Văn hóa Huế | Homepage

Anh xích lô nói 4 ngoại ngữ

🕔12.Apr 2015

Với vốn ngoại ngữ tự học, anh Lê Văn Tô (46 tuổi, tổ 21, phường Kim Long, TP. Huế) trở thành “chân” xích lô đắt khách trong giới xích lô Huế.

Học từ du khách

Biết anh Tô đã lâu, nhưng để gặp không phải dễ, bởi anh có “hai cái không”: Không điện thoại và không biết chữ. Muốn tìm anh thì liên lạc với… vợ!

Anh Tô đưa du khách tham quan Huế

Tìm đến nhà cũng là lúc anh vừa làm cuốc xích lô chở khách nước ngoài trở về. Anh kể: “Trước đây tui làm nghề cá trên sông Hương. Năm 1986 theo bố “lên cạn” với nghề xích lô chở mấy bà, mấy chị gánh bánh canh bán buổi chiều trước Phu Văn Lâu”.

Anh Tô bảo, bắt đầu với nghề xích lô, học được tiếng nước ngoài cũng bởi cái tính tò mò của mình. Anh tiếp xúc lâu dần, cứ học mỗi vị du khách một ít tiếng “bồi”, lâu dần thành vốn ngôn ngữ của riêng mình. Đến nay, anh có thể nói thành thạo cả tiếng Anh, Pháp, Nhật, Đức… còn các tiếng Tây Ban Nha, Hàn Quốc thì chỉ… đủ dùng. Để học nhanh tiến bộ, anh cũng có cách của riêng mình: Nhờ hướng dẫn viên du lịch đánh giá buổi trò chuyện. Khi chở khách tới địa điểm nào, có hướng dẫn viên ở đó, anh đều bắt chuyện với du khách. Buổi trò chuyện rôm rả kết thúc, anh sấn tới hỏi hướng dẫn viên: “Em nói như thế có được không? Anh (chị) góp ý cho em với.”

Có lần, chị hướng dẫn viên trố mắt ngạc nhiên, bảo học ngành gì, làm ở đâu mà nói tiếng Anh giỏi thế. Anh Tô bảo mình là… xích lô chở khách. Nhiều hướng dẫn viên không tin, vẫn giữ đôi mắt tròn xoe kinh ngạc. Cũng nhờ có cách học nhanh, vốn ngoại ngữ kha khá, anh quen được một du khách người Nga trong một lần chở vị này đi du ngoạn khắp thành phố Huế. Anh kể: “Thấy tui biết nói chuyện, nhiệt tình, ông hỏi sao lại đi làm nghề ni cho khổ? Rồi ông bảo tui chở về nhà coi hoàn cảnh gia đình ra răng. Thấy tui ở trên chiếc đò cực quá, sau đó ông cho 2.000 đô la để mua chiếc đò rộng hơn mà ở.” Buổi đầu, vị khách Nga cũng kinh ngạc trước anh xích lô nom cực khổ mà nói rất “sõi” tiếng nước ngoài. Ông này đánh xe xuống công an phường hỏi cái lý lịch “trích ngang” của anh Tô. Thấy đúng anh làm nghề xích lô thật, lúc đó ông mới tin. Trong 4 tháng, vị du khách Nga này lưu lại tại Huế, đã trở thành đôi bạn tâm giao với anh Tô. Anh nhớ lại: “Ông bảo tui làm một ngày được mấy? Tui bảo 20 đô la. Ông nói – Tao trả công mi gấp đôi, 40 đô, mi chở tao đi khắp lăng tẩm Huế. Thế là hai người thăm thú khắp nơi ở Huế. Nhiều lúc đi giữa đường, trên xe có ổ bánh mì cũng chia nhau ăn. Cũng nhờ 4 tháng đó mà vốn tiếng Anh của tui được đầy đủ như bây giờ”.

Anh Lê Văn Tô luôn thân thiện với du khách

Cũng nhờ cái tính cẩn thận, thân thiện, nhiệt tình với khách mà anh Tô được hai du khách cũng là hai cựu chiến binh người Mỹ là Bush và Nixon nhận làm con nuôi. Có lần anh Tô chở ông Bush đến một khách sạn, thấy ông Bush đi lại khó khăn, nên anh chở thẳng vào trong tiền sảnh. Cảm mến sau buổi trò chuyện, ông Bush lôi trong túi ra 200 đô la cho anh. Anh cương quyết không nhận, chỉ lấy 10 đô la tiền công chở như đã thỏa thuận. Sau bận đó, ông Bush ngỏ ý muốn tìm đến nhà anh Tô tìm hiểu xem hoàn cảnh anh như thế nào. Thấy gia cảnh còn khó khăn, ông Bush tự nguyện gửi tiền mua xe đạp, sách vở phụ giúp con anh Tô ăn học. Nhiều du khách Nhật, Úc vì thấy hoàn cảnh của anh, sẵn sàng bỏ tiền lo một chuyến du lịch cho anh qua thăm đất nước họ, nhưng anh đều từ chối. “Mình biết có mấy chữ đâu. Học lỏm được tiếng nước ngoài, làm kế mưu sinh nuôi vợ con thôi. Có mơ ước gì cao xa đến những nơi đó.”- Anh trải lòng.

Giới thiệu văn hóa Huế

“Làm nghề xích lô biết một ít ngoại ngữ thì ở Huế khá nhiều, nhưng nói thành thạo nhiều thứ tiếng, nói được cả tiếng bản địa của đất nước đó như anh Lê Văn Tô thì rất hiếm. Cũng nhờ năng khiếu học tiếng nước ngoài nhanh mà anh Tô sống được với nghề, nuôi các con ăn học” (ông Tôn Thất Tiến, Tổ trưởng tổ dân phố 21, phường Kim Long, TP. Huế).

Hiện, anh Tô là một trong những người làm nghề xích lô đắt khách nhất ở TP. Huế nhờ vào vốn ngoại ngữ cũng như tài giao tiếp của mình. Anh tâm sự: “Nhờ vào nghề xích lô của tui mà cả 5 đứa con đều được học hành đến nơi đến chốn. Làm nghề tuy có vất vả nhưng được tiếp xúc nhiều, được phục vụ khách mình cũng thấy vui.”

Một trong những đặc điểm khiến nhiều du khách thích những cuốc xích lô của anh là nhờ khả năng giao tiếp và vốn kiến thức về văn hóa, lịch sử Huế. Dù không được học hành từ nhỏ, nhưng với anh, chiếc tivi, chiếc đài trong mỗi chương trình giới thiệu về văn hóa Huế là một nguồn thông tin bổ sung kiến thức vô giá. Anh kể: “Mình chở khách, đạp hoài cũng mệt, cứ trò chuyện mới thấy nhẹ nhõm hơn. Khách Tây rất vui tính, họ cũng thích trò chuyện. Cái gì họ cũng hỏi, mình phải biết mà trả lời, vừa vui lòng khách, vừa tăng thêm vốn từ của mình”. Nhiều lúc anh vừa đảm nhận chở khách, vừa kiêm luôn “hướng dẫn viên” giới thiệu (bằng ngoại ngữ) cho du khách những dịch vụ như du thuyền trên sông Hương, xem ca Huế, lăng tẩm đền đài…

Những lần chở khách về tận Thuận An, nhiều đứa trẻ bán lạc rang, bánh lọc, phồng tôm cũng được anh bày chỉ cho vài câu sơ đẳng trong giao tiếp bằng tiếng Anh, nhằm tạo cảm tình cho khách nước ngoài. “Trước đây mình ở đò trên sông Hương. Hình ảnh những đứa trẻ đó gợi cho mình ký ức hồi nhỏ cũng lem luốc, cực khổ phụ giúp cha mẹ mưu sinh”, anh Tô trải lòng.

Văn Khánh
(Theo Tạp chí Sông Hương)

Similar Articles

Người “giữ hồn” bánh đúc mật xứ Huế

Bánh đúc mật là thức quà quê hương bình dị gắn liền với tuổi của

Tình chợ

Ngay lối vào cổng chợ, hàng dừa của chị nằm khiêm tốn giữa những gian

Thương lắm gánh hàng rong xứ Huế

Thương lắm gánh hàng rong xứ Huế

Đến Huế, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh các o, các mệ với

Bóng thiền sư nơi cổ tự

Bóng thiền sư nơi cổ tự

Bên ngoài thất Lắng Nghe, tiếng thông reo vi vút, tiếng chim hót và thi

Trung quân Đô thống Nguyễn Hữu Tiễn – không chỉ là kẻ si tình

Trung quân Đô thống Nguyễn Hữu Tiễn – không chỉ là kẻ si tình

Lâu nay, người ta chỉ biết Phò mã Nguyễn Hữu Tiễn là người đã xây

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose