Văn hóa Huế | Homepage

Trường Khải Định tại Chu Lễ

🕔18.Jan 2015
Trước ngày toàn quốc kháng chiến bùng nổ 19-12-1946 Trường Trung học Khải Định (Lycée Khải Định – nay là Trường Quốc Học Huế) được lệnh sơ tán ra miền Bắc Liên khu 4 (Hà Tĩnh, Nghệ An và Thanh Hóa) Một bộ phận lớn giáo viên theo trường được điều động về bổ sung giảng dạy ở một số trường, như “Phan Bội Châu” (Quảng Bình), “Huỳnh Thúc Kháng” (tên mới của Trường Khải Định) tại Châu Phong (Hà Tĩnh), “Phan Đình Phùng”ở Đức Thọ (Hà Tĩnh), “Nguyễn Công Trứ” (Collège Vinh). Một bộ phận nhỏ thì đến Chu Lễ thuộc huyện Hương Khê, phía tây Hà Tĩnh, xây dựng Phòng thí nghiệm chuyên nghiên cứu phục vụ ngành quốc phòng. Công việc này hoàn toàn mới mẻ nhưng do Ủy ban Kháng chiến Liên khu 4 khẩn thiết yêu cầu, Giáo sư Phạm Đình Ái, Giám đốc Nha Giáo dục Liên khu 4, kiêm hiệu trưởng Trường Huỳnh Thúc Kháng mới thành lập, tiến sĩ ngành hóa học tốt nghiệp ở Paris (Pháp) cho nên GS vui lòng nhận lời. UBKC LK4 giao GS kiêm luôn chức giám đốc Phòng thí nghiệm. Cùng đến Chu Lễ có một số giáo viên Khải Định khác như thầy Hoàng Ngọc Cang, các anh Hoàng Trọng Cơ, Tôn Thất Uẩn, Nguyễn Xuân Dỹ, Cung Quang Chương, và tôi (Thân Trọng Ninh) làm việc với GS Ái. Ngoài ra, có anh Lê Huy Cự, thư ký, chuyên về công việc hành chánh của Nha Giáo dục.

Học sinh trường Quốc học Huế xưa. (Ảnh tư liệu)
Bài này, tôi chỉ nói về công việc xây dựng phòng thí nghiệm chuyên nghiên cứu phục vụ quốc phòng. Do tính chất đặc biệt, phòng được đặt dưới sự quản lý chính trị của một ban gọi là “Ban phụ trách cơ xưởng” do ông Lê Dung, Ủy viên UBKC LK4 và ông Nguyễn Văn Tấn, Giám đốc Nha Tài chánh phụ trách.
Phòng thí nghiệm mang tên “Phòng 1” (Phòng thí nghiệm số 1) được xây dựng đầu năm 1947 tại một khu vườn trồng cây tro (một loại cây cọ – Palmier), trưng dụng của một nhà giàu người địa phương, ông Cai Hựu ở thôn Thượng Thạch, xã Hương Thủy, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Nó nằm trên tỉnh lộ đi từ nhà ga Chu Lễ về trụ sở huyện lỵ, nhìn ra sân vận động và con sông Ngàn Sâu nước chảy xiết.
Nói là “phòng” thực ra chỉ là một dãy nhà dài gần 20 mét, lợp bằng lá tro, vách là phên đan bằng nứa, tre lồ ô, trát đất sét; còn các cửa cũng bằng phên đan nhưng lợp bằng lá cọ khá dày, có thể chống lên hạ xuống. Phần đầu phía nam của dãy nhà được ngăn bởi một bức vách đất, tạo ra một phòng rộng riêng khoảng 3 mét dành làm trụ sở Nha Giáo dục. Phần còn lại của dãy nhà thì dành cho các hoạt động của Phòng thí nghiệm.
Trang thiết bị khoa học của Phòng thí nghiệm số 1 chẳng có gì ngoài các dụng cụ thủy tinh đủ kiểu, những lọ hóa chất đủ màu, đủ loại mà khi sơ tán các phòng thí nghiệm lý hóa của Trường Khải Định, thầy Ái yêu cầu đóng gói trong nhiều thùng gỗ cho chở ra Chu Lễ bằng đường tàu hỏa. Thầy còn đem theo một bộ “Từ điển Hóa học” của nhà hóa học Pháp nổi tiếng của thế kỷ thứ 19 Adolphe Wurtz, gồm có 6 quyển sách cỡ lớn, đóng bìa cứng, dầy cộp. Đây là một bộ từ điển bách khoa hóa học, biên soạn từ thế kỷ thứ 19, mô tả các hóa chất, những thí nghiệm, các phương pháp điều chế cách đây hàng thế kỷ. Chữ in nhỏ, giấy đen, vì quá cũ thế mà ngày đêm thầy Ái đọc không mệt mỏi dưới ngọn đèn dầu leo lét. Thầy yêu cầu anh em chúng tôi phải đọc những phần có liên quan đến chuyên môn của mình phụ trách. Tôi phải đọc mục viết về salpêtre (diêm tiêu, KNO3), acid nitric (HNO3). Anh Cơ phải đọc phần nói về acid sulfuric (H2SO4) dài hàng mấy chục trang. Các anh khác cũng vậy. Anh Uẩn cứ than thở “Mình dạy tiếng Anh, về hóa học thì mù tịt, Ninh giúp mình với!”. Tiến thoái lưỡng nan, biết làm sao bây giờ? Đã đâm lao thì phải theo lao, phải vui lên để làm việc cho tròn trách nhiệm. Những lúc thầy yêu cầu chúng tôi phải tường trình lại cho thầy nghe những gì tiếp thu được, phát biểu những thắc mắc để thầy giải đáp. thầy nhẹ nhàng giải thích để cho chúng tôi hiểu, phát huy tư duy, tinh thần sáng tạo của anh em trong hoàn cảnh thiếu thốn mọi thứ tại đây. Có nhiều đêm dưới ánh đèn dầu leo lét trong dãy nhà dài trống trải, tại một nơi rừng rú hẻo lánh này có ai biết đâu có một nhóm nhà khoa học Việt Nam là giáo viên của trường Khải Định, là thầy trò chúng tôi, chụm đầu với nhau thảo luận công việc điều chế một số hóa chất cần thiết để hoàn thành công việc được trên tin tưởng giao phó. Cuộc tranh luận có khi kéo dài đến tận khuya. Trò thì thấy quá khó khăn để thực hiện những điều tiếp thu được theo lý thuyết sách vở, thầy thì động viên cố gắng khắc phục, chỉ ra cách làm trong hoàn cảnh hiện có.
Chúng tôi bắt tay vào làm việc theo sự chỉ đạo của thầy. Lúc đầu không tin là có thể làm nổi, nhưng rồi sau đó thấy cũng làm được. Hai tư duy tuy khác nhau về thế hệ, về tuổi tác, về tâm lý, về vị trí xã hội nhưng đã hòa hợp và tích cực cộng tác với nhau trong nhiệm vụ chung đối với đất nước. Tôi tìm thấy ở thầy Ái hình ảnh của một nhà trí thức yêu nước nồng nàn, một người thầy đáng kính… Chúng tôi đã trưởng thành nhờ những năm tháng gần gũi thầy tại đây. Thầy đã giáo dục cho chúng tôi lòng tự tin, tự trọng của một nhà giáo, nhà khoa học trẻ.
Công việc làm được tại Phòng Thí nghiệm số 1 Chu Lễ rất nhiều. Phòng đã thành công trong tinh chế hàng tấn salpêtre đưa từ Thành Nội Huế ra thành kali nitrat (KNO3), điện phân clorua kali (KCl), điều chế acid nitric (HNO3), acid clohyđric (HCl), clorat kali (KClO3), fulminat thuỷ ngân, chưng gỗ cây thầu đâu (Cây xoan) để lấy than và nhất là điều chế được acid sulfuric (H2SO4)bằng “phương pháp phòng chì”, dù đang còn ở qui mô thí nghiệm. Acid sulfuric là một hóa chất tối cần thiết cho việc điều chế các loại acid khác, dùng làm acquy, sản xuất mực in (giấy bạc)… Các hóa chất làm ra được ở đây, nhất là thuốc nổ, acid sulfuric được bàn giao cho Ban Phụ trách cơ xưởng Chu Lễ phân phối cho các xưởng quốc phòng khác tại Liên khu 4. Phòng được Bộ Quốc phòng tuyên dương. GS Phạm Đình Ái được Hồ Chủ tịch tặng thưởng Huân chương.
Năm l949, tình hình chiến sự có chuyển biến mới, quân đội Pháp lăm le tấn công các tỉnh thuộc Bắc Trung Bộ, các cơ sở của Trung ương và của Ủy ban Trung bộ, ban Phụ trách cơ xưởng được lệnh sơ tán lên Phúc Đồng, Bắc Tân, vùng an toàn khu, nằm sâu trong rừng núi, cách xa Chu Lễ hàng chục cây số. Phòng Thí nghiệm số 1 không còn qui mô như cũ, các họat động cũng thu hẹp lại, chỉ còn lại thầy Ái, anh Hoàng Trọng Cơ và anh Hoàng Xuân Nam, Lâm Lợi (từ ngành Hỏa xa chuyển sang). Còn tôi, cùng hai anh Tôn Thất Uẩn, Cung Quang Chương được điều động trở lại ngành giáo dục.
Đến nay 65 năm đã trôi qua, lần theo những trang nhật ký cũ kỹ của thời tuổi 30, tôi ghi lại ở đây những điều ôm ấp trong lòng. Nay những người trong cuộc đã ra đi gần hết, thấy mình có trách nhiệm phải kể lại các giai đoạn lịch sử đầy khó khăn nhưng vẻ vang của đất nước trong đó tôi đã từng chứng kiến và đóng góp một phần nhỏ bé. Tất cả đã đi vào dĩ vãng, tuy không xa lắm, nhưng cũng đã bị lãng quên chỉ vì ít ai biết đến!
Giáo sư Phạm Đình Ái và những bạn đã từng chung lưng đấu cật với tôi trong những năm dài kháng chiến nay đã lần lượt ra đi về cõi vĩnh hằng. Tôi viết bài này để nói lại những gì GS và các anh đã cống hiến cho đất nước trong hoàn cảnh vô cùng gian khổ nhưng với tinh thần yêu nước nồng nàn, với trí tuệ hiền tài của tuổi trẻ, chúng ta có quyền tự hào về ngôi trường Khải Định năm xưa Trường Quốc Học ngày nay.
NGƯT Thân Trọng Ninh
Theo Báo Thừa Thiên Huế

Similar Articles

Ủ Tết (Thì thầm lá hoa)

Vườn bà tôi ngày trước đầy hoa trái, bốn mùa xanh rợp lá cây, hầu

Nhớ những chuyến xe lam

Nhớ những chuyến xe lam

Hôm qua chú em họ đăng Facebook về những chiếc xe lam - một thời

Trong bóng dáng mệ quê

Trong bóng dáng mệ quê

Những ngày này Huế mưa, nhớ mạ thiệt nhiều, mà đi chợ càng nhớ hơn,

Lụt Huế

Lụt Huế

Khái niệm bốn mùa xuân, hạ, thu, đông với ông trời xứ Huế cho đến

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Tôi từng là đứa con nít mê chuyện cổ tích và trò chơi bán đồ

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose