Văn hóa Huế | Homepage

Lá thông khô, mùa này

🕔25.Jun 2015

Mùa này, lá thông rải từng lớp trên đường đi. Thi thoảng, mình dựng xe, xách dép đi chân trần. Một cảm giác mềm mại xôm xốp dưới chân.

Có nhiều sự lựa chọn cho mỗi người. Mình thích đời sống của cỏ cây. Không biết loài hoa chi, thân cây khẳng khiu, hồ như thân không chở nổi nụ hoa, vậy mà nó vẫn nở ra những nụ tím biếc. Mà cần chi biết tên, chỉ cần biết rằng nó là một loài hoa dại.

Nói gì thì nói, Thiên An vẫn là nơi nhiều thông nhất. Nói chính xác hơn là vùng Thiên An, nghĩa là không chỉ có đồi Thiên An, nó bao gồm cả Kim Sơn và Châu Chữ. Những đồi thông phủ lên nơi đây một cuộc sống thanh tịnh, an lành.

Những người dân sinh sống lâu năm ở đây thì không nói làm gì, nhưng có rất nhiều người chọn vùng Thiên An làm nơi hưởng sự an nhàn. Nghĩa là Thiên An vừa tĩnh, vừa xanh, vừa đẹp. Cách đây cả hàng chục năm, chị Bội Trân đã chọn nơi đây để ở. Anh Trần Đài chọn nơi đây làm nơi kinh doanh du lịch với khu Biệt Phủ Thảo nhi khá nổi tiếng.

Nhiều người thường hay nói rằng, Huế đẹp, Huế thơ, Huế mộng mơ, Huế chẳng nơi nào có được…, mình ngờ ngợ nói cho xuôi dòng cảm xúc. Đã không ít người hễ có một cơ hội nào là Nam tiến ngay. Nhưng có một người mình tin là thật, thật một trăm phần trăm, là yêu Huế thật – chị Tạ Thị Ngọc Thảo. Một người không có gốc gác gì với Huế, là người rặt Nam bộ, là một nhà kinh doanh bất động sản giàu có, vậy mà cuối cùng chọn Huế, chọn vùng Thiên An để xây dựng một nơi tĩnh tâm – Cát Tường Quân. Tết vừa rồi chị viết một bài rất hay, rất xúc động về Huế: “Tết quê mình – tết quê người”. Lạ lùng không khi chị đã thừa nhận sự thật này: “Tết quê mình là tết ở Sài Gòn. Tết quê người là tết ở Huế. Nhưng quê mình mà mình không ở nữa, thành ra quê người. Còn quê người mà dung dưỡng mình thì coi như quê mình vậy”. Rồi nữa: “Nếu quê mình mùa mưa kết thúc vào cuối tháng 10 âm lịch, thì quê người lại là tháng mưa dầm, rét đậm và kéo dài cho tới tháng 3 năm sau. Tại quê người, mưa và lạnh là dấu hiệu báo Xuân về. Xem truyền hình thấy người quê mình diện bộ váy ngắn mát mẻ đi chợ Xuân, ngó quanh phố xá quê người thấy ai cũng, hoặc trùm áo mưa, hoặc đầu đội mũ, cổ quấn khăn, còn cái thân thì quần áo vài ba lớp. Tôi thầm nghĩ, với một tiết trời u sầu như vậy liệu Huế, quê người – có không khí tết không?”.

Doi Thien AnẢnh: Internet
Vùng Thiên An đẹp lắm. Đồi Thiên An là những đồi thông ôm trọn hồ Thủy Tiên. Thiên An – Thủy Tiên đã từng đón lớp lớp học trò lên đây cắm trại. Mình tin rằng chính không gian này gieo vào lòng học trò một điều gì đó thánh thiện. Và rất có thể nó đã âm thầm dung dưỡng sự trong sáng của tuổi thơ, đến sự tĩnh tâm của người lớn tuổi.Và tiếc thay, Thủy Tiên bây giờ lẻ bóng. Một dự án du lịch không thành đã trói chặt Thủy Tiên. Thủy Tiên giờ không giao du, không mở lòng ra nữa.

Tuy chậm chân nhưng cuối cùng mình cũng đã chọn vùng Thiên An. Nơi mình lui tới là một khu vườn cũ. Nhờ vậy mới nửa năm mà đã có mít ăn. Vả thì không thể làm gì cho hết. Mùng 5/âm lịch rồi bụi tre cũng cho mấy mụt măng để xáo với vịt xiêm. Cũng biết hài lòng với vài trăm mét vuông ao cá. Có một đôi chim cu sáng nào cũng cúc cu trên cây thông sau nhà. Hôm qua lại thấy nó đơn chiếc bay một mình. Cu là loài sống có đôi có cặp, thủy chung. Rất có thể ai đó đã bẫy mất một con. Cũng thấy tiếc.

Sáng nay, mình lại dựng xe, xách dép để có lại cảm giác mềm mại xôm xốp dưới chân…

Lê Phương
(Theo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Tra Am là ngôi chùa mà tôi biết sớm nhất ở Huế. Đó là khi

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Nhiều thế hệ Việt Nam, đã từng quen thuộc với hình ảnh "chú bé loắt

Bắp miệt Cồn

Bắp miệt Cồn

Cồn Hến, nhìn lên cầu Trường Tiền - Ảnh: wikipedia Mỗi lần qua về Cồn Hến,

Tản mạn hành trình bún Việt

Tản mạn hành trình bún Việt

Trong ẩm thực Việt Nam, bún là loại món ăn được ưa thích, có mặt

Bánh ướt dẻo trắng mượt mà…

Bánh ướt dẻo trắng mượt mà…

Chiều chiều, chay xe lên Kim Long ngắm dòng Hương xinh đẹp, tạt vào quán

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose