự Ký, Diêu Gia Văn, sđd. tr. 33

[12] Ðài Loan Lịch Sử Văn Hiến Tùng San: Thanh Sơ Hải Cương Ðồ Thuyết, (Ðài Bắc: Ðài Loan Văn Hiến Uỷ Viên Hội, 1996) tr. 5

[13]… xưng thần phụng cống tịnh khiển tử nhập kinh vi chất … nghiễm như Mông Tạng phiên bộ chi lệ 称臣奉贡并遣子入京为质 …俨如蒙藏藩部之例

[14] trích lại theo Trung Quốc Biên Cương Kinh Lược Sử, tr. 277

[15] Năm 1666, Oboi [Ngao Bái], phụ chính đại thần triều Khang Hi đã gửi thư trách nước ta dung túng cho hải phỉ và đe doạ sẽ gây chiến nến không bắt và giao cho họ những đầu đảng cướp biển quây phá Hoa Nam. Robert B. Oxnam, Ruling from Horseback: Manchu Politics in the Oboi Regency, 1661-1669 (Chicago and London: The University of Chicago Press, 1975) tr. 154-5

[16] Quan điểm của Thanh đình với Ðài Loan cũng gần giống như luận điểm của họ khi ký hoà ước Thiên Tân nhường Việt Nam cho Pháp, nại cớ nước ta là phiên thuộc của họ. Khi không bảo vệ được quyền lợi của nước nhỏ thì họ sẵn sàng đánh đổi để có một số quyền lợi. Thái độ của quan lại nhà Thanh đưa đến việc người Pháp phải nhường cho họ một số khu vực ở biên giới phía bắc nước ta trong hiệp ước Pháp – Thanh.

[17]台灣鳥不語,花不香. Diêu Gia Văn, sđd. tr 59

[18] Chi tiết này tuy nhỏ nhưng đã có hậu quả rất quan trọng trong chính sách của nhà Thanh với Tây Sơn. Khi người Mãn Thanh chinh phục được Trung Hoa, một trong những điều luật là tất cả thần dân đều phải cạo đầu, thắt đuôi sam để biểu lộ quyền hành tuyệt đối của họ đối với người Hán. Không chịu cắt tóc coi như phản loạn chống lại triều đình và bị kết án tử hình. Ðó là lý do tại sao nhà Thanh rất nghiêm khắc đối với những ai bỏ nước ra bên ngoài sinh sống và không can thiệp vào những vụ thảm sát dân Trung Hoa qui mô ở Phillippines, ở Gia Ðịnh … Việc cho phép các thành phần hải phỉ gia nhập quân đội của ông được để tóc dài đã được chúa Nguyễn sử dụng như một chứng cớ cụ thể về hành động chống đối nhà Thanh của triều đình Tây Sơn khi Nguyễn Ánh xin phong vương, đồng thời giúp nhà Thanh phủi tay với triều đình Cảnh Thịnh – Bảo Hưng. Chi tiết này cũng được khai thác trong mục tiêu chính trị để phủ nhận giao tình giữa vua Quang Trung và vua Càn Long.

[19] Chúng tôi ngờ rằng đô đốc Bảo được ghi nhận trong một số chiến dịch của Tây Sơn – kể cả trận đánh quân Thanh – chính là ông này. Tuy chưa có tài liệu đích xác, xin ghi lại để tồn nghi.

[20] Murray, Dian H. Pirates Of The South China Coast 1790-1810 (Calif.: Stanford University Press, 1987), tr. 36

[21] Viên Vĩnh Luân (袁永綸)đã tổng hợp việc đánh dẹp hải phỉ trong Tĩnh Hải Phân Ký (靖海氛記) (ấn hành Ðạo Quang thứ 10, 1837) đề cập đến việc nhà Tây Sơn sai hải thuyền sang cướp phá vùng duyên hải nam Trung Hoa. Thực tế, nhà Thanh không bao giờ có khả năng đối phó với cướp biển và triều đình Tây Sơn cũng không có lý do gì để giả danh sang đánh phá Trung Hoa. Trong suốt thời kỳ Tây Sơn, vua Quang Trung [và sau này vua Cảnh Thịnh] luôn luôn tôn trọng cương giới, hải phận và việc kiểm soát biển đông nằm trong chiến lược an ninh chung phân định giữa Trung Hoa và Ðại Việt thời kỳ đó.

Sau khi nhà Tây Sơn bị Nguyễn Ánh tiêu diệt, các nhóm tàn quân của Tây Sơn còn lưu lạc trên biển tiếp tục hoạt động để mưu cầu việc khôi phục [nhiều lần đánh vào các tỉnh ven biển miền bắc, kể cả một lần đánh vào Phú Xuân] và vẫn giữ những qui luật nghiêm minh bao gồm 1) tuyệt đối không được lên bờ [đề phòng nhũng nhiễu], lần đầu vi phạm bị cắt tai, lần thứ nhì xử tử  2) tuyệt đối không chiếm làm của riêng những gì thâu đoạt được mà phải giao nạp, sau đó được hưởng 2/10, 8/10 thuộc về tài sản chung, vi phạm bị xử tử 3) tuyệt đối không được gian dâm phụ nữ, ép buộc đàn bà con gái làm vợ, vi phạm sẽ bị xử tử. (bản dịch Tĩnh Hải Phân Ký của Charles Fried Neumann, tr. 13-4)

[22] Konstam, Angus. The History of Pirates. The Lyons Press, 1999 tr. 168-9

[23] Charles F. Neumann, sđd. tr. 14-5

[24] hải cấm ninh nghiêm vô khoan, dư vô thiện sách 海禁寧嚴毋寬,餘無善策 [châu phê trên sớ của Khổng Dục Tuần, ngày mồng 9 tháng 10, Ung Chính thứ 2]

[25] Mã Ðại Chính, Trung Quốc Biên Cương Kinh Lược Sử (2000) tr. 289

[26] Trung Quốc Biên Cương Kinh Lược Sử, tr. 295

[27] Chủ trương này được khai triển trong một tác phẩm của Nguỵ Nguyên [魏源] nhan đề Hải Quốc Ðồ Chí [海國圖志] ấn hành năm 1842.

[28] Chen-Ya Tien, Chinese Military Theory: Ancient and Modern (Ontario: Mosaic Press, 1992) tr. 86-7

[29] Giáo sư Geoff Wade của Viện Nghiên Cứu Á Châu thuộc đại học quốc gia Singapore [National University of Singapore] đã viết:

The Ming invasion of Ðại Việt is perhaps the most obvious example of a colonial adventure. There was invasion, occupation, the imposition of a military and civil administration, economic exploitation and domination by a court in the capital of the dominating power. The obvious decolonisation which occurred following the failure of this enterprise underlines its colonial natures.

Việc quân Minh xâm lăng Ðại Việt có lẽ là thí dụ rõ ràng nhất của một phiêu lưu thực dân trong đó bao gồm đủ cả xâm lược, chiếm đóng, thiết lập một hệ thống hành chánh dân sự lẫn quân sự, khai thác tài nguyên kinh tế và do một triều đình từ kinh đô của lực lượng thống trị chỉ đạo. Ðường lối đó tan rã ngay sau khi mô hình kể trên thất bại càng làm cho bản chất thực dân của họ thêm hiển hiện.

Asia Research Institute: Working Paper Series No. 31, October 2004: The Zheng He Voyages: A Reassessment

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Clements, Jonathan. Coxinga and the fall of the Ming Dynasty. Phoenix Mill: Sutton Publishing, 2005.
  2. Diêu, Gia Văn (姚嘉文). Thập Cú Thoại Ảnh Hưởng Ðài Loan (十句話影響台灣). Ðài Bắc: Chính Trung Thư Cục, 2003.
  3. Konstam, Angus. The History of Pirates. The Lyons Press, 1999.
  4. Mã, Ðại Chính (馬大正) (chủ biên). Trung Quốc Biên Cương Kinh Lược Sử (中國邊彊經略史). Trịnh Châu: Trung Châu Cổ Tịch xb xã, 2000.
  5. Murray, Dian H. Pirates Of The South China Coast 1790-1810. Calif.: Stanford University Press, 1987.
  6. Neumann, Charles Fried. Tĩnh Hải Phân Ký (靖海氛記) Translations from the Chinese and Armenian. London: Oriental Translation Fund, 1831 (reprinted by Elibron Classics, 2005)
  7. Oxnam, Robert B. Ruling from Horseback: Manchu Politics in the Oboi Regency, 1661-1669. Chicago and London: The University of Chicago Press, 1975
  8. Phasuk, Santanee và Philip Stott. Royal Siamese Maps: War and Trade in Nineteenth Century Thailand. Bangkok: River Books, 2004.
  9. Stuart-Fox, Martin. A Short History of China and Southeast Asia: Tribute, Trade and Influence. NSW Australia: Allen & Unwin, 2003.
  10. Tien, Chen-Ya. Chinese Military Theory, Ancient and Modern. Oakville, Ontario: Mosaic Press, 1992.
  11. Trương Vĩ (張煒), Phương Khôn (方堃). Trung Quốc Hải Cương Thông Sử (中國海疆通史). Trịnh Châu: Trung Châu Cổ Tịch xb xã, 2003
  12. Vương, Nhật Căn (王日根). Minh Thanh Hải Cương Chính Sách dữ Trung Quốc Xã Hội Phát Triển (明清海疆政策与中国社会发展) Phúc Châu: Phúc Kiến nhân dân xuất bản xã, 2006.
  13. Wade, Geoff. “The Zheng He Voyages: A Reassessment”. Asia Research Institute, National University of Singapore, Working Paper Series No. 31 (October, 2004)

Similar Articles

Tình báo trong chiến dịch đánh Phú Xuân của Chúa Trịnh Sâm

Tình báo trong chiến dịch đánh Phú Xuân của Chúa Trịnh Sâm

Trong chiến dịch tiến đánh Phú Xuân năm Giáp Ngọ 1774, Chúa Trịnh Sâm và

Huyền Trân – nàng công chúa mở mang bờ cõi và nghi án “tư thông”

Huyền Trân – nàng công chúa mở mang bờ cõi và nghi án “tư thông”

Công chúa Huyền Trân là người có đóng góp lớn trong việc mở mang lãnh

Tìm hiểu lịch sử nghề khắc – in sách Hán Nôm của Việt Nam thời phong kiến

Tìm hiểu lịch sử nghề khắc – in sách Hán Nôm của Việt Nam thời phong kiến

Nguyễn Huy Khuyến  Khi chưa có kỹ thuật khắc ván gỗ để in sách thì người

Bản đồ lãnh thổ Việt Nam từ thời Hùng Vương đến nay

Bản đồ lãnh thổ Việt Nam từ thời Hùng Vương đến nay

Xưa nay, nói đến quá trình mở rộng lãnh thổ của Việt Nam, người ta

Vụ án Lệ Chi Viên, những điều cần nhìn lại

Vụ án Lệ Chi Viên, những điều cần nhìn lại

Những gì sắp trình bày ở đây không phải là hoàn toàn mới, bởi trước

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose