Văn hóa Huế | Homepage

Truyền thuyết linh thiêng về di tích Hổ Quyền, điện Voi Ré ở Huế

🕔21.May 2015

Xưa kia, Hổ Quyền là đấu trường giữa voi và hổ, còn điện Voi Ré là nơi thờ những chú voi chiến đã xông pha trận mạc. Ngày nay, đây là nơi du khách tới tham quan, tìm hiểu về những nét bí ẩn, độc đáo.

Nằm cách trung tâm TP Huế (Thừa Thiên – Huế) chừng 5km, hai chứng tích Hổ Quyền và Voi Ré (còn gọi là Long Châu Miếu – PV) nằm lọt thỏm trong một con hẻm nhỏ thuộc khu vực Long Thọ, phường Thủy Biều, TP Huế. Đây là hai địa danh độc đáo thuộc quần thể di tích Cố đô Huế, hàng năm thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến du ngoạn, tìm hiểu.

Truyền thuyết kể lại rằng, dưới thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, trong một trận giao tranh với quân đội Đàng Ngoài, một dũng tướng của Đàng Trong đã hy sinh giữa trận. Đau buồn trước cái chết của chủ, con voi của vị dũng tướng này đã tháo chạy một quãng đường dài hàng trăm dặm từ chiến địa về tận thủ phủ Phú Xuân. Khi đến địa điểm phía Đông của đồi Long Thọ, nó đã rống lên một tiếng dữ dội vang trời như một sự phẫn uất, đau thương cùng cực rồi ngã quỵ xuống đất và chết.

Cảm động trước sự trung thành của một con vật có nghĩa linh thiêng, người dân địa phương đã làm lễ an táng và xây mộ để thờ phụng rất trang nghiêm. Ngay sau khi lên ngôi, vua Gia Long đã cho xây dựng bên cạnh mộ con voi một ngôi điện thờ với tên gọi Long Châu Miếu để thờ các vị thần bảo vệ và thờ bốn con voi dũng cảm nhất trong chiến trận của triều Nguyễn.

   Truyền thuyết linh thiêng về di tích Hổ Quyền, điện Voi Ré ở Huế - Ảnh 1

Cổng Tam quan điện Voi Ré

Cụ Nguyễn Hữu Vinh (75 tuổi), trú tại khu vực Long Thọ, phường Thủy Biều (TP Huế) cho biết: “Thực chất, di tích điện Voi Ré không có chứng tích rõ ràng mà chỉ nghe kể lại từ truyền thuyết. Theo đó, có người cho rằng, điện Voi Ré được xây dựng từ thời vua Quang Trung và vua Gia Long, nhưng thực chất hai vị vua này đánh giặc không đánh bằng voi. Người khác lại cho rằng, điện được xây dựng từ thời chúa Nguyễn Hoàng, nhưng khi chúa Nguyễn vào miền Trung thì đóng đô tại Quảng Trị và sau khi dời đô vào Huế thì đóng tại Phước Yên, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên – Huế)”.

Cũng theo cụ Vinh, vào năm 1885 khi kinh thành thất thủ, lúc này thực dân Pháp tấn công vua Hàm Nghi để vào Đại nội, dân chúng bỏ chạy tán loạn. Lúc này, bất ngờ có hai chú voi (dùng để kiệu vua khi tế trời tại Đàn Nam Giao và Đàn Xã Tắc – PV) chạy ra trấn áp ngay giữa cửa Ngọ Môn và cho dân chúng núp dưới bụng voi để né tránh. Thế nhưng, do quân Pháp tấn công quá dữ dội, hai con voi đã bỏ chạy ra cửa Sập (nay là cửa Hiển Nhơn), theo hướng lên Kim Long, đi ngang qua cồn Dã Viên rồi vượt sông Hương, chạy thục mạng về phía đồi Long Thọ thuộc làng Nguyệt Biều (nay là phường Thủy Biều), sau đó ré mạnh, liên tiếp rẩy đạn ra khỏi thân và ngã quỵ xuống đất. Từ đó mới có điện Voi Ré và nơi đây trở thành chốn linh thiêng khiến nhiều người kính sợ.

Cách điện Voi Ré không xa là di tích Hổ Quyền. Di tích này được vua Minh Mạng cho xây dựng vào năm 1830, đây là nơi nuôi nhốt hổ và đấu trường giữa voi và hổ. Trước khi Hổ Quyền được xây dựng, những trận đấu giữa voi và hổ được các chúa Nguyễn tổ chức tại cồn Dã Viên trên sông Hương.

Truyền thuyết linh thiêng về di tích Hổ Quyền, điện Voi Ré ở Huế - Ảnh 2

Cảnh bên ngoài di tích Hổ Quyền

Liên quan đến di tích này, cụ Nguyễn Hữu Vinh, một cao niên cho biết: “Hổ Quyền được vua Minh Mạng thứ 11 (năm 1830) cho xây dựng nhằm mục đích để quan, nhà vua chọn các thế võ của hổ và voi rồi dạy lại cho binh lính. Trận đấu cuối cùng giữa hổ và voi là vào năm 1904 dưới triều vua Thành Thái. Trong trận đấu đó hổ đã thua và nó nổi điên nhảy phóc ra khỏi trường đấu có chiều cao 10m, khiến dân chúng hoản loạn. Sau trận đấu này, vua Thành Thái đã cho binh lính xây dựng trường đấu cao thêm 2m để đảm bảo an toàn cho các trấn tiếp theo”.

Cụ Vinh kể thêm, trước năm 1975, người dân sống gần khu vực hai chứng tích này rất nơm nớp lo sợ khi hàng đêm thường nghe tiếng gầm rú của voi và hổ. Nơi đây trở thành chốn linh thiêng, mọi người rất kính cẩn và tôn trọng.

Ngày nay, di tích điện Voi Ré và Hổ Quyền là hai địa điểm tham quan du lịch của du khách trong và ngoài nước.

Dưới đây là một số hình ảnh độc đáo về điện Voi Ré và Hổ Quyền thuộc quần thể di tích Cố đô Huế:

   Truyền thuyết linh thiêng về di tích Hổ Quyền, điện Voi Ré ở Huế - Ảnh 3

Chánh điện miếu Long Châu

   Truyền thuyết linh thiêng về di tích Hổ Quyền, điện Voi Ré ở Huế - Ảnh 4

Miếu thờ voi ở Đông Phối Điện…

   Truyền thuyết linh thiêng về di tích Hổ Quyền, điện Voi Ré ở Huế - Ảnh 5

… và miếu thờ ở Tây Phối Điện

   Truyền thuyết linh thiêng về di tích Hổ Quyền, điện Voi Ré ở Huế - Ảnh 6

Cận cảnh hình tượng chú voi được người dân tôn thờ tại điện Voi Ré

   Truyền thuyết linh thiêng về di tích Hổ Quyền, điện Voi Ré ở Huế - Ảnh 7

Hai ngôi mộ voi được người dân an táng

   Truyền thuyết linh thiêng về di tích Hổ Quyền, điện Voi Ré ở Huế - Ảnh 8

Hồ Điện trước cổng Tam quan, nơi voi uống nước thiêng mỗi khi giao đấu với hổ tại đấu trường Hổ Quyền

   Truyền thuyết linh thiêng về di tích Hổ Quyền, điện Voi Ré ở Huế - Ảnh 9

Bậc cấp lên khán đài đấu trường Hổ Quyền

   Truyền thuyết linh thiêng về di tích Hổ Quyền, điện Voi Ré ở Huế - Ảnh 10

Năm cửa chuồng hổ, trong đó cửa to nhất để nhốt voi

   Truyền thuyết linh thiêng về di tích Hổ Quyền, điện Voi Ré ở Huế - Ảnh 11

Chuồng để nhốt voi trước khi thi đấu tại Hổ Quyền

   Truyền thuyết linh thiêng về di tích Hổ Quyền, điện Voi Ré ở Huế - Ảnh 12

Chuồng để nhốt hổ

   Truyền thuyết linh thiêng về di tích Hổ Quyền, điện Voi Ré ở Huế - Ảnh 13

Bến Long Thọ (còn gọi là bến Đồn), nơi đúng giờ Ngọ, vua ngự thuyền rồng từ Nghênh Lương Đình dọc theo sông Hương để đến Hổ Quyền xem đấu voi và hổ

   Truyền thuyết linh thiêng về di tích Hổ Quyền, điện Voi Ré ở Huế - Ảnh 14

Một góc cồn Dã Viên trên sông Hương, nơi trước đây được chúa Nguyễn tổ chức đấu voi và hổ

Phi Hoàng
(Theo Người đưa tin)

 

Similar Articles

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Nhiều thế hệ Việt Nam, đã từng quen thuộc với hình ảnh "chú bé loắt

Bắp miệt Cồn

Bắp miệt Cồn

Cồn Hến, nhìn lên cầu Trường Tiền - Ảnh: wikipedia Mỗi lần qua về Cồn Hến,

Tản mạn hành trình bún Việt

Tản mạn hành trình bún Việt

Trong ẩm thực Việt Nam, bún là loại món ăn được ưa thích, có mặt

Bánh ướt dẻo trắng mượt mà…

Bánh ướt dẻo trắng mượt mà…

Chiều chiều, chay xe lên Kim Long ngắm dòng Hương xinh đẹp, tạt vào quán

Đường đến lăng mộ vua Gia Long hơn 100 năm trước khác gì?

Đường đến lăng mộ vua Gia Long hơn 100 năm trước khác gì?

Theo ghi chép cửa Leopold Cadiere, đường đến lăng mộ Gia Long buộc phải đi

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose