Văn hóa Huế | Homepage

Hoài niệm bến đò xưa

🕔15.Nov 2015
Người dân làng Phụng Chánh, xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc không ai không biết “bến đò cũ” sát chợ Phụng Chánh. Khi tôi vừa hỏi một người phụ nữ trung niên rằng: “cô cho con hỏi bến đò cũ Vinh Hưng chỗ mô ạ”. Người phụ nữ vui vẻ chỉ đường và không quên nói thêm một câu: “chỗ nớ bữa ni còn ai đi đò nữa mô”.

Tôi tìm đến nơi, ra đứng tận mép nước và nhìn về hướng Đá Bạc, ba tôi nói ngày xưa người dân nơi đây muốn lên thành phố thì có hai cách: một là đi đò qua bến đò Đá Bạc, dưới chân Đèo Phước Tượng rồi đón xe, hai là đi đò một mạch ngược lên đến Thuận An rồi vào thành phố.

…Đã hết rồi quang cảnh náo nhiệt của những chiếc đò lớn vận chuyển khách và hàng hóa. Những ngôi chợ sát bến đò xưa giờ đây cũng không còn là những điểm giao thương quan trọng nữa. Bến đò tiêu điều và trống trải quá, tôi không dám nghĩ rằng nơi đây đã có một thời nhộn nhịp trên bến dưới thuyền. Những chuyến đò tấp nập khách đi, đầy ắp những hàng hóa chuyển từ thành phố về hay là nơi chứng kiến những cuộc tiễn đưa. Giờ đây chỉ còn trong trí nhớ của một lớp người đã từng trăn trở về sự đổi thay này.

Giờ đây, khi những cây cầu mới được xây dựng, nối liền QL 1A với 11 xã thuộc huyện Phú Lộc và Phú Vang. Những bến đò như Phụng Chánh chỉ còn là nơi được nhắc lại khi có ai đó chợt nhắc nhớ đến mà thôi.

Từ năm 2003, cầu Trường Hà bắc qua đầm Thủy Tạ thuộc xã Vinh Thanh, Vinh Phú, huyện Phú Vang, đã làm thay đổi cuộc sống của những người dân ven phá Tam Giang. Cho đến năm 2007, chiếc cầu Tư Hiền nối liền xã Vinh Hiền với QL 1A là điều đánh dấu cho sự chấm dứt tồn tại hoạt động của những bến đò xưa.

Tôi chợt nhớ tới bài hát “Nhịp cầu nối những bờ vui” của nhạc sĩ Văn An, chẳng phải đất nước đang đổi mới và phát triển từng ngày chính là từ những chiếc cầu này đây sao. Bến đò xưa, giờ chỉ còn là nơi neo tạm của những chiếc đò đánh bắt nhỏ, thế hệ trẻ sau này cũng chỉ biết đến địa danh “bến đò cũ” theo lời kể của ông cha mà thôi.

Những người lái đò năm xưa cũng đã thích ứng bằng cách tìm cho mình một công việc khác như là một thay đổi tất yếu của cuộc sống. Ngồi dưới bóng cây cạnh bến đò, tôi có dịp nói chuyện với một người đàn ông lớn tuổi, ông bảo rằng: “chừ người ta đi xe hết cả rồi, đò chở người còn mô nữa, thi thoảng lại nhìn ra và nhớ lại ngày xưa một chút thôi chứ từ ngày có cầu, cuộc sống người dân nơi đây đã khá hơn rất nhiều”.

Đã ngót nghét hơn một thập kỷ, những chiếc cầu bắc ngang phá Tam Giang đã trở thành huyết mạch giao thông quan trọng cho sự phát triển kinh tế và đời sống người dân của vùng. Bến đò xưa chỉ còn là hoài niệm, nay đã tiêu điều, im ắng, nhưng vẫn luôn là bến đỗ an toàn cho những con người mưu sinh trên Phá Tam Giang rộng lớn.Và nó là một chứng nhân lịch sử cho sự phát triển của đất nước, của một xã hội hiện đại đang dần được thay thế trên quê hương TT Huế.

Diệp Phan
(Theo TRT)

 

 

Similar Articles

“Cụ” xà cừ 100 năm ở Huế được giữ “sinh mạng’ nay đã lên mầm xanh

“Cụ” xà cừ 100 năm ở Huế được giữ “sinh mạng’ nay đã lên mầm xanh

Mầm xanh đã hồi sinh trên cổ thụ được trồng lại sau khi bị bão

Xây dựng Huế là điểm đến hạnh phúc

Xây dựng Huế là điểm đến hạnh phúc

Huế đang được cộng đồng du lịch đánh giá là điểm đến để tìm kiếm

Chân dung bếp trưởng mang ẩm thực Huế ra thế giới

Chân dung bếp trưởng mang ẩm thực Huế ra thế giới

Là một trong số những đầu bếp sẽ tham dự Ngày ẩm thực Việt Nam

Du lịch trên những tuyến sông vẫn còn để ngỏ

Du lịch trên những tuyến sông vẫn còn để ngỏ

Chiều đó, khi nhìn những chiếc tàu ngược xuôi với mật độ khá dày đặc

Huế vận động tháo dỡ hàng rào trên đường Lê Lợi dọc sông Hương

Huế vận động tháo dỡ hàng rào trên đường Lê Lợi dọc sông Hương

Đường Lê Lợi dọc sông Hương được mệnh danh là "Phố bảo tàng" và  chính

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose