Văn hóa Huế | Homepage

Nhớ cát

🕔29.Jun 2015
Những ngày hè, cứ trưa đứng bóng là lũ trẻ xóm mình trốn nhà trèo lên độn cát. Cát độn nóng rát chân nhưng có một sức hút hấp dẫn không cưỡng được là đi bắt con dông. Con dông làng mình gọi là con dôn sống ở dưới những hang khắp các lùm cây bụi cỏ trên độn cát. Chỉ khi trời quá nắng, chúng mới chịu rời hang bò lên mặt cát. Rứa là đứa dùng ná cao su bắn, đứa dùng gậy đập, đứa dùng tay bắt… Thoáng chốc một đứa một xâu dôn mang về nhà. Thịt dôn là một thứ đặc sản của cát. Nói như thằng bạn siêng làm đồ mồi các cuộc nhậu của mình là: “ Giả sử như mâm nhậu ni mà có một đĩa thịt dôn viên chiên thì các đồ mồi khác trở nên ế ẩm…”.
Nhưng món chế biến từ thịt dôn ngon nhất vẫn là dôn nướng ống mung (nứa). Thịt dôn vằm nhỏ, cho màu mè xong nhét vô ống mung rồi lùi vào bếp trấu đến khi ống cháy thì thịt cũng vừa bốc mùi thơm lựng…Nhưng những người ăn thịt dôn ghiền nhất phải kể đến bà con làng trên. Họ làm từng xâu bẫy bằng tre, sáng sớm lên đặt bẫy ở các hàng và đến chiều thì đi thu bẫy. Thịt dôn đã được người dân làng trên đưa vào món khoái khẩu của bữa ăn mùa hè đó là món canh dôn nấu mướp đắng…Bữa trước ngồi ôn lại mấy món nhậu đồng quê, cả mấy thằng cùng quê đều bầu chọn món dôn là số một. Rồi có đứa nói thỉnh thoảng mấy người bà con mang dôn lên Huế cho thì cả mấy thằng đều háo hức: “ Mai mốt nếu có lại cái món dôn thì nhớ kêu mấy anh em làm bựa hí!”…Ở làng khi chưa có điện, những ngày gió Lào nóng như bếp than có một cái thú là đi ngủ độn.Chuyện đi ngủ độn xuất phát từ mấy đứa chăn trâu. Trời nóng quá, muỗi nhiều nên phải dẫn trâu lên cột trên độn cát vào ban đêm vừa mát lại vừa đỡ bị muỗi đốt. Trâu ngủ thì người cũng phải ngủ gần đó để canh chừng. Từ đó sinh ra cái thú ngủ độn. Cát cả ngày phơi giữa nắng nóng là thế nhưng khi đêm xuống thì cát hóa thành mát rượi, gió trời thì lồng lộng, trăng sao cứ như ở cạnh mình. Nằm ngủ độn vừa mát lại nghe đủ thứ chuyện trên đời từ chuyện ma, chuyện yêu đương, chuyện hài…Rồi thỉnh thoảng nửa đêm, mấy đứa đói bụng rủ nhau về làng bẻ mía, đào khoai, hái ổi…Mình cũng tham gia ngủ độn được mấy đêm và may mắn là chưa được tham gia những “phi vụ” của mấy đứa đàn anh. Nhưng chuyện cũng đến tai ba mình và từ đó bị cấm hẳn chuyện đi ngủ độn…

Nhớ mùa hè năm mình học lớp 7, bỗng dưng một loại hoa cỏ dại trở thành hàng hóa. Hồi đó người ta nói loài cỏ đó là cây kim tiền thảo. Nhưng sau này hỏi lại giáo sư Gu- gồ thì không phải. Loài cỏ đó tên chi chừ cũng không biết, riêng làng mình đặt cho loài cỏ này cái tên dân dã là cây trọc trọc. Gọi là “trọc trọc” bởi hoa cây cỏ này giống như những cái đầu trọc màu trắng. Rứa là cả làng cơm đùm, nước bới đi nhổ cây trọc trọc. Loài cỏ này mọc trên cát, nhiều nhất là ở những cánh đồng cỏ dại gần với biển. Từ rú của làng mình đến những cánh đồng trọc trọc cũng mấy cây số. Những cánh đồng hoa cỏ trọc trọc mọc trắng xóa rất đẹp cứ hẹp dần hẹp dần. Từng gánh, từng bao trọc trọc được mang về nhà, dùng dao cắt lấy cái hoa của cỏ và bán lấy tiền tươi. Đó cũng là một món lộc bất ngờ của cát dành cho những người dân quê nghèo một thuở…

Hết mùa trọc trọc, khi gió Lào thổi mạnh, trẻ con trong xóm mình  lại  lên độn cát đi nhặt nhôm đồng bán kiếm tiền ăn vặt. Tờ mờ sáng cả bọn rủ nhau đi lên độn Ổ Gà, độn Thanh Hương, hay có khi ra tận biển Khê của Quảng Trị (những địa danh đã từng xảy ra những  trận đánh khốc liệt) để tìm phế liệu là những vỏ đạn bằng đồng rơi vãi và có cả những chiếc bi đông, mũ cối của chiến tranh để lại… Có bữa mấy đứa nhặt được mấy lon thịt hộp, mở ra thấy hấp dẫn quá nên cho vào miệng luôn. Cũng may là chẳng đứa mô đau bụng cả.

Những lần đi xa giữa trùng vây của cát mới thấy cát thật đẹp. Đó là những đồi cát trắng được thiên nhiên bồi đắp nên mà tụi mình gọi là cụp. Cụp con voi, cụp bàn cờ…Ở dưới chân những cụp cát thật diệu kỳ là những hồ nước trong xanh có thể nhìn sâu thấy đáy. Và giữa mênh mông cát và cát đó có một loài chim cánh trắng gọi là chim dàng. Chúng làm tổ trên cát, thỉnh thoảng thấy bóng người chúng sà xuống xẹt ngang người như hù dọa cũng như để làm quen…Lần cuối cùng mình ngồi chơi với cụp cát là hè năm cuối sinh viên. Đêm đó, mấy anh em thân thiết cùng làng rủ nhau ra cụp ngồi ngắm trăng, uống rượu. Những  đồi cát dải vàng dưới ánh trăng lấp lóa đẹp đến lạ.

Làng mình trước mặt là sông, sau lưng là độn cát và bên nhà là mội. Mội là một ao nước nhỏ có mạch nước ngầm từ chân độn cát phun lên, nước luôn đầy, trong xanh và mát lạ lùng. Có người giải thích rằng: Mội là một trong những dấu tích của người Champa để lại dọc vùng đất ven biển của Thừa Thiên Huế; cũng có lý lắm! Như cái mội ở đầu xóm mình gọi là mội ong bởi vì nó được xây bởi những lớp đá tổ ong vững chãi và có cả những tảng núi thật to đặt trên lòng mội để người dân giặt giũ.Hỏi những người già ở làng những tảng đá kia có từ lúc nào thì chẳng ai biết cả bởi vì chúng  đã có  trong lòng mội từ những năm xưa… Cái mội ong của xóm mình to nhất làng và mình cũng chưa thấy cái mội nào to, nước lại trong xanh, tràn đầy và mát như mội ong.  Mình lớn lên, mùa hè cứ ngày hai buổi trưa, chiều lên ngụp lặn ở cái mội này, vừa tắm vừa đùa giỡn với mấy đàn cá mặt trăng, cá thia. Nước mội chỉ ngập ngang đầu gối nên cha mẹ chẳng ai cấm con cái đi tắm mội cả.Thú nhất là cả lũ  lên rú cát lủi  đi hái móc, mao, bù tru ăn thỏa thuê rồi về mội “đại náo”  đủ trò. Phải đến khi tốt nghiệp cấp 3 mình mới thôi tắm mội mỗi ngày. Bữa trước về làng muốn tìm lên mội chơi để nhớ lại tuổi ấu thơ nhưng ôi thôi mội ong đã không còn. Con đường lên mội cũng đã bị phá đi. Cây cỏ thời gian và sự lơ đãng của con người đã vùi lấp mất dòng nước mát trong của tuổi thơ mình…


Đứng từ trên độn cát nhìn xuống thì xóm làng là một bức tranh đẹp

“Truông tàn thì làng mạt”. Truông chính là địa điểm tiếp giáp giữa đường cát với các xóm dân cư: truông xóm Kế, truông xóm Đình, truông xóm Khe…Hầu như xóm mô cũng xây dựng một miếu thờ ở truông hương khói quanh năm là nơi thờ tự và cúng cấp các dịp lễ tết. Tất nhiên, cây cối ở truông là những cây cổ thụ đã được trồng từ xa xưa để chắn cát vùi lấp xóm làng trong những cơn hồng thủy.Trèo qua truông thì lên đến rú. Làng mình đã mất đi nhiều lũy tre xanh dọc theo các lối xóm khi đường đi bê tông hóa; may mà rú vẫn còn xanh. Những bụi cây dại mọc xanh um tùm và chim chóc vẫn bay về làm tổ yên bình…

Mỗi lần về làng, mình vẫn thích nhất cảm giác trèo qua  truông vô thăm rú và  khi chiều xuống đứng trên độn cát để ngắm hoàng hôn . Đứng từ trên độn cát nhìn xuống thì đúng là xóm làng là một bức tranh đẹp. Mặt trời từ từ lặn cứ như chìm dần xuống dòng nước xanh của dòng Ô Lâu, là ruộng đồng bát ngát, là ngôi chùa làng nép mình dưới những bóng xanh cổ thụ và cả những mái nhà gần gụi trong xóm nhỏ thân thương đang quyện khói bếp chuẩn bị cho bữa cơm chiều trong từng mái ấm…

Phi Tân
(Theo TRT)

 

Similar Articles

Ủ Tết (Thì thầm lá hoa)

Vườn bà tôi ngày trước đầy hoa trái, bốn mùa xanh rợp lá cây, hầu

Nhớ những chuyến xe lam

Nhớ những chuyến xe lam

Hôm qua chú em họ đăng Facebook về những chiếc xe lam - một thời

Trong bóng dáng mệ quê

Trong bóng dáng mệ quê

Những ngày này Huế mưa, nhớ mạ thiệt nhiều, mà đi chợ càng nhớ hơn,

Lụt Huế

Lụt Huế

Khái niệm bốn mùa xuân, hạ, thu, đông với ông trời xứ Huế cho đến

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Tôi từng là đứa con nít mê chuyện cổ tích và trò chơi bán đồ

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose