Văn hóa Huế | Homepage

Bên sông tự thoại

🕔02.Aug 2015
Một điều mà Huế khiến nhiều đô thị khác phải ganh tị là thành phố này được thiên nhiên và tiền nhân tạo lập, ban tặng cho nhiều con sông tuyệt đẹp. Ngoài siêu phẩm Hương Giang thì Đông Ba, An Cựu, Như Ý, Ngự Hà… đều là những dòng sông mà nhiều nơi ao ước.

Hàng quán trên bờ càng nhiều, những công nhân MTĐT lại càng vất vả

Nghịch lý

Không chỉ cung cấp nguồn nước, dự phần giao thông, góp công thoát lũ, mà những dòng sông Huế còn có vai trò rất lớn, rất quan trọng trong việc hình thành cảnh quan và điều hòa khí hậu cho Huế. Nhiều năm gần đây, tỉnh, thành phố Huế đã đầu tư nhiều tâm sức, tài lực để giải tỏa vạn chài, nhà cửa, chỉnh trang tôn tạo cảnh quan đôi bờ… khiến cho các con sông của Huế càng ngày càng trở nên đẹp đẽ; thành phố cố đô, thành phố di sản có thêm những điểm nhấn đắt giá khiến du khách ngỡ ngàng, người dân thỏa nguyện.

Tuy nhiên, một nghịch lý diễn ra là sự chiếm dụng. Không biết có ai bật “đèn xanh đèn đỏ” gì chăng mà đôi bờ các con sông rất nhiều đoạn sau khi được chỉnh trang là lập tức bị người ta tấn chiếm để bán buôn; mà phổ biến nhất và cũng nhức nhối nhất là các quán nhậu. Khỏi tiền thuê mặt bằng (?), cảnh quan lại tuyệt đẹp, gió mát sông xanh, quá tiện. Vậy là cứ thế tha hồ mọc; nhà này bán được thì nhà kia bán được. Mùa nắng nóng, dân nhậu cứ nhắm bờ sông mà trực chỉ. Tiếng chai lọ, tiếng dzô dzô ồn ào náo nhiệt, nghẹt kín đôi bờ…

Đường Trịnh Công Sơn dọc sông Hương sau khi hình thành đã rất nhanh chóng trở thành con đường nhậu nhẹt. Ảnh: Hàn Đăng

Công viên tha hồ bị giẫm nát; rác rưởi tha hồ xả; và dòng sông cũng tha hồ bị phóng uế. Ngân sách bỏ ra để dọn dẹp chỉnh trang; nhưng thành quả thì chỉ một số người được hưởng. Có bất hợp lý chăng?

Thực trạng trên gây rất nhiều bức xúc trong dư luận, nhưng tại sao cứ mãi kéo dài? Trung tâm Công viên cây xanh thành phố là đơn vị được giao trách nhiệm quản lý hệ thống các công viên, trong đó có hệ thống công viên dọc đôi bờ các con sông. Tuy nhiên, không nói thì chắc mọi người đều rõ, “quyền lực” và phương tiện của đơn vị này là rất hữu hạn và dĩ nhiên chủ các quán nhậu phần đông đều “không cần để tâm”. Sâu sát nhất và đủ quyền năng nhất phải là chính quyền các địa phương. Song, có cảm giác là địa phương cũng đánh trống bỏ dùi nên các hộ kinh doanh sinh nhờn.

Có dịp trò chuyện với một số cán bộ địa phương, không ít người than phiền về nghịch lý của cái sự mỏng lực lượng và cái sự “trơ lì” của người kinh doanh; hễ phường có mặt thì dọn dẹp, còn quay lưng thì đâu lại hoàn đấy. Chưa kể, hoạt động kinh doanh ăn uống nhậu nhẹt lại diễn ra chủ yếu vào chiều tối về đêm nên lại càng khó quản, khó phối hợp với các lực lượng chức năng. Nghe ra rất hữu lý và rất dễ cảm thông. Tuy nhiên, người khó tính thì lại không dễ dàng chấp nhận như vậy. Ấy là do ta nhẹ nhàng du di quá thể. Hãy cứ làm thật nghiêm đi, thật công bằng đi (nghĩa là ai vi phạm là xử lý, không phân biệt “thân, sơ”), và phạt cũng thật nặng đi. Lời lãi không đủ tiền nộp phạt, dứt khoát người ta phải chờn!

Hồi ức và nỗi âu lo

Trưa, ngồi với mấy người khách từ một nhà hàng ven sông. Bên ngoài, trời nắng chang chang như đổ lửa. Bỗng nhớ và thèm cái cảm giác được nhảy ùm xuống sông vẫy vùng thỏa thích trong dòng nước xanh trong, mát lạnh. Dòng sông vẫn đó, rất gần, mà cái cảm giác ấy thì lại đã rất xa. Không phải bởi bây chừ đã tha hồ nước máy mà bởi thật tình dòng nước kia đã không còn xanh, không còn trong, không còn mát thơm nữa. Mà đâu phải xa xăm gì, mới chỉ có mấy chục năm, một khoảng thời gian ngắn chỉ như một chớp mắt đối với đời sông…

Khai thác cát sỏi không tuân thủ quy hoạch luôn là vấn nạn của các con sông Huế

“Đô thị hóa, phải chấp nhận thôi…”- tiếng một người bạn khi thấy tôi hoài niệm. Ừ, thì cũng đành vậy. Nhưng sao vẫn nghe lòng không yên, cứ ray rứt mãi hoài với rất nhiều dấu hỏi. Như cái chuyện “biến” bờ sông thành bãi nhậu rồi điềm nhiên xả thải; như cái chuyện rằm to vía lớn ba mươi mồng một là vàng mã áo binh lại tung đầy mặt nước; như cái chuyện tiểu thương các ngôi chợ không hiếm người cứ xem lòng sông là thùng rác công cộng; như cái chuyện khai thác cát sỏi vô tội vạ; như cái chuyện nước thải đủ loại thoải mái tuôn thẳng xuống sông chẳng cần xử lý… Tất thảy đều đã được vạch mặt chỉ tên song lộ trình hạn chế cản ngăn xem chừng rề rà nhiêu khê đến sốt ruột. Lắm lúc nghĩ hơi cực đoan, hay là ta cũng áp dụng kiểu xử phạt như Singapore? Nghiêm khắc, cứng rắn và tạo cảm giác hổ thẹn cho người vi phạm. Đồng thời, cũng có hình thức tương ứng, thậm chí nặng hơn, cho nhưng ai bao che, “chống lưng” cho người vi phạm (nếu có). Thế mới bảo vệ được đô thị, bảo vệ được môi trường.

Không nên và không thể vì lý do kinh tế đang khó khăn, vì ưu tiên cho phát triển sản xuất kinh doanh mà “du di”, mà xem nhẹ câu chuyện môi trường, đặc biệt là môi trường nước của các con sông. Nhà hàng, quán nhậu, và nhất là các cơ sở y tế, cơ sở công nghiệp cần phải đảm bảo tốt khâu xử thải mới cho hoạt động. Đó là điều kiện bất di bất dịch. Nếu không, có thể một vài chục năm nữa thôi, sông Huế sẽ không còn là sông Huế; lợi nhuận tích cóp bao năm dù có đổ ra hết cũng chưa chắc khắc phục nổi hậu quả.

Con sông cổ tích Tô Lịch gần như đã mất từ lâu; hay Nhiêu Lộc-Thị Nghè một thời được mệnh danh là dòng kênh Tuyết Đổ, dòng kênh đẹp nhất Sài Gòn hoa lệ đã trở thành “dòng kênh chết” chỉ sau chưa đầy thế kỷ phải chăng là những bài học nhãn tiền? Kênh Nhiêu Lộc –Thị Nghè bây giờ phải đổ ra chục ngàn tỷ để cải tạo, hồi sinh mà vẫn rất phập phồng; cảnh quan có thể đã tốt hơn lên, nhưng cái quan trọng nhất là dòng nước thì xem chừng chưa biết đến bao giờ mới hết bốc mùi… Huế mình nếu bây giờ dễ dãi, thì những An Cựu, Ngự Hà, Đông Ba, Như Ý, và kể cả sông Hương nữa, biết đâu cũng sẽ lăn vào “vết xe đổ”. Lúc ấy, Huế có còn là Huế chăng?…

Diên Thống
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

 

Similar Articles

Mưa Huế, lụt Huế

Mưa Huế, lụt Huế

Những ngày xa nhà làm quen với đời sinh viên ký túc xá, mưa Huế

Lụt Huế

Lụt Huế

Đêm nghe nước lên từng hồi. Từ Chi Lăng, Phú Hậu, An Hoà, Tây Lộc

Lụt Huế

Lụt Huế

Khái niệm bốn mùa xuân, hạ, thu, đông với ông trời xứ Huế cho đến

Quãng nghỉ trong đời

Quãng nghỉ trong đời

Gần đây, rất nhiều người bạn của tôi có mong muốn được trở thành công

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Tôi từng là đứa con nít mê chuyện cổ tích và trò chơi bán đồ

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose