Văn hóa Huế | Homepage

“Giữ lại nhé em, chút mong manh xứ Huế…”

🕔05.Jun 2015
Tôi đã nuôi dài ngần ấy năm những sợi thương, sợi nhớ. Chẳng hứa hẹn với ai mà tôi cứ giữ mãi một mái tóc thề, chờ đợi…
Mợ tôi vẫn thường hay kể, con gái ngày xưa chẳng như bây chừ, chỉ một mái tóc đen nhánh, dài và mượt lắm. Mà lấy đâu ra đủ loại dầu xả, dầu gội, ủ, hấp như thời đại này. Mái tóc ngày xưa đẹp tự nhiên chỉ với những nguyên liệu từ cỏ cây. Thường thì mấy mợ, mấy o dùng bồ kết nấu lên gội đầu, mềm và mượt thấy rõ, chẳng rứa mà có câu “Bồ kết sạch gàu, mần trầu tốt tóc”. Điệu đà hơn, mấy mợ, mấy o bỏ thêm lá thơm: sả, bưởi hay hương nhu để tạo ra vị riêng cho mái tóc. Hơi mất công nhưng được cái rẻ với tự nhiên, mà tóc ai cũng đẹp và đen nhánh lạ kì. Mợ nói, lũ con trai hồi đó thích vuốt tóc con gái lắm, nhất là với những mái tóc đẹp.

Tôi không giống mợ ngày trước, chẳng kì công gội bằng bồ kết với hương nhu. Nhưng anh vẫn thường vuốt tóc tôi như thế. Những ngón tay anh luồn qua kẽ tóc, lướt nhẹ, dịu êm đan lấy từng vòng, đôi mắt đắm say, mân mê từng lọn nhỏ “Tóc em đẹp lắm cô bé ạ. Mẹ anh ngày xưa cũng thế…” Hình như tôi đã trả lời được cho mợ câu hỏi “Tại sao?” Hạnh phúc thi thoảng đến giản đơn, khi một bàn tay dịu dàng nâng niu giữ lấy những sợi thương, sợi nhớ, tôi thấy mình chợt như đứa trẻ thơ, được vỗ về, che chở, được yêu thương. Tôi trở nên nũng nịu mỗi lần anh đưa tay chạm vào suối tóc ấy. Êm đềm rất đỗi.

Sợi nhớ, sợi thương cứ quyên vào nhau đen nhánh, lớn thêm mỗi ngày. Đã bao lần tôi đùa với anh “Hay là em cắt nhé…” Anh vờ giận “Em mà cắt. Anh đi!”

Thế rồi…

Anh đi qua đời tôi như cơn gió thoảng sớm mai, không trở lại. Tóc em dài mấy cũng chẳng níu được chân anh- đôi chân đã quen rong ruổi trên những miền xa, trên những tuyến đường dài Nam- Bắc. Quen cái cách anh dịu dàng mơn man lên làn tóc, nhắm mắt ngửi lấy làn hương, nhớ cái cảm giác ngọt ngào khi những ngón tay run rẩy lùa vào ngọn tóc, “Huế đẹp lắm. Nhưng với anh Huế chẳng thể là chốn dừng chân…” Rồi anh đi.

Đã nhiều năm, hằng đêm em vẫn tự vuốt tóc mình như sợ thời gian sẽ rụng rơi những kí ức. Mỗi sợi tóc đọng trên tay em lại thấy xót lòng khi nghĩ đến anh, khi nghĩ về ngày tháng cũ. Những sợi thương, sợi nhớ cũng già đi, em đếm kí ức của mình bằng tóc rụng. Thi thoảng vẫn nhủ với lòng mình: “Hay là cắt đi…”

Chẳng biết giờ anh có còn nhớ mái tóc người con gái Huế ngày nào anh vuốt, để rồi kịp dặn trước lúc đi xa: “Giữ lại nhé em, chút mong manh xứ Huế.”

“Khi người ta yêu nhau mà gặp biến cố phải chia xa, người con gái thường cắt trao người yêu lọn tóc như một kỉ vật gửi gắm niềm thương, nỗi nhớ thay cho lời thề thủy chung, bền chặt. Mái tóc dài sau đó, người ta gọi là tóc thề.” Tôi nhớ mợ từng nói với tôi như thế.

Lúc đó tôi chỉ cười. Cũng chẳng trao người lọn tóc lúc chia xa, chỉ một tình yêu chớm qua rồi tan biến, mợ có gọi chăng mái tóc tôi tóc thề. Ấy thế, mà tôi vẫn nuôi dài thêm ngần ấy năm những sợi thương, sợi nhớ, chỉ bởi câu nói của một người đã xa.

“Giữ lại nhé em, chút mong manh xứ Huế…”

                                Hoài Cẩm
(Theo TRT)

 

Similar Articles

Mưa Huế, lụt Huế

Mưa Huế, lụt Huế

Những ngày xa nhà làm quen với đời sinh viên ký túc xá, mưa Huế

Lụt Huế

Lụt Huế

Đêm nghe nước lên từng hồi. Từ Chi Lăng, Phú Hậu, An Hoà, Tây Lộc

Lụt Huế

Lụt Huế

Khái niệm bốn mùa xuân, hạ, thu, đông với ông trời xứ Huế cho đến

Quãng nghỉ trong đời

Quãng nghỉ trong đời

Gần đây, rất nhiều người bạn của tôi có mong muốn được trở thành công

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Tôi từng là đứa con nít mê chuyện cổ tích và trò chơi bán đồ

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose