Văn hóa Huế | Homepage

Trong lòng mưa Huế…

🕔15.Nov 2015
Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Cố đô hơn hai mươi mấy năm rồi mà nó mãi vẫn chưa quen được những cơn mưa xứ Huế. Dầm dề cứ hết ngày này qua ngày khác, lúc nhỏ, lúc to, có lúc như lời thủ thỉ, có lúc lại như tiếng ai oán, thê lương. Huế những ngày mưa như được tráng lên lớp sương bàng bạc. Vốn đã trầm lắng, vốn đã rêu phong, Huế lúc này lại trở nên mong manh đến lạ. Đường phố vắng người qua lại, đâu đó lại văng vẳng tiếng thở dài não ruột. “Mưa chi mưa dữ rứa Huế ơi!”
Ngồi trong nhà nghe tiếng rao đêm “Ai…bánh bao…khôn…?” lại thêm phần não ruột. Chẳng ai buồn đi đâu, tiếng rao vọng lại như đánh thức từ sâu thẳm trong tâm hồn người Huế sự cô đơn đến lạ kì.

Huế thật lạ, thời tiết Huế đỏng đảnh như con gái, nói giận là giận, đùng cái, lại bảo thương. Mới nắng đổ lửa như hôm qua, mà trở mình một cái, mưa, thế là lạnh tê tái. Người Huế biết đó, hiểu đó mà hình như vẫn chưa quen được cái tính thất thường của thời tiết kinh kỳ. Những tiếng “Chao ôi…” “Huế chi lạ rứa Huế hè…” “Ơi là Huế…” vẫn thường thốt lên trong những ngày như thế.


Ảnh: internet

Tôi sợ cơn mưa đất Thần kinh này. Cứ nghe mưa ào ào phủ trắng xóa cả một bầu trời lại nghĩ về những cơn lũ đến vội. Hai mươi mấy năm trời, tôi nhận ra lũ gần như làm bạn với miền Trung quê tôi. Sau những chuyến mưa dài, nước tràn bờ, mọi người lại thấp thỏm lo âu, cứ hàng ngày ngồi ngóng tin thời tiết, rồi khấn Phật, cầu trời… Nghe báo tin lụt, nhà nhà đi chợ, người người đi siêu thị, người ta lũ lượt kéo nhau mua đồ dự trữ trong nhà. Những thứ quen thuộc trong mùa lũ vẫn luôn là mì gói, cá thịt hộp, trứng… rồi đèn dầu, đèn sáp, đèn pin… Phải chuẩn bị tất cả những thứ cần thiết vì ngay cả người Huế quen lắm lũ Huế mà vẫn chẳng biết nó sẽ viếng thăm bao lâu và như thế nào.

Tôi đã từng đi qua cơn lũ lịch sử 1999. Hồi đó tôi nhỏ lắm, nhưng kí ức về cơn lụt đáng sợ vẫn luôn ám ảnh trong tôi. Nước lênh láng nhấn chìm bao mái nhà, bao con đường, quanh nhà tôi lúc đó chỉ còn là một biển nước. Tôi đứng trông xuống, những chiếc đò được sử dụng tối đa để vận chuyển lương thực tiếp tế cho nhà dân, nhiều người phải bơi cả một quãng dài để đi xin gạo, đèn dầu. Và tôi thấy, nhiều người leo lên tận mái nhà ngồi tránh lũ, họ cầu nguyện nước lũ đừng lên nữa vì họ chẳng còn biết phải tránh ở đâu. Nhà tôi lúc đó có rất đông người, người ta đến xin ở nhờ, phía dưới đã ngập hết cả, mọi người tập trung ở tầng trên. Nhiều gia đình muốn qua ở, nhưng không còn đường để đi, thế là…Trời mưa tầm tã, chú hàng xóm dỡ từng viên gạch ngói, cõng mẹ mình qua mái nhà chông chênh, từng bước, chậm rãi, chậm rãi- cảnh tượng mà cho đến giờ mỗi lần nhớ lại tôi vẫn thấy kinh hoàng. Trong phút giây sống- chết, con người chỉ có quyền bước tiếp, bước tiếp mà thôi. Và sau đó, mấy ngày liền, chúng tôi tiết kiệm từng hạt gạo, từng giọt nước, để chi dần qua mùa lũ. Người già ngủ trên giường, người trẻ thức, đám con nít chúng tôi cứ co người lại trên chiếc ghế gỗ được xếp kề nhau thay cho chiếc giường con. Nước uống là nước trời, cứ đem tất cả thau, chậu ra hứng nước mưa để uống. Và sau đó, tôi không thể nhớ bằng cách nào, tất cả chúng tôi sống sót qua trận lũ lịch sử kéo dài hơn một tuần ấy. Chỉ nhớ khi đó, tôi chợt hiểu ra, đứng trước khó khăn, người miền Trung mới thấy hết cái nghĩa, cái tình quê mình, một hạt cơm chia đôi, một điếu thuốc chuyền tay nhau qua cái rét, họ đùm bọc nhau như chính ruột thịt. Và rồi, nhiều nhiều nữa những trận lũ sau đó…

Sợ đó, nhưng đôi khi tôi vẫn nghĩ, có lẽ khó khăn đã làm nên cái chất của người miền Trung, chịu thương, chịu khó, lá đùm lá, mà có lẽ cũng vì thế người miền Trung gắn kết, biết yêu thương nhau nhiều hơn chăng?


Ảnh: internet

Thật lạ, trong tôi, sợ đó mà lại vừa yêu đó, những cơn mưa xứ Huế. Nhiều tháng, nhiều năm, nó đã nuôi lớn trong tôi những cảm xúc sâu lắng qua những khúc mưa, nghe được những thổn thức của lòng mình. Chỉ có những ngày mưa, tôi mới thật sự đối diện với chính tôi, nỗi cô đơn và những khát khao được che chở, nỗi buồn và sự ôm ấp được sẻ chia, tôi thấy rõ hơn chính tôi qua những cơn mưa Huế. Tôi trưởng thành hơn sau mỗi độ mưa về…

Mà có lẽ không chỉ riêng tôi, không chỉ riêng những người sinh ra lớn lên trên mảnh đất này, mà cả những người từ phương xa đến vì lí do nào đó trú chân ở Huế trong mùa mưa, hình như cũng đã nặng lòng, nặng tình với mưa xứ Huế. Họ nói với tôi về nỗi nhớ nhà đến thắt ruột gan mỗi đêm trở mình trong tiếng mưa xối xả trên những mái nhà kéo dài hết cơn này qua cơn khác, lúc đó chỉ một mực muốn xách ba lô, bỏ lại tất cả để về với gia đình mà thôi. Thế mà đi xa rồi, họ lại nặng lòng, nhắc mãi về cơn mưa xứ Huế. Hình như người ta thường yêu những cái khiến người ta sợ, và thi thoảng lại sợ cả cái mà mình yêu. Tôi bất giác cười khi nhớ ai đó từng nói vu vơ với tôi “Chia xa rồi anh mới thấy yêu em.” Hình như điều đó đúng với cơn mưa ở xứ thần kinh này. Với nhiều người, mưa Huế, ở thì ghét mà đi rồi lại nhớ, lại thương. Còn riêng tôi, thương và nhớ ngay cả trong lòng mưa Huế…

Hoài Cẩm
(Theo TRT)

 

Similar Articles

Mưa Huế, lụt Huế

Mưa Huế, lụt Huế

Những ngày xa nhà làm quen với đời sinh viên ký túc xá, mưa Huế

Lụt Huế

Lụt Huế

Đêm nghe nước lên từng hồi. Từ Chi Lăng, Phú Hậu, An Hoà, Tây Lộc

Lụt Huế

Lụt Huế

Khái niệm bốn mùa xuân, hạ, thu, đông với ông trời xứ Huế cho đến

Quãng nghỉ trong đời

Quãng nghỉ trong đời

Gần đây, rất nhiều người bạn của tôi có mong muốn được trở thành công

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Tôi từng là đứa con nít mê chuyện cổ tích và trò chơi bán đồ

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose