Văn hóa Huế | Homepage

Mênh mông hồ Truồi

🕔05.Jul 2015
Mặc dù Huế đang trải qua một mùa hạn khắc nghiệt từ nhiều tháng nay, nước hồ rút xuống khoảng gần 2 mét, song, lòng hồ vẫn còn mênh mông lắm. Ai nấy đều thỏa mãn ngắm nhìn cảnh mây nước mênh mông…“Chạy gạo” mãi cũng oải, nhân kỷ niệm ngày tốt nghiệp ra trường, mấy anh em lên kế hoạch làm một chuyến picnic đâu đó để “bồi bổ” lại sức khỏe. Tọa độ được ngắm tới là một vài địa chỉ sinh thái. Nhưng đùng cái, đến “giờ G” thì các thổ địa quen biết báo tin chỗ thì suối khô, chỗ thì quá tải, ồn ào náo nhiệt, không thích hợp cho lứa tuổi sắp “gối mỏi chân chồn” như chúng tôi.

Lên thượng nguồn hồ Truồi
Ô tô thuê đã đến và chờ sẵn. Tình hình có vẻ gay hung. Anh em nhăn mày nhíu trán hiến kế, vẫn chưa tìm ra chỗ thích hợp. Bỗng một người hô:
- Thôi, đi hồ Truồi.
Hồ Truồi? Ở đó có Trúc Lâm thiền viện. Ngó bộ không hợp. Ấy là nơi cửa Phật chay tịnh. Anh em mang bia bọt, đồ mồi đến soạn ra, e bất lịch sự.
Bắt cá suối phục vụ du khách

– Ai bảo qua Trúc Lâm thiền viện chi. Mình thuê thuyền, chạy tuốt lên thượng nguồn mà chơi, không ảnh hưởng tới ai hết. Vòng ra, có nhu cầu thì ghé lên thiền viện sau- Người đưa ra đề xuất “diễn giải” thêm.

- Thượng nguồn hồ Truồi mình tới rồi. Vô tận nơi vất vả lắm, nhiều tảng đá cheo leo, bò qua rất mệt, nhất là đoàn mình có nhiều người đã đứng tuổi. – Một người khác trong đoàn tham gia ý kiến.
- Thượng nguồn nhưng nhiều vị trí, có con khe vào thì khó, nhưng có khe rất gần, rất tiện.- Người đưa ý tưởng ban đầu tiếp tục bảo vệ.
OK, vậy thì lên đường, không bàn tới bàn lui lôi thôi.
Xe từ Huế chạy về phía nam, ngang ngã ba Ràng Bò thì rẽ phải. Đường sá rất thuận. Vượt một số ngọn đồi lúp xúp phủ đầy rừng tràm, bên dưới là vô số những ổ ong được nuôi để lấy mật. Dân thành phố nhiều người thấy cảnh này rất lạ và thú vị. Hồ Truồi đây rồi. Phía bên kia, Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã ẩn hiện dưới những tán rừng; cảnh quang đẹp như tranh vẽ thúc giục bước chân mọi người nhanh nhanh viếng thăm, khám phá.
 Tại điểm bán vé tham quan người ta đồng thời có dịch vụ phục vụ các nhu cầu thiết yếu cho du khách: chiếc nón, cái ô che nắng, hay đôi dép đế thấp để dễ đi núi. Khách nếu có nhu cầu mua bia hay các loại nước giải khát, kể cả đá lạnh mang theo đều được đáp ứng nhanh chóng. Giá thuyền tham quan mỗi chiếc (bao trọn) 600.000 đồng, chở 12 khách. Tùy nhu cầu của khách, có thể sang thăm thiền viện trước, sau đó lên thượng nguồn hoặc ngược lại.
Chúng tôi xuống thuyền, mọi người yên tâm vì áo phao có sẵn đầy đủ cho mỗi người ngay tại chỗ ngồi. Mặc dù Huế đang trải qua một mùa hạn khắc nghiệt từ nhiều tháng nay, nước hồ rút xuống khoảng gần 2 mét, song, lòng hồ vẫn còn mênh mông lắm. Ai nấy đều thỏa mãn ngắm nhìn cảnh mây nước mênh mông, xua tan nỗi lo trên đường về Truồi là e hồ cạn trơ đáy như một số hồ của khu vực Nam Trung Bộ mà mấy bữa qua ti vi đã phản ánh.
Hồ Truồi có diện tích khoảng 400 ha, dung tích lòng hồ 60 triệu mét khối nước. Đập Truồi ngăn nước cao 50 mét được đầu tư xây dựng vào năm 1996 và được biết đến như là công trình thủy lợi lớn nhất ở tỉnh Thừa Thiên Huế lúc đó. Có tất cả bốn con suối đổ vào hồ Truồi là suối Hợp Hai, Vũng Thông, Ông Viên và Ba Trại. Không rõ con suối chúng tôi được chủ thuyền đưa vào tên gọi là gì, chỉ biết từ khi rời bến, thuyền chạy chỉ chừng 20 phút là tới. Từ đầu cửa suối, chúng tôi xuống thuyền đi bộ, một đoạn đường trập trùng với nhiều ghềnh đá nhấp nhô, đẹp… lãng mạn và khá dễ đi. Chừng mươi phút là đến nơi hạ trại. Gọi là trại cho oai, chứ thực ra đã có tán rừng che phủ hết, một vài cái sạp đã được người kinh doanh bố trí sẵn để phục vụ du khách. Thoải mái dùng, không ai thu thêm phí, có lẽ tất cả đã được tính vào phí dịch vụ bến bãi, thuyền bè. Nghe giới thiệu, trước đó chúng tôi quyết định thuê nhà thuyền làm cho mẻ lưới cá suối. Thấy cũng đơn giản, một tấm lưới hẹp chừng 3m, buộc 2 thanh tre 2 bên, 2 thanh niên cứ vậy cầm mà xúc. Chỉ vài lượt là đầy một bao cỡ vài ba kg. Hỏi giá, 400.000 đồng. Hơi đắt, nhưng thôi, “ăn chơi sá chi tốn kém”. Với lại, có lẽ thưa thưa mới có một đoàn, tạo điều kiện cho bà con có thu nhập.
Suốt một buổi “trời của ta đất của ta”, và cũng chỉ có…một mình đoàn ta với đoàn ta, không ai quấy rầy và cũng chẳng sợ quấy rầy ai, chúng tôi ăn uống, hát ca, cười đùa thoải mái. Ai cũng như trở lại tuổi học trò một thuở cho dù trên đầu đã 2 thứ tóc. Thích nhất là được đắm mình trong dòng suối mát lạnh. Con suối nhiều tầng nấc, chảy từ trên núi xuống, mỗi nấc lại tạo thành một hồ nước trong veo với độ sâu vừa phải cho mọi người thỏa thích vẫy vùng ngâm tắm. Mùa hạn, nhưng dòng nước vẫn ầm ào tuôn chảy không ngưng nghỉ. Cảm ơn thảm rừng xanh Bạch Mã đã giữ gìn và ban tặng cho đời những dòng nước quý giá.
Cuộc vui qua mau, chúng tôi lưu luyến giã biệt hồ Truồi. Trước khi rời đi, không ai bảo ai nhưng nhiều thành viên trong đoàn đã tự động gom tất cả các loại bao bì, giấy lá…cho gọn vào một túi và bỏ vào giỏ rác. Hy vọng đơn vị quản lý sẽ cho người thu gom thường xuyên để giữ cho hồ thường xanh. Kể từ đây, trong “bản đồ du lịch” của các thành viên trong đoàn chúng tôi đều đã có thêm một dấu chấm mang tên hồ Truồi. Hẹn sớm ngày tái ngộ…
Huy Khánh
(Theo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Nhiều thế hệ Việt Nam, đã từng quen thuộc với hình ảnh "chú bé loắt

Bắp miệt Cồn

Bắp miệt Cồn

Cồn Hến, nhìn lên cầu Trường Tiền - Ảnh: wikipedia Mỗi lần qua về Cồn Hến,

Tản mạn hành trình bún Việt

Tản mạn hành trình bún Việt

Trong ẩm thực Việt Nam, bún là loại món ăn được ưa thích, có mặt

Bánh ướt dẻo trắng mượt mà…

Bánh ướt dẻo trắng mượt mà…

Chiều chiều, chay xe lên Kim Long ngắm dòng Hương xinh đẹp, tạt vào quán

Đường đến lăng mộ vua Gia Long hơn 100 năm trước khác gì?

Đường đến lăng mộ vua Gia Long hơn 100 năm trước khác gì?

Theo ghi chép cửa Leopold Cadiere, đường đến lăng mộ Gia Long buộc phải đi

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose