Văn hóa Huế | Homepage

Nhớ mái chùa quê

🕔08.Aug 2015

Huế quê tôi làng nào cũng có chùa làng. Tuổi thơ tôi êm đềm trôi qua với bao kỷ niệm đẹp về mái chùa – nơi đã dạy chúng tôi bài học đầu tiên về đạo làm người, về từ bi hỷ xả để bước chân vào cõi đời đầy hệ lụy. Những lúc vấp ngã, sóng gió tôi lại nhớ về mái chùa quê để nghe lòng bình yên, thanh thản, xua tan đi bao muộn phiền, lắng sâu từ tâm với đời với người…

ChuaLang_06[1]Ảnh: Internet

Ngày đó xa chùa xa quê, tôi đọc Mây Tần của Nguyễn Bính: “ Mai này tôi bỏ quê tôi/ Bỏ trăng bỏ gió, chao ôi bỏ chùa!/ Đem thân đi với giang hồ/ Cây đa bến cũ con đò lênh đênh…”. Chưa tuổi đến trường, tôi đã đến chùa theo chân bà ngoại. Buổi lễ khai tâm năm ấy, ngót nghét năm mươi năm rồi tôi vẫn nhớ như in. Bổn sư giọng nhẹ nhàng, trầm ấm:- Tuổi nhỏ đến chùa là kính Phật trọng tăng, làm lành tránh dữ, hiếu để với mẹ cha, vâng lời anh chị, yêu thương mọi người, cố gắng học hành… Bài thuyết pháp “ Con dao trong tâm” mà thầy giảng ngày ấy đã theo con cho đến tận bây giờ – “… Không, tôi không có nói ông quăng con dao bén trong tay ông, tôi muốn ông quăng con dao bén trong tâm ông kia mà…”.

Làng quê tôi ai cũng đi chùa với tâm niệm mộc mạc, bình dị: Ở hiền gặp lành, gieo nhân gặt quả, tu nhân tích đức cho muôn đời con cháu mai sau. Quanh năm tất bật chuyện đồng áng muối dưa nhưng ai nấy đều chăm lo từ thiện theo cách riêng của mái chùa quê – đó là hũ gạo giúp người khó khăn hoạn nạn. Mỗi bữa khi đong gạo nấu cơm chỉ cần bốc một nắm bỏ vào hũ, của ít lòng nhiều, mỗi người bớt một lưng cơm để sẻ chia với bao người nghèo khó. Oanh vũ chúng tôi được phân công thu gom rồi các anh chị huynh trưởng bàn tính giúp ai cụ thể. Trong làng ngoài xã ai gặp rủi ro, bất hạnh, thiếu đói là có lon gạo từ thiện chùa quê. Năm ấy thiên tai mất mùa nhà mệ Khoan gặp khó chúng tôi tránh không tới nhận gạo, thế là mệ tự tay mang gạo từ thiện ra chùa rưng rưng tấm tức: – Gia đình Phật tử chê tôi nghèo phải không? Nghèo nhưng tôi đã tâm nguyện nắm gạo từ thiện cho đến cuối đời nhắm mắt… Nhận nải gạo từ tay bà mẹ quê, nhìn quanh oanh vũ trai gái có người rơm rớm nước mắt.

Người làng tôi ai cũng niệm Phật ăn chay. Nhiều người già trường trai, người trẻ chí ít cũng tứ trai vào ba mươi, mồng một, mười bốn, rằm. Nhà nào cũng dự trữ tương cà dưa muối cây nhà lá vườn cho những ngày chay. Những bữa cơm chay đạm bạc thắm đượm tình quê. Trai tịnh làm mọi người gần gũi, hiền hòa, yêu thương và gắn bó với nhau hơn;mọi giận hờn, xích mích, bực tức dường như tan biến những hôm lễ chùa vía Phật. Bây giờ có lúc tôi được ăn chay với bao thứ ngon lạ thế mà không quên được bữa chay mẹ nấu nơi quê nhà ngày ấy…

Chúng tôi quây quần lớn lên bên mái chùa quê. Các anh chị huynh trưởng đã dạy dỗ dìu dắt lớp chúng tôi nên người. Chuyện bi thương xảy ra sau mùa Vu Lan năm ấy, trận lụt lịch sử đã cướp đi của chúng tôi hai người thân, anh Tâm- chị Liên huynh trưởng. Mải mê vớt củi, dòng nước đã cuốn trôi cả hai vợ chồng để lại hai cháu nhỏ Hiếu, Hạnh. Các anh chị đoàn áo Lam đã quyết định tổ chức thêm Vu Lan muộn vào rằm Trung Thu tháng tám. Hàng trăm thanh thiếu đồng niên(oanh vũ) trong vòng tay dây thân ái, trên ngực ai cũng cài nụ hồng chỉ riêng hai em Hiếu, Hạnh cài hoa hồng trắng. Tất cả chúng tôi lặng lẽ…bùi ngùi…thổn thức…

Hiếu, Hạnh giờ này đang ở đâu? Các em có nhớ về mái chùa quê thuở ấy?

Lê Quang Kết

(Theo blog tác giả)

Similar Articles

Ủ Tết (Thì thầm lá hoa)

Vườn bà tôi ngày trước đầy hoa trái, bốn mùa xanh rợp lá cây, hầu

Nhớ những chuyến xe lam

Nhớ những chuyến xe lam

Hôm qua chú em họ đăng Facebook về những chiếc xe lam - một thời

Trong bóng dáng mệ quê

Trong bóng dáng mệ quê

Những ngày này Huế mưa, nhớ mạ thiệt nhiều, mà đi chợ càng nhớ hơn,

Lụt Huế

Lụt Huế

Khái niệm bốn mùa xuân, hạ, thu, đông với ông trời xứ Huế cho đến

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Tôi từng là đứa con nít mê chuyện cổ tích và trò chơi bán đồ

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose