Văn hóa Huế | Homepage

Nghề dán và sửa áo mưa ở Huế

🕔15.Nov 2015
Huế đã vào mùa mưa, ra đường bất chợt cơn mưa đổ đến cũng là lúc chúng ta dễ dàng bắt gặp những chiếc áo mưa các loại. Đằng sau chiếc áo mưa là những câu chuyện về người thợ làm ra.
Chúng tôi đến chợ Đông Ba tìm gặp chú Lâm Thành Tí, chú là người duy nhất ở chợ này hành nghề dán và sửa áo mưa. Trò chuyện với chúng tôi chú cho biết đã gắn bó với cái nghề này đã 36 năm, hiện nay chú 67 tuổi . “Lúc đó được bạn bè giới thiệu, chú thích làm nên theo nghề này luôn”, chú vừa dán vừa nói. Nhìn đôi tay chú thoăn thoắt lật từng mảng miếng để dán mà chúng tôi hiểu nếu không có sự yêu nghề thì chú đã không làm nghề này lâu đến vậy. “Hiện nay ít người làm nghề này như chú lắm, sau này nếu chú già, mắt yếu thì sẽ truyền nghề lại cho con trai. Cái gì có cha truyền con nối cũng hay”, chú tâm sự.


Chú Tí đang dán áo mưa cho khách

Dụng cụ của nghề sửa áo mưa là dao, kềm, mỏ hàn, lò than… Tùy theo từng loại áo mưa bộ hay áo mưa dơi chú sửa có giá dao động từ 20 – 30 nghìn.

Chia tay chú Tí, chúng tôi tìm đến một người làm nghề cũng đã trên 30 năm. Đó là dì Hoàng Thị Thu Nga, 57 tuổi. Khác với chú Tí làm ở chợ thì dì Nga làm công việc này tại nhà (2/11 Nguyễn Phúc Thái). Trò chuyện với chúng tôi, dì nói nghề này bắt nguồn từ ông ngoại của dì, hầu như ai trong gia đình dì cũng làm. “Khi dì làm dâu ở Kim Long thì lúc đó không có ai làm nghề này nên dì quyết định mở tiệm, ai ngờ được nhiều người tin tưởng, làm đắt lắm”, dì hào hứng cho biết.

“Vào mùa này (mùa mưa) thì làm được lắm, vì nhiều người muốn dán và sửa áo mưa thật tốt để có thể dùng đi trời mưa.” Trung bình mỗi ngày dì có thể dán được 2 bộ áo mưa hoặc 4 chiếc áo mưa dơi, tính ra mỗi ngày dì thu nhập được 100 nghìn. Tuy nhiên đó là vào mùa mưa, chứ không thì cũng ế, “con cái dì không đứa nào muốn theo việc mẹ nó bởi nó chê ít tiền”, giọng dì chùng xuống.

Khi chúng tôi hỏi bạn Lê Thị Thu (sinh viên Đại học Khoa học Huế) về nghề dán áo mưa, thì nhân được câu trả lời: “Mỗi lần mua mới cũng khó nghĩ, sinh viên đa phần là sống xa nhà, tiết kiệm được cái gì thì tiết kiệm. Nhờ có những người sửa áo mưa mà chúng em dư ra được ít nhiều tiền.”


Áo mưa ở cơ sở chị Lương vừa xuất khẩu vừa phân phối trên địa bàn Tp. Huế

Với cá nhân làm nghề dán áo mưa thì như vậy còn ở cơ sở sản xuất áo mưa thì tình hình khá khả quan. Đến thăm cơ sở sản xuất áo mưa của chị Nguyễn Thị Lương ở 8/9 kiệt 23 Nhật Lệ, chúng tôi cảm nhận được không khí làm việc sôi nổi của những người thợ nơi đây. Mỗi ngày cơ sở của chị làm được 200 cái áo mưa, một phần là xuất khẩu sang Lào, còn lại là phân phối khắp các chợ trên địa bàn thành phố Huế. Mỗi chiếc áo mưa ở cơ sở sản xuất của chị có giá dao động từ 40 – 50 nghìn. Theo chị, dán áo mưa khó nhất là lúc dán mũ mưa vào thân áo, bởi nó quyết định cho áo mưa có dùng được lúc trời mưa hay không. Nếu làm sai thì lần sau không ai dám đặt hàng nữa. Cơ sở chị làm áo mưa quanh năm để xuất sang Lào. Chị cũng nói thêm giá cả áo mưa rẻ hơn so với các năm trước nhưng chất lượng thì đảm bảo và mẫu mã phong phú. “Khách hàng là thượng đế nên không thể để khách họ phàn nàn về áo mưa của cơ sở mình được”, chị Lương chia sẻ.

Xuân Đạt
(Theo TRT)

Similar Articles

Cây châu Phi và điệp vàng gây thương nhớ ở đô thị di sản Huế

Cây châu Phi và điệp vàng gây thương nhớ ở đô thị di sản Huế

Là đô thị di dản, "Thành phố xanh quốc gia", cố đô Huế có hệ

Gánh bún tinh mơ

Gánh bún tinh mơ

5g sáng, nhiều người vừa tạt xe vào lề đường với niềm háo hức sẽ

Buồn vui chuyện… rác

Buồn vui chuyện… rác

“Xanh, sạch, sáng” không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành nhu cầu, nguyện

Sinh hoạt văn hóa dân gian ở đình làng Tết Huế

Sinh hoạt văn hóa dân gian ở đình làng Tết Huế

Vui chơi giải trí sinh hoạt văn hóa dân gian, vào dịp tết đến xuân

Màu tết ở Đông Ba

Màu tết ở Đông Ba

Tết Nguyên đán đã đến gần. Những ngày này, cùng với tiết trời hửng nắng

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose