Văn hóa Huế | Homepage

“Vọng phu” xóm chài

🕔21.Nov 2015
Biển vốn hào sảng với ngư dân nhưng biển cũng “bạc” khi cướp đi của họ nhiều thứ. Và đằng sau chuyến biển định mệnh là câu chuyện của những người ở lại – “đá vọng phu” xóm chài.Nỗi đau trước biển

Đã gần hai năm trôi qua, giờ đây, thỉnh thoảng trong những ngày rỗi việc, những người phụ nữ có chung hoàn cảnh mất chồng trong những những chuyến đi biển lại ngồi quay quần bên nhau, hỏi thăm, sẻ chia ngọt bùi trong cuộc sống.

Không mấy vui khi nhắc lại chuyện cũ, bà Nguyễn Thị Tuyết (thôn An Hải, thị trấn Thuận An) trầm ngâm: “Mới đó mà đã sắp đến cái kỵ thứ hai của anh Hoàng. Sống biển hồ lai láng, chết kể tháng kể ngày. Hồi đó khi anh ra biển đi bạn, chị em phụ nữ chúng tôi như có linh tính chẳng lành. Anh Hoàng bị đau tê tay chân, nói đi một chuyến nữa về ăn tết, ai ngờ…đi mãi.” Bỏ lửng câu nói, bà Tuyết quay mặt đi như giấu dòng nước mặt chực trào.


Những ngày rỗi việc, chị em phụ nữ có chung hoàn cảnh mất chồng khi đi biển ngồi lại với nhau để chia sẻ buồn vui cuộc sống

Chừng ấy thời gian cũng không làm cho người trong cuộc cùng ngư dân Thuận An “quên” đi được cái buổi sáng định mệnh 18/1/2014. Ông Hồ Hiền, thuyền trưởng chiếc tàu xấu số TTH 6629- ngư dân duy nhất sống sót trong chuyến đi biển định mệnh, kể: “Sau chuyến đi biển, khoảng 7 giờ sáng hôm đó tàu vừa vào tới bờ, cách cảng Thuận An chừng hơn một 1km từ phao số 1 thì tàu bị mắc cạn và bị sóng đánh ngang nên chìm, anh em chỉ kịp phát tính hiệu cầu cứu. Tàu chìm, cả 5 anh em chúng tôi trong chốc lát đều hất văng xuống biển. Lúc đó gió rất lớn, sóng to, dù anh em có kịp mặc áo phao nhưng bị vướng vào ngư lưới cụ, phải cởi áo phao ra mà bơi. Không ai có thể cứu ai cả, sóng đánh mỗi người đi mỗi phương.”

Đến khoảng 9 giờ sáng, lực lượng BĐBP cùng ngư dân đã cứu sống được ông Hồ Hiền khi ông may mắn bám được vào một mảnh nắp hầm để bơi vô sát bờ. Thi thể của những bạn thuyền trên tàu cá ông Hiền gồm Võ Văn Hoàng, Phạm Tòa, Nguyễn Văn Hải cũng được lực lượng chức năng tìm thấy sau đó. Riêng thi thể anh Phạm Thú từ đó đến nay vẫn chưa tìm được.

Từ ngày xảy ra tai nạn, bà Nguyễn Thị Lượng (thôn Hải Bình, vợ ông Phạm Tòa) một vai nuôi 4 người con khôn lớn. Hai đứa lớn đã đi làm xa, hai đứa nhỏ sau vẫn còn đang đi học. Cả gia đình chỉ dựa vào nghề rửa chén bát thuê của bà Lượng.

Bà tâm sự: “Anh Tòa vốn làm nghề đi biển bủa cá cơm gần bờ. Ngày anh mất là chuyến đi biển xa bờ thứ hai. Chuyến đầu đi bạn được 4 trăm nghìn đồng. Nói gắng thêm chuyến nữa rồi nghỉ tết, ai ngờ gặp nạn.”

Về làng biển Phương Diên (xã Phú Diên) chúng tôi được nghe câu chuyện, cũng là nỗi đau không nguôi ngoai theo năm tháng của bà Nguyễn Thị Tân (61 tuổi). Đã 3 năm nay, bà cứ thui thủi một mình, thỉnh thoảng lại ra biển, xem những chuyến tàu mang tôm cá của ngư dân trong thôn trở về, như tìm kiếm một cái gì đó trong dòng người nhốn nháo khi thuyền cập bến chiều hôm.

Ngồi kể lại chuyến đi biển đầy đau thương của người thân mình, trong chuyến ra khơi đánh cá đầu năm 2011, trên thuyền có 5 người gồm chồng bà, ông Nguyễn Thanh Câu làm thuyền trưởng, con trai Nguyễn Duân và con rễ là Hồ Văn Chạy cùng hai bạn thuyền trong thôn Phương Diên. Lúc 10 giờ sáng, khi tàu ra khơi đến bờ biển Cảnh Dương (xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc) thì gặp sóng lớn, thuyền ông Câu gắng tấp vào bờ tránh gió nhưng không được. Đang loay hoanh tìm cách tránh sóng dữ thì thuyền bị lật, cả 5 thành viên chỉ duy nhất anh Duân sống sót khi may mắn vớ được phao cứu sinh trên thuyền, trôi dạt vào mũi Chân Mây đông một ngày sau đó.

Chiều tối ngày hôm đó bà Tân mới nhận được tin, ngất lịm ngay trước sân nhà mình. Suốt nhiều ngày sau, bà Tân cùng con gái là Nguyễn Thị Liễu (vợ anh Chạy) thuê thuyền tìm kiếm suốt vùng biển ven bờ. Tìm thấy được thi thể chồng và con rể mang về quê an táng.

Mộ gió cho chồng

Trong câu chuyện rủi may trên biển, có người tìm được thi thể người thân để xây nấm mồ hương khói. Nhưng cũng có những gia đình cứ day dứt mãi nỗi đau người thân họ vĩnh viễn nằm lại giữa trùng khơi. Đó là trường hợp anh Phạm Thứ, thuyền viên trên chiếc tàu do ông Hồ Hiền làm thuyền trưởng.

Bà Hồ Thị Xuân (thôn An Hải) vợ anh Thú cho biết: “Khi tai nạn xảy ra ngày 18/1/2014, mình cùng bà con ngư dân ròng rả cả tháng trời rảo thuyền khắp nơi từ vùng biển Quảng Công, Quảng Ngạn vào tận tới Đà Nẵng để tìm thi thể của chồng nhưng đều bặt vô âm tính. Nghe chỗ mô nói có thi thể người dạt vào, mang màu áo chi, trên mặt có đặc điểm chi mình đều tìm tới nhận nhưng đều không phải”.


Bà Tâm với nỗi niềm trước biển

Từ ngày anh Thú mất, một vai bà nặng gánh 4 người con. Gia đình không lấy gì khá giả, chủ yếu dựa vào những chuyến đi bạn của chồng nên hai đứa con lớn lần lượt bỏ học, phải làm công nhân ở tận Kon Tum. Đứa con gái đi lấy chồng chỉ mình bà ở với đứa con út là Phạm Thanh Tú (5 tuổi). Bao nhiêu tình yêu thương, nỗi nhớ chồng giờ đây bà dành hết cho người con ở lại.

Bà Xuân kể: “Lúc bố cháu mất, cháu mới 3 tuổi không biết gì. Giờ ai hỏi bố cháu đi mô, cháu cũng nhanh nhảu nói đi bủa ghẹ ở vùng biển Đà Nẵng hết. Khi nghe chúng bạn nói, về nhà hỏi bố đâu, mình cũng không biết trả lời sao cho nó hiểu.” Nói đoạn, bà trầm ngâm, khuôn mặt đanh lại những hình dấu chân chim trên đuôi mắt.

Gia đình bà Xuân ngoài anh Thú còn có anh trai là Phạm Phu cũng nằm lại giữa biển khơi, không tìm được thi thể. Với cư dân vùng biển, mỗi chuyến ra khơi ngày tiết thời không thuận là chuyến biển mang theo bao nỗi lo lắng của những người mẹ, người chị ngóng trông trên bờ. Mỗi khi thuyền cập bến cũng là lúc chứa chan bao niềm hi vọng của những người phía bờ ngóng trông.

Để có một mộ phần hương khói, cũng như nhiều gia đình có nỗi đau trước biển, bà Xuân cũng làm mộ gió cho chồng. Người dân vùng biển có một tập tục là những người bị nạn trên biển, không tìm được thi thể thì phải làm mộ gió, dựng cây tre sát biển, trên cây tre buộc mảnh vải trắng (nhìn như cây nêu) trong 3 ngày với niềm tin là gọi hồn người chết trở về nhập vào ngôi mộ (tục gọi là lễ chiêu phan nhập mộ), như một niềm an ủi với người còn sống, lấy nơi cho con cháu thờ vọng. Thân thể người mất sẽ được làm tượng trưng bằng đất sét để an táng, có nơi hương khói.

Tại Thuận An, còn có trường hợp gia đình bà Nguyễn Thị Quả (thôn Hải Bình), chồng là ông Phạm Văn Dõ, khi theo tàu của ông Ngô Dình (thôn Hải Tiến) đánh cá ở vùng biển Hoàng Sa không may trong đêm tối đi sẩy chân, mất tích trên biển. Khi những bạn thuyền phát hiện, quay trở lại thì không tìm thấy thi thể đâu nữa.

Dường như, với cư dân vùng bãi ngang, không có nỗi đau thương mất mát nào lớn hơn những ngư phủ là người thân của họ mãi mãi ở lại với biển xanh. Sáng mai ra, những chuyến cá tôm tươi ròng nước biển vẫn theo các mẹ, các chị rong ruổi đến từng góc chợ, mấy ai nghĩ rằng đó là thành quả lao động cần mẫn nhưng đầy hiểm nguy của những người con biển cả?!

Các địa phương Thuận An, Phú Diên (huyện Phú Vang) có trên 500 phương tiện đánh bắt hải sản xa bờ và gần bờ. Những năm qua, cùng với chính sách hỗ trợ ngư dân đóng mới, cải hoán tàu thuyền, giúp ngư dân vững vàng bám biển, chính quyền địa phương đã nâng cấp các âu thuyền, cảng biển, có chính sách tuyên truyền ngư dân trong mùa mưa bão nhằm tránh những tại nạn đáng tiếc xảy ra.
Hà Nguyên
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Cây châu Phi và điệp vàng gây thương nhớ ở đô thị di sản Huế

Cây châu Phi và điệp vàng gây thương nhớ ở đô thị di sản Huế

Là đô thị di dản, "Thành phố xanh quốc gia", cố đô Huế có hệ

Gánh bún tinh mơ

Gánh bún tinh mơ

5g sáng, nhiều người vừa tạt xe vào lề đường với niềm háo hức sẽ

Buồn vui chuyện… rác

Buồn vui chuyện… rác

“Xanh, sạch, sáng” không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành nhu cầu, nguyện

Sinh hoạt văn hóa dân gian ở đình làng Tết Huế

Sinh hoạt văn hóa dân gian ở đình làng Tết Huế

Vui chơi giải trí sinh hoạt văn hóa dân gian, vào dịp tết đến xuân

Màu tết ở Đông Ba

Màu tết ở Đông Ba

Tết Nguyên đán đã đến gần. Những ngày này, cùng với tiết trời hửng nắng

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose