Văn hóa Huế | Homepage

Đừng hoài phí đôi bờ sông Huế

🕔21.May 2015

Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, kiến trúc sư (KTS) cho rằng, Huế có nhiều bờ sông đẹp nhưng việc đầu tư, quản lý sử dụng còn bất cập, dẫn đến lãng phí.

Vẫn còn xa cách

Nếu ai đã từng xuôi theo dòng Hương, bắt đầu từ ngã ba Bằng Lãng về hạ nguồn ở miệt Phú Mậu (Phú Vang) đều chung cảm nhận vẻ đẹp nguyên sơ của đôi bờ, nhất là về yếu tố cây xanh, thảm cỏ. Điều đó có được là nhờ chưa bị ảnh hưởng nhiều của quá trình đô thị hóa. Thế nhưng, xét về góc độ quản lý, thực tế còn phản ánh mức độ đầu tư của Nhà nước đối với con sông thơ mộng bậc nhất này.

Dịch vụ dọc sông Hương còn đơn điệu Ảnh: Võ Nhân

Những người gắn bó lâu năm, từng nghiên cứu, trăn trở, đề xuất nhiều ý tưởng cho sông Hương khi chúng tôi làm cuộc khảo sát về mức độ đầu tư đều chung nhận xét là ít nhất 40 năm qua, kể từ sau 1975 đến nay, sông Hương chưa được đầu tư nhiều về cả đôi bờ lẫn mặt nước.

Điều này cũng đã được một số nhà nghiên cứu, KTS chỉ ra trong hội thảo khoa học “Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương-Nhiệm vụ và giải pháp” được UBND TP Huế tổ chức mới đây. Tại hội thảo, một KTS nói rằng, bà luôn có tình cảm đặc biệt với Huế, nhất là với dòng Hương. Thế nhưng, sông Hương vẫn còn đó sự xa cách, chưa thật sự gần gũi, thân thiện với du khách, khi ban đêm dù rất muốn đi bộ dọc bờ sông, nhưng bà đành gác thú vui tao nhã này với sự tiếc nuối không nhỏ, vì đèn điện đôi bờ chưa được đầu tư chiếu sáng đồng bộ. Nhiều đoạn còn quá tối, có cảm giác không an toàn.

Hơn thế, dịch vụ hai bên bờ sông hiện quá nhỏ lẻ nếu không muốn nói là bèo nhèo, chủ yếu là vài ba quán nước giải khát, cà phê không đủ ánh sáng. Ngoại trừ nhà hàng nổi trên sông, dịch vụ ăn uống, lưu trú hầu như chưa được quan tâm đầu tư.

Các bến thuyền dù có đầu tư song chưa đáp ứng nhu cầu quy hoạch. Việc kết nối giữa cây xanh, đôi bờ, mặt nước dù được đánh giá là mềm mại, uyển chuyển, nhưng cũng cần nhận thấy là ở một số đoạn, do chưa được đầu tư nên tình trạng cỏ lấn sông, hình thành các ụ nổi, cồn, lỗ hoắm không phải ít. Nếu không xử lý tốt việc nạo vét, khơi thông dòng chảy, nhất là tình trạng khai thác cát sạn thì sẽ khó kiềm chế được sự ảnh hưởng đến cả đôi bờ.

Bờ sông Hương nhiều đoạn xanh rất mộc nhưng lại mang đến cảm giác chưa được chăm sóc kỹ lưỡng. Ảnh: Tâm Huệ

Với một số con sông khác, như An Cựu, Bạch Yến, Ngự Hà…, dù một số nơi đã được đầu tư, song còn nhiều đoạn chưa thật sự phát huy tác dụng. Bờ sông Đông Ba sau khi được đầu tư cũng đang lãng phí khi người dân lấn chiếm và sử dụng không đúng mục đích, gây nhếch nhác và ô nhiễm môi trường.

Quản lý sử dụng chưa tốt

Bờ sông không nên của của riêng ai, mà phải là của toàn dân. Nhà nước nếu có đầu tư, quản lý sử dụng cũng phải đảm bảo hài hòa giữa các lợi ích. Với việc đầu tư cho đôi bờ sông Hương, nhất thiết phải có sự đắn đo, cân nhắc kỹ càng

Bài học từ việc quản lý bờ sông sau đầu tư, nhất là ở đường Trịnh Công Sơn, khi người dân lấn chiếm làm quán nhậu đã được rút ra theo như lời của lãnh đạo Thành ủy Huế. Đối với bờ sông An Cựu, sau giải tỏa là giao cho doanh nghiệp để dễ bề quản lý sử dụng. Thế nhưng, do thiếu quản lý, giám sát dẫn đến một số sai lệch trong khi triển khai dự án khiến dư luận chưa đồng tình bởi cách làm chưa tạo được sự hưởng lợi giữa người dân với dự án. Bài học khác lại tiếp tục được rút ra, khi đơn vị quản lý Nhà nước buộc cho dừng dự án để kiểm tra lại quy trình và bổ sung các thủ tục cần thiết. Thông tin mới nhất chúng tôi mới nhận được từ dự án xây dựng công viên bờ sông An Cựu là chính quyền đã xử phạt doanh nghiệp 40 triệu đồng về những sai phạm, trong đó có việc chưa được cấp giấy phép xây dựng và công trình cao, kiên cố hơn mức cho phép. Điều mà người dân quan tâm là, dù có nhiều sai sót nhưng doanh nghiệp này cũng chỉ bị phạt tiền và vẫn được tiếp tục triển khai dự án.

Thiếu chiến lược quy hoạch phát triển, chưa cương quyết trong xử lý lấn chiếm, sai phạm là yếu tố khiến các bờ sông chưa được quản lý, sử dụng tốt, không chỉ từ bờ sông An Cựu. Một số đoạn vừa hình thành ở dự án chỉnh trang, tôn tạo sông Ngự Hà ở đường Triệu Quang Phục, Ngô Thế Lân… cũng bị người dân lấn chiếm làm quán nhậu. Vào buổi chiều hàng ngày, khu vực này tràn ngập quán nhậu, ầm ĩ và nhếch nhác.

Tiếp xúc, làm việc với các phòng ban liên quan của TP Huế, nhất là Đội quản lý đô thị và UBND các phường, chúng tôi đều nhận được câu trả lời chung cho việc quản lý các bờ sông là do lực lượng mỏng, các quán nhậu, nhà hàng thường hoạt động vào ban đêm nên rất khó kiểm soát. Làm căng thì có bớt được đôi chút, nhưng khi xe đô thị rời đi thì đâu lại vào đó.

Thay lời kết cho vấn đề này, chúng tôi xin nêu ý kiến của một người rất gắn bó và tâm huyết với Huế rằng, bờ sông không nên của của riêng ai, mà phải là của toàn dân. Nhà nước nếu có đầu tư, quản lý sử dụng cũng phải đảm bảo hài hòa giữa các lợi ích. Với việc đầu tư cho đôi bờ sông Hương, nhất thiết phải có sự đắn đo, cân nhắc kỹ càng.

Điều đáng mừng là hiện nay Tổ chức KOICA (Hàn Quốc) đã quyết định hỗ trợ không hoàn lại 6 triệu USD để quy hoạch đôi bờ sông Hương. Dự án đã có nhưng với di sản đặc biệt như sông Hương, vấn đề quy hoạch, phát triển như thế nào là một câu hỏi lớn được những người yêu Huế trông chờ, kỳ vọng.

Mỗi người mỗi quan điểm, ý tưởng nhưng họ có chung tấm lòng yêu mến, gắn bó với Huế và nhất là các dòng sông và cùng mong muốn làm cho các dòng sông phát huy được vẻ đẹp vốn có.

Nhà nghiên cứu Bửu Ý:

 

Chăm lo đôi bờ chính là chăm lo cho dòng sông

Con sông có đẹp hay không cốt yếu là nhờ đôi bờ. Nếu đôi bờ không đẹp thì sẽ khó nâng giá trị của dòng sông.

Ngắm sông không chỉ trực tiếp từ mặt nước mà cả gián tiếp ở đôi bờ, thế nên, nếu bờ sông đẹp, được đầu tư sạch sẽ, an toàn sẽ giữ được chân du khách. Bất kỳ một địa điểm tham quan, danh lam thắng cảnh nào nếu được đầu tư cũng cần được quan tâm cả cự ly. Cự ly là địa điểm xung quanh danh lam, thắng cảnh. Sông Hương và các con sông khác cũng vậy. Cự ly chính là hai bờ sông. Chăm lo cho cự ly chính là chăm lo cho dòng sông.

So sánh sông Hương với những con sông nổi tiếng trên thế giới như sông Seine ở Pháp, Danube ở Áo, thì thấy không bằng về vẻ đẹp nguyên sơ, thơ mộng. Thế nhưng, ở sông Seine, dịch vụ được khai thác khá tốt. Đặc trưng nhất là hình ảnh của TP Paris được khéo léo giới thiệu từ dưới sông khi du khách tham quan bằng thuyền. Qua những khúc hẹp, đèn pha sáng các con phố để giới thiệu về hình ảnh Thủ đô Paris nên tạo được sự lung linh, thú vị từ phía du khách.

Sông Hương chưa được đầu tư nhiều về đôi bờ nhưng có lợi thế về gió mát, có ca Huế, đặc biệt là ánh trăng có thể bù đắp để phát triển du lịch. Sông Seine thiếu hẳn những yếu tố này, bởi tốc độ đô thị hóa cao, đèn điện chiếu sáng nhiều nên ánh trăng rất mờ. Trong khi trên sông Hương cũng như các con sông khác, những ngày rằm, ánh trăng rất tỏ, nhất là vào mùa hè. Chỉ riêng lợi thế này thôi cũng đủ để tạo sự khác biệt bằng dịch vụ khai thác.

KTS Huỳnh Quang, nguyên Viện trưởng Viện quy hoạch Xây dựng:

Đừng tách bờ sông với mặt nước, cây xanh

Có một điều mà các nhà quản lý nên biết đó là đừng tách các bờ sông với mặt nước, cây xanh. Nếu đầu tư bất kỳ công trình nào cũng cần chú trọng sự liên kết này. Đầu tư các bờ sông để làm đẹp, tránh sự bồi lắng là cần thiết nhưng phải giữ được vẻ đẹp riêng có của mỗi con sông. Không nhất thiết đoạn nào cũng giống nhau, mà ở mỗi đoạn đều phải có sự nghiên cứu kỹ các đặc trưng để làm khác biệt. Không nên tạo áp lực cho các bờ sông bởi nhiều công trình xây dựng, mà chỉ nên là những điểm dừng chân, nghỉ ngơi, ngắm cảnh. Các dịch vụ nếu có nên tập trung phía mặt nước, vừa giảm áp lực cho đôi bờ, vừa khai thác sử dụng tốt tài nguyên này. Ngành du lịch nên mạnh dạn tổ chức dịch vụ lưu trú trên sông với tên gọi “ngủ đò”. Điều đó không nên hiểu theo hướng tiêu cực, mà phải được tổ chức bài bản. Khi khách tham quan, nghe ca Huế trên sông, nếu có nhu cầu, các công ty dịch vụ nên tổ chức loại hình lưu trú này vì đây cũng là đặc trưng của Huế.

Theo tôi, với các bờ sông, chỉ nên đầu tư các loại hình giải khát mang tính chất nhẹ nhàng… Không nên là các nhà hàng, quán nhậu, trừ khi nó được đầu tư bài bản trên sông, kiểu như nhà hàng nổi Sông Hương. Nếu được cũng nên đầu tư một loại dịch vụ mang đặc trưng xứ Huế, như chè Huế ở khu vực công viên Thương Bạc.

Nhiều người đến Hà Nội không thể bỏ qua khu vực ẩm thực kem bốn mùa, kem Tràng Tiền. Tại sao Huế không có địa điểm bán chè Huế tập trung? Nếu tổ chức tốt chắc chắn Huế sẽ có thêm địa chỉ đặc sản ẩm thực được nhiều người nhắc tới.

Bà Lã Thị Kim Ngân, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Kiến trúc, Hội Kiến trúc sư Việt Nam:

Hình thành tour xe đạp

Ngoài tuyến đi bộ dạo mát, dọc sông Hương cần được đầu tư tuyến đạp xe. Điều đó hoàn toàn có thể thực hiện nếu hai bờ sông Hương được đầu tư bài bản với chiều dài hơn 16 cây số. Không hẳn đoạn nào cũng đạp xe nhưng nếu có thể cũng cần thêm tuyến này để làm phong phú thêm cho dịch vụ đôi bờ.

Ngành kinh tế mũi nhọn của Huế là du lịch dịch vụ. Hàng năm có hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước đến Huế, trong đó có khá nhiều khách thuê xe đạp dạo quanh TP Huế. Vì thế mà dịch vụ cho thuê xe đạp khá phát triển. Nên các bờ sông được đầu tư tuyến đạp xe và có điểm dừng để ngắm sông, chắc chắn sẽ thu hút thêm khách.

Không chỉ sông Hương mà rất nhiều con sông ở Huế đang thiếu dịch vụ hai bên bờ sông. Cùng với sự ra đời của dịch vụ này, các bờ sông cũng cần được đầu tư chiếu sáng để làm lung linh thêm thành phố vào ban đêm.

Tâm Huệ
(Theo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

“Cụ” xà cừ 100 năm ở Huế được giữ “sinh mạng’ nay đã lên mầm xanh

“Cụ” xà cừ 100 năm ở Huế được giữ “sinh mạng’ nay đã lên mầm xanh

Mầm xanh đã hồi sinh trên cổ thụ được trồng lại sau khi bị bão

Xây dựng Huế là điểm đến hạnh phúc

Xây dựng Huế là điểm đến hạnh phúc

Huế đang được cộng đồng du lịch đánh giá là điểm đến để tìm kiếm

Chân dung bếp trưởng mang ẩm thực Huế ra thế giới

Chân dung bếp trưởng mang ẩm thực Huế ra thế giới

Là một trong số những đầu bếp sẽ tham dự Ngày ẩm thực Việt Nam

Du lịch trên những tuyến sông vẫn còn để ngỏ

Du lịch trên những tuyến sông vẫn còn để ngỏ

Chiều đó, khi nhìn những chiếc tàu ngược xuôi với mật độ khá dày đặc

Huế vận động tháo dỡ hàng rào trên đường Lê Lợi dọc sông Hương

Huế vận động tháo dỡ hàng rào trên đường Lê Lợi dọc sông Hương

Đường Lê Lợi dọc sông Hương được mệnh danh là "Phố bảo tàng" và  chính

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose