Văn hóa Huế | Homepage

Nét duyên chiếc nón bài thơ

🕔08.Nov 2015

Một lần, em cùng tôi ra chợ mua quà cho người quen ở phương xa. Em trố mắt nhìn tôi: “Thời buổi ni rồi chị còn mua chi mấy cái nón lá. Ở ngoài họ bán đầy các loại mũ nón thời trang, ưng kiểu dáng chi cũng có, chứ mua chi cái nón quê mùa ni nữa.” Tôi cười. Có một thời, tôi cũng đã hỏi mẹ tôi giống như em bây giờ. Phải một thời gian dài sau đó, tôi mới hiểu. Có những thứ trong cuộc sống không thể thay thế được, đó là các giá trị truyền thống văn hóa. Tôi tin chắc không phải vô cớ mà nón lá Huế vẫn còn tồn tại đến bây giờ, và cũng không phải vô cớ mà nhiều gia đình làm nón lá vẫn có thể sống dựa vào cái nghề cha ông để lại.
Xuất xứ của chiếc nón bài thơ nghe đâu từ một câu chuyện rất thơ. Người con gái Huế làm nghề chằm nón muốn mượn chiếc nón lá gửi tâm tình của mình đến người mình yêu, nên lồng vào đó những bài thơ tình ý nhị. Cũng có người nói, chiếc nón bài thơ ra đời ở làng Tây Hồ vào khoảng năm 1959- 1960 từ sáng kiến ép câu thơ vào hai lớp lá của nghệ nhân yêu thơ phú Bùi Quang Bắc. Thực hư thế nào không rõ, nhưng tôi vẫn bị cuốn theo giả định đầu tiên. Bởi phụ nữ Huế ý nhị, thâm trầm, người Huế thích vòng vo, nguồn gốc của chiếc nón bài thơ, do vậy, không phải không có lí. Chiếc nón bài thơ từ đó, với tôi, đã thành một nét rất riêng của xứ Huế, mang vẻ kín đáo của người phụ nữ kinh kì.


Ảnh: TmT

Cầm chiếc nón bài thơ trên tay dễ nhận ra vẻ thanh mảnh, nhẹ nhàng nhưng không hề yểu ợt, mà lại bền chắc trong từng vành tre, lá lợp, khéo léo trong từng mũi chỉ, đường kim. Thoạt nhìn thì có vẻ đơn giản, nhưng lúc làm mới biết chẳng dễ dàng gì. Từ công đoạn chọn lá, ủi lá đến lựa nguyên liệu bắt vành, rồi lợp, rồi khâu… Mỗi công đoạn đều đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận và khá kì công của người chằm nón. Cả chiếc nón bài thơ do đó không chỉ là công sức mà còn là tâm huyết, là tính cách, và là tình cảm mà nghệ nhân gửi gắm vào. Tôi bỗng bật cười khi nghĩ về hình ảnh người con gái Huế qua từng chiếc nón bài thơ. Dịu dàng, đằm thắm đó, nhưng lại nồng nàn, sâu sắc; mong manh đó nhưng lại son sắt, thủy chung. Những bài thơ được ép giữa những lớp lá phải chăng là sự thấp thoáng kín đáo, ý nhị mà người phụ nữ Huế e ấp giấu đi những cảm xúc của mình. Là tiếng “dạ” khó hiểu giữa những sự thương, sự ghét cứ nuốt ngược vào trong? Giống như khuôn vàng, thước ngọc đã định sẵn khiến người phụ nữ Huế luôn gò mình vào những phép tắc, nề nếp, gia phong. Mộc mạc nhưng đài các và có chút gì đó liêu trai. Phải chăng tính cách phụ nữ Huế đã làm nên những chiếc nón bài thơ rất Huế? Để rồi cả phụ nữ Huế lẫn chiếc nón bài thơ tiếp nối nhiều thế hệ đã góp phần làm nên giá trị văn hóa của vùng đất này. Để rồi ai đi cũng nặng lòng với Huế, nặng tình với con người và đem những nỗi nhớ cuộn tròn trong chiếc nón bài thơ.

Có lẽ những điều tôi nói với em lúc này vẫn còn quá mơ hồ, nhưng tôi tin, thời gian sẽ cho em câu trả lời xứng đáng, giống như tôi ngày trước, về một giá trị văn hóa của đất thần kinh…

Hoài Cẩm
(Theo TRT)

Similar Articles

Cây châu Phi và điệp vàng gây thương nhớ ở đô thị di sản Huế

Cây châu Phi và điệp vàng gây thương nhớ ở đô thị di sản Huế

Là đô thị di dản, "Thành phố xanh quốc gia", cố đô Huế có hệ

Gánh bún tinh mơ

Gánh bún tinh mơ

5g sáng, nhiều người vừa tạt xe vào lề đường với niềm háo hức sẽ

Huế và hoàng mai

Huế và hoàng mai

Ký ức một thời lại về trong mỗi người, mỗi gia đình khi sắc màu

Đặc sản của Huế

Đặc sản của Huế

Nếu nói đến đặc sản Huế chắc nhiều người nghĩ ngay đến ẩm thực, tức

Tín ngưỡng thờ thủy thần ở Huế

Tín ngưỡng thờ thủy thần ở Huế

Ngay từ những ngày đầu tìm đất lập làng, người Việt nói chung, người Việt

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose