Văn hóa Huế | Homepage

Viết cho Huế chưa xa…

🕔07.Sep 2015
“Một sớm mưa nhiều tôi rời thành xưa- Sông nước tiêu điều nhỏ lệ buồn đưa…” Câu hát ấy cứ ám ảnh và day dứt tôi mãi. Về Huế- một phần đời mà tôi chưa kịp xa.
Với tôi, mỗi con đường, góc phố, hàng cây hay mỗi vạt nắng, màu mưa ở Huế đã thiết thương trong từng hơi thở. Những chiều vô định đi về trên phố, những hàng cây loang bóng trên những chuyến đường đêm, Huế in mình lên những phận người cứ chầm chậm yêu thương, chầm chậm sống. Ở thành phố này, thời gian dường như chưa bao giờ là thiếu, người ta có thể đi ngủ sớm, dậy muộn, cũng chẳng vội vàng gì, cứ thủng thẳng nhâm nhi ly cà phê sáng, nói dăm ba chuyện phiếm hoặc im lặng  ngắm nhìn sông trôi hay nghe tiếng chim hót thảnh thơi trên một tán cổ thụ trong vườn…

Ở thành phố này, người ta không thích những ồn ào, náo nhiệt, thậm chí có người còn ngại cả những lễ hội, phố chen chúc chân người. Người nơi khác đến Huế bảo thành phố buồn. Người ở đây cũng chưa bao giờ nói Huế vui. Nỗi buồn thấm vào khoảng trời chiều nhuộm tím xuống mặt sông, tan vào trong những cơn mưa dầm dề xứ Huế. Mưa ở đây chẳng bất chợt như Sài Gòn, cũng chẳng tan nhanh như Hà Nội, mưa Huế dài lê thê như câu hò trước bến Vân Lâu. Mưa réo rắt trên mái nhà, đầm đìa qua từng kẽ lá. Mưa buồn là thế, nên ở xứ này người đến với người ấm áp hơn qua những ngày mưa.

Là con của Huế, nhưng thú thật, có nhiều nẻo đường, góc phố, hàng cây quen thuộc lắm đó, mà đôi khi tôi chẳng thể nhớ nổi tên. Bởi tôi có tên gọi riêng cho chúng. Đường Đoàn Thị Điểm có thể tôi không tài nào nhớ nỗi, nhưng Phượng bay thì chắc chẳng thể nào quên, dù rất có thể đường Phượng bay trong tôi không đúng thực là con đường Phượng bay như Trịnh Công Sơn đã gọi. Trong thoáng chốc có thể không định hình được con đường Phạm Ngũ Lão, nhưng tôi luôn nhớ về góc phố Tây, góc phố sầm uất và nhộn nhịp như một nốt cao trong bản nhạc trầm tư của Huế. Và những hàng cây. Lạ lắm, đi qua cả tuổi trẻ nhưng chẳng bao giờ tôi thắc mắc đó là loại cây gì, vậy mà hôm rồi người ta thay thế một số cây ở đoạn đường trong Thành Nội, tôi vẫn có thể nhẩm tính ra số cây đã được thay thế, thậm chí là nằm ở vị trí nào. Bỗng dưng thấy mất mát. Dường như mỗi sự đổi thay, dịch chuyển của thành phố này đều để lại trong tôi một chút hoang mang…

Ai cũng bảo Huế đẹp lắm, nhưng tôi tin rằng, thật khó để người ta có thể yêu Huế chỉ sau vài ngày nán lại nơi đây. Chỉ có những người sống lâu năm ở Huế mới cảm nhận được hết vẻ đẹp đằm sâu của cỏ cây và cả tâm hồn của con người vùng đất này. Tôi vẫn luôn tin rằng (là ý kiến chủ quan của cá nhân tôi) người Huế xa Huế hay bỏ Huế mà đi, phần đông là theo con đường học vấn hay vì mưu sinh. Thầy tôi vẫn hay bảo, không biết những người tỉnh khác như thế nào, chứ người Huế đi đâu cũng mang mặc cảm tha nhân, xót xa, day dứt lắm…

Bạn tôi, ngày ngày vẫn ôm con khóc ở xứ người, thương và nhớ Huế da diết, đi rồi mà không đành đoạn được. “Bao tháng ngày chất lên tuổi đời …” Nhỏ vẫn bảo xa quê đã khổ, khổ tâm lại là nhiều, nhất là với những đứa học Văn như tôi và nhỏ, dễ nhạy cảm với những nỗi nhớ, những cuộc chia xa. Ngẫm. Buồn. Tôi và nhỏ có quá nhiều điểm giống nhau, từng bảo chẳng thể nào xa Huế được. Vậy mà…

Rồi biết đâu, mai này, tôi cũng như nhỏ, chạnh lòng đâu đó ở đất lạ, rớt nước mắt mỗi lần nghe câu hát ngày xưa: “Chiều mưa, có một người con gái nhớ quê xa vời vợi…”

Bỗng nhiên thấy thương lắm Huế ơi…

Hoài Cẩm
(Theo TRT)

 

Similar Articles

Mưa Huế, lụt Huế

Mưa Huế, lụt Huế

Những ngày xa nhà làm quen với đời sinh viên ký túc xá, mưa Huế

Lụt Huế

Lụt Huế

Đêm nghe nước lên từng hồi. Từ Chi Lăng, Phú Hậu, An Hoà, Tây Lộc

Lụt Huế

Lụt Huế

Khái niệm bốn mùa xuân, hạ, thu, đông với ông trời xứ Huế cho đến

Quãng nghỉ trong đời

Quãng nghỉ trong đời

Gần đây, rất nhiều người bạn của tôi có mong muốn được trở thành công

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Tôi từng là đứa con nít mê chuyện cổ tích và trò chơi bán đồ

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose