Văn hóa Huế | Homepage

Đêm hoa đăng Sông Hương

🕔20.Jul 2015
Đêm xuống. Khi những ngọn nến được thắp lên, mỗi người chúng tôi lại nâng niu đóa hoa đăng trong tay với nhiều ước nguyện, mang ra trước mũi thuyền, thả trôi theo dòng nước… Sông Hương về đêm, lấp lánh những ánh hoa đăng.
Sông Hương, con sông trữ tình của xứ Huế. Sông đã bao nhiêu tuổi, đời sông đã thao thiết chảy qua bao năm tháng đời người. Sông là chứng nhân cho thời gian lịch sử, cho những cuộc đời, những cuộc tình và nữa là những dòng cảm xúc thi, ca, nhạc, họa…

Tôi có nhiều lần theo thuyền ngược dòng Hương Giang. Đứng trước mũi thuyền mới thấy dòng sông mênh mông vô tận, điệp trùng giữa núi non thăm thẳm nhưng cũng thật gần gũi biết bao. Sông Hương là nơi lưu giữ trái tim của xứ Huế mà như một nhà thơ nào đã nói đại ý rằng: Sông Hương không tạo nên những bãi những bờ nhưng đã âm thầm vun đắp nên những bãi bồi văn hóa khi chảy qua xứ Huế. Còn nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường chẳng đã từng băn khoăn: “Nếu có một biến động địa chất nào đó xảy ra thật nhẹ nhàng, khiến cho chỉ sau một đêm thức dậy, người ta bỗng thấy hai bờ sông Hương đã líp lại với nhau- nghĩa là thành phố Huế vẫn y nguyên, nhưng sông Hương không còn nữa… Vâng, giả sử là như vậy, thì liệu người trong nước, ngoài nước còn buồn nhắc tới Huế nữa không? Có lẽ ai đó vẫn còn tìm về, để rồi nhận ra cái tâm Huế trong mình đã khác. Nước vẫn chảy về đông, nhưng với Huế tuồng như không phải thế, sông Hương là một dòng ký thác tự chảy vào lòng mình”.

Mỗi con sông đều mang theo dòng chảy của mình những phận đời và mỗi đời người lại mang trong mình bóng hình của một dòng sông. Có lẽ vì thế chăng mà người Huế thường mượn hoa đăng gửi gắm nỗi niềm với dòng Hương? Thầy tôi vẫn thường nói: “Sông Hương là con sông tâm linh của xứ Huế.” Hoa đăng trở thành thứ ngôn ngữ để chuyển tải tâm tình, chuyển tải lòng thành với dòng sông, với thiên nhiên bí ẩn nhưng nhân từ. Người Huế thường thả hoa đăng trên sông Hương trong những dịp lễ hội. Người nơi khác ghé Huế cũng tìm đến dòng Hương để thả hoa đăng cầu nguyện. Thường là sau những buổi nghe ca Huế hay sau những buổi kinh cầu an của các sư cho những người đã khuất, những chiếc đèn hoa sẽ được người chuyền tay nhau thả xuống mặt nước. Cả dòng sông lấp lánh ánh hoa đăng trong màn đêm huyền ảo…

Mỗi ngọn đăng là một câu chuyện, một ước nguyện mang theo. Đó có thể là lời nguyện cầu cho người đã khuất, đó cũng có thể là sự mong cầu bình an cho gia đình, người thân và xa hơn là cho quê hương, xứ sở.  Tôi cũng luôn tin rằng chẳng ai cầm đóa hoa đăng trong tay lại không hướng thiện, không nghĩ về điều gì tốt đẹp để mong cầu, để ước mơ. Hoa đăng tỏa sáng cũng là lúc thắp lên trong lòng người ngọn nến yêu thương, ấm áp của tình người. Ngọn đèn sẽ theo dòng sông xuôi qua phố thị, xóm làng, tỏa sáng những nơi nó đi qua rồi trở về với biển cả. Những ngọn hoa đăng cũng đưa bao  người khám phá dòng Hương,  khám phá cả vẻ đẹp nhân văn của Huế.

Tôi thấy những em bé reo vui trước dòng sông đăng. Tôi thấy người già im lặng dõi mắt theo dòng hoa đang chầm chậm trôi về hướng biển. Tôi thấy lấp lánh những ngọn đăng tỏa rạng trong mắt người và trong cả mắt tôi…

                                    Hoài Cẩm
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

 

Similar Articles

Mưa Huế, lụt Huế

Mưa Huế, lụt Huế

Những ngày xa nhà làm quen với đời sinh viên ký túc xá, mưa Huế

Lụt Huế

Lụt Huế

Đêm nghe nước lên từng hồi. Từ Chi Lăng, Phú Hậu, An Hoà, Tây Lộc

Lụt Huế

Lụt Huế

Khái niệm bốn mùa xuân, hạ, thu, đông với ông trời xứ Huế cho đến

Quãng nghỉ trong đời

Quãng nghỉ trong đời

Gần đây, rất nhiều người bạn của tôi có mong muốn được trở thành công

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Tôi từng là đứa con nít mê chuyện cổ tích và trò chơi bán đồ

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose