Văn hóa Huế | Homepage

Cây cảnh của người Huế

🕔06.Oct 2015
Ở Huế có rất nhiều người chơi cây và mê cây. Nghệ thuật chơi cây len lỏi vào đời sống, để lại một dấu ấn về phong cách chơi cây xứ Huế. Nét riêngĐến thăm vườn cây của ông Nguyễn Văn Dạt (phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy), chúng tôi có cảm tưởng như đang lạc vào khu rừng nghệ thuật với đủ dáng thế. Mảnh vườn rộng lớn trở thành “nơi trú ngụ” của hàng trăm cây. Ông Dạt kể, trước đây, ông là bác sĩ quân y, khi Nhà nước có chủ trương tinh giảm biên chế, ông xin về quê, làm nghề y ngay tại địa phương. Cơ duyên đưa đẩy ông qua nhiều nghề, rồi dừng chân ở mảnh vườn trong nhà. Ông nhấn mạnh: “Người Huế mình đam mê cây nhiều lắm. Mỗi người một nghề nhưng khi đến với cây thì có một tình yêu đặc biệt”.

Ông Dạt chăm sóc cây thông giá hàng trăm triệu đồng

Trò chuyện với anh Trần Vĩnh Thịnh, Hội trưởng khu vực Bắc miền Trung diễn đàn cây cảnh Việt Nam, được biết, trong cách chơi cây hai miền Bắc, Nam có nhiều khác biệt. Tuy được “Việt hóa” nhưng người chơi vẫn nhận ra phong cách chơi cây cảnh miền Bắc ảnh hưởng lối chơi của Trung Quốc, trong khi người miền Nam lại hướng theo phong cách nghệ thuật chơi cây của người Nhật Bản. Anh Thịnh nhấn mạnh, miền Trung nói chung và Huế nói riêng chịu ảnh hưởng sâu sắc của lối chơi 2 miền, nhưng hơi lệch theo phong cách của miền Nam. Bên cạnh đó, do đặc điểm về văn hóa, lịch sử và nhiều hoàn cảnh khác nhau, Huế tìm ra được nét khác biệt trong phong cách chơi cây là cổ – kỳ – nhã – ý (lâu năm – kỳ quái – nhã nhặn – ý sâu trong mỗi cây), đặc biệt là thể hiện rõ ở 2 yếu tố nhã và ý. Tính nhã trong phong cách chơi cây của người Huế là cách tạo dáng tao nhã, nét nhẹ nhàng uyển chuyển, không gò bó, đôi khi còn thấy có chút chất thơ trong đó. Với yếu tố ý, nó gắn liền với nét thâm trầm, sâu sắc của tính cách Huế, tạo cho hình thức bên ngoài của cây cảnh một ẩn ý bên trong, gửi cái muốn nói vào trong cây cảnh mà những người cùng chơi nhìn vào có thể hiểu được, đôi khi tính giáo dục được lồng vào trong cách chơi và kiểu dáng cây. “Một cây thông thường đứng thẳng, nhưng người chơi lật thế thành thác đổ. Hàm chứa trong đó là ý nghĩa đời một con người, ý chí sống”, ông Dạt nêu ví dụ.

Những người chơi cây cảnh ở Huế cho biết, thú chơi cây của Huế bắt nguồn từ hoàng cung, gắn liền với cách chơi cây của vua quan, thể hiện rõ ở vườn Cơ Hạ, vườn Thiệu Phương. Ban đầu là cách chơi đơn giản, theo phong cách kiểng cổ với các kiểu, như: Tam cương ngũ thường, tam tòng tứ đức, phu thê, phu tử, phụ tử,… “20 năm trở lại đây, sự thâm nhập của những trào lưu mới trong xã hội, đặc biệt từ nước ngoài hình thành nên nhiều cách chơi khác nhau”, ông Lê Văn Khánh, một nghệ nhân cây cảnh có tiếng ở Huế nói.

Vườn cây của ông Dạt được chăm sóc từng ngày

 

Đến thời điểm hiện tại, quan điểm chơi cây ở hai miền Nam Bắc có nhiều khác biệt. Sự ảnh hưởng từ 2 miền dẫn đến lối chơi cây của người Huế cũng khác nhau, nên cách phân chia các trào lưu xu hướng chơi cây vì thế chưa có tính ổn định. Người chơi vẫn hướng phong cách đến bonsai hiện đại và nhiều thế cơ bản (kiểng thế), như: trực, hơi nghiêng, nghiêng, nửa thác và thác đổ rồi biến tấu ra vô vàn những thế cây khác nhau. Sự thịnh hành của bonsai nghệ thuật và dáng thế thác đổ đạt tới đỉnh cao những năm gần đây cùng với nhiều loại cây được ưa chuộng, như: linh sam, nguyệt quế, kim quýt, mai chiếu thủy,…Đặc biệt nhất ở Huế là lối chơi cây mai vàng giá trị mà không có vùng miền nào sánh được.

Đời cây, đời người

Quan niệm của hầu hết người chơi cây ở Huế là chú trọng chất lượng hơn số lượng. Vườn cây không cần nhiều, nhưng phải là cây đẹp, được chăm sóc và tạo dáng bài bản. Từ cách chọn phôi ban đầu (nguyên tắc là phôi mạnh, có thế) có những người chăm sóc 10-20 năm mới hoàn thành 1 cây để “vừa mắt” trưng bày. Ông Dạt cho rằng, chơi cây là quá trình nâng cấp cây bản địa bởi từ những phôi cây đơn giản, người chơi cây phải định hướng và biết cách chăm sóc, lật thế để tăng giá trị cho cây. Để làm được điều này, người chơi phải nắm vững đặc điểm sinh lý của cây mới tạo thế thích hợp. Ngoài ra, lật thế phải dựa vào tư duy tạo hình và kinh nghiệm định hướng của người chơi.

Người chơi cây chia ra 2 nhóm: đam mê và thị trường. Nhóm thị trường là những người biết về cây và hướng đến mục đích kinh doanh nhiều hơn. Theo nhận định của giới chơi cây, tương quan số lượng giữa 2 nhóm, người Huế đến với cây vì đam mê nhiều hơn. Họ dùng thị trường để nuôi dưỡng niềm đam mê của mình. Ông Nguyễn Văn Dạt kể: “Trước đây, tui chơi cây vì đam mê, ban đầu chỉ là những cây đơn giản. Những người bình thường tới chơi rồi hỏi mua. Từ những chậu cây vài chục ngàn, tui nhận ra đam mê của mình cũng có giá. Thú chơi cây cũng là quá trình sáng tạo, thú vui ấy không phải thiên hướng kinh doanh nhưng chính những người mua tạo điều kiện để chúng tôi theo đuổi đam mê”. Từ những cây mua có giá chỉ vài triệu thậm chí vài trăm nghìn, sau khi lật thế, chăm sóc có thể bán với giá vài chục triệu hoặc nhiều hơn. “Tui từng bán một cây với giá 800 triệu đồng. Có năm lãi được vài tỷ đồng là chuyện thường. Nhờ đó ổn định đời sống gia đình, nuôi con cái ăn học”, ông Dạt kể thêm.

Theo anh Thịnh, để giao lưu học hỏi kinh nghiệm trong cách chơi cây cảnh, nhiều người đã gia nhập vào các tổ chức hội, câu lạc bộ. “Huế có khoảng 5 hội, câu lạc bộ cây cảnh hoạt động tích cực, trong đó phải kể đến câu lạc bộ Bonsai Thừa Thiên Huế và câu lạc bộ Bonsai Cố đô. Ngoài giao lưu trong câu lạc bộ, chúng tôi vẫn thường xuyên tham dự và tổ chức các chương trình gặp mặt nghệ nhân chơi cây trong và ngoài nước. Từ năm 2011, tôi tổ chức 3 cuộc gặp mặt nghệ nhân 3 miền để chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau, trong đó có nhiều nghệ nhân có tiếng như Phạm Hữu Tâm, Trần Thắng, Lưu Trường Sơn”.

 Lê Hữu Phúc
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Buồn vui chuyện… rác

Buồn vui chuyện… rác

“Xanh, sạch, sáng” không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành nhu cầu, nguyện

Sinh hoạt văn hóa dân gian ở đình làng Tết Huế

Sinh hoạt văn hóa dân gian ở đình làng Tết Huế

Vui chơi giải trí sinh hoạt văn hóa dân gian, vào dịp tết đến xuân

Màu tết ở Đông Ba

Màu tết ở Đông Ba

Tết Nguyên đán đã đến gần. Những ngày này, cùng với tiết trời hửng nắng

Tín ngưỡng thờ thủy thần ở Huế

Tín ngưỡng thờ thủy thần ở Huế

Ngay từ những ngày đầu tìm đất lập làng, người Việt nói chung, người Việt

Ai còn lồng nhãn nữa không?

Ai còn lồng nhãn nữa không?

Trả lời cho câu hỏi này của tôi, nhiều chủ vườn có nhãn ở Kim

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose