Văn hóa Huế | Homepage

Những trăn trở

🕔09.Oct 2015
Những ngôi nhà cổ theo kiến trúc Pháp (KTP) đang ngày càng giảm dần về số lượng, chất lượng cũng xuống cấp theo thời gian. Điều này đặt ra vấn đề, cần có hướng cải tạo để bảo tồn những giá trị văn hóa Pháp trên đất Cố đô.
Đã hết hạn

Những ngôi nhà KTP đã góp phần làm phong phú thêm cho kiến trúc Huế. Nó đã trở nên quen thuộc hài hòa giữa không gian xanh mang đậm dấu ấn, với bao thăng trầm của lịch sử dân tộc.
Công trình Khách sạn Morin sau khi nâng cấp, sửa chữa
Theo nhiều nhà nghiên cứu, KTP tại Huế nói riêng và Việt Nam nói chung có nhiều phong cách khác nhau; trong đó, phong cách kiến trúc địa phương Pháp dựa trên kiểu nhà của các miền nước Pháp, có cải biến phù hợp với khí hậu nhiệt đới hiện khá phổ biến. Các công trình này hiện nay một phần do Nhà nước quản lý, chủ yếu sử dụng làm trụ sở, trường học như Ga Huế, trụ sở Ban Đầu tư xây dựng Giao thông. Trường THPT chuyên Quốc học, các tòa nhà dọc đường Lê Lợi, Huỳnh Thúc Kháng, Chi Lăng… Ngoài ra, còn một số lượng nhà KTP đang thuộc sở hữu tư nhân dùng để kinh doanh, sinh hoạt. Điều đáng quan tâm, hầu hết các ngôi nhà cổ này hiện đã được cảnh báo hết hạn sử dụng từ nhiều năm nay.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các công trình theo KTP dù chuyển đổi hay giữ nguyên mục đích sử dụng đều trải qua quá trình nâng cấp, cải tạo. Điển hình như công trình khách sạn Morin (1995); Bảo tàng Văn hóa Huế, Trường THPT chuyên Quốc học, các công trình kiến trúc Pháp nằm trong Bệnh viện Trung ương Huế…
Nhà số 29 Đào Duy Anh (TP Huế) bị xuống cấp

Nhà số 29 Đào Duy Anh, được xây dựng trước năm 1945. Phần gian chính ngôi nhà đã được sửa chữa, tôn tạo; lại phần nền và tường cũng được làm mới nhưng ở những gian phụ và phía sau lại khá xập xệ. Mảng tường phía sau nứt gãy chỉ cần chạm nhẹ, từng lớp vôi vữa đã rơi tứ tung.

Bộ Xây dựng vừa có công văn yêu cầu các địa phương rà soát các công trình xây dựng có dấu hiệu nguy hiểm hoặc hết niên hạn sử dụng (trong đó đặc biệt lưu ý các biệt thự cũ và các nhà cổ). Bộ Xây dựng cũng yêu cầu các địa phương kiểm tra, đánh giá chất lượng các công trình, hạng mục công trình và có biện pháp xử lý theo đúng quy định. Ngoài ra, các chủ sở hữu, người quản lý sử dụng phải thực hiện bảo trì công trình xây dựng theo quy định; kiểm tra công tác bảo trì của các tổ chức, cá nhân; phát hiện các dấu hiệu mất an toàn, kịp thời thông báo cho chính quyền các cấp sớm có biện pháp khắc phục kịp thời, bảo đảm an toàn cho công trình.

Chủ nhân ngôi nhà này cho hay: “Những năm gần đây, ngôi nhà xuống cấp nhiều, phần mái ngói bị hư hỏng, kết cấu tường nhiều đoạn nứt gãy hầu như hoàn toàn. Có hôm ra mở cửa sổ từng mảng vôi vữa rơi xuống, nhìn thấy sợ. Do không có điều kiện để trùng tu lại toàn bộ nên chúng tôi chỉ cải tạo từng phần”.

Quán cà phê Sông Xanh, đường Nguyễn Công Trứ là một trong những ngôi nhà được xây dựng theo lối KTP từ những năm 1920. Trải qua thời gian dài sử dụng, phần la phông làm bằng nẹp gỗ phủ vôi và rơm bị hư hỏng, phần nền cũng bị bong tróc. Qua 2 lần cải tạo (phần la phông và phần nền), công trình là một trong số ít vẫn giữ được nét kiến trúc riêng thời Pháp.
Cần quan tâm đến kiến trúc Pháp
Theo nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh: Thực tế nhiều công trình KTP đã biến mất theo thời gian. Các công trình sau khi cải tạo cũng mất dần những nét đặc trưng vốn có. Vì thế, khi tiến hành trùng tu, cải tạo nhà theo kiến trúc Pháp phải đặc biệt lưu tâm đến hệ mái. Ngoài sử dụng vật liệu mái là ngói liệt, những công trình KTP còn đầu tư khá công phu cho hệ thống la phông. Nếu như ở kiến trúc hiện đại, người ta sử dụng chất liệu nhựa, tôn lạnh làm la phông thì những công trình của Pháp lại sử dụng vật liệu gỗ, phủ rơm và vôi, lắp đặt hệ thống thông gió một cách tinh vi. Chính vì thế, những công trình này đảm bảo được độ thoáng mát so với những công trình hiện đại. Tuy nhiên, theo thời gian những vật liệu này hầu hết đều rệu rã cần được đầu tư sửa chữa.
Vẫn chưa có thống kê đầy đủ về số lượng công trình theo KTP còn tồn tại trên đất Huế. Nếu như năm 2010, thống kê có khoảng 200 công trình theo KTP thì đến nay con số ấy đã giảm đi đáng kể do bị triệt hạ hay được cải tạo làm mất đi giá trị vốn có. Sự biến mất khu biệt thự Pháp trên đường Lý Thường Kiệt và nhiều tuyến phố khác hoặc được thay bằng lối kiến trúc hiện đại tạo sự tiếc nuối cho nhiều người. Điều đáng bàn, hiện nay vẫn chưa có cơ quan, đơn vị nào đứng ra chịu trách nhiệm quản lý, bảo tồn những công trình kiến trúc này.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân trăn trở: Công tác bảo tồn, phát huy những giá trị vốn có của những công trình KTP phải được quan tâm ngay từ bây giờ. Cụ thể, phải tiến hành kiểm kê để bảo tồn theo giá trị của nó; kiểm tra tình trạng kỹ thuật và xếp hạng tình trạng công trình theo từng mức. Công trình nào cần tu sửa thì phải lập hồ sơ tiến hành tu sửa; những công trình đã xuống cấp thì phải tính toán việc trùng tu, cải tạo ngay. Ngoài ra, cần quan tâm đến công năng của những công trình, đảm bảo không sử dụng sai mục đích khiến công trình bị xuống cấp quá nhanh.
Ông Nguyễn Đại Viên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho hay: Để đảm bảo chất lượng các công trình nói chung và các công trình nhà cổ nói riêng, trách nhiệm của chủ sở hữu rất quan trọng. Chủ sở hữu phải xây dựng quy trình quản lý, bảo trì công trình thường xuyên, như thế sẽ loại trừ trường hợp các công trình xuống cấp và hết niên hạn sử dụng. Đối với những ngôi nhà cổ cần tuân thủ quy trình bảo trì theo quy định, tiến hành kiểm định chất lượng các công trình này để có những khuyến cáo đến người sử dụng. Sắp tới, Sở sẽ tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, chủ công trình thống kê số lượng, chất lượng các công trình này để có hướng khắc phục kịp thời.
Hoàng Loan
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Đệ Ngọc Lâm công chúa và những câu chuyện lịch sử

Đệ Ngọc Lâm công chúa và những câu chuyện lịch sử

Cổng và bình phong đệ Ngọc Lâm công chúa 1. Mở đầu Hệ thống phủ đệ xưa

Tìm thấy lời giải cho bức tranh thứ sáu trên tường cung An Định

Tìm thấy lời giải cho bức tranh thứ sáu trên tường cung An Định

âu chuyện bí ẩn của bộ tranh tường trong cung An Định vẫn bỏ ngỏ

Bức cảnh dựng trên bàn thờ gia tiên vùng Huế

Bức cảnh dựng trên bàn thờ gia tiên vùng Huế

Theo truyền thống, cảnh dựng là một trong những vật phẩm thờ cúng quan trọng

Nghiên cứu Tái thiết Điện Cần Chánh, Hoàng Thành Huế – Phần 1: Lịch sử Quần thể Di tích Cố đô Huế và Hành trình Di sản

Nghiên cứu Tái thiết Điện Cần Chánh, Hoàng Thành Huế – Phần 1: Lịch sử Quần thể Di tích Cố đô Huế và Hành trình Di sản

Quần thể Di tích Cố đô Huế là Di sản Văn hoá đầu tiên của

Con ngựa trong các khu lăng mộ vua Nguyễn biểu tượng cho điều gì?

Con ngựa trong các khu lăng mộ vua Nguyễn biểu tượng cho điều gì?

Vào tham quan lăng mộ các vua nhà Nguyễn ở Huế, du khách thường bắt

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose