Văn hóa Huế | Homepage

Ngày cũ

🕔10.Aug 2015

Thế hệ những đứa trẻ lớn lên trong những ngày đầu đất nước hòa bình chắc nhiều người nhớ nhân vật Chấm trong truyện “Cái sân gạch” của Đào Vũ được học trong chương trình giảng văn cấp 2. Đó là một cô gái đẹp theo kiểu khỏe mạnh, chắc chắn, tóc chấm ngang vai gọn gàng… tôi chỉ nhớ ngang đó. Nhưng cái tít “ Cái sân gạch” thì tôi nhớ lắm bởi nó như là biểu trưng cho một thời gian khó tuổi thơ tôi… Làng tôi có một hợp tác xã sản xuất nông nghiệp được chia thành 10 đội sản xuất. Mỗi đội có một cái sân gạch chừng 100m2 và bao quanh là sân đất sét. Đó là nơi tập kết lúa mỗi vụ mùa, cũng là nơi sinh hoạt chung của người dân trong đội. Mỗi đội sản xuất như rứa được chia ruộng cày chung, cấy chung, làm cỏ ruộng chung và tất nhiên là gặt chung rồi chia lúa ra cho từng hộ nhiều hay ít theo số công điểm đã tham gia. Cứ chung chung như rứa nên khi lúa khô khén về đến từng nhà thì chẳng còn bao sản.

Có những năm trời hạn, lúa đang đến kỳ trổ bông nhưng chân ruộng nứt nẻ. Cả hợp tác xã có được mấy cái máy nổ để bơm nước vào ruộng, từng đội được chia luân phiên theo ngày; nhưng đến khi về tới đội 7 của tôi thì máy hỏng. Vất vả rứa nhưng cũng thành vè: “Cái máy Kubota – ôn Nga mới chở về – ôn Huề quay không nổ – đổ hô ôn Thể – ôn Thể làm bể cái bóng – ôn Nga la lên – ôn Chiu đòi đập…”.

Rồi đến ngày mùa, đội quân đi gặt lúa có khi không đông bằng đội quân đi mót lúa gồm những đàn bà, con nít trong làng. Gặt đổ lung tung ở chân ruộng, lúa vận chuyển từ đò lên bến rồi lúa đem về sân đội cứ thế rơi vãi vừa vô tình vừa cố ý để cho đội quân mót có sản phẩm mang về. Rồi còn có cả cảnh thay bằng gánh lúa về sân đội, có người gánh luôn về nhà mình. Đội trưởng biết, đội phó biết, xã viên cũng có người biết nhưng rồi cũng cho qua vì ai vô đó, họ hàng chòm xóm cả và cũng vì nghèo quá họ mới làm vậy… Lúa về tới sân đội chưa phải là an toàn. Có khi trâu đang đạp lúa trên sân gạch thì trời đổ trận mưa rào. Những hột lúa vàng theo dòng nước từ sân gạch trôi ra sân đất sét trộn lẫn với đất thành màu nâu sậm của bùn. Bởi rứa là con nhà nông nhưng mấy ai ở làng hồi nớ ăn được một chén cơm trắng…

Quê tôi ven sông ven biển, đất cát pha thịt rất hợp để cho các giống khoai lang sinh trưởng. Những năm làm ăn kinh tế hợp tác chẳng đủ gạo để ăn nên khoai sắn là những loại cây lương thực cứu cánh cho nhà nông. “Khoai lên vồn tốt củ…”, cả làng nhà nhà trồng khoai, người người ăn khoai. Khoai lang vốn dễ trồng, cứ lên vồn xong, cắm ngọn xuống đất cũng chẳng phải chăm sóc hay phòng trừ sâu bệnh chi nhiều mà cây cứ lên phơi phới; thoáng chốc đã xanh đồng.Tuổi thơ vui thú nhất là được theo ba mạ đi bới khoai. Ba bốn tháng kể từ ngày trồng là khoai đã cho củ ăn được. Những cọng rau được cắt gọn gàng dồn thành đống dành cho trâu và tiếp đó là công đoạn bới củ. Ba tôi dùng cuốc xắn lên từng thớ đất to và những chùm củ khoai lộ hình như những chú heo con trong ánh mắt vui mừng của con trẻ. Khoai được chất thành từng thúng gánh về nhà. Bà nội lựa những củ ngon nhất cho vào nồi. Những củ khoai đầu mùa ngọt bùi hương vị của đất đai…Nhưng cũng chỉ một bữa đầu tiên thôi, đến bữa thứ hai thì cả mấy anh em đều lắc đầu không muốn ăn khoai nữa mà lại thấy thèm cơm…

Dân gian có câu “Được mùa chớ phụ ngô khoai” là bởi khoai có thể luộc ăn, có thể để trên giàn bếp hay xắt nhỏ phơi khô để làm loại lương thực trợ lực cho cơm. Tôi không thích món khoai luộc nhưng lại rất mê món khoai khô ngào đường trong những ngày mưa rét. Có nhiều bữa một mình ăn đến ba bốn chén thay cơm. Tiếc là hồi đó, để có được bánh đường đen để ngào với khoai khô đối với một gia đình nông dân cũng không phải là điều dễ dàng…

Mới đây, tôi về quê ngang qua cái sân gạch của đội ngày xưa bây giờ nhà cửa đã mọc lên san sát mà bao ký ức của ngày cũ lại ùa về. Nhớ nhất là cái miệng mếu máo của thằng em khi nhìn vào nồi cơm tối mạ vừa dọn ra: “ Lại cơm độn với khoai, con nuốt không trôi mạ nờ!”.

Phi Tân
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Ủ Tết (Thì thầm lá hoa)

Vườn bà tôi ngày trước đầy hoa trái, bốn mùa xanh rợp lá cây, hầu

Nhớ những chuyến xe lam

Nhớ những chuyến xe lam

Hôm qua chú em họ đăng Facebook về những chiếc xe lam - một thời

Trong bóng dáng mệ quê

Trong bóng dáng mệ quê

Những ngày này Huế mưa, nhớ mạ thiệt nhiều, mà đi chợ càng nhớ hơn,

Lụt Huế

Lụt Huế

Khái niệm bốn mùa xuân, hạ, thu, đông với ông trời xứ Huế cho đến

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Tôi từng là đứa con nít mê chuyện cổ tích và trò chơi bán đồ

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose