Văn hóa Huế | Homepage

Nghề làm đầu thuyền rồng

🕔03.Oct 2015

Hơn mươi năm theo nghiệp làm đầu thuyền rồng, bây giờ, những chiều rảnh rỗi ông Đan lại ra dọc bờ sông Hương để ngắm nhìn lại những “tác phẩm” của mình, một phần để rút kinh nghiệm, phần khác để nhớ về một thời đã xa vắng. “Nghề ni bây chừ heo hút lắm, vì hàng thưa dần nên tui không truyền lại cho con cái, để chúng đi học các nghề khác đặng mưu sinh”, ông Đan nói.

Từ đam mê…

Một buổi chiều tháng 9, tôi dừng chân ở bến thuyền rồng bờ sông Hương. Người chủ thuyền tên Tuấn tưởng tôi muốn lên thuyền du lịch xởi lởi ra đón tiếp. Sau một hồi trò chuyện, tôi hỏi: “Thuyền làm riêng, đầu thuyền rồng làm riêng phải không anh? Lúc đầu thuyền hỏng anh đặt ai làm vậy?”. Chủ thuyền chỉ đáp một câu rồi quay gót: “Đúng, nhưng anh muốn biết phải đến gặp ông Đan ở phường Phú Hậu”.
Người làm đầu thuyền rồng cần có năng khiếu về mỹ thuật
Lần theo địa chỉ không rõ ràng đó, tôi may mắn được gặp ông Đan, tên đầy đủ của ông là Tống Văn Đan (60 tuổi, phường Phú Hậu, TP Huế). Lúc tôi đến ông đang chăm chú làm cặp đầu thuyền rồng để chuẩn bị giao cho khách hàng.
Ông Đan là người duy nhất hiện nay vẫn còn giữ và có “chuyên môn” nhất trong nghề này. Ông kể, khoảng độ hơn chục năm trước, ông là một thợ mộc đóng thuyền rồng và yêu thích nghề vẽ. Đến khi du lịch trên sông Hương phát triển, thuyền rồng ngày một nhiều thì ông thôi làm thuyền mà chuyển hẳn sang nghề làm… đầu thuyền rồng. Theo ông, căn nguyên đưa ông đến với nghề cũng vì niềm đam mê với mỹ thuật. “Làm đầu thuyền thu nhập không bằng làm thuyền nhưng ít vất vả hơn. Tui có sẵn khiếu hội họa, thích vẽ vời nên đến với nghề ni để thỏa niềm đam mê”, ông Đan chia sẻ.
Trước thế hệ ông Đan, những người làm đầu thuyền rồng lành nghề như ông Văn Tư (phường Phú Hiệp, TP Huế) đã qua đời. Hiện nay, thế hệ đi sau chỉ ông Đan mới nắm vững được “bí quyết” của nghề. Ông Đan tâm sự: “Rồng là loài vật tượng trưng không có thật, không ai nhìn thấy. Vì thế, nghề làm đầu thuyền rồng quan trọng nhất là tư duy của người thợ để làm thế nào phác thảo được đầu thuyền rồng vừa đúng với tiềm thức của con người vừa có hồn, uy nghiêm như bản mẫu được đưa ra”.
Để làm được đầu thuyền rồng, ngoài năng khiếu hội họa, người thợ phải có khả năng phối màu. Tất cả các công đoạn đều được làm bằng thủ công. Vì thế, sự tinh tường, tỉ mẩn luôn phải được đặt lên hàng đầu. Ông Đan cho biết: “Nhôm được mua về, trước khi cắt phải vẽ hình rồng. Ngoài khoan lỗ bằng máy thì các công đoạn khác, như cắt nhôm, ốp nhôm, uốn tạo hình đều làm bằng thủ công. Đối với màu sơn, chỉ mua 5 màu, xanh, đỏ, vàng, trắng, đen rồi từ đó phối ra các màu khác. Màu sắc là một yếu tố rất quan trọng để tạo ra giá trị thẩm mỹ nên người không biết pha chế màu thì sẽ không tạo ra màu sắc đẹp cho chiếc đầu thuyền rồng. Có 2 loại đầu thuyền rồng, đầu thuyền rồng đôi cầu kỷ và nhiều họa tiết hơn thuyền rồng đơn. Đánh giá tay nghề của người thợ thì thông qua chiếc thuyền rồng đôi. Ngoài nhận làm đầu thuyền rồng, tui còn nhận trang trí các giao cù, hoa văn trên trần thuyền. Có những khách du lịch tham quan sông Hương thấy thuyền rồng ở Huế đẹp thì họ liên lạc với tui đặt hàng đầu thuyền rồng. Mấy năm trước tui cũng nhận được đơn đặt hàng nhiều khách hàng ở tận Quảng Bình”.
“Mỗi năm mỗi vắng”…
Trước khi trao đổi với tôi về nghề làm đầu thuyền rồng, ông Đan bảo: “Cháu may mắn đến đây lúc bác đang làm cặp đầu thuyền chứ 3 năm nay bác mới nhận được một cặp đầu thuyền như ri về làm”. Tôi thắc mắc: “Vậy 3 năm nay bác…thất nghiệp?”. Ông Đan đáp ngắn gọn: “Đúng vậy”.
Theo lời kể của ông Đan, khoảng năm 2010 là thời kỳ hưng thịnh của nghề làm đầu thuyền rồng. Chỉ trong năm ấy, những người thợ lành nghề như ông Đan làm đến 20 cặp đầu. Có thời điểm, ông Đan phải thuê thêm nhân công để có thể sớm hoàn thành sản phẩm giao cho khách hàng. “Mỗi cặp đầu thuyền một người thợ làm khoảng 10 ngày là xong. Nhưng nếu chủ thuyền muốn gấp thì tụi tui buộc phải thuê thêm nhân công để hoàn thành sớm cho họ. Và cứ mỗi đầu thuyền tui kiếm được tiền công khoảng 3 triệu đồng”, ông Đan cho biết.
Bây giờ, thời hưng thịnh đã qua, những người thợ làm đầu thuyền rồng ngày trước đều chuyển nghề để mưu sinh. Cái lý do dẫn đến cảnh ít việc họ đưa ra là, số lượng thuyền rồng được đóng mới hiện nay chỉ đếm trên đầu ngón tay, nên số lượng đầu thuyền rồng cũng theo đó mà giảm dần. “Tui phải làm các công việc khác để nuôi vợ nuôi con, chứ bây giờ cứ đeo nghề làm đầu thuyền rồng thì không biết lấy chi nuôi vợ, con. Cho dù đam mê nhưng không có sản phẩm để làm thì cũng đành phải chịu”, ông Phan Văn Thi (50 tuổi, phường Phú Hậu, một người thợ làm đầu thuyền rồng) ngậm ngùi.
Để thỏa đam mê, những người làm đầu thuyền rồng hôm nay chỉ biết trông chờ vào dịp lễ hội mới giúp họ kiếm được thu nhập từ nghề. Bởi lẽ, những dịp này, các chủ thuyền rồng đều tranh thủ trang trí lại chiếc thuyền, người làm đầu thuyền rồng vì thế có dịp làm ăn.
Lê Thọ
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

 

Similar Articles

Buồn vui chuyện… rác

Buồn vui chuyện… rác

“Xanh, sạch, sáng” không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành nhu cầu, nguyện

Sinh hoạt văn hóa dân gian ở đình làng Tết Huế

Sinh hoạt văn hóa dân gian ở đình làng Tết Huế

Vui chơi giải trí sinh hoạt văn hóa dân gian, vào dịp tết đến xuân

Màu tết ở Đông Ba

Màu tết ở Đông Ba

Tết Nguyên đán đã đến gần. Những ngày này, cùng với tiết trời hửng nắng

Tín ngưỡng thờ thủy thần ở Huế

Tín ngưỡng thờ thủy thần ở Huế

Ngay từ những ngày đầu tìm đất lập làng, người Việt nói chung, người Việt

Ai còn lồng nhãn nữa không?

Ai còn lồng nhãn nữa không?

Trả lời cho câu hỏi này của tôi, nhiều chủ vườn có nhãn ở Kim

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose