Văn hóa Huế | Homepage

Thêm một chiếc cầu ngói trên đất Thừa Thiên Huế

🕔29.Jan 2015
Chuyện làm cầu ngói ở làng Hiền Lương (Phong Hiền, Phong Điền) nghe bàn đã lâu cả làng đều biết, nhưng cứ nghĩ chỉ là chuyện hão, vì biết lấy đâu ra tiền, với dự toán ban đầu lên trên 700 triệu đồng? lại còn bao chuyện khác nữa… Nhưng bây giờ nó đã trở thành hiện thực. Trải qua gần sáu trăm năm kể từ khi người Việt vượt Hoành Sơn vào đây khai phá, những tiền nhân đầu tiên của các họ tộc đã cùng nhau “đào giếng để uống, cày ruộng để ăn” chống chọi với thiên tai chướng khí cùng nhau góp sức dựng nên làng Hoa Lang, một trong những ngôi làng cổ xưa của xứ Thuận Hóa, đến năm 1841, vì kỵ húy, vua Thiệu Trị nhà Nguyễn cho đổi tên làng thành Hiền Lương. Cái tên thân thương ấy tồn tại đến nay như định danh văn hóa của ngôi làng văn hiến. Bao đời nay người Hiền Lương vốn lấy nghề nông làm trọng, thêm nghề rèn truyền thống nuôi dưỡng sức vóc trở nên giàu có nổi tiếng khắp vùng.

Cầu ngói Hiền Lương do người dân và chính quyền địa phương góp sức dựng nên.
Sau nhiều năm chiến tranh và thời gian phong hóa dân làng đã chung sức trùng tu lại cổ tự Giác Lương, sửa sang ngôi Đình Trung uy nghi hơn trước, xây lại nhà thờ Tổ Nghề Rèn truyền thống trên nền cũ, dựng bia tưởng niệm những người có công với đất nước, xây thêm nhà văn hóa, trường học và nhiều công trình cầu cống, bến nước trước làng. Nhớ linh xưa “Đội Đàng, Đội Điệt mở đường mở kiệt” quy hoạch thôn trang, nay dân làng lại tự nguyện hiến đất để làm đường ngang ngõ dọc thêm rộng rãi.
Kế thừa truyền thống, người dân Hiền Lương tiếp tục xây dựng đời sống văn hóa mới, nâng cao giá trị tinh thần cho người dân sở tại. Mấy năm gần đây, dân làng lại bắt tay vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, đồng thuận và trăn trở lo toan cùng chính quyền địa phương thúc đẩy để chương trình mau sớm hoàn thành.
Ông Huỳnh Kim Mão, Trưởng ban Vận động xây dựng quê hương làng Hiền Lương nói với chúng tôi rằng đấy là những việc đã làm. Cái mới nhất là dân làng lại vừa xây xong chiếc cầu cảnh quan lấy tên Cầu Ngói Hiền Lương.
Những ngày cuối năm Giáp Ngọ này, tôi hăm hở phóng xe về Hiền Lương để được nhìn thấy chiếc cầu ngói hiện hữu qua con hói giữa làng mà ông Huỳnh Kim Mão giới thiệu. Thì ra cầu đã được các vị sư của chùa Trúc Lâm Huế về làm lễ thông xe cho người dân qua lại. Sở dĩ có chiếc cầu này là sự quyết tâm thực hiện nguyện vọng tha thiết bấy lâu của cả làng. Chiếc cầu như một biểu tượng thể hiện sự hướng vọng về cố thổ của những người con xa xứ trước những đổi mới của quê hương.
Sau nhiều lần họp bàn dân chủ, cả làng đồng thuận lại được chính quyền xã ủng hộ, thế là một ban vận động được thành lập gồm 15 thành viên do ông Huỳnh Kim Mão làm Trưởng ban. Các thành viên của Ban này là những người có uy tín giữa làng, với ý chí và bức tâm thư đi kêu gọi con dân, học trò nghề rèn làm ăn xa góp tiền về xây dựng chiếc cầu ngói giữa làng. Để thể hiện quyết tâm xây bằng được chiếc cầu, những người trong Ban vận động tự nguyện đóng đầu tiên, gia đình ông Huỳnh Kim Mão góp 20 triệu đồng, anh em nhà ông Hoàng Như Mai Sơn thành viên của Ban vận động ủng hộ 77 triệu, ông Trương Phước Huế và ông Dương Phước Lưu mỗi người góp 3 triệu đồng. Nhiều thành viên khác đóng gỗ lạt, cát trắng, tre xanh và công sức… Trong một thời gian ngắn, Ban vận động đã thu được một số tiền kha khá, và ngay lập tức cho khởi công.
Nhát cuốc đầu tiên bổ xuống động thổ vào ngày tốt tháng 5 năm 2011. Vừa làm được một công đoạn thì giá cả thị trường lại trượt vù vù. Những người trong Ban vận động lo lắng lại bủa đi khắp nơi kêu gọi. Người dân sở tại dù còn khó khăn nhưng với tấm lòng đồng thuận cũng đã tự nguyện đóng góp công sức tiền bạc tùy theo khả năng: nhà ít thì 100 ngàn, hộ nhiều lên đến 5 triệu. Người khá giả ở xa quê thì vui vẻ đóng nhiều hơn. Có thể kể ra đây vài trường hợp tiêu biểu được ghi ở Bảng công đức dựng phía đầu cầu: Hòa thượng Thích Tín Nghĩa: 100 triệu đồng, gia đình Trung tướng Hoàng Ngọc Diêu góp vào 20 triệu, ông bà Hoàng Ngọc Đờn: 10 triệu, ông Hoàng Phước Thuận: 10 triệu, Hội đồng hương Đà Nẵng: 15 triệu, kỉnh nghề rèn ở TP Hồ Chí Minh góp 10 triệu đồng… danh sách này kéo dài lên đến 165 cá nhân, gia đình, chi họ, các xóm thôn. Chưa kể công cán, chỉ tính riêng tiền mặt xây dựng tổng cộng đã lên đến 987 triệu đồng vượt dự xa toán ban đầu, trong đó dân làng đóng góp 657 triệu, chính quyền xã Phong Hiền rót ngân sách hỗ trợ lên tới 330 triệu đồng.
Trăn trở, lo toan, ngược xuôi của Ban vận động một thời gian khá dài, đến tháng 9 năm 2014, chiếc cầu ngói cũng hoàn thành, thỏa chí mong đợi của Nhân dân trong làng.
Cầu xây một nhịp hình cung bắc từ xóm Đồng Nhân sang xóm An Hội; dài gần 25m, mặt cầu rộng 5,5m, phần trên có 8 trụ chống đỡ, chia làm ba gian, mái lợp ngói ống vàng tươi, đường nóc gắn lưỡng long triều nguyệt, hai đầu hồi khắc hình con dơi sải cánh cầu chúc mọi sự may mắn hanh thông; hai bên thành cầu có lối bộ hành và có thể dừng chân hưởng ngọn gió làng mùa hạ được bảo vệ bởi thành lan can chắc chắn. Tổng thể công trình được thiết kế xây bằng xi măng cốt thép. Về nghệ thuật thì cầu này đường nét còn thô sơ chưa thật mỹ mãn nhưng nhu cầu sử dụng lại đáp ứng rất thiết thực. Chiếc cầu đã rút ngắn đường đi cho dân làng và làm cho cảnh quan ở thôn quê thêm sinh động. Vậy là làng Rèn Hiền Lương lại có thêm một công trình do nhân dân cùng chính quyền địa phương góp sức dựng nên.
Việc người dân Hiền Lương tự nguyện đóng công góp của, lại được chính quyền địa phương ủng hộ để xây dựng nên chiếc cầu ngói cảnh quan nằm giữa làng đã góp một phần nhỏ vào chương trình xây dựng nông thôn mới ở xã Phong Hiền sẽ mau sớm thành công. Chiếc cầu tuy nhỏ, nhưng cái được lớn hơn là sự tiện lợi về giao thông nông thôn lại mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc về sự cố kết lòng dân trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước từ một ngôi làng có tiếng văn hiến lâu đời, nay vẫn tiếp tục phát huy những truyền thống quý báu đó.
Cuối tháng chạp này, tôi lại về đây đứng tựa lan can giữa cầu nhìn con hói Lâm Quan quanh co đổ ra dòng Bồ Giang vào một ngày giá lạnh, chợt nghe tiếng ru con của bà mẹ trẻ từ xóm An Hội vọng ra, lời ru mộc mạc và nhắn rằng ai ơi: “Nhớ về cầu ngói Hiền Lương/ Cùng nhau xây dựng quê hương mạnh giàu”. Tôi chợt giật mình, thì ra mùa xuân Ất Mùi đã đến gõ cửa từng nhà.
Dương Hoàng
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Nhiều thế hệ Việt Nam, đã từng quen thuộc với hình ảnh "chú bé loắt

Bắp miệt Cồn

Bắp miệt Cồn

Cồn Hến, nhìn lên cầu Trường Tiền - Ảnh: wikipedia Mỗi lần qua về Cồn Hến,

Tản mạn hành trình bún Việt

Tản mạn hành trình bún Việt

Trong ẩm thực Việt Nam, bún là loại món ăn được ưa thích, có mặt

Bánh ướt dẻo trắng mượt mà…

Bánh ướt dẻo trắng mượt mà…

Chiều chiều, chay xe lên Kim Long ngắm dòng Hương xinh đẹp, tạt vào quán

Đường đến lăng mộ vua Gia Long hơn 100 năm trước khác gì?

Đường đến lăng mộ vua Gia Long hơn 100 năm trước khác gì?

Theo ghi chép cửa Leopold Cadiere, đường đến lăng mộ Gia Long buộc phải đi

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose