Văn hóa Huế | Homepage

Thợ kép sống “khỏe”

🕔08.Nov 2015

“Nắng nhiều việc, mưa cũng không ít việc. Chỉ trừ ngày bão, còn mưa cứ che bạt mà làm. Nhưng để theo được nghề, phải có bàn tay khéo léo và niềm đam mê”. Đó là chia sẻ của nhiều thợ kép, “họa sĩ” tạo hình Long, Lân, Quy, Phụng… trên chất liệu xi măng.

Những thợ kép đang “vẽ vời” hoa văn, rồng phượng

Khi chúng tôi đang loay hoay tìm “địa chỉ” thợ kép, một người bạn mách nước cứ đến các… nghĩa trang, thể nào cũng gặp. Y lời, tầm 9 giờ sáng, tại Nghĩa trang Nhân dân TP Huế, trong cái nắng mỗi lúc một đậm, nhiều tốp thợ đang miệt mài làm việc. Chúng tôi ngẩn người thán phục khi thợ kép Hoàng Phương (trú phường An Tây, TP Huế) sử dụng chiếc bay nhỏ xíu “múa” trên chất liệu xi măng, tạo ra hình rồng bay lên. Vui vẻ kể để mưu sinh, từ tuổi đôi mươi anh theo nghề thợ hồ. Nhưng cũng từng thán phục những bàn tay cầm bay mà tạo được rồng bay phượng múa, anh Phương nhất quyết “măn mo” học kép. “Nghề này ngày xưa cha truyền con nối, ít ai truyền ra ngoài. Phải hàng trăm thợ hồ mới có một thợ kép, tô vẽ linh vật, hoa văn trang trí cho các đền miếu, đình làng, nhà thờ họ tộc… Trước đây, nếu thực hiện công trình xây dựng bao gồm cả phần tô vẽ, sau khi thợ hồ hoàn tất công việc, gia chủ mới trọng vọng “vời” riêng thợ kép với món tiền công gấp hai gấp ba thợ hồ”. Vậy nên, cũng như đối với rất nhiều thợ hồ khác, suy nghĩ của anh Phương mặc định, thợ kép là nghề rất “sang chảnh”, không chỉ bởi món tiền công hậu hĩnh được nhận mà chính là sự khéo léo, tinh tế, thẩm mỹ trên mỗi hoa văn hay hình dáng linh vật họ “họa” nên. Đó cũng là yếu tố hấp dẫn anh Phương quyết học nghề. “Do nhu cầu trang trí trên các lăng mộ ngày một nhiều, thợ hồ và thợ kép phải cùng nhau phối hợp, đan xen thực hiện công việc. Vậy nên những ai thực sự đam mê “vẽ vời hoa lá” lên bê tông có nhiều cơ hội quan sát, tự học rồi bắt chước mà làm. Lúc đầu làm những cái đơn giản. Làm hư thì làm lại. Làm chưa vừa ý cũng làm lại. Đến lúc nào sản phẩm “có hồn có vía” mới thôi. Nhiều năm ròng rã như thế, tay nghề cao lên, tui mới bắt đầu làm những phần khó”. Nhấn mũi bay nhỏ xíu một cách điệu nghệ để tạo vảy rồng, mắt rồng, người đàn ông có trong tay 15 năm “làm kép” hồi tưởng lại với cái duyên học nghề.

Cũng “quên ăn quên ngủ” để học “kép”, bây giờ anh Võ Văn Chung (44 tuổi, trú phường An Tây, TP Huế) đã theo nghề được gần 17 năm. Tay nghề là “thương hiệu” nên anh Chung liên tục nhận được các cuộc đặt hàng. Lúc còn trẻ, Chung ở trong đội thợ hồ thường xuyên đến nghĩa trang xây “nhà” cho những người đã ngủ giấc ngàn thu. Những hoa văn, rồng phượng, mai, lan, trúc, cúc… khiến lăng mộ “mềm” đi, cảm giác mang đến ấm áp, và xua đi sự lạnh lẽo chốn nghĩa trang. Đó cũng là một trong những lý do để anh đến với nghề kép. Chẳng ai dạy. Tất cả những thợ kép đang làm chung công trình đều là thầy của anh.

“Thổi hồn” vào xi măng

Người thợ phải “thuộc làu” quy trình “kép”, rồi từ chiếc bay, xi măng, màu nước sáng tạo ra muôn hình vạn trạng hình ảnh các linh vật, hoa lá, các ông thần tài, chữ nghĩa, điển tích lên đình, chùa, lăng tẩm… Đầu tiên là công đoạn trộn xi măng với nước thành một dạng hồ, trát lên nơi cần “kép”, vẽ lên đó những hình ảnh sẽ thực hiện. Đợi xi măng “se” lại, thợ kép sẽ dùng bay khắc, đắp hình. Nếu cần màu sắc cho y phục của các ông Phúc, Lộc, Thọ hay vảy rồng, hoa lá…, người thợ mới sử dụng đến chiếc chổi và màu nước. Ngày trước, người ta chuộng “màu mè” sơn son thếp vàng nên thợ kép phải “tinh mắt, chắc tay” trong khâu pha màu trước khi tô vẽ. Nay, sản phẩm “kép” bằng xi măng lên ngôi. Dù là lựa chọn nào của khách hàng, thợ kép cũng phải “thổi hồn”, khiến cho trên chất liệu xi măng nhưng hoa vẫn tươi, chim như hót, rồng như bay lên…

Ông Nguyễn Văn Hưng (62 tuổi, trú phường An Cựu), thợ kép hơn 20 năm tuổi nghề, tâm sự, để đạt đến tinh hoa nghề kép, phải hội tụ tất cả các yếu tố như khiếu thẩm mỹ, bàn tay khéo léo, niềm đam mê… Riêng việc tính mất bao nhiêu thời gian chờ hồ đủ độ khô để có thể tạo hình cũng tùy thuộc vào độ nhạy của người thợ với thời tiết. Nắng thì khỏe. Trời mưa, ẩm ướt phải đợi rất lâu. Nếu muốn kịp tiến độ hoặc tiết kiệm thời gian, có lúc thợ kép phải “nhờ” quạt điện. “Tuy nhiên điều đó chỉ thực hiện được khi thực hiện các sản phẩm có thể làm tại xưởng hay các công trình trong khu dân cư. Còn lúc “lang thang” ngoài nghĩa trang thế này thì…”. Ông Hưng bảo, tuy nhiên, người thợ sẽ “cải thiện” bằng cách làm cuốn chiếu. Tính toán sao cho phần này thực hiện xong, phần khác cũng vừa đến độ khô cho phép. Trước thắc mắc, nếu mưa lớn thì làm sao “kép”, sao có việc, người thợ tóc pha sương cười chắc nụi: “Nắng nhiều việc, mưa cũng không ít việc. Chỉ trừ ngày bão, còn mưa cứ che bạt mà làm”.

Theo nhiều thợ kép, bây giờ công việc này phần nhiều “trải” dài theo các nghĩa trang. Tiền công từ 300 đến 500 nghìn đồng một ngày là sự “đối đãi” xứng đáng với những bàn tay khéo léo. Thợ kép Huế khi mang nghề ra “đánh” xứ người như Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam… đều được đánh giá cao. Bằng chứng là “đơn hàng” cứ đều đặn quanh năm suốt tháng.

Quỳnh Anh
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Người “giữ hồn” bánh đúc mật xứ Huế

Bánh đúc mật là thức quà quê hương bình dị gắn liền với tuổi của

Tình chợ

Ngay lối vào cổng chợ, hàng dừa của chị nằm khiêm tốn giữa những gian

Thương lắm gánh hàng rong xứ Huế

Thương lắm gánh hàng rong xứ Huế

Đến Huế, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh các o, các mệ với

Bóng thiền sư nơi cổ tự

Bóng thiền sư nơi cổ tự

Bên ngoài thất Lắng Nghe, tiếng thông reo vi vút, tiếng chim hót và thi

Trung quân Đô thống Nguyễn Hữu Tiễn – không chỉ là kẻ si tình

Trung quân Đô thống Nguyễn Hữu Tiễn – không chỉ là kẻ si tình

Lâu nay, người ta chỉ biết Phò mã Nguyễn Hữu Tiễn là người đã xây

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose