Văn hóa Huế | Homepage

An Cư hay Lập An?

🕔21.Dec 2015
Không đồng tình tên đầm An Cư đổi thành đầm Lập An, các cụ cao niên trong Hội đồng làng An Cư Đông nhiều lần có đơn kiến nghị đề nghị đổi trở lại tên ban đầuĐầm Lập An (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc) có diện tích mặt nước rộng 15km2, hệ thống thủy sản phong phú, đa dạng; địa giới kéo dài từ chân đèo Phú Gia về tới cửa biển Hải Vân, 8/9 tổ dân phố có ranh giới giáp đầm nên người dân trước đây và hiện nay đa số vẫn sinh sống bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản.

Mưu sinh trên đầm An Cư. Ảnh: Louis Nguyễn

Tên đầm Lập An (Lập An là tên một thôn) được chính quyền địa phương sử dụng trong giao dịch hành chính cách đây hơn 20 năm, nhưng không được đa số người dân đồng tình, đón nhận vì tên đầm An Cư đã ăn sâu vào tư duy của người dân địa phương, nên đa số người dân vẫn sử dụng tên cũ là đầm An Cư hay đầm Lăng Cô mỗi khi nhắc đến. “Năm 2001, không biết vì lý do gì đầm An Cư lại đổi tên thành đầm Lập An, con đường chạy dọc theo đầm An Cư từ thôn Loan Lý đến cầu Lăng Cô cũng được đặt thành đường Lập An”. Ông Nguyễn Văn Hoàng, Hội chủ làng An Cư Đông cho biết.

Theo châu bộ của làng An Cư Đông thì làng được thành lập năm 1558. Thời Cảnh Hưng thứ 12 (1752) làng có tên là Phường Phước An Kiều Cư, thời Minh Mạng thứ 11 (1831), lấy từ “An” và “Cư” trong cụm từ Phước An Kiều Cư để đặt tên cho làng thành Ấp An Cư (mong muốn con dân trong làng được an cư, lạc nghiệp). Đến thời điểm trước và sau năm 1945, cái tên An Cư một lần nữa được dùng để đặt tên cho tổng An Cư, khu vực rộng lớn hơn, gồm 5 xã: Lộc Bình, Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh và thị trấn Lăng Cô. Hiện nay, tên An Cư vẫn được ba làng giữ lại để đặt tên cho làng (gồm 5 tổ dân phố), chỉ thêm một chữ ở đằng sau như: An Cư Đông, An Cư Tây, An Cư Tân. Như vậy, địa danh An Cư đã gắn liền với lịch sử của nhiều làng, nhiều xã kéo dài gần 200 năm; trải qua nhiều thời điểm tách, nhập địa giới và có giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời với người dân nhiều địa phương.

Hội đồng làng An Cư lục lại châu bộ của làng

Riêng địa danh đầm An Cư thì sách Đại Nam Nhất Thống Chí (1875) ghi lại, ban đầu đầm có tên gọi tự phát là đầm Sam (do ở vùng đầm này có rất nhiều sam); một số tài liệu khác cũng cho biết đầm có tên khác là vũng Sò (vùng nước có nhiều sò sinh sống). Đến thời vua Kiến Phúc (1883), đầm chính thức có tên là đầm An Cư (một số người dân trong vùng nói chệch là vịnh An Cư hay vụng An Cư).

Tên gọi đầm An Cư được Địa chí Thừa Thiên Huế (xuất bản năm 2005) ghi lại khá tỉ mỉ: “Đầm An Cư (còn có tên gọi là đầm Lập An hay đầm Lăng Cô) là thủy vực biệt lập, tương đối đẳng thước và kéo dài gần theo hướng Bắc – Nam. Chiều dài gần 5-6 km, chiều rộng 2-4km, tổng diện tích mặt nước 15km2. Chiều sâu đầm phổ biến 1-3m, tại vùng cửa đầm có lạch sâu tới 10m. Đầm An Cư giao lưu với biển Đông qua cửa Lăng Cô”.

Có một điều mâu thuẫn là dù tên gọi chính thức về mặt hành chính thì sử dụng tên đầm Lập An, nhưng trong các bản đồ quân sự từ trước đến nay đang lưu giữ tại Ban chỉ huy Quân sự huyện và bản đồ “Di tích và Danh thắng Thừa Thiên Huế” được vẽ năm 1996 vẫn lấy tên cũ là đầm An Cư.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, Hội chủ làng An Cư cho biết: “Sau khi người dân làng An Cư làm đơn kiến nghị, vào năm 2008, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản trả lời đơn kiến nghị của nhân dân làng An Cư về tên gọi của đầm, trong đó cũng đã nhấn mạnh “địa danh An Cư tồn tại và đi vào đời sống của nhân dân địa phương từ nhiều thế kỷ nay, đồng thời cũng đã được các tài liệu, sách báo, bản đồ địa lý hành chính lưu lại…”. Qua văn bản, Sở đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành kinh tế tổng hợp, UBND huyện Phú Lộc khi có điều kiện cần phải chỉnh sửa lại bản đồ địa lý và thống nhất tên gọi phù hợp với truyền thống và nguyện vọng của nhân dân địa phương.

Chính quyền thị trấn Lăng Cô cũng không đồng tình với việc sử dụng tên của một thôn để đặt tên cho đầm, nhưng vì chưa có văn bản thống nhất tên gọi nên hiện nay tên đầm Lập An vẫn đang được sử dụng trong giao dịch hành chính. Ông Nguyễn Văn Thành – Phó bí thư thị trấn Lăng Cô kiến nghị: “Đầm An Cư có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa lâu đời, được đại bộ phận người dân địa phương đón nhận. Chúng tôi đề nghị cấp trên quan tâm, có văn bản chỉ đạo thống nhất tên gọi đầm An Cư trong các văn bản hành chính để phù hợp với yếu tố lịch sử, văn hóa và nguyện vọng của cử tri thị trấn Lăng Cô”.

Tiến Vinh
(Theo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Tra Am là ngôi chùa mà tôi biết sớm nhất ở Huế. Đó là khi

Gánh bún tinh mơ

Gánh bún tinh mơ

5g sáng, nhiều người vừa tạt xe vào lề đường với niềm háo hức sẽ

Huế và hoàng mai

Huế và hoàng mai

Ký ức một thời lại về trong mỗi người, mỗi gia đình khi sắc màu

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Nhiều thế hệ Việt Nam, đã từng quen thuộc với hình ảnh "chú bé loắt

Bắp miệt Cồn

Bắp miệt Cồn

Cồn Hến, nhìn lên cầu Trường Tiền - Ảnh: wikipedia Mỗi lần qua về Cồn Hến,

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose